Cơ hội việc làm của nghề giao dịch viên
Giao dịch viên ngân hàng là một trong những vị trí nhân viên ngân hàng “hot” khi xin việc. Giao dịch viên (hay còn có tên gọi khác là cán bộ kế toán với các ngân hàng thương mại Nhà nước) là người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nhằm giải đáp các thắc mắc cũng như thực hiện các yêu cầu của khách hàng trong khả năng và nhiệm vụ của mình nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt nhất đến khách hàng.
Thường vị trí việc làm giao dịch viên yêu cầu kinh nghiệm liên quan đến chăm sóc khách hàng hoặc tín dụng, tài chính. Tuy nhiên, với những bạn sinh viên mới ra trường thì vẫn có cơ hội trở thành giao dịch viên khách hàng dù chưa có nhiều kinh nghiệm. Về chuyên môn, giao dịch viên phải tốt nghiệp các trường đại học ngành kinh tế. Vị trí giao dịch viên không quá kén chuyên ngành học, các bạn học kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính doanh nghiệp,…vẫn có thể ứng tuyển làm giao dịch viên. Tuy nhiên các bạn phải trang bị cho mình kiến thức bộ môn kế toán ngân hàng.
Cơ hội làm việc của giao dịch viên khá rộng mở, những người muốn làm trong ngành này có thể tìm thấy vị trí của mình tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trụ sở chính tại Hà nội, cùng 64 chi nhánh ngân hàng tại các tỉnh thành trong cả nước và 5 doanh nghiệp trực thuộc hoặc Quỹ Tín dụng Nhân Dân Trung ương với 24 chi nhánh ở các tỉnh, thành phố và 898 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.
Các công việc giao dịch viên thường gặp tại Việt Nam
Giao dịch viên chuyên nghiệp là đội ngũ đảm nhiệm vai trò xây dựng hình ảnh ngân hàng đối với công chúng. Đối với hầu hết khách hàng, giao dịch viên chính là bộ mặt của ngân hàng, những cá nhân đại diện cho ngân hàng. Nhiều dịch vụ của ngân hàng được hoàn tất ở mỗi chi nhánh thông qua giao dịch viên, huấn luyện giao dịch viên chuyên nghiệp là cách tốt nhất để cải thiện hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Là vị trí làm việc tại quầy, tiếp xúc, xử lý các giao dịch trực tiếp với khách hàng, các công việc của một giao dịch viên bao gồm các công việc tìm hiểu nhu cầu, tư vấn khách hàng đối với các sản phẩm tiền gửi, tư vấn, bán chéo các sản phẩm của ngân hàng, thực hiện các nghiệp vụ kế toán giao dịch, kho quỹ. Đi vào chi tiết, 1 giao dịch viên nắm rõ và đảm nhiệm 5 mảng nghiệp vụ cơ bản như sau:
- Việc làm Giao dịch Tài khoản
Trong hệ thống giao dịch, giao dịch viên cần nắm rõ khá nhiều các loại tài khoản cơ bản, bao gồm: tài khoản tiền gửi gồm tiền gửi không kỳ hạn (là tài khoản thanh toán hoặc tài khoản tiết kiệm không kỳ hạn) và tiền gửi có kỳ hạn (gồm các sản phẩm tiết kiệm thông thường, tài khoản thả nổi, tài khoản cho con…& các giấy tờ có giá cơ bản như kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi..), tài khoản tiền vay, các loại tài khoản khác như tài khoản ký quỹ, tài khoản chuyên chi, chuyên thu, tài khoản trung gian…
Bên cạnh đó, việc làm giao dịch viên giao dịch tài khoản cần nắm được các loại quy trình cơ bản như quy trình liên quan đến mở tài khoản khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, quy trình mở sổ tiết kiệm, quy trình nộp/rút tiền, quy trình truy vấn/phong tỏa tài khoản…
Vị trí này thường yêu cầu tốt nghiệp các trường đại học có liên quan đến ngành tài chính ngân hàng. Giao dịch viên giao dịch tài khoản cũng cần có khả năng chịu áp lực công việc, kỹ năng nói và viết tiếng Anh tốt, sử dụng thành thạo phần mềm tin học văn phòng. Mức lương trung bình: 6.000.000- 8.000.000 VNĐ/tháng.
- Việc làm Giao dịch Thẻ
Với cácgiao dịch thẻ, giao dịch viên cần nắm được các thông tin cơ bản, gồm phân loại thẻ: Có 3 loại thẻ là thẻ ghi nợ (Debit), thẻ trả trước (Prepaid) và thẻ tín dụng (Credit).
Trong đó, thẻ ghi nợ là sản phẩm thẻ tiêu tiền trong phạm vi số tiền đã có trong tài khoản. Thẻ trả trước là sản phẩm thẻ theo đó khách hàng sử dụng số tiền đang có trong thẻ. Nếu sử dụng hết tiền trong thẻ thì phải chuyển thêm tiền vào thẻ này. Tóm lại thẻ này hoàn toàn cách ly với tài khoản thanh toán ngân hàng của bạn. Loại thẻ này giống với các loại thẻ cào điện thoại. Thẻ tín dụng là thẻ tiêu trước trả sau, miễn lãi tối đa 45 ngày (về bản chất đây là 1 khoản vay)
Nhân viên giao dịch thẻ phải nắm rõ quy trình phát hành thẻ. Mức lương trung bình: 6.000.000- 8.000.000 VNĐ/tháng.
- Việc làm Giao dịch thanh toán
Thanh toán qua Ngân hàng là hình thức thanh toán bằng cách ngân hàng trích từ tài khoản của khách hàng này sang tài khoản khách hàng khác theo lệnh của chủ tài khoản.
Với các giao dịch thanh toán, về tổng thể giao dịch viên cần nắm được các nghiệp vụ cơ bản gồm: Các phương thức thanh toán trong nước như ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, thẻ, séc, quy trình chuyển tiền/nhận tiền đến trong nước, các phương thức thanh toán quốc tế như điện chuyển tiền TTR, nhờ thu, L/C, C.A.D. Mức lương trung bình: 6.000.000- 8.000.000 VNĐ/tháng.
- Việc làm Giao dịch Ngân quỹ
Các kiến thức nghiệp vụ về giao dịch ngân quỹ phục vụ cho giao dịch viên nắm được các giao dịch tiền mặt giữa giao dịch viên và chuyên viên kho quỹ, giao dịch viên và khách hàng trong các giao dịch gửi tiền, chuyển tiền…, giữa chi nhánh A và chi nhánh B hoặc giữa chi nhánh và các phòng giao dịch. Theo đó, việc làm giao dịch viên cần nắm được quy trình kiểm đếm tiền, xử lý tiền thừa/giả, cách thức bó tiền.. cũng như các lưu ý, quy tắc trong giao dịch tiền mặt
Yêu cầu khi thực hiện giao dịch ngân quỹ, bạn phải có khả năng chịu áp lực công việc vì đây là công việc chịu rất nhiều áp lực như áp lực thời gian, áp lực doanh số và áp lực về trách nhiệm công việc. Giao dịch viên là người trực tiếp xử lý giao dịch với khách hàng, là người cầm tiền của khách hàng, hạch toán với khách hàng. Chính vì giao dịch trực tiếp liên quan đến tiền nên hoàn toàn phát sinh các rủi ro khi phân biệt tiền thật/giả, hạch toán sai khác hoặc nhầm lẫn, không cân quỹ cuối ngày… Tất cả các rủi ro trên đều ảnh hưởng đến túi tiền của bạn, vì giao dịch viên phải có trách nhiệm đền bù các thiệt hại đã gây ra.
Bạn cũng phải có khả năng đàm phán, thương lượng tốt. Khách hàng của bạn luôn khắt khe và hay phàn nàn về dịch vụ, thời gian và các vấn đề về hợp đồng khác, bạn phải thực sự khéo léo để thuyết phục họ, tạo dựng được niềm tin từ phía khách hàng. Mức lương trung bình: 6.000.000- 8.000.000 VNĐ/tháng.
- Việc làm Giao dịch mua bán ngoại tệ/ kiều hối
Nghiệp vụ giao dịch mua bán ngoại tệ/ kiều hối là nghiệp vụ tương đối cơ bản trong nhóm nghiệp vụ cần thực hiện. Theo đó, giao dịch viên cần nắm được đối tượng được phép giao dịch ngoại tệ, tỷ giá tham chiếu, cũng như cách thức hạch toán giao dịch..
Khác một chút với vị trí quan hệ khách hàng, vị trí việc làm giao dịch viên không bị áp lực về mặt doanh số hoặc ít (nếu có). Tuy nhiên, vị trí giao dịch viên sẽ có áp lực gắn với đặc trưng công việc. Hãy thử tưởng tượng, bạn là người trực tiếp xử lý giao dịch với khách hàng, là người cầm tiền của khách hàng, hạch toán với khách hàng, áp lực bạn phải đảm nhận là tính trách nhiệm đồng thời xử lý giao dịch trong thời gian nhanh nhưng vẫn phải chính xác nhất.
Với vị trí này, ngoài các kỹ năng như trên, bạn phải có sử dụng thành thạo các phần mềm tin học văn phòng (PowerPoint, Word, Excel), có khả năng nói và viết tiếng Anh tốt và khả năng hiểu, phân tích báo cáo. Mức lương trung bình: 6.000.000- 8.000.000 VNĐ/tháng.
Nghề giao dịch viên cũng có nhiều cơ hội thăng tiến, những cán bộ xuất thân từ vị trí này nếu phụ trách kinh doanh thì các mảng huy động, ngoại hối và dịch vụ khách hàng là những lĩnh vực có thế mạnh. Nhìn chung để trở thành 1 giao dịch viên ngân hàng thì bạn cần phải học rất nhiều, thường xuyên và liên tục. Chỉ có như vậy thì bạn mới có thể phát triển và vươn xa trong ngành nghề này được.
Bạn có thể tìm một ngân hàng phù hợp để ứng tuyển vị trí việc làm giao dịch viên tại các trang web tìm việc làm tin cậy như 123job... hoặc truy cập trực tiếp vào website của ngân hàng để biết thêm thông tin chi tiết.