Trà sữa đã không còn xa lạ với chúng ta, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này. Vậy kinh doanh trà sữa như thế nào cho hiệu quả? Hãy cùng 123job tìm hiểu nhé!

Kinh doanh trà sữa - cơ hội hay thách thức cho những start-up trẻ, có nên kinh doanh trà sữa ở thời điểm hiện tại hay không? Những thắc mắc của rất nhiều người khi mới bắt đầu ý tưởng kinh doanh trà sữa mà vẫn còn đang phân vân. Dưới đây sẽ là những thông tin giúp bạn có thể quyết định được có nên hay không kinh doanh trà sữa.
 

I. Kinh doanh trà sữa ở thời điểm hiện tại, nên hay không? 

kinh doanh trà sữa

Kinh doanh trà sữa ở thời điểm hiện tại, nên hay không?

1. Khái quát chung thị trường trà sữa tại Việt Nam

Thị trường kinh doanh trà sữa ở nước ta hiện nay phát triển nhanh phong phú, đa dạng và rất sôi động. Với nhu cầu ăn uống, vui chơi, hội họp, giải trí ngày càng cao của giới trẻ thì việc mọc lên những quán trà sữa, cafe, kem… là điều tất yếu. Theo khảo sát nhóm đối tượng từ 13-38 tuổi có tần suất uống ít nhất 1 lần/tuần, đặc biệt các bạn học sinh, sinh viên có tần suất uống trà sữa 2-3 lần/tuần là tỉ lệ cao nhất chiếm 24%. Những người từ 25-38 tuổi sử dụng trà sữa 2-3 lần/tuần có tỉ lệ 19%. Những con số trên đã cho thấy một thị trường trà sữa vô cùng tiềm năng và hấp dẫn.

Cùng với đó là sự phủ kín, tần suất xuất hiện dày đặc, ta không khỏi bất ngờ với sự mọc lên như nấm của các quán trà sữa, 1km có đến hàng chục quán trà sữa, có rất nhiều thương hiệu từ nổi tiếng đến bình dân ở khắp các thành phố lớn, nhỏ của Việt Nam. 

Không những thế, trong thời gian gần đây những quán trà sữa không còn là địa điểm ăn chơi của học sinh, sinh viên nữa mà nó còn là một địa điểm check in, một loại thức uống quen thuộc, giá rẻ cho dân văn phòng lui tới để làm việc hoặc thư giãn, trò chuyện cùng bạn bè. Chỉ xếp sau đồ uống đá xay, trà sữa đã vươn lên đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng đồ uống ưa thích của giới trẻ, vượt ngưỡng nhu cầu sử dụng cà phê trong tiêu dùng đồ uống Việt.  Với thị trường khách hàng lớn, tiềm năng, có cơ hội mở rộng và phát triển như vậy thì tại sao chúng ta còn chưa kinh doanh trà sữa? Hãy biến mình trở nên nổi bật nhất, khác biệt nhất là điều quan trọng bạn phải làm để dành phần thắng trong thị phần kinh doanh trà sữa Việt Nam.

2. Ước lượng vốn cho các mô hình kinh doanh trà sữa phổ biến

Để ước lượng số vốn cho việc kinh doanh trà sữa là một việc khá khó bởi vì số vốn này tùy thuộc vào việc bạn lựa chọn hình thức kinh doanh nào, mức độ và quy mô mà bạn hướng đến ra sao. Ví dụ như bạn sẽ thấy sự khác biệt giữa kinh doanh mô hình cửa hàng cố định sẽ khác và đòi hỏi nhiều vốn hơn so với kinh doanh dạng xe đẩy hay kinh doanh online. Vì vậy trước khi kinh doanh bạn hãy xác định rõ mục tiêu, số vốn bạn có khả năng bỏ ra, lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp để tính toán một cách kỹ lưỡng.

Kinh doanh trà sữa nhượng quyền từ các hãng nổi tiếng: với hình thức này chúng ta cần đầu tư nhiều tiền để làm hợp đồng nhượng quyền kinh doanh từ các hãng nổi tiếng như Gongcha, Dingtea, The Alley… Với lợi thế của kinh doanh nhượng quyền thì bạn không cần phải chi nhiều tiền cho quảng cáo, truyền thông vì thương hiệu đã nổi tiếng rồi nhưng bạn cần đầu tư cho địa điểm cửa hàng của bạn sao cho vị trí thuận lợi, không gian đẹp, thu hút, đồ uống ngon...

Kinh doanh trà sữa tại nhà có sẵn mặt bằng: với hình thức này, bạn sẽ tiết kiệm được một số tiền thuê mặt bằng lớn nhưng cũng cần chuẩn bị các vấn đề khác như: thiết kế, trang trí quán, công cụ dụng cụ, nguyên liệu pha chế, bảng hiệu, ly, tách, dàn âm thanh cùng nhiều chi phí phát sinh khác. Bạn cũng cần chuẩn bị một khoản vốn dự phòng cho khoảng 3-6 tháng cho việc kinh doanh khó khăn ban đầu. 50 – 100 triệu đồng là số vốn dao động khi kinh doanh trà sữa với hình thức này.

Kinh doanh trà sữa dạng xe đẩy: mô hình này khá phổ biến và thường bắt gặp tại các cửa trường học, chợ, bệnh viện hay trong các khu vui chơi. Bạn chỉ cần mua hoặc thiết kế xe đẩy từ 5-6 triệu, vốn nguyên vật liệu từ 1,5-2 triệu, vốn công cụ dụng cụ bán hàng khoảng 2 triệu, tổng cộng khoảng 10 triệu đồng là bạn có thể kinh doanh theo hình thức này đấy. Mô hình này đặc biệt rất phù hợp với các bạn học sinh, sinh viên hoặc người không có nhiều vốn đầu tư nhưng muốn khởi nghiệp kinh doanh trà sữa.

Kinh doanh trà sữa online: là hình thức kinh doanh ít vốn, ít rủi ro nhất. Bạn chỉ cần một website, một trang cá nhân hoặc fanpage facebook, zalo,…là có thể lập cho mình một quán trà sữa online và bắt tay vào kinh doanh qua mạng. Số tiền bạn cần chuẩn bị chỉ khoảng 2-3 triệu đồng cho việc mua nguyên vật liệu, dụng cụ pha chế, ly, chai, thùng đá,…Tuy nhiên, để thành công bạn cần có một chút kiến thức về marketing và bán hàng online để giúp tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng.

II. Những ý tưởng kinh doanh trà sữa độc đáo đem về lợi nhuận khủng  

1. Kinh doanh trà sữa 2 ngăn

Hẳn là nhiều “thanh niên nghiêm túc” sẽ bĩu môi cho rằng: “Chỉ là trà sữa thôi mà màu mè thấy ghê” khi lần đầu tiên tận mắt thấy những ly trà sữa 2, 3 ngăn này. Nhưng chỉ những ai là tín đồ trà sữa thì mới hiểu nỗi khổ mỗi khi muốn uống nhiều loại trà sữa cùng một lúc, nhưng uống không nổi và túi tiền cũng không đáp ứng được. Thế là trà sữa nhiều ngăn ra đời.

trà sữa 2 ngăn

Trà sữa 2 ngăn

Cơn sốt trà sữa nhiều ngăn bắt đầu ở Sài Gòn, từ 1 quán trà sữa ven đường Hoàng Sa (quận 3, TPHCM). Khi mới ra mắt, mỗi ngày ở đây tiêu thụ hơn 300 ly trà sữa 2 ngăn. Rồi dần dần, cơn sốt len ra khắp Sài Gòn, rồi tới Đà Nẵng và bây giờ là Hà Nội. Từ 2 ngăn đã nhanh chóng “cải tiến” lên 3 ngăn! Từ vị ban đầu là trà sữa, tới nay, đã có thêm nhiều phiên bản như Trà sữa x Trà đào, Trà đào x Hồng trà, Trà sữa x Trà đào x soda…

Trà sữa nhiều ngăn được yêu thích vì nhiều yếu tố. Thứ nhất là ở sự đa dạng và sáng tạo, khi mỗi ngăn là 1 mùi, 1 vị, topping khác nhau, tha hồ lựa chọn, không bao giờ sợ ngán! Thứ hai, bạn bè, người yêu đi uống trà sữa với nhau thế này thì thật tiện – 2 người 1 ly, vừa tình cảm mà lại không sợ mất vệ sinh. Thứ 3, riêng cái “cấu tạo” của ly trà sữa này cũng hết sức dễ thương rồi, đủ sức cho bạn chụp choẹt check in, khoe lên Facebook.

Ở Sài Gòn, bạn có thể dễ dàng tìm được trà sữa nhiều ngăn tại 1 số quán xá nổi tiếng của giới trẻ như Mix n Max, Bếp của Bâu… Ở Hà Nội, hiện trà sữa nhiều ngăn chỉ mới xuất hiện và nổi nhất tại Double Tea (23 Hàng Đường, Quận Hoàn Kiếm). Ngoài ra, dân Đà Nẵng cũng có thể thử loại trà sữa này ở quán Dubble Tea (88 Trần Bình Trọng, Đà Nẵng). Một ly trà sữa 2 ngăn, 3 ngăn thường có giá dao động từ 30 đến 40 nghìn đồng 1 ly, khá vừa túi tiền với các bạn học sinh, sinh viên.

2. Trà sữa bóng đèn

Trà sữa là thức uống được ưa chuộng trong giới trẻ. Nếu bạn cũng là một tín đồ của thức uống này mà lại chưa nghe đến trà sữa bóng đèn thì có lẽ bạn đã cập nhật xu hướng chậm hơn giới trẻ trong khu vực châu Á một thời gian. Đây là trào lưu hiện đang được săn đón nhiệt tình ở nhiều quốc gia, bắt nguồn từ ý tưởng kinh doanh trà sữa của một chủ quán trà sữa tại Đài Loan. Hình ảnh các cô nhân viên có thân hình “vạn người mê” phục vụ trà sữa bóng đèn được đăng tải lên mạng xã hội, tạo nên một cơn sốt mạnh mẽ.

trà sữa bóng đèn

Trà sữa bóng đèn

Ở Việt Nam, trà sữa bóng đèn “đổ bộ” lần đầu tiên tại TP HCM và nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới trẻ. Hà Nội cũng không đứng ngoài xu thế chung khi hiện nay “trà sữa bóng đèn” là từ khóa được quan tâm trên mạng xã hội. Hình dạng độc đáo của chai trà sữa khiến các bạn trẻ đua nhau chụp ảnh check-in. Hiểu được tâm lý này, để tạo sự khác biệt khi kinh doanh trà sữa thì nhiều quán trà sữa đã dán thêm những logo hình thù ngộ nghĩnh, thắt nơ ở cổ chai (phần đui đèn), viết hoặc in tên khách hàng trên vỏ chai… để những bức ảnh thêm phần long lanh.

Dù đều sử dụng chai bóng đèn, đồ uống ở mỗi quán là khác nhau. Ngoài trà sữa truyền thống với trân châu dẻo, còn có trà sữa kem nổi vị mặn, trà Thái xanh, trà Thái đỏ, nước ép, trà hoa quả các vị… được cho vào chai bóng đèn thay vì đựng trong cốc thông thường, tạo sự mới lạ và thu hút khách hàng. Khi trào lưu chai bóng đèn đang ngày một phổ biến, chất lượng của đồ uống chính là yếu tố khiến khách hàng quyết định chọn quán nào để dừng chân.

Trà sữa bóng đèn cũng là một hình thức không mới nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và vẫn được săn lùng rất nhiều. Chiếc ly đựng trà sữa có hình một chiếc bóng đèn dây tóc không chỉ là một món đồ uống ngon, hấp dẫn mà còn là một “đạo cụ” dễ thương để các bạn trẻ chụp hình check-in sống ảo. Khi kinh doanh trà sữa bóng đèn, bạn có thể lựa chọn nhiều ly có dung tích khác nhau (từ 300 – 850ml) để phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Giá cho một ly trà sữa bóng đèn từ 40 – 50 nghìn đồng/ly tùy loại.

3. Trà sữa túi zip

Khởi nguồn của trào lưu này là Sài Gòn, một thành phố năng động và ưa thích mới lạ, trà sữa túi zipper được bày bán từ cuối năm ngoái nhưng phải hè năm nay mới thực sự “sốt xình xịch”. Bỏ qua hộp nhựa truyền thống vừa tốn công đóng gói vừa giữ nhiệt kém, trà sữa trân châu đã thay “áo mới” với túi zipper dày dạn và an toàn. Đặc điểm của túi zipper là dễ dàng mang theo, đúng với phong cách “take away” đang được ưa chuộng thời gian gần đây, lại thêm phần đế tròn có thể đứng được khiến chúng trở thành chiếc túi 2 trong 1 cực kỳ tiện ích. Không chỉ thế, túi zipper được chế tạo khá dày và sạch sẽ lại có thêm khoá kéo ở miệng túi nên khả năng giữ nhiệt tốt hơn hộp nhựa thông thường, trà sữa vì vậy mà mát lạnh và thơm ngon đến giọt cuối cùng. Chính hai đặc điểm này đã tạo nên cơn sốt trà sữa túi zipper tại Sài Gòn.

trà sữa túi zip

 Trà sữa túi zip

Hiện nay thì trà sữa túi đã vượt ra khỏi mảnh đất mang tên Bác để đến với thành phố của những cây cầu – Đà Nẵng. Được truyền nhiệt từ Sài Gòn, trà sữa zipper tiếp tục làm mưa làm gió tại Đà Nẵng, không chỉ giới trẻ mà các bậc phụ huynh cũng thường xuyên mua về cho con nhỏ vì cảm thấy túi nhựa sạch sẽ, đảm bảo lại rất tiện lợi. Trào lưu này nhanh chóng phổ biến vì việc mở một quán trà sữa túi rất đơn giản, không cần mặt bằng rộng, chỉ với xe đẩy chuyên dụng hay bày bán vỉa hè cũng được. Chính sự nhạy cảm nắm bắt xu hướng đã mang về cho nhiều người nguồn thu nhập cực khủng.

Dự đoán trà sữa túi zipper sẽ nhanh chóng lan đến Hà Thành, nhiều chủ quán còn lên kế hoạch mở rộng chi nhánh tại đây, bắt đầu xây dựng hệ thống chuyên nghiệp cho mình. Qua đây mới biết thứ đã cũ chưa hẳn đã hết “hot”, quan trọng là chúng ta biết “xào nấu” ý tưởng kinh doanh thế nào cho thật độc đáo, mới lạ thôi.

4. Trà sữa tháp hot hit

trà sữa tháp

Trà sữa tháp

Vừa mới “du nhập” vào thị trường đồ uống, trà sữa tháp đã ngay lập tức ghi tên mình vào menu các loại trà sữa “hot hit” và gây ra một “cơn bão” vì độ độc lạ của nó. Trà sữa được đựng trong một tháp hình cây xăng độc đáo, có thể có một ngăn hoặc 2 ngăn, đi kèm là nhiều loại topping khác nhau. Khi uống, khách hàng chỉ việc lựa chọn loại topping yêu thích, sau đó “bơm” trà sữa vào ly và thưởng thức. Một tháp trà sữa có dung tích khá lớn, thường trên 1 lít nên phù hợp với các khách hàng đi theo nhóm. Giá cho một tháp trà sữa như vậy khoảng 70-90 nghìn đồng tùy loại.

Thêm một điểm nữa cần lưu ý là hiện nay chưa có quán cafe-trà sữa uy tín nào bán trà sữa tháp mà đa số là các quán trà sữa bình dân, nhỏ lẻ. Chính vì thế, chất lượng trà sữa hay các loại thạch dùng kèm còn tùy thuộc vào quán. Có lẽ vì lý do này mà nhiều người khi thưởng thức trà sữa tháp đã review rằng tháp trà sữa dễ ngán, các món topping đều “quá là bình thường”, chỉ hợp để để thử cho biết.

5. Trà sữa xô

Dù đã “oanh tạc” làng ẩm thực Sài thành vài năm nay, lẩu trà sữa xô vẫn là một trong những món ăn vặt khá mới đối với giới trẻ Hà Nội. Khi các món trà sữa đơn thuần đã trở nên quá quen thuộc với thực khách sành ăn, chủ quán đã thành công khi lấy lòng các bạn trẻ bằng những biến tấu rất sáng tạo. Đúng như tên gọi, đây là một món “lẩu” với thập cẩm các loại thạch trái cây, trân châu, phô mai, caramen, kẹo bông… ngập trong trà sữa đủ vị, được đựng bằng một chiếc xô nhỏ có quai xách khá lạ mắt.

trà sữa xô

Trà sữa xô

Trà sữa thơm dịu, không quá béo, ngọt vừa và không bị “độn” quá nhiều đá lạo xạo bên dưới. Chính giữa xô lẩu luôn có một chiếc bánh caramen (flan) nguyên miếng với nhiều hương vị khác nhau như trà xanh, socola… Theo lời chủ quán, các loại thạch và caramen đều được anh tự làm và được thay đổi luân phiên các vị hàng ngày để món ăn không bị nhàm chán.

Điểm khác biệt rõ rệt nhất ở món ăn này so với trà sữa thông thường là có tới hơn 20 loại topping gồm thạch nhà làm và trái cây thay vì những viên thạch đen đơn điệu. Màu 7 sắc cầu vồng của thạch cùng hình thức đẹp mắt của chiếc xô trong suốt khiến cho món ăn này luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với giới trẻ ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Ngoài lẩu trà sữa thì lẩu trái cây xô của quán cũng rất được ưa chuộng. Xô lẩu trái cây thường với hơn trà sữa một chút, gồm vài miếng thạch rau câu cùng rất nhiều loại quả như mít, kiwi, xoài, dưa hấu, thanh long, táo, lê… Lẩu trái cây xô luôn có một hộp sữa chua mềm đi kèm, được để riêng bên ngoài cho khách tự trộn nhiều hay ít tùy theo khẩu vị.

Giá mỗi xô lẩu trà sữa vào khoảng 40 – 50 ngàn đồng/xô, lẩu trái cây thấp hơn chút ít, khoảng 35 – 40 ngàn đồng. Tuy mức giá mỗi suất ở đây cao gấp rưỡi, gấp đôi trà sữa thông thường nhưng đổi lại, một xô lẩu như vậy lớn gấp 2, gấp 3 lần cốc trà sữa quen thuộc. Khách đến thường gọi một xô lẩu cho 2 đến 3 người ăn mới hết. Nếu có ý định kinh doanh trà sữa xô thì bạn cần chuẩn bị thật nhiều loại thạch hấp dẫn cùng với nước trà sữa thơm béo ngậy, chắc chắn quán trà sữa của bạn sẽ rất đắt khách!

TẠM KẾT

Trên đây là thông tin cơ bản về thị trường trà sữa tại Việt Nam, chúng tôi muốn đưa ra cho các bạn những con số, những tiềm năng trong ngành kinh doanh trà sữa, những ý tưởng kinh doanh trà sữa độc đáo, hấp dẫn có thể làm. Phần 1 tạm kết với những thông tin này, các bạn hãy theo dõi tiếp Kinh doanh trà sữa - Cơ hội hay thách thức (Phần 2) để biết thêm thông tin về cần chuẩn bị như thế nào để kinh doanh trà sữa và các bí quyết kinh doanh trà sữa hiệu quả nhé!