Leadership Development Fellowship (LDF) của Giảng dạy vì Việt Nam là chương trình tìm kiếm và phát triển các bạn trẻ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau. Trở lại với mùa thứ 8, chương trình tiếp tục tìm kiếm các nhân tố với tinh thần bền bỉ, sẵn sàng kiến tạo những thay đổi cần thiết cho giáo dục thông qua việc giảng dạy tại các trường công lập và thực hiện dự án cộng đồng tại địa phương (Quảng Nam, Đồng Tháp) trong vòng 2 năm.
Hai nhiệm vụ trọng yếu của nhóm chuyên môn giảng dạy Tiếng Anh kết hợp kỹ năng thế kỷ 21:
Dẫn dắt các hoạt động tại cộng đồng địa phương;
Triển khai các lớp ngoại khóa theo khung chương trình Tiếng Anh của tổ chức Giảng dạy vì Việt Nam (đã được thẩm định bởi ĐH Sư phạm TP HCM);
với các định hướng cụ thể như sau:
Mục tiêu của Chương trình Tiếng Anh tích hợp kỹ năng thế kỷ 21:
Chương trình ngoại khoá Tiếng Anh góp phần hình thành và phát triển cho học sinh các tinh thần lãnh đạo bản thân và cộng đồng thông qua việc hình thành và phát triển nhóm năng lực thế kỷ 21 gồm có: giao tiếp và hợp tác giải quyết vấn đề, tự học, và những phẩm chất như: yêu thương và có ý thức trách nhiệm với bản thân, bạn bè, gia đình, cộng đồng địa phương, đất nước, môi trường; trung thực, chăm chỉ, nhân ái.
Bổ trợ Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 trong việc phát triển cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 8 tại các trường công lập ở vùng nông thôn năng lực giao tiếp Tiếng Anh, thông qua chú trọng kỹ năng nghe, nói. Kết thúc chương trình lớp 8, khả năng giao tiếp Tiếng Anh của học sinh đạt bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, tạo nền tảng cho học sinh sử dụng tiếng Anh trong quá trình tiếp tục học tập ở các lớp học tiếp theo và sử dụng để làm việc và học tập suốt đời trong thời kỳ hội nhập.
Xây dựng Hệ sinh thái giảng dạy Tiếng Anh tích hợp kỹ năng thế kỷ 21 ở các trường công lập tại vùng nông thôn, với các mục tiêu:
Phát triển năng lực giảng dạy các kỹ năng giao tiếp Tiếng Anh và nhóm kỹ năng thế kỷ 21 của giáo viên địa phương, năng lực định hướng và triển khai dạy học Tiếng Anh và nhóm kỹ năng thế kỷ 21 của các cấp quản lý tại nhà trường và huyện;
Tăng cường sự tham gia của PHHS và cộng đồng vào giáo dục nhóm kỹ năng thế kỷ 21.
Giải quyết các vấn đề địa phương thông qua việc triển khai hình thức dạy học qua dự án (project- based learning), nhằm tạo môi trường cho việc học sinh được triển khai các dự án do chính bản thân làm chủ.