Phần lớn mọi người hiện nay vẫn coi nhẹ vấn đề bạo lực ngôn từ nơi công sở và để những tiêu cực đó ảnh hưởng tới cuộc sống của chính mình. Vậy bạo lực ngôn từ là gì? Cần đối diện với bạo lực ngôn từ nơi công sở ra sao.
Bạo lực ngôn từ là một vấn nạn trong xã hội hiện nay. Điểm đáng báo động của vấn nạn này là nó diễn ra ở bất kỳ đâu và bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân hay “hung thủ” châm ngòi cho bạo lực ngôn từ. Ngay cả môi trường công sở, nơi có những quy định hướng tới văn minh vì sự phát triển chung, bạo lực ngôn từ vẫn từng ngày len lỏi và mang tới những mầm họa đáng sợ.
Tuy nhiên, phần lớn mọi người hiện nay vẫn chưa nhận thức hết những ảnh hưởng tiêu cực từ bạo lực ngôn từ, coi nhẹ vấn đề bạo lực ngôn từ nơi công sở mà để những tiêu cực đó ảnh hưởng tới cuộc sống của chính mình. Vậy bạo lực ngôn từ là gì? Cần đối diện với bạo lực ngôn từ nơi công sở ra sao. Cùng theo dõi bài viết sau của 123job.vn để có câu trả lời cho riêng mình.
1. Bạo lực ngôn từ là gì?
Bạo lực không nhất thiết là câu chuyển về thể xác, nó có thể là tình dục, là tâm lý và lời nói. Đôi khi các cuộc tấn công qua lời nói còn có tác động nghiêm trọng hơn nhiều so với lạm dụng thể xác. Bởi lưỡi sắc hơn gươm, những chỉ trích, làm nhục thông qua lời nói dẫn nạn nhân tới sự thất vọng và tuyệt vọng.
Vậy, bạo lực ngôn từ đơn giản là khi ai đó sử dụng lời nói của họ nhằm mục đích tấn công, chế giễu, thao túng, hạ thấp… người khác, tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý của nạn nhân nhằm như tạo cảm giác không an toàn, tổn thương lòng tự trọng, gây tổn hại lòng tin, thậm chí là thất vọng, tuyệt vọng.
Bạo lực ngôn từ là sử dụng lời nói tấn công, làm tổn thương người khác
2. Cách thức bạo lực ngôn từ là gì?
Khi muốn đánh gục tâm lý của một người qua lời nói, kẻ tấn công có thể sử dụng nhiều hình thức bạo lực ngôn từ khác nhau như chửi bới, đe dọa,... hoặc cay độc hơn như sỉ nhục, thao túng,... Nhìn chung, bạo lực ngôn từ diễn ra dưới nhiều hình thức, thường bao gồm:
- Đổ lỗi (Blaming): Kẻ tấn công sử dụng ngôn từ khiến nạn nhân buộc phải tin rằng họ cần chịu trách nhiệm, hậu quả cho hành vi nào đó mặc dù đó không phải lỗi của họ.
- Hạ thấp (Condescension): Hình thức này thường được ngụy trang dưới những lời bông đùa có vẻ hài hướng nhưng đầy tính mỉa mai có mục đích, nhằm hạ thấp, coi thường nạn nhân.
- Chỉ trích (Criticism): Bao gồm những lợi nhận xét gay gắt và dai dẳng nhưng thiếu tính xây dựng và mang ác ý nhiều hơn nhắm vào nạn nhân, khiến người đó nghi ngờ, tuyệt vọng về chính bản thân mình.
- Gaslighting: Hành vi này thường được sử dụng một cách bí mật giữa hai người, trong đó kẻ lạm dụng khiến mục tiêu tự nghi ngờ về phán đoán, nhận thức của họ. Hiểu đơn giản, đây là hành vi sử dụng lời nói để kiểm soát suy nghĩ của nạn nhân.
- Sỉ nhục (Humiliation): Bao gồm những hành vi xúc phạm nạn nhân ở nơi công cộng, gây ra những tổn thương lòng tự trọng, tâm lý nghiêm trọng.
- Phán xét (Judging): Hành vi này liên quan tới việc coi thường nạn nhân hay không chấp nhận ý kiến, quan điểm hoặc áp đặt những kỳ vọng không thực tế lên họ.
- Chế giễu (Ridicule): Những kẻ tấn công sẽ cố gắng biến nạn nhân thành trò cười của họ. Thông thường, kẻ tấn công thường hướng trò đùa vào điểm yếu, hoặc những điều nạn nhân tự ti, dễ tổn thương.
- Đe dọa (Threats): Hành vi sử dụng lời nói mục đích làm nạn nhân sợ hãi, qua đó kẻ tấn công có thể dễ dàng kiểm soát, điều khiển hành vi của nạn nhân theo ý đồ riêng của mình.
Trong nhiều trường hợp, nạn nhân không tự ý thức được mình đang bị bạo lực hoặc coi nhẹ những tấn công tâm lý mà họ gặp phải. Nhưng thực chất, chúng không hề bình thường và sẽ để lại những hậu quả lâu dài. Do vậy, ngoài việc nắm rõ các cách thức bạo lực qua ngôn từ, bạn cần biết thêm về các biểu hiện của chúng để dễ dàng nhận biết chúng ở tình huống thực.
Bạo lực ngôn từ có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau
3. Thực trạng bạo lực ngôn từ nơi công sở
3.1. Biểu hiện
Bạo lực ngôn từ nơi công sở diễn ra dưới nhiều cách thức khác nhau từ đơn giản tới phức tạp. Để nhận biết bạn có đang bị bạo lực ngôn từ hay vô tình gây ra tổn thương tâm lý tới người khác không, tham khảo một số dấu hiệu thường thấy của bạo lực ngôn từ sau đây:
- Góp ý nhưng không mang tính xây dựng: Lời góp ý không khéo léo dễ trở thành bạo lực ngôn từ nếu người tiếp nhận góp ý cảm thấy bị tổn thương. Đó là trường hợp góp ý nhưng không kèm theo những nhận xét chuyên môn, không gợi ý giải pháp phát triển phù hợp với người nghe. Việc thiếu tính xây dựng đó có thể biến người khác trở nên nghi ngờ bản thân, tự ti về năng lực của chính mình thay vì cải thiện khuyết điểm và phát triển tốt hơn.
- Chê bai, hạ bệ dai dẳng: Mỗi người có một ưu, khuyết điểm riêng. Việc lôi khuyết điểm của người khác mổ xẻ, chê bai dai dẳng thực chất chỉ là việc tìm vui riêng mà không giúp ích người khác, thậm chí còn đẩy nạn nhân tới tổn thương tâm lý và tự ti về bản thân.
- Phỉ báng thay vì khiển trách trong chừng mực: Nhận góp ý, trách móc khi bản thân mắc lỗi là việc bình thường. Nhưng chỉ giới hạn khi những lời góp ý và trách móc đó nằm trong chừng mực nhất định. Nhiều trường hợp thường mượn cơ hội người khác làm sai để buông những lời lẽ gay gắt, hạ thấp cá nhân để phỉ báng người khác.
- Đùa vui nhưng không phải ai cũng cười: Có những câu đùa là vui với người này nhưng lại nhạy cảm với người khác. Đó thường là những câu bông đùa về ngoại hình, thói quen, cách ăn mặc, sở thích ăn uống… Nếu bản thân không thấy thoải mái với những lời đùa vui đó hoặc cảm thấy người tiếp nhận khó chịu khi nghe chúng, hãy dừng lại ngay trò đùa thiếu tinh tế đó.
Dấu hiệu bạo lực ngôn từ nơi công sở là gì?
3.2. Bạo lực ngôn từ nơi công sở: Có thực sự chỉ giới hạn trong không gian công ty?
Xã hội ngày càng hiện đại, các trang mạng xã hội lên ngôi khiến tự do ngôn luận trở nên biến tướng. Phạm vi bạo lực ngôn từ nơi công sở được mở rộng cả không gian và thời gian thay vì chỉ gói gọn trong không gian và 8 tiếng làm việc hành chính. Thậm chí câu chuyện chỉ giới hạn trong số lượng người nhất định, thông qua mạng xã hội có thể biến thành câu chuyện chung của cộng đồng.
Mạng xã hội tạo điều kiện để những câu chuyện xuất phát nơi công sở có thể dễ dàng chia sẻ tới với nhiều đối tượng hơn. Trong khi không gian mạng nhiều người tự do vì không ai biết họ thực sự là ai. Họ luôn sẵn sàng hành động thiếu văn minh, sẵn sàng tổng sỉ vả một cá nhân, ném đá, chỉ trích, tấn công người khác. Nhiều thành phần thậm chí không rõ thực hư mà chỉ a dua theo số đông. Hậu quả từ những rèm pha được đưa ra chỗ đông người là một cơn bão dư luận dồn ép nạn nhân vào trạng thái căng thẳng, stress và tuyệt vọng.
3.3. Bạo lực ngôn từ chốn công sở - Nguyên nhân do đâu?
Bạo lực ngôn từ diễn ra dưới nhiều hình thái, xuất hiện trên mọi không gian, thời gian. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới bạo lực ngôn từ nơi công sở? Nguyên nhân này xuất phát từ cả phía công ty, doanh nghiệp và cả phía nhân viên, cụ thể như sau:
- Thiếu giáo dục, nhận thức: Thiếu ý thức về sức nặng của ngôn từ, biểu hiện và tiêu cực từ lời nói là nguyên nhân chính dẫn tới vấn nạn này. Một cá nhân hay một tổ chức không tự nhận thức được vấn đề này đều có thể dễ dàng vi phạm những chuẩn mực quan trọng và trở thành kẻ tấn công, bạo lực bằng ngôn từ.
- Môi trường, văn hóa chung: Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng bởi định hướng của người lãnh đạo, và được thực thi và truyền tay bởi chính nhân viên của mình. Một văn hóa độc hại sẽ tạo điều kiện để bạo lực ngôn từ được phát triển mạnh trong doanh nghiệp.
- Sự phân biệt, thiếu công bằng: Một tổ chức có sự phân hóa cấp bậc sâu sắc có thể dẫn tới tình trạng bạo lực ngôn từ. Tạo điều kiện những cá nhân dễ dàng áp bức, phân biệt tới nhóm yếu thế hơn như trường hợp: ma mới bắt nạt ma cũ, cấp trên bắt nạt cấp dưới…
- Vấn đề tâm lý cá nhân: Những cá nhân có vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm hay rối loạn nhân cách có thể sử dụng lời nói tấn công người khác như một cách để họ đối phó với tiêu cực của bản thân.
Nguyên nhân phổ biến dẫn tới bạo lực ngôn từ nơi công sở
4. Hậu quả của bạo lực ngôn từ công sở
Bạo lực ngôn từ là vấn nạn, nó gây ra những hậu quả tiêu cực trước hết là với cá nhân người bị tấn công, sau đó là tổ chức.
Đối với cá nhân, bạo lực ngôn từ nơi công sở để lại hậu quả cả về ngắn hạn và dài hạn bao gồm: Gây ra nỗi lo lắng; Tâm trạng thay đổi; Căng thẳng mãn tính; Lòng tự trọng bị tổn thương; Cảm giác xấu hổ, tự ti, nghi ngờ bản thân; Tuyệt vọng; … Không ít trường hợp nạn nhân ngôn từ mắc phải các căn bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn căng thẳng… Thậm chí, có những nạn nhân đối diện với tâm bão bạo lực ngôn từ đã phương án tiêu cực nhất là tự kết liễu bản thân.
Về phía tổ chức, bạo lực ngôn từ là vấn nạn cần bị loại bỏ, bởi nó gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới:
- Năng suất, hiệu quả của nhân sự trong công ty: Bạo lực ngôn từ ảnh hưởng tới tâm lý cá nhân, kéo theo cảm giác tự ti, tuyệt vọng. Hiệu quả công việc khi đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nạn nhân không thể tập trung hoàn thiện tốt công việc do bản thân không trong trạng thái tốt nhất, mà luôn trong tâm thế lo lắng, sợ hãi.
- Tạo ra sự mất đoàn kết trong công ty: Trong đó công ty phân tách thành những phe phái đối lập giữa bên tấn công và nạn nhân. Việc chia bè phái trong công ty tiếp đó sẽ ảnh hưởng tới quá trình làm việc chung vì có nhiều người dù bằng mặt cũng không bằng lòng.
- Văn hóa tiêu cực hình thành và phát triển: Trong trường hợp không quán triệt xử lí và loại bỏ bạo lực ngôn từ trong tổ chức, những tình huống tương tự có cơ hội xảy ra thường xuyên hơn với mức độ nghiêm trọng hơn. Nếu duy trì tình trạng trên trong lâu dài, văn hóa tiêu cực sẽ hình thành trong tổ chức, ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu nói chung của công ty.
- Một tổ chức không có hiệu quả, lỏng lẻo: Bạo lực ngôn từ làm giảm năng suất cá nhân, gây tình trạng mất đoàn kết, làm giảm hiệu quả làm việc nhóm, tổng thể sẽ dẫn tới hiệu quả chung của tổ chức bị kéo xuống. Và hơn hết, sự thiếu đoàn kết là nguy cơ tiềm ẩn khiến tổ chức dễ bị tổn thương, bị phá vỡ.
Bạo lực ngôn từ nơi làm việc ảnh hưởng tiêu cực tới cá nhân và tổ chức
5. Đối diện với bạo lực ngôn từ nơi công sở thế nào cho phải?
5.1. Đối với cá nhân
Bạo lực ngôn từ nơi công sở ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, công việc và cuộc sống cá nhân. Vì vậy hãy mạnh dạn đứng dậy, đối diện với vấn nạn trên để đảm bảo quyền lợi và cuộc sống của chính mình.
- Bước đầu tiên trong việc giải quyết bạo lực ngôn từ là nhận diện được nó. Bạn cần trung thực đối diện với những gì bạn đã trải qua và thông qua những kiến thức về hình thái, dấu hiệu bạo lực ngôn từ để nhận ra hoàn cảnh của bản thân mình. Ngoài ra, bạn cũng cần nhận diện nguyên do dẫn tới sự việc, họ cố tình tấn công hay đơn giản là vô ý gây tổn thương.
- Nêu lên ý kiến của bản thân. Nếu lời nói của họ vô tình gây tổn thương, bạn cần thể hiện với đối phương rằng bạn không vui với cách đùa, lời nói đó. Nếu lời nói đó có mục đích tấn công rõ ràng, hãy yêu cầu họ dừng lại hành vi bạo lực đó. Trong trường hợp thỏa thuận không thành, bạn có thể yêu cầu trợ giúp từ đồng nghiệp, quản lý.
- Vạch rõ ranh giới với những người thường xuyên dùng lời lẽ tấn công bạn. Dành thời gian nhiều hơn cho những người thực sự quan tâm, chia sẻ chân thành và biết cách lắng nghe. Hạn chế tiếp xúc giúp bạn có khoảng không nhìn nhận đúng đắn mối quan hệ. Đồng thời gắn bó với mối quan hệ lành mạnh giúp bạn bớt cô đơn, tâm trí cũng được xoa dịu.
- Kết thúc mối quan hệ: Nếu bạn không thấy dấu hiệu nào cho thấy bạo lực ngôn từ sẽ chấm dứt, bạn có thể cân nhắc tới việc kết thúc quan hệ đồng nghiệp, công việc với kẻ tấn công. Trong trường hợp tình huống ảnh hưởng xấu tới cảm xúc, công việc và quản lý không thể hiện sự quan tâm, phương hướng giải quyết, bạn có thể cân nhắc tới việc chấm dứt hợp đồng với công ty.
5.2. Đối với doanh nghiệp
Để bạo lực ngôn từ không nhen nhóm trong môi trường doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu tới nhân sự công ty và ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động của tổ chức. Quản lý, lãnh đạo mỗi doanh nghiệp cần:
- Nhận thức rõ ràng về vấn nạn bạo lực ngôn từ cũng như sức ảnh hưởng của chúng tới sự phát triển của một tổ chức.
- Xây dựng chương trình hội thảo, tập huấn, cung cấp tài liệu về bạo lực ngôn từ. Xây dựng các kênh phản hồi để nhân viên có cơ hội nói lên tiếng nói của mình.
- Xây dựng tổ chức với quy định, nội quy rõ ràng, đảm bảo cá nhân không thể lạm quyền hay sử dụng hành vi bắt nạt dễ dàng. Doanh nghiệp cần có biện pháp xử lí riêng đối với những hành vi bạo lực ngôn từ.
- Xây dựng môi trường công bằng, nơi mà ý kiến của mọi công nhân viên đều được tiếp thu và cân nhắc thực hiện nếu phù hợp.
- Xây dựng văn hóa doanh nghiệp văn minh, đoàn kết hướng tới sự chia sẻ, giúp đỡ giữa các nhân viên trong tổ chức. Trong đó, các cấp lãnh đạo, quản lý sẽ là người đi đầu trong việc xây dựng và phát triển văn hóa trên.
Kết luận
“Lời nói là thứ vũ khí sắc bén nhất” có thể đánh gục một cá nhân và cũng có thể làm lung lay một tổ chức. Bạo lực ngôn từ vì vậy tuyệt đối không nên xuất hiện nơi công sở hay bất kì không gian nào khác. Bằng cách hiểu rõ bản chất, tác hại của bạo lực ngôn từ cũng như cách đối diện vấn nạn trên, chúng ta có thể xây dễ dàng vượt qua chúng và xây dựng môi trường tích cực nơi làm việc cũng như cuộc sống hàng ngày.