Viral marketing hay tiếp thị lan truyền là hướng đầu tư mà rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đang hướng tới để thay thế cho sự trượt dốc về cả quy mô lẫn hiệu quả của hình thức tiếp thị truyền thống. Hãy cùng tìm hiểu Viral marketing là gì nhé...

I. Khái quát về Viral marketing

1. Viral marketing là gì?

Viral marketing là hình thức marketing theo quy tắc lan truyền thông tin. Giống như hình ảnh lan truyền những con “virus” theo cấp số nhân. Internet là “cánh tay phải” của hình thức này, khi mà doanh nghiệp có thể tận dụng tính “miễn phí” và độ phủ sóng toàn cầu của nó. Thêm vào đó, mọi người thường có xu hướng khi sử dụng một sản phẩm tốt sẽ đi “kể cho những người khác nghe”. Và người nghe được cũng sẽ sử dụng thử sản phẩm đó… Mối liên kết này tưởng chừng kéo dài vô hạn, tạo thành sức mạnh lớn nhất của Viral marketing.
Những chiến dịch Viral marketing thường có quy mô rất lớn, độ lan truyền có thể tính bằng hàm mũ, một khi được thực hiện sẽ có khả năng bùng nổ thông tin tới hàng ngàn, hàng triệu người. Do đó quả thật không dễ dàng chút nào khi tạo ra sản phẩm Viral marketing. Khi hình thức marketing này trở thành cánh tay đắc lực cho mọi doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu thì con “virus” độc lạ trở thành “chìa khóa” giải quyết mọi vấn đề. Muốn như thế thì con “virus” ấy phải đáp ứng vô số cái nhìn khách quan, nhiều chiều về nó. 

2. Bản chất của viral marketing

a. Facebook, Instagram được sinh ra như những nền tảng sẵn có để Viral marketing tác động và làm tăng cường sự nhận biết nhãn hiệu của công chúng thông qua quá trình tự nhân bản con “virus”. Nó tương tự như cách một con virus lan truyền vào hệ thống máy tính!

b. Hình thức marketing này giờ đây không chỉ là việc lan truyền miệng mà còn có thể tạo nên một “cơn sốt” nhờ Internet. Đây là hiện tượng marketing khiến mọi người lan truyền thông điệp quảng cáo của công ty một cách tự nhiên nhất. 

c. Viral marketing có thể nói là hình thức marketing độc - lạ dựa trên tiếng nói của “Fan” hâm mộ những sản phẩm quảng cáo mà bạn tung ra thị trường. Con virus này có thể sinh ra một cách hoàn toàn tự nhiên như cách virus xâm nhập vào máy tính.

d. Virus của bạn chỉ cần thời điểm và môi trường thích hợp, có thể nhân rộng và phát triển với quy mô khổng lồ. Tất cả mọi người đều mong muốn được thấy nó và họ sẽ chia sẻ nó ngay khi được tận mắt nhìn thấy! Dù bạn có muốn tin hay không thì cách thức marketing này cũng mạnh gấp hàng trăm hàng nghìn lần quảng cáo thông thường.

tat-tan-tat-ve-viral-marketing
Khái quát về Viral marketing

3. Ưu điểm và nhược điểm của Viral Marketing

Như đã nói ở trên, Viral marketing là hình thức truyền thông có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là tính lan truyền. Thêm vào đó có thể kể đến như:
a. Giảm thiểu chi phí truyền thông
Mạng xã hội là môi trường lý tưởng cho sự phát triển của Viral marketing. Và chính sự miễn phí của nó dẫn đến việc các doanh nghiệp khi thực hiện chiến dịch marketing được giảm thiểu chi phí rất nhiều. Không thể không kể đến vũ khí lớn nhất của Viral marketing là cảm nhận của chính người tiêu dùng. Tất nhiên, những thông tin được khách hàng lan truyền tới người khác từ trải nghiệm của chính họ thì các doanh nghiệp sẽ không phải tốn một khoản phí nào rồi.

b. Sức lan tỏa nhanh và độ phủ sóng toàn cầu
Không thể phủ nhận trong thời đại công nghệ ngày nay, Internet chính là chìa khóa giúp xóa nhòa mọi khoảng cách. Và chính Internet cũng giúp Viral marketing phát triển nhanh nhất và rộng nhất, thể hiện ở việc giúp các nhà hoạt động marketing tiếp cận với các thị trường khách hàng trên toàn thế giới - điều mà không một hình thức marketing nào khác đem lại được.
Thậm chí nếu chiến dịch Viral Marketing của bạn thành công, có thể chỉ trong 1 đêm, không chỉ người Việt Nam, mà còn rất nhiều người khác trên thế giới biết đến bạn. Thật ngạc nhiên đúng không?

c. Tăng cường nhận diện và tăng uy tín của thương hiệu
Thương hiệu của doanh nghiệp đến từ lòng tin của người tiêu dùng. Khi khách hàng công nhận những lợi ích mà sản phẩm đem lại, họ đi nói cho người khác biết và vô hình tạo nên mạng lưới thương hiệu rộng lớn cho doanh nghiệp. Đây chính là thành công của Viral marketing khi mà không cần tốn nhiều công sức truyền thông truyền thống cũng có thể tạo được độ phủ uy tín rộng lớn. Có nghĩa là khi Viral marketing thành công, doanh nghiệp thậm chí hoàn toàn có thể thay đổi ý thức người tiêu dùng trở nên tốt đẹp hơn về sản phẩm của mình.

d. Giúp mở những thị trường mới và khách hàng mới
Khi chiến dịch Viral marketing thành công, rất có thể doanh nghiệp sẽ tìm thấy lượng khách hàng tiềm năng mới và thị trường mới, gia tăng cơ hội phát sinh lợi nhuận.

e. Doanh nghiệp dẫn đầu cuộc chơi nhanh chóng
Trong những năm gần đây, có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng nhanh chóng nhờ Viral marketing. Điều đó chính nhờ sự gia tăng chóng mặt theo cấp số nhân số lượng khách hàng biết đến và sử dụng sản phẩm của họ. Từ đó, hiệu quả kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp cũng tăng lên chóng mặt. Đây chính là ưu thế lớn của doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh thị trường. 

Mặc dù sở hữu nhiều ưu điểm nhưng Viral marketing vẫn tồn tại một số nhược điểm mà bất kỳ thương hiệu nào cũng cần lưu ý:
a. Thành công và thất bại chỉ cách nhau trong gang tấc
Việc đánh trúng tâm lý người tiêu dùng không hề dễ dàng. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa chắc phương án cuối cùng mà doanh nghiệp đề ra đã phù hợp nhất với người tiêu dùng… Và rất có thể Viral marketing sẽ trở thành tai họa cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, một chiến dịch không đúng thời điểm cũng có thể trở nên “công cốc”.

b. Viral marketing là con dao hai lưỡi
Một ví dụ cụ thể, trước đây, Dove triển khai một chiến dịch Viral Marketing trên Facebook. Nhưng lại khiến thương hiệu này nhận không ít lời chỉ trích. Do bức ảnh được đăng trên Fanpage về người phụ nữ da đen mặc một chiếc áo có màu sắc giống hệt màu da của cô biến thành người phụ da trắng ngay sau khi cởi bỏ chiếc áo.

Các làn sóng phản đối chiến dịch rất dữ dội. Dư luận cho rằng quảng cáo này đã tạo ra sự phân biệt chủng tộc giữa người da đen và da trắng. Sau khi bị lên án, Dove nhanh chóng gỡ bỏ quảng cáo và đưa ra lời xin lỗi tới người tiêu dùng. Và hơn tất cả, Dove sẽ phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng lại thương hiệu như ban đầu.
Ưu điểm và nhược điểm của Viral marketing là những vấn đề mà nhãn hàng nào thực hiện chiến dịch cũng cần quan tâm. Bởi nó có thể đưa bạn đến tình huống “được ăn cả - ngã về không” đấy.

4. Viral Marketing – những loại hình phổ biến

Ngày nay, dưới sự phát triển nhanh chóng từ hình thức tới cách thức của truyền thông, có các dạng Viral marketing như:

  • Pass Along: Thông điệp Viral Marketing được lan truyền nhanh chóng từ người này sang người khác qua các cuộc trò chuyện và thảo luận.
  • Incentive: Kích thích người dùng chia sẻ, lan truyền thông điệp Viral Marketing bằng phần thưởng, quà tặng, khuyến mãi,… từ doanh nghiệp.
  • Undercover: Lan truyền tin hot, mới nhất một cách nhanh nhất có thể.
  • Edgy Gossip: Tạo ra những cuộc tranh luận với những ý kiến trái chiều xung quanh những chủ đề được định sẵn từ chủ ý của doanh nghiệp. Để tạo ra mối quan tâm tới sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của doanh nghiệp.

5. Một số thuật ngữ liên quan đến Viral marketing

Đối với hình thức lan truyền, ta phải hiểu rõ một số thuật ngữ:

  • Word of Mouth: chính là Marketing truyền miệng. Được thực hiện dựa trên thói quen giao tiếp, trao đổi bằng ngôn ngữ của con người.
  • Buzz Marketing: có thể hiểu là Word of Mouth Version 2.0. Nó là truyền tin dạng tin đồn có kịch bản. Các nhà Marketers đưa các nội dung vào thói quen giao tiếp của con người.
  • Viral Marketing: lan truyền thông tin qua mạng Internet. Nhờ tốc độ lan rộng của Internet, những người làm Marketing đưa các nội dung (video, text, hình ảnh…) có kịch bản và tạo lan truyền như virus. Và các Marketers gọi là Viral Marketing.

6. Những thách thức khi áp dụng viral marketing

Khi thực hiện một chiến dịch Viral marketing, doanh nghiệp rất khó có thể kiểm soát được quy mô của nó, nói cách khác là “được ăn cả, ngã về không”. Do vậy, chỉ cần một nội dung sai lệch được truyền đi cũng có thể gây hậu quả khôn lường như chiến dịch của Dove kể trên.
Thế nhưng một khi chiến dịch Viral marketing thành công nó sẽ thành sự bùng nổ của thương hiệu doanh nghiệp. Ví dụ điển hình như Điện máy Xanh với ý tưởng “người xanh”- đây là một ý tưởng hết sức thành công và gây ra tiếng vang lớn cũng như độ phủ sóng rộng đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên một ý tưởng tốt mặc dù đơn giản đến vậy thực sự rất khó để nghĩ tới.

7. Liệu tạo chiến dịch Viral Marketing có dễ?

Như đã nói ở trên, chìa khóa của Viral marketing chính là những con “virus”. Và việc tạo ra một con virus có đủ độ lôi cuốn, cá biệt, thậm chí phải tồn tại được trong thế giới đầy rẫy những bất đồng và ý kiến trái chiều của người tiêu dùng như vậy không hề dễ chút nào.
Để vượt qua sự khó khăn này, phần nội dung tiếp theo sẽ bật mí cho bạn câu trả lời cho câu hỏi - Cụ thể Viral marketing là làm gì?

II. 6 nguyên tắc làm Viral Marketing

1. Social currency (Có chuyện để tám)

Đúng như tên gọi - bạn phải tạo ra câu chuyện để “tám”. Mỗi người trong số chúng ta đều có nhu cầu lên tiếng để khẳng định bản  thân. Giống  như cách bạn up status hay một bức ảnh mỗi ngày để kể về câu chuyện của mình - điều làm cho bạn khác biệt. Đánh vào nhu cầu “không của riêng ai” này - nhiệm cụ của Viral marketing chính là tạo ra những chuyện đó. 

viral-marketing-co-chuyen-de-tam
Viral marketing tạo ra chuyện để tám

2. Trigger (Liên tưởng)

Nguyên tắc tiếp theo của Viral marketing chính là tạo nên sự liên tưởng. Với nguyên tắc này, có thể nói các chiến dịch Viral marketing Việt Nam thực hiện khá hiệu quả. Giống như cách bạn nghĩ tới Heineken là nghĩ tới màu xanh của nó hay thời khắc Giáng sinh, hoặc nghĩ tới Kinh đô là nghĩ tới Tết… Mỗi nhãn hàng phải tạo ra được một hình ảnh thật gần gũi với đại đa số khách hàng để gợi nên cảm giác thân thuộc nhất trong họ. Khi một sản phẩm được liên tưởng gần gũi với một điều thật phổ biến, chính sản phẩm đó sẽ trở nên phổ biến - nhãn hàng thành công trong việc làm nhiều người biết tới sản phẩm của mình.

3. Emotion (Cảm xúc)

Nhiều giám đốc tiếp thị thường tập trung vào thông tin của nội dung, thường bỏ qua cảm xúc của thông tin đem lại mà họ quên rằng, chính cảm xúc mới dẫn dắt người ta hành động. Nguyên tắc của Viral marketing là mọi người chia sẻ những câu chuyện cá nhân, và chính nó cũng là chia sẻ cảm xúc. Khi một cảm xúc tích cực dành cho sản phẩm được chia sẻ rộng rãi, nó sẽ tạo nên một làn sóng tốt đẹp cho nhãn hàng. Ngược lại, chỉ cần một hoặc một vài khách hàng phàn nàn về sản phẩm, Viral marketing sẽ thất bại thảm hại, thậm chí có thể trở thành một cơn sóng thần nhấn chìm doanh thu của cả hãng.

4. Public (Công chúng)

Các ý tưởng muốn được lan truyền nhiều cần phải làm sao cho nó dễ thấy khi đó họ sẽ dễ bị thuyết phục. Khi bạn chưa có thông tin nào về quán ăn mà sắp vào thì dấu hiệu đơn giản nhất mà bạn cần là xem quán có khách hay không. Nếu ít khách, bạn sẽ giả định là chắc thức ăn ở đó không ngon. Con người thường có phản xạ bắt chước những gì nhiều người khác cùng làm. Đơn giản là họ sẽ tin tưởng hơn khi sản phẩm được nhiều người sử dụng trước đó đánh giá cao rồi. 
Một ví dụ dễ nhận ra, tất cả các máy laptop Apple khi đang làm việc thì logo sẽ được quay vào hướng thuận cho người đối diện. Nghĩa là, Steve Jobs muốn người khác nhìn thấy logo Apple thuận chiều hơn là người sử dụng nhìn. Và như thế họ sẽ bắt chước mua.

5. Practical Values (Giá trị thực tế)

Để thực hiện chiến dịch Viral marketing hiệu quả, bạn nên lồng ghép thương hiệu vào nội dung thông tin hữu ích. Chỉ có thế người xem mới tìm đến và chia sẻ. Tương tự bạn cũng có thể lồng ghép vào phim mang tính giải trí. Mùa oải hương năm ấy là một thí dụ trong đó có PhinDeli và Purité By Prôvence. Đặc biệt là sự có mặt của Người Việt mua thị trấn Mỹ thị trưởng Phạm Đình Nguyên. Đây là cách đầu tư vào nội dung thương hiệu rất hiệu quả.

6. Story (câu chuyện)

Nói gì thì nói, cuối cùng bạn cần phải có một câu chuyện đơn giản, bất ngờ, thuyết phục, tạo cảm xúc… Ý tưởng hay câu chuyện tạo ra cần phải gắn kết với sản phẩm, hoặc thương hiệu hơn là chỉ để nhiều người bàn tán, chia sẻ nhưng không đạt mục tiêu tiếp thị.

III. Các yếu tố tạo nên một chiến lược viral marketing

1. Tặng sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị

“Miễn phí” là từ quyền lực nhất trong vốn từ vựng của một nhà tiếp thị. Hầu hết các chương trình viral marketing thường tặng miễn phí sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị để thu hút sự chú ý. Dịch vụ email miễn phí, thông tin miễn phí, các chương trình phần mềm miễn phí có nhiều tính năng nhưng không nhiều như trong phiên bản pro. Một luật bất thành văn trong marketing là “luật tặng và bán”. Giá rẻ tạo một làn sóng quan tâm, nhưng tặng miễn phí thường sẽ mang lại hiệu ứng nhanh hơn nhiều.

2. Cung cấp tiện ích chia sẻ dễ dàng cho người khác

Các cô y tá thường dặn vào mùa dịch cúm: “hãy tránh xa những người bị ho, rửa tay thường xuyên và không chạm vào mắt, mũi hay miệng”. Vâng, virus chỉ lây lan khi nó dễ truyền tải. Tương tự như thế, phương tiện mang thông điệp tiếp thị của bạn phải dễ dàng để chuyển giao và nhân rộng: email, website, đồ họa và phầm mềm tải về. Viral marketing hoạt động phổ biến trên internet vì sự giao tiếp tức thì, dễ dàng và không tốn kém. Các định dạng kĩ thuật số giúp việc sao chép đơn giản hơn. Từ quan điểm marketing, bạn phải đơn giản hóa thông điệp tiếp thị để nó có thể được truyền đi một cách dễ dàng và không có suy thoái. Thông điệp càng ngắn gọn càng tốt. Ví dụ kinh điển là “nhận tin nhắn cá nhân, email miễn phí tại hotmail.com”. Thông điệp hấp dẫn, nhấn mạnh nội dung và sao chép ở cuối mỗi tin nhắn email miễn phí.

3. Quy mô dễ dàng từ nhỏ đến lớn

Khi thực hiện một chiến dịch Viral marketing đồng nghĩa bạn cần phải chuẩn bị tất cả để đối phó với mọi trường hợp có thể xảy ra. Trước khi con “virus” lan ra - bạn cần chuẩn bị tâm thế cho lượng sản phẩm cần bán cho lượng khách hàng tăng nhanh chóng mặt. Tất nhiên nếu lúc đó bạn chần chừ hoặc sơ suất trong một khâu nào đó - bạn hoàn toàn có thể trắng tay trong cuộc chơi này. Bạn phải chuẩn bị từ quy mô nhân sự tới quy trình vận hành.

Viral marketing quy mô nhỏ đến lớn
Viral marketing lan tỏa

4. Khai thác hành vi và động lực

Kế hoạch viral marketing thường đánh vào hành vi và động lực. Họ khao khát được nổi tiếng, được yêu thương và thấu hiểu. Sự thôi thúc là động lực để phát sinh những hành động dẫn đến sự lan truyền. Thiết kế một chiến lược marketing là dựa vào động cơ căn bản của con người và bạn sẽ trở thành người chiến thắng.

5. Sử dụng mạng lưới truyền thông hiện có

Mạng lưới marketing từ lâu đã hiểu được sức mạnh của mạng lưới quan hệ con người. Mọi người trên internet đều phát triển mạng lưới các mối quan hệ. Họ thu thập địa chỉ email và trang web yêu thích. Chương trình liên kết khai thác mạng lưới như vậy, cũng như danh sách email. Tìm hiểu để đặt thông điệp của bạn vào thông tin liên lạc hiện có giữa mọi người và bạn nhanh chóng phân tán nó.

6. Tận dụng lợi thế của các nguồn tài nguyên khác

Các kế hoạch viral marketing sáng tạo nhất sử dụng nguồn tài nguyên của người khác để có được sự lan truyền. Ví dụ đặt văn bản hoặc liên kết đồ họa trên các website của người khác. Các tác giả tặng những bài viết miễn phí, và đăng trên các website của người khác. Một thông điệp có thể được chọn bởi hàng trăm tạp chí và hình thành nền tảng để hàng trăm ngàn độc giả nhìn thấy. Báo in hoặc trang web sẽ chuyển tiếp thông điệp tiếp thị của bạn.

Trên đây là khái niệm, các nguyên tắc và yếu tố cơ bản tạo nên Viral marketing, mong rằng bạn đã nắm được những thông tin thật hữu ích qua bài viết này. Bên cạnh đó, nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn về quy trình, các công thức cũng như bí quyết tạo nên một chiến dịch truyền thông bùng nổ bằng Viral marketing, hãy cùng 123job đến với Viral marketing và sức mạnh truyền thông khổng lồ (Phần 2) nhé!