Đam mê vẽ và có khả năng trừu tượng vậy thì kiến trúc sư là một lựa chọn nghề nghiệp mà bạn không thể nào bỏ qua. Vậy công việc của một kiến trúc sư là gì và cần rèn luyện các kỹ năng nào để có thể thành công ở vị trí công việc này?
I. Kiến trúc sư là gì?
Kiến trúc sư được hiểu là những người làm công việc xây dựng các ý tưởng, thiết kế quy hoạch, thiết kế kiến trúc công trình, nội thất, cảnh quan,... dựa trên cơ sở đưa ra những giải pháp về công năng, về tính thẩm mỹ cũng như những biện pháp kỹ thuật cho các công trình nhằm đảm bảo tạo nên một thiết kế mà tổng thể có kiến trúc mới lạ, đẹp mắt, an toàn tại một khu vực, khu dân cư, khu công nghiệp hay cảnh quan đô thị,…
Kiến trúc sư là người được đào tạo, được cấp bằng nghệ thuật và khoa học thiết kế cho các công trình xây dựng. Kiến trúc sư biến các nhu cầu của con người về nơi ở, nơi sinh hoạt, nơi vui chơi và làm việc trở thành các hình ảnh trực quan bằng 3D, sau đó bản vẽ này sẽ được xây dựng bởi một đơn vị khác, kiến trúc sư phụ trách giám sát quá trình thi công sao cho việc thi công đúng với các số liệu của bản vẽ
Có thể nói kiến trúc sư chính là người chuyển đổi nhu cầu sử dụng của con người vào các giải pháp về mặt bằng, không gian và kỹ thuật của công trình, đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng và nhu cầu thường thức thẩm mỹ của con người với công trình kiến trúc.
Kiến trúc sư là gì?
II. Công việc của một kiến trúc sư
Công việc của một kiến trúc sư sẽ bao gồm những công việc sau đây:
1. Kiến trúc sư thiết kế quy hoạch
- Kiến trúc sư sẽ tiến hành khảo sát thực tế để nắm được hiện trạng xây dựng, bao gồm: tình hình hệ thống đường sá đi lại, mạng lưới điện nước, phân bố của dân cư tại khu vực, điều kiện sống, điều kiện thời tiết, khí hậu, ...
- Thực hiện công tác chụp ảnh, ghi chép, tìm hiểu tài liệu và gặp gỡ với chính quyền, người dân địa phương, những người có liên quan để trao đổi ý kiến và tìm kiếm ý tưởng cho việc thiết kế bản vẽ
- Sau khi đã tìm ra được ý tưởng thiết kế, kiến trúc sư sẽ lập ra đề cương công việc và bắt tay thực hiện việc thiết kế: vẽ các mặt bằng, mặt đứng và phối cảnh,… Hiện nay, công đoạn này đã được công nghệ hoá, kiến trúc sư không nhất thiết phải vẽ tay như trước đây.
- Tiếp đó, sau khi hoàn thiện hồ sơ thiết kế, kiến trúc sư sẽ tiến hành bảo vệ trước cơ quan chức năng, lãnh đạo, chủ đầu tư. Ở phần công việc này đòi hỏi kiến trúc sư phải có kiến thức tổng hợp, cách trình bày vấn đề rõ ràng, lưu loát, hấp dẫn và có tính thuyết phục
- Lưu ý: Đây là công việc có quy mô, phạm vi rộng và khá phức tạp nên các kiến trúc sư thường làm việc theo nhóm
2. Kiến trúc sư thiết kế kiến trúc công trình
- Thiết kế công trình có quy môn tuy nhỏ hơn nhưng kiến trúc sư vẫn phải làm các công việc có phần tương tự với thiết kế quy hoạch đó là đi thực địa, vạch ra đề cương kế hoạch công việc, lên ý tưởng thiết kế, phác họa hình mẫu, làm việc với các kỹ sư, hoàn thiện hồ sơ thiết kế và bảo vệ trước các bên liên quan (chủ đầu tư, lãnh đạo, cơ quan chức năng).
- Kiến trúc sư sẽ phải thực hiện đi giám sát công trình, kiểm tra xem công trình có được thi công đúng với mẫu thiết kế hay không sau khi công trình thiết kế được duyệt và bắt đầu tiến hành thi công.
- Giai đoạn tìm ý tưởng và tạo hình thiết kế cho công trình là giai đoạn khó nhất và chiếm nhiều thời gian nhất, cho nên để kịp deadline, kiến trúc sư thường phải tăng ca và làm việc hết tốc lực để mang đến thành quả tốt nhất, hoàn hảo nhất
- Thiết kế kiến trúc công trình được xem là phần công việc thể hiện năng lực, tích cách, gu thẩm mỹ và phong cách của kiến trúc sư nên thường đề cao tính cá nhân, cách làm việc độc lập.
3. Kiến trúc sư thiết kế nội thất
- Trong phần công việc thiết kế nội thất, các kiến trúc sư sẽ khảo sát ý kiến của chủ đầu tư, chủ nhà về sở thích, mong muốn của họ và chi phí có thể bỏ ra để có thể lên ý tưởng thiết kế tạo ra môi trường sống tối ưu trong không gian kiến trúc.
- Thực hiện một bản phối cảnh 3D mô tả chân thực các không gian thiết kế nội thất của phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, nhà tắm với đầy đủ các vật liệu thiết kế như đồ gỗ, thạch cao, rèm cửa, sàn nhà và các đồ trang trí. Bản phối cảnh cần phù hợp với nhu cầu, chi phí của chủ đầu tư, chủ nhà. Các kiến trúc sư cũng nên đưa ra nhiều lựa chọn cho chủ đầu tư, chủ nhà để có thể tìm ra được bản thiết kế nội thất phù hợp nhất
- Kiến trúc sư cùng chủ đầu tư,chủ nhà giám sát phần thi công nội thất để đảm bảo sao cho kết quả đạt được hoàn hảo nhất
- Tư vấn, giới thiệu các đơn vị thi công nội thất uy tín
- Kiến trúc sư cùng chủ nhà nghiệm thu công trình thiết kế nội thất khi hoàn thành
Kiến trúc sư có khá nhiều cơ hội nghề nghiệp để lựa chọn
4. Thiết kế cảnh quan
- Kiến trúc sư sử dụng các kiến thức chuyên môn và các kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật tổng hợp, quy hoạch, thiết kế và quản lý các không gian trống trong đô thị, trong khu dân cư, khu danh lam thắng cảnh, ... để thực hiện tổ chức, giám sát chỉ đạo việc thi công các công trình cảnh quan
- Thiết kế, kiến tạo không gian sống trong bối cảnh biến đổi khí hậu, áp lực toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng nền kinh tế thị trường.
- Công việc thiết kế cảnh quan cần nhiều chi tiết, nhiều tính tạo hình và có tính hệ thống. Thông thường cảnh quan thường không có giới hạn hình ảnh chi tiết và thường pha lẫn các hình ảnh xung quanh ngoài phạm vi thiết kế nên kiến trúc sư cần phải tham khảo, tìm kiếm nhiều hình ảnh trực quan để tác phẩm của mình tạo ra có thể hài hòa hoặc thực sự nổi bật với khung cảnh hiện đang có
- Am hiểu các kiến thức địa lý, sinh học để tạo nên những bản thiết kế cảnh quan phù hợp với môi trường thiên nhiên
5. Những công việc khác
Kiến trúc sư ngoài công việc chính là thiết kế thì họ còn trực tiếp tham gia vào quá trình quản lý, giám sát thi công công trình, tham gia giảng dạy tại trường đại học, trung tâm đào tạo hoặc gia sư tại nhà,...
Ngoài ra, kiến trúc sư cũng có thể làm các công việc như nghiên cứu nghệ thuật, nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, nghiên cứu địa lý, nhà điêu khắc, thiết kế thời trang,...
III. Mức lương của nghề kiến trúc sư
Bảng mức lương nghề kiến trúc sư theo cấp bậc và theo vị trí:
Bậc lương | TP Hồ Chí Minh | Hà Nội | Toàn Quốc |
Lương thấp nhất | 5 triệu | 5 triệu | 4 triệu |
Lương bậc thấp | 10 triệu | 9 triệu | 10 triệu |
Lương trung bình | 13 triệu | 11 triệu | 13 triệu |
Lương bậc cao | 16 triệu | 13 triệu | 16 triệu |
Lương cao nhất | 30 triệu | 27 triệu | 35 triệu |
IV. Kỹ năng cần có của một kiến trúc sư
1. Giao tiếp tốt
Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng mềm quan trọng giúp cho các kiến trúc sư có thể nhanh chóng thành công trong công việc. Một người kiến trúc sư cần giao tiếp tốt để có thể trình bày ý tưởng, tầm nhìn của mình đồng thời tăng khả năng kết nối với khách hàng, với chủ đầu tư.
Trong khi làm việc nhóm với các kiến trúc sư khác hay với phía đơn vị xây dựng, giao tiếp giúp kiến trúc sư có thể phối hợp ăn ý, tránh các mâu thuẫn để công việc diễn ra thuận lợi nhất.
Có tầm quan trọng lớn như vậy, cho nên kiến trúc sư ngoài việc nâng cao chuyên môn của mình cần thường xuyên rèn luyện kỹ năng giao tiếp sao cho thuần thục nhất.
2. Kiến thức về pháp luật
Trong công việc kiến trúc sư, việc hiểu biết cơ bản về pháp luật, khung pháp lý cho cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Luật xây dựng và các quy chuẩn xây dựng có ảnh hưởng nhiều đến kiến trúc mà bạn muốn thiết kế cũng như cách mà bạn thiết kế. Để không phải chịu cảnh phải vẽ lại từ đầu bản thiết kế vì quy chuẩn xây dựng thay đổi thì kiến trúc sư cần phải luôn cập nhật các kiến thức về pháp lý
3. Kiến thức toán học
Công việc của một kiến trúc sư cần nhiều sự khéo léo, tính nghệ thuật và cần có một kiến thức về toán học vững chắc. Vì sao kiến trúc sư cần phải có kiến thức toán học? Một bản thiết kế muốn được triển khai ra thực tế, đưa vào sử dụng được thì cần phải dựa trên cơ sở đo lường chính xác và các tỷ lệ thích hợp. Do đó, để theo đuổi công việc kiến trúc sư giỏi, bạn cần phải có một nền tảng kiến thức tốt về toán học.
Thành thạo các kỹ năng giúp kiến trúc sư thành công hơn trong sự nghiệp
4. Kiến thức về kỹ thuật
Các kiến thức về kỹ thuật cũng có vai trò quan trọng với kiến trúc sư như các kiến thức về toán học. Mặc dù trong quá trình làm việc, các đồng nghiệp là kỹ sư sẽ giúp bạn đưa ra các định hướng để có những bản thiết kế chất lượng hơn nhưng việc có kiến thức nền tảng về kỹ thuật sẽ giúp cho công việc của kiến trúc sư không gặp quá nhiều khó khăn, làm việc hiệu quả hơn.
Để học thêm và trang bị các kiến thức về kỹ thuật cho kiến trúc sư, bạn có thể tham khảo các khóa học, tài liệu về kỹ thuật như kỹ thuật vẽ tỷ lệ, kỹ thuật thiết kế đồ họa, kỹ thuật sử dụng phần mềm, công cụ cho ngành kiến trúc,...
5. Kiến thức về mỹ thuật
Việc nắm vững các kiến thức về mỹ thuật là điều kiện tiên quyết để bạn bước vào con đường nghề nghiệp của một kiến trúc sư. Khả năng mỹ thuật của kiến trúc sư sẽ được thể hiện qua những bản phác thảo ý tưởng của bạn và để có được một sản phẩm kiến trúc hoàn thiện thì nó đòi hỏi có sự phối hợp hài hòa giữa các yếu tố bố cục, màu sắc và họa tiết. Khả năng mỹ thuật cũng bao gồm việc có một đầu óc sáng tạo và tư duy trừu tượng tốt vì kiến trúc sư sẽ hình dung, tưởng tượng ra công trình mà họ sẽ thiết kế ngay cả khi chúng chưa tồn tại.
6. Kỹ năng lãnh đạo
Làm công việc của một kiến trúc sư, việc bạn phải quản lý một nhóm thiết kế hoặc phải làm việc với nhiều người khác nhau là việc không thể tránh khỏi. Những lúc như vậy thì kỹ năng lãnh đạo là thứ không thể thiếu để dẫn dắt sự phối hợp làm việc giữa các thành viên, xử lý các mâu thuẫn trong quá trình làm việc, thống nhất ý kiến của tất cả mọi người để hiệu suất công việc đạt cao nhất. Rèn luyện kỹ năng lãnh đạo là bạn đang chuẩn bị hành trang để trở thành một kiến trúc sư thành công trong tương lai.
7. Khả năng trừu tượng
Bên cạnh khả năng am hiểu mỹ thuật, khả năng trừu tượng tốt giúp kiến trúc sư hình dung ra được không gian, sản phẩm kiến trúc mà mình sẽ tạo ra. Khi chuẩn bị bắt đầu một dự án mới, kiến trúc sư cần sử dụng năng trừu tượng của mình để có các ý tưởng rõ ráng nhất về các thành phần ba chiều cần thiết để có thể lấp đầy không gian trống. Các kiến trúc sư để tạo ra một ý tưởng trừu tượng về không gian vật lý, nên trình bày tất cả trên giấy và dùng một ngày làm việc để giải thích các ý tưởng của mình thông qua thông số, tỷ lệ, bố cục và cách sắp xếp.
8. Phân tích đa chiều đời sống con người thông qua không gian sống
Kiến trúc sư là người hiểu chất lượng cuộc sống qua sự phân tích đa chiều từ ánh sáng, tỷ lệ, vật liệu, màu sắc, thông gió, kết cấu bề mặt,... Kỹ năng này này giúp kiến trúc sư sáng tạo các ý tưởng nhằm thỏa mãn các nhu cầu của người sử dụng
9. Có sự phối hợp đa ngành
Một kiến trúc sư quá nâng cao lòng tự trọng, đề cao thiết kế của mình và không tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia khác sẽ khiến cho sản phẩm của mình khó lòng mà được hoàn thiện và được đưa vào sử dụng. Cần có sự phối lợp làm việc của các ngành liên quan, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia để mang đến kết quả tốt nhất.
V. Học nghề kiến trúc sư ở đâu?
Hiện nay, có 3 cơ sở đào tạo kiến trúc sư lớn và uy tín nhất tại Việt Nam đó chính là trường đại học kiến trúc Hà nội, Khoa kiến trúc trường đại học xây dựng Hà Nội và trường đại học kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra , bạn cũng có thể theo học khoa kiến trúc tại các trường đại học hệ dân lập như trường đại học dân lập Phương Đông, trường đại học dân lập Đông Đô tại Hà Nội, trường đại học dân lập Văn Lang, trường đại học dân lập Hồng Bàng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời trường đại học tại Huế và Đà Nẵng cũng có khoa đào tạo kiến trúc sư.
Với các bạn có điều kiện và mong muốn mở rộng kiến thức hơn có thể chọn du học ngành kiến trúc tại nước ngoài. Ngành kiến trúc được đông đảo du học sinh Việt Nam lựa chọn chủ yếu là ở các trường đại học ở Đức, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Singapore, ...
VI. Kết luận
Kiến trúc sư là một công việc khá khó khăn, yêu cầu sự tỉ mỉ, chính xác cao và chắc chắn không phải là công việc phù hợp với tất cả mọi đối tượng. Nếu đã đam mê và gắn bó với nghề này, kiến trúc sư hãy chuẩn bị cho mình những kỹ năng và kiến thức thật vững vàng để có thể thành công trong nghề, biến các sản phẩm kiến trúc trên giấy của mình thành sản phẩm thực tế được mọi người yêu thích sử dụng. Chúc bạn thành công.
Xem thêm:
Kỹ sư xây dựng - Ngành nghề có mức thu nhập hấp dẫn nhưng nhiều thách thức
Designer là gì? Cơ hội nghề nghiệp của Designer như thế nào?
Thiết kế đồ họa là gì? Các vị trí công việc nghề thiết kế đồ họa