Ngành dịch vụ lên ngôi kéo theo vô vàn cơ hội nghề nghiệp nở rộ, một trong số đó là nhân viên phục vụ. Đây cũng chính là công việc được nhiều người quan tâm hiện nay. Nếu bạn cũng đang tìm hiểu về nhân viên phục vụ, hãy để 123job giúp bạn nhé.
Nhân viên phục vụ không còn là công việc quá xa lạ gì với chúng ta tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của ngành nghề này. Cũng giống như các ngành khác, nhân viên phục vụ có cơ hội thăng tiến nhanh trong ngành của mình. Nếu bạn đang có ý định ứng tuyển vào vị trí này thì bài viết sau của 123Job sẽ giúp bạn rất nhiều đó!
I. Nhân viên phục vụ là ai?
Nhân viên phục vụ (trong tiếng anh là: Waiter/Waitress) chính là một trong những người tiếp xúc, giao tiếp với khách hàng nhiều nhất khi họ đến một nhà hàng hay quán ăn. Do đó, ấn tượng của khách hàng đối với những nhân viên phục vụ nhà hàng là rất quan trọng. Với những người chưa biết gì về nghề này có thể hiểu đơn giản nhân viên phục vụ sẽ là người đợi khách đến, thực hiện đặt đồ ăn cho khách, chuyển yêu cầu của khách xuống bếp và mang đồ ăn lên cho họ. Nhân viên phục vụ nên là những người tạo cho khách cảm giác dễ chịu, thoải mái và đảm bảo trải nghiệm ăn uống của khách hàng luôn tuyệt vời nhất. Với những người mới bắt đầu trong lĩnh vực nhà hàng thì nhân viên phục vụ sẽ là công việc đầu tiên mà chắc chắn ai cũng cần phải biết.
II. Nhân viên phục vụ làm những công việc gì?
Công việc nhân viên phục vụ nhà hàng
Nhiều người cho rằng công việc của nhân viên phục vụ tưởng chừng đơn giản với việc bưng bê phục vụ khách nhưng thực tế lại không như vậy. Làm một nhân viên phục vụ, như nhân viên phục vụ nhà hàng, nhân viên phục vụ quán cafe... bạn sẽ phải đảm nhiệm một số công việc của nhân viên phục vụ nhà hàng cụ thể sau đây:
- Dọn dẹp, bày biện những khu vực bàn/ chỗ ngồi được giao phục vụ
- Chào khách hàng, đưa ra thực đơn cho khách
- Trả lời những câu hỏi liên quan đến thực đơn cho khách hàng
- Ghi yêu cầu đồ ăn/thức uống mà khách hàng cần phục vụ
- Kiểm tra đặt món và chuyển đơn đặt món của khách xuống bếp để bộ phận bếp thực hiện
- Mang đồ ăn, thức uống đến cho khách
- Đáp ứng yêu cầu phục vụ từ khách hàng
- Dọn dẹp sau khi khách ăn/uống xong (bàn ăn, chén, ly, dao, dĩa…)
- Sắp xếp chỗ ngồi và chào đón những khách hàng mới đến
Do đó, để làm một nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, bạn cần để ý tới những yếu tố sau:
- Bạn cần ghi lại thông tin đặt món một các chính xác và rõ ràng. Ví dụ số lượng món ăn, đơn vị tính, những yêu cầu thêm nếu có. Cùng với đó bạn cũng cần hiểu biết về ẩm thực nhà hàng mà mình làm việc, qua đó sẵn sàng giải đáp, tư vấn gọi món cho khách. Làm việc đúng quy cách, tác phong phục vụ tốt là những yếu tố quan trọng tạo nên một nhân viên phục vụ chuyên nghiệp. Hơn nữa, bạn cần chú ý tới thái độ phục vụ: Luôn niềm nở, ân cần, hòa nhã và chu đáo với khách mọi lúc, mọi nơi. Hãy để ý tư thế phục vụ của mình, luôn đứng thẳng và mỉm cười, lắng nghe khách hỏi và lựa chọn các đồ có trong menu của nhà hàng. Bạn cần cẩn thận, chú ý đến các yêu cầu ăn kiêng, ăn chay…của khách và ghi vào đơn đặt món. Đối với nhân viên phục vụ, cần tránh việc trả lời nếu không rõ câu hỏi hay vấn đề mà khách muốn giải đáp.
- Hãy nhớ rằng yếu tố vệ sinh phải luôn được đặt lên hàng đầu. Bạn cần đảm bảo khu vực làm việc tuyệt đối sạch sẽ, mà hơn hết là đồng phục tư trang gọn gàng, sạch đẹp. Bạn nên kiểm tra việc đặt bàn, kiểm tra bố trí đồ dùng trên bàn, kiểm tra các món đặc biệt trong ngày và trong tuần. Cần tránh tình trạng phục vụ làm việc trong điều kiện không khỏe như đang ốm yếu, cảm cúm... Kiểm tra các dụng cụ thường xuyên trong ca làm việc của mình. Song song đó là tự kiểm tra đồng phục cá nhân, nếu có biểu hiện sức khỏe không tốt hay dấu hiệu của việc ốm thì cần báo ngay cho quản lý nơi làm việc để có cách xử lý.
- Bạn cần chú ý bảo quản các dụng cụ làm việc. Công việc của nhân viên phục vụ rất cần quản lý tốt số lượng các công cụ như: Bàn ghế, ly tách, dụng cụ liên quan... Cần báo cáo ngay lập tức cho quản lý cơ sở khi phát hiện chén đĩa bị sứt mẻ hay số lượng thiếu. Bên cạnh đó, bàn ghế phải ngay ngắn, các gia vị như muối, tiêu, khăn ăn, hoa… phải đầy đủ.
- Bạn cần quen với việc phối hợp làm việc giữa các đồng nghiệp. Điều này khá quan trọng trong môi trường tập thể, đặc biệt đối với các nhân viên phục vụ - hãy phối hợp tốt với thu ngân, quản lý nhà hàng, bếp trưởng khi có yêu cầu gọi món từ khách, hủy thức ăn, hay tính tiền. Ngoài ra việc bàn giao ca hay các thông tin liên quan đến hợp đồng với khách cũng cần bạn phải phối hợp nhịp nhàng với đồng nghiệp.
III. Nhân viên phục vụ cần kỹ năng gì?
Do tính chất công việc phải tiếp xúc với lượng lớn khách hàng mỗi ngày, nhân viên phục vụ phải chuẩn bị cho mình những kỹ năng nhất định. Điều này sẽ giúp họ duy trì mối quan hệ và ấn tượng tốt đẹp nơi khách hàng.
1. Tác phong và thái độ làm việc chuyên nghiệp
Khi bắt đầu làm nhân viên phục vụ, bạn sẽ được đào tạo và hướng dẫn để nắm rõ tác phong, thái độ làm việc theo từng nhà hàng, khách sạn trong suốt quá trình làm việc. Ở mỗi nhà hàng/khách sạn khác nhau sẽ có những quy định riêng dành cho nhân viên. Tuy nhiên, nhìn chung thì hầu hết nhân viên phục vụ chuyên nghiệp cần phải đảm bảo được các tiêu chí như sau về tác phong và thái độ làm việc: Trang phục chỉn chu, đầu tóc gọn gàng, phong thái tự tin, nhiệt tình, hòa nhã, tác phong nhanh nhẹn, thái độ làm việc hợp tác, sẵn sàng tiếp nhận phản hồi, tôn trọng đồng nghiệp, khách hàng, có chí tiến thủ… Bởi nhân viên phục vụ sẽ đại diện cho hình ảnh của nhà hàng, hình ảnh của nhân viên phục vụ sẽ là ấn tượng thứ hai của khách hàng chỉ sau ấn tượng về món ăn. Thậm chí có những lúc chính thái độ phục vụ của nhân viên phục vụ sẽ quyết định việc khách hàng có lựa chọn ăn ở quán ăn đó hay không. Tiêu chí đầu tiên trong phục vụ chính là "coi khách hàng là thượng đế", việc bạn phục vụ ra sao sẽ quyết định trực tiếp tới sự lựa chọn của "thượng đế", và tất nhiên sẽ tác động rất lớn tới sự tồn tại của nhà hàng...
2. Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng của nhân viên phục vụ
Một lần nữa cần khẳng định, nhân viên phục vụ là những người tiếp xúc nhiều nhất với khách hàng từ khi họ bước vào nhà hàng/quán ăn. Khi phải tiếp xúc nhiều khách như vậy thì kỹ năng giao tiếp là điều vô cùng quan trọng mà bạn cần phải có. Giao tiếp tốt, kỹ năng giao tiếp hiệu quả sẽ khiến khách hàng có cảm tình và thiện cảm với bạn cũng như nhà hàng/quán ăn. Chẳng ai muốn tiếp tục ngồi ăn tại một nhà hàng mà nhân viên phục vụ giao tiếp một cách cộc lốc, bất lịch sự đúng không nào?
3. Kỹ năng ngoại ngữ
Khi bạn làm việc trong ở những nơi có tính đặc thù như nhà hàng/khách sạn, mỗi ngày, bạn có thể không chỉ tiếp đón các khách hàng trong nước mà còn phải làm việc với nhiều lượt khách quốc tế. Vì vậy, hơn ai hết bất kỳ một nhân viên nào cũng cần có vốn tiếng Anh giao tiếp tốt. Trình độ ngoại ngữ tốt là điều kiện bắt buộc cũng như là “vũ khí” để giúp công việc của bạn trở nên suôn sẻ và thuận lợi hơn. Đặc biệt, đây còn là lợi thế trong việc tạo cơ hội để bạn thăng tiến nhanh hơn trong nghề này. Do đó có thể khẳng định, kỹ năng ngoại ngữ đối với nhân viên phục vụ trong thời đại phát triển ngày nay là vô cùng quan trọng. Tất nhiên bạn không thể phục vụ một cách chuyên nghiệp nếu không hiểu khách hàng đang yêu cầu gì, hay gọi món gì...
4. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Một kỹ năng mà nhiều nhân viên phục vụ thường hay thiếu đó là kỹ năng giải quyết vấn đề. Bất kỳ công việc nào cũng có lúc sẽ xảy ra vấn đề và công việc phục vụ cũng vậy. Nếu có thể tự mình giải quyết những vấn đề phát sinh một cách “êm thấm”, nhanh chóng thì bạn sẽ được đánh giá cao hơn những người khác. Thêm vào đó, một người nhân viên phục vụ có tài ăn nói, giải quyết vấn đề sẽ làm khách cảm thấy được thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều. Hoàn toàn có thể khắc định, đây chắc chắn là kỹ năng mà một người phục vụ nên có.
5. Khả năng ghi nhớ, thành thạo kỹ năng
Tất nhiên là không phải ai cũng may mắn có được khả năng ghi nhớ tốt. Tuy nhiên, để hoàn thành tốt công việc nhân viên phục vụ, chuyện rèn luyện kỹ năng này gần như là một điều bắt buộc. Trong một ngày, nhà hàng/khách sạn có thể phục vụ hàng chục, hàng trăm khách hàng, nếu bạn không tập ghi nhớ bạn sẽ khó lòng đảm nhiệm công việc tiếp đón, tiếp nhận đặt đồ, chuyển đơn đặt đồ, phục vụ món ăn… và rất nhiều công việc khác như tư vấn, giới thiệu, dọn dẹp…
IV. Lợi thế và hạn chế của công việc phục vụ là gì?
Như bao ngành nghề khác, nhân viên phục vụ cũng có những lợi thế và hạn chế riêng.
Về lợi thế:
- Giúp kiếm thêm thu nhập: Đây có lẽ là yếu tố mọi người đi xin việc đều quan tâm hàng đầu. Khi mà các nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm sau mưa ở các thành phố lớn, nghề nhân viên phục vụ đang được đánh giá là rất phát triển. Không những vậy, mức lương cho ngành nghề này cũng khá cao, chưa nói tới những mức thưởng ngoài mà các ông chủ sẵn sàng trả nếu bạn có kỹ năng tốt.
- Giúp trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng của bản thân (giao tiếp, ngoại ngữ, ứng xử...): Nhân viên phục vụ là nghề bắt buộc phải giao tiếp rất nhiều, bao gồm cả việc sử dụng ngoại ngữ. Không những vậy, bạn còn phải đối mặt với nhiều tình huống bất ngờ mỗi ngày đòi hỏi cách ứng xử khéo léo. Đây được coi là môi trường tuyệt vời để rèn luyện sự nhanh nhẹn, tinh tế, bạn có thể tận dụng để giúp bản thân trưởng thành hơn.
- Giúp mở rộng các mối quan hệ: Việc giao tiếp không chỉ rèn luyện cho bạn sự khéo léo, mà còn giúp bạn mở rộng các mối quan hệ lành mạnh. Càng giao tiếp nhiều, bạn càng cho mình thêm nhiều cơ hội để tiếp xúc, gặp gỡ những người ở đủ mọi vị thế trong xã hội. Nếu biết tận dụng triệt để cơ hội này, các mối quan hệ của bạn sẽ được mở rộng không giới hạn...
Về hạn chế:
- Công việc có thể yêu cầu phải làm theo ca kíp vất vả: Nghề nhân viên phục vụ khá đặc thù, vì đây là nghề "làm việc khi người khác nghỉ ngơi". Bạn sẽ làm việc khi người khác đi chơi, đi ăn, sử dụng dịch vụ của bạn. Đó là lúc hạn chế của ngành nghề này bộc lộ, vì đôi khi bạn sẽ cảm thấy thật áp lực và mệt mỏi, thời gian riêng tư dường như biến mất. Đây cũng chính là rào cản lớn nhất cho nhân sự mong muốn làm nghề nhân viên phục vụ hiện nay, thường thì mọi người chọn làm công việc bán thời gian để quỹ thời gian cá nhân được linh động hơn...
- Chịu áp lực từ phía khách hàng và quản lý: Một nhân viên phục vụ có khá nhiều kỹ năng cần rèn luyện bài bản, và khách hàng lẫn quản lý sẽ là người "chấm điểm" cho những kỹ năng đó của bạn. Tuy nhiên, việc chịu áp lực này cũng sẽ làm cho bạn trưởng thành hơn, nếu chịu được hạn chế này, 123job tin rằng bạn sẽ "được" nhiều hơn là "mất" đó!
V. Tìm kiếm công việc phục vụ ở đâu? Mức lương của nhân viên phục vụ như thế nào?
Ngày nay, có rất nhiều nơi tìm kiếm nguồn nhân lực cho các vị trí khác nhau của nghề nhân viên phục vụ như: tuyển nhân viên phục vụ bàn, tuyển nhân viên phục vụ nhà hàng, tuyển nhân viên phục vụ quán trà sữa...
Để tìm kiếm các thông tin đó, bạn có thể có rất nhiều cách. Thông tin tuyển nhân viên phục vụ trên các tờ báo, tạp chí, qua người quen hay thậm chí qua mạng sẽ là nguồn hỗ trợ đắc lực cho bạn. Với thời đại phát triển của Internet ngày nay, xu hướng tìm việc online đang được rất nhiều người lựa chọn. Các nhà tuyển dụng sẽ đăng tin lên những trang web tuyển dụng và bạn có thể tìm thêm thông tin, gửi hồ sơ nếu bạn muốn. Một số trang bạn có thể tham khảo và tìm được công việc phục vụ cho mình: 123job, Viecngay.vn, Jobstreet…
Theo ghi nhận của Hotelcareers.vn (2018), mức lương của khi tuyển nhân viên phục vụ giao động từ 4 - 6 triệu đồng, bạn có thể có thêm tiền tip và tiền phí phục vụ theo quy định của nhà hàng.
VI. Nhân viên phục vụ cần làm gì để thăng tiến nhanh?
1. Tiếp cận công việc thực tế sớm nhất có thể
Nhân viên phục vụ là một trong số những nghề hiếm hoi không yêu cầu quá nhiều về chuyên môn nghiệp vụ, chính vì thế mà nó đã và đang trở thành lựa chọn công việc của rất nhiều người. Tuy nhiên, để “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng, một nhân viên phục vụ có kinh nghiệm và sự khéo léo sẵn có chắc chắn sẽ được lợi hơn một “tay mơ” mới vào nghề. Do đó, 123job khuyên bạn nên dấn thân vào nghề càng sớm càng tốt, “chăm hay không bằng tay quen” - hãy chủ động tiếp cận công việc sớm nhất có thể để tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý báu. Không những bạn sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao, mà chính con đường phát triển sự nghiệp của bạn sẽ trở nên rất thuận lợi. Việc bước vào nghề sớm hơn sẽ đem tới cho bạn nhiều lợi thế hơn về các mối quan hệ, sự thích nghi, tính chuyên nghiệp trong từng khâu của công việc…
2. Đầu quân vào một môi trường làm việc chuẩn quốc tế
Nhân viên phục vụ tiêu chuẩn quốc tế
Môi trường làm việc chuẩn quốc tế ban đầu sẽ khiến bạn cảm thấy khó khăn - nhưng đừng lo, chính điều này sẽ trở thành chìa khóa thành công cho bạn đó! Một môi trường như vậy sẽ đem tới cho bạn sự minh bạch, công bằng trong từng vị trí công việc, không những vậy, bạn sẽ có nhiều hơn cơ hội tiếp cận với các khóa tập huấn, đào tạo chuyên ngành, từ đó tích lũy được vô số kinh nghiệm quý báu… Bên cạnh đó, môi trường làm việc chuẩn quốc tế thường xuyên tổ chức những cơ hội cho nhân viên bộc lộ năng lực bản thân, từ đó sẽ được cân nhắc lên những vị trí cao hơn như Tổ trưởng (Shift leader) – Giám sát (Supervisor) cho đến Quản lý (Manager),…
3. Trau dồi khả năng ngoại ngữ, rèn luyện các kỹ năng mềm
Một nhà quản lý dịch vụ luôn cần trình độ ngoại ngữ khá cao. Bởi trong vị trí này, bạn sẽ phải đối mặt với vô số tình huống mỗi ngày, không ngoại trừ việc bạn phải tiếp xúc và làm hài lòng những người khách ngoại quốc. Không những vậy mà mỗi ngày, một nhà quản lý nhân sự sẽ phải đối mặt với rất nhiều công việc đòi hỏi kỹ năng ngoại ngữ như: duyệt các chứng từ, tìm hiểu và đọc các tài liệu, xử lý tâm thư khách hàng, bao quát lại những vấn đề phát sinh từ nhân viên… Do đó, nếu bạn muốn thăng chức lên vị trí giám sát hoặc quản lý, yếu tố tiên quyết chính là việc bạn phải thành thạo cả 4 kỹ năng “nghe - nói - đọc - viết”, cùng một số kỹ năng khác như kỹ năng đào tạo nhân viên, chia ca quản lý, nắm bắt nguyện vọng khách hàng…
4. Học hỏi kỹ năng nghiệp vụ và tích lũy kinh nghiệm
Nhân viên phục vụ là ngành nghề đòi hỏi tính linh hoạt rất cao, do đó bạn luôn cần học hỏi các kỹ năng mới và tích lũy cho mình thật nhiều kinh nghiệm. Đây cũng là mục tiêu bạn cần nỗ lực khi muốn phát triển lên vị trí quản lý hay giám sát nhà hàng. Để phục vụ cho việc phát triển này, bạn có thể tham khảo những cách khác nhau ở một số trang web, tham gia các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm làm quản lý nhà hàng, quản lý nhân viên phục vụ hoặc vào thư viện tìm đọc những cuốn sách liên quan trong ngành… từ đó, con đường thăng tiến của bạn chắc chắn sẽ rất rộng mở.
5. Luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận một vị trí mới
Mỗi nhà quản lý có một cách quản trị nhân sự riêng, tuy nhiên hầu hết đều có một điểm chung là luôn nhìn vào tinh thần làm việc, sự cầu thị của nhân viên mà đánh giá hiệu quả, năng suất công việc. Từ đó các nhà quản lý sẽ đưa ra hình thức thưởng - phạt phù hợp. Cũng vì lẽ đó mà khi bạn biến mình thật nổi bật trước mắt các nhà quản lý bằng tinh thần làm việc tích cực, sự cầu thị, luôn sẵn sàng tiếp nhận một vị trí mới và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bạn đang đem tới cho bản thân cơ hội khổng lồ để được nhìn nhận và trao cơ hội làm những công việc quan trọng hơn. Hãy thật tỉnh táo và khéo léo, rất có thể những khó khăn mà bạn gặp phải ngày hôm nay chính là bước đệm hiệu quả nhất cho sự thăng tiến của chính bạn sau này.
VII. Kết luận
Qua nội dung trên, 123job mong rằng bạn đã có cho mình những thông tin hữu ích nhất của nghề nhân viên phục vụ. Chúc bạn luôn thành công trong sự nghiệp và hãy đón đọc những bài viết bổ ích tiếp theo của 123job nhé!