Logistics vẫn đang là một cụm từ khá mới mẻ với hầu hết mọi người nhưng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thì dịch vụ này đang dần phát triển và chiếm vai trò quan trọng. Bài viết sau sẽ cung cấp một số thông tin hữu ích về công việc này.
I. Khái niệm của logistics
Logistics có nghĩa gần nhất là “hậu cần”, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp. Có thể hiểu đơn giản thì logistics là một phần nằm trong chuỗi cung ứng gồm tất cả những công việc liên quan đến hàng hóa: đóng gói, vận chuyển, lưu kho và bảo quản cho tới khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
Logistics, hiện nay, là một vấn đề được hầu hết các doanh nghiệp sản xuất quan tâm và thực hiện bằng các chiến lược cụ thể. Bởi họ biết khi chiến lược logistics có hiệu quả tốt thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức cũng như tiền bạc của cải. Đồng thời đây cũng là yếu tố giúp tạo điểm mạnh, tăng yếu tố cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Logistics là gì?
II. Vai trò của logistics
1. Cung cấp các chuỗi liên kết giá trị toàn cầu
Các nhà quản lý hiện nay coi logistics giống như công cụ liên kết các lĩnh vực khác nhau của chiến lược doanh nghiệp trong khi nước ta là nước đang phát triển với thị trường mở cửa. Dịch vụ này giúp các doanh nghiệp có lợi hơn về thời gian và địa điểm. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng mở rộng thương mại sang các khu vực khác, dịch vụ logistics ngày càng phổ biến và hoạt động rộng rãi trên nhiều thị trường khác nhau. Vì vậy, logistics càng khẳng định vị thế và vai trò đối với các nước đang và chậm phát triển.
2. Tối ưu hóa chu trình lưu chuyển của sản xuất kinh doanh
Bắt đầu từ khâu đầu vào với nguyên vật liệu, phụ kiện đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, logistics luôn tồn tại hiện hữu theo từng bước. Nếu không có logistics thì các khâu vận chuyển hàng hóa trung gian này sẽ tốn rất nhiều chi phí cũng như sức lao động. Bên cạnh đó, vấn đề tối ưu hóa các hoạt động sản xuất, lưu kho, vận chuyển cũng được dịch vụ này giải quyết một cách tốt nhất
3. Hỗ trợ nhà quản lý ra quyết định chính xác
Không ít nhà quản lý luôn đau đầu khi gặp phải những bài toán hóc búa về nguồn cung ứng nguyên vật liệu ở đâu, số lượng và thời gian bổ sung nguyên vật liệu là khi nào, quá trình vận tải như thế nào, bãi chứa sản phẩm ra làm sao… Và dịch vụ logistics ra đời để giải quyết những bài toán khó ấy cho những nhà quản lý. Nhờ vậy mà trong quá trình sản xuất kinh doanh họ có thể dễ dàng kiểm soát và ra quyết định hơn, làm giảm tối đa chi phí phát sinh và hiệu quả hơn trong quá trình quản lý công việc.
4. Đảm bảo đúng về thời gian và địa điểm
Đúng thời gian, địa điểm là một yêu cầu mới đối với dịch vụ giao thông vận tải trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế hiện nay. Không chỉ đảm bảo hai yếu tố trên mà doanh nghiệp còn phải tính toán làm sao cho lượng hàng tồn kho còn lại là ít nhất, tránh ứ đọng nhiều. Với công nghệ hiện đại ngày càng phát triển thì việc quản lý và đảm bảo các yếu tố trên ngày càng được cải thiện. Mọi thông tin luôn được cập nhật nhanh chóng và chính xác nhất đến tay người quản lý nhưng cũng đòi hỏi họ một lượng kiến thức tin học chuẩn quốc tế.
Vai trò của dịch vụ logistics
III. Tác dụng của logistics
1. Nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp
Nhờ việc hình thành và phát triển của dịch vụ logistics mà các doanh nghiệp có thể giảm thiểu tối đa chi phí trong sản xuất và lưu thông hàng hóa, các công việc nhờ đó mà cũng trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Từ nguồn chi phí được giảm xuống, các doanh nghiệp có thể đầu tư vào sản xuất thêm các sản phẩm khác hoặc mở rộng sản xuất. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
2. Tiết kiệm và giảm chi phí lưu thông, phân phối
Một công thức đơn giản để tính được giá cả trên thị trường = giá cả (chi phí) ở nơi sản xuất + chi phí trong quá trình lưu thông hàng hóa. Chi phí lưu thông là chiếm một lượng không nhỏ trong việc hình thành giá cả hàng hóa, đặc biệt là với hàng hóa quốc tế. Dịch vụ vận tải giúp hàng hóa đưa đến tay người tiêu dùng để thực hiện giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa. Trong điều kiện hiện nay, khi dịch vụ logistics đang ngày càng hoàn thiện hơn thì chi phí cho các dịch vụ vận tải và chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển sẽ ngày càng tiết kiệm hơn cho doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ của logistics.
3. Tăng giá trị kinh doanh
So với hoạt động vận tải thông thường chỉ cung cấp các dịch vụ đơn giản thuần túy, bán lẻ đến cho khách hàng thì dịch vụ logistics lại cung cấp nhiều tiện ích mở rộng và phức tạp hơn đến người sử dụng. Cùng với sự phát triển của logistics là những hoạt động mở rộng dịch vụ đáp ứng những nhu cầu khác nhau, thậm chí khó tính nhất của mọi khách hàng. Vậy một điều dễ dàng nhận thấy logistics đã tăng thêm cho các doanh nghiệp vận tải một lượng doanh thu không hề nhỏ.
4. Mở rộng thị trường buôn bán quốc tế
Việc mở rộng thị trường và xuất khẩu sản phẩm là một trong những mục tiêu hàng đầu mà bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh nào cũng muốn hướng đến. Các nhà sản xuất kinh doanh muốn sản phẩm của mình thâm nhập vào các thị trường khác thì dịch vụ logistics được coi như một công cụ đắc lực giúp thúc đẩy mong muốn muốn mở rộng thị trường ngày một gần hơn. Nhờ có chiếc cầu nối logistics mà hàng hóa của doanh nghiệp được mở rộng và đi đến các thị trường khó tính đúng thời gian và địa điểm đã đề ra.
5. Giảm thiểu chi phí, hoàn thiện và chuẩn hóa chứng từ
Cuộc cách mạng trong dịch vụ vận tải logistics đi kèm với nó chính là cách mạng về thông tin điện tử. Nếu như trước đây muốn vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài cần rất nhiều giấy tờ cũng như các chi phí đi kèm thì bây giờ dịch vụ logistics đã cung cấp thêm các dịch vụ đa dạng trọn gói kèm theo giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thêm một khoản dịch vụ về giấy tờ, chứng từ đi kèm theo.
Tác dụng của logistics
IV. Những công việc ngành logistics
1. Warehouse staff - nhân viên kho vận
Người làm công việc này thường liên quan đến việc nhận đơn hàng; sắp xếp lịch giao hàng đúng thời gian, địa điểm và tiết kiệm chi phí; quản lý, hướng dẫn, giám sát các hoạt động bốc vác, xếp hàng, giao nhận hàng, kiểm tra số lượng, chất lượng sản phẩm từ kho đến tay người tiêu dùng… Công việc này yêu cầu kiến thức chuyên môn các chuyên ngành vận tải, nghiệp vụ ngoại thương, đồng thời cũng yêu cầu các kỹ năng: phân tích, tổng hợp, lên kế hoạch, giám sát công việc cũng như tinh thần trách nhiệm, sự tỉ mỉ, chăm chỉ… Mức lương cho công việc này thường dao động từ 6 - 8 triệu VNĐ.
2. Nhân viên kinh doanh
Đây là công việc có ở hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh đều tuyển. Nhân viên kinh doanh là người đi cung cấp thông tin về dịch vụ của công ty và thuyết phục khách hàng sử dụng. Họ cũng là người đem lại lợi nhuận về cho công ty, duy trì lượng khách hàng vốn có cho công ty và tìm kiếm những khách hàng tiềm năng… Với những kiến thức cơ bản về sale, hàng hải… và kỹ năng giao tiếp tốt, xử lý tình huống gọn, kiên nhẫn thì bạn đã có một vị trí là nhân viên kinh doanh, kiếm được khoảng 6 - 8 triệu VNĐ mỗi tháng.
3. Document staff - nhân viên chứng từ
Tên chức vụ đã nói lên hết những hoạt động cần làm quanh công việc này. Công việc của bạn sẽ xoay quanh việc soạn thảo, xử lý các chứng từ xuất khẩu; chuẩn bị bộ chứng từ khai hải quan, xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ, chất lượn; lưu trữ hồ sơ chứng từ… Về kiến thức chuyên môn, công việc yêu cầu kiến thức liên quan đến các thủ tục hải quan, giao nhận hàng hóa, chạy lệnh. Bên cạnh đó cũng yêu cầu các kỹ năng mềm như giao tiếp bằng ngoại ngữ, tin học văn phòng, có trách nhiệm cao, tỉ mỉ, ứng biến linh hoạt. Mức lương trung bình mỗi nhân viên nhận được là từ 6 - 8 triệu VNĐ.
4. Nhân viên cảng
Công việc cụ thể của nhân viên cảng: bố trí tàu ra vào cảng, điều động phương tiện, công nhân bốc dỡ, kiểm tra an toàn lao động, kiểm soát các thiết bị, băng tải trong quá trình vận chuyển. Kiến thức chuyên môn yêu cầu về thủ tục hải quan, thiết bị bốc dỡ, quy trình vận hành máy móc... Kỹ năng mềm bao gồm kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, tin học văn phòng, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật cao… Mức lương cơ bản của công việc này nằm trong khoảng từ 6 - 8 triệu VNĐ.
5. Purchasing staff - chuyên viên thu mua
Một chuyên viên thu mua có mức lương trung bình cao hơn các công việc khác từ 8-10 triệu VNĐ. Nhưng đi kèm với mức lương đó là lượng công việc cao hơn, khó khăn hơn:
- Lập kế hoạch, lên danh sách ưu tiên cho các hoạt động thu mua, làm việc trực tiếp với phòng kế hoạch và sản xuất
- Đánh giá kế hoạch đặt hàng, đưa ra yêu cầu và quản lý quá trình mua hàng
- Cung cấp thông tin, văn bản cần thiết cho nhà cung cấp
- Theo dõi tình trạng đơn hàng, ứng phó kịp thời với các sự cố
- Theo dõi đơn đặt hàng, xác nhận thời gian sản xuất, thời điểm giao nhận hàng, chi phí
- Đánh giá, cập nhật, duy trì các đơn đặt hàng cho đến lúc kết thúc
- Đảm bảo đơn đặt hàng tiến hành theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng
Công việc này yêu cầu lượng kiến thức thực tế nhiều hơn các kiến thức chuyên môn. Đó là thông tin về hàng hóa và giá cả, nguyên vật liệu trên thị trường hiện tại. Hơn nữa, công việc yêu cầu kỹ năng quản lý tài chính, hiểu biết thị trường, khả năng giao tiếp, tư duy sáng tạo, xây dựng và duy trì các mối quan hệ...
Ngoài ra còn rất nhiều công việc khác cũng nằm trong ngành Logistics mà bạn cũng nên biết như Forwarder - nhân viên giao nhận, Operation staff - Nhân viên hiện trường, Customs Clerk - Nhân viên hải quan , Chuyên viên thanh toán quốc tế, Customer service - Nhân viên chăm sóc khách hàng… Về cơ bản các công việc này đều có mức lương trung bình dao động từ 6 - 8 triệu. Đi kèm theo đó là các yêu cầu về kiến thức chuyên môn nhất định và một số kỹ năng mềm: ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật cao...
Các công việc ngành logistics
V. Quy trình cơ bản của logistics
Các hoạt động của Logistics bao gồm:
- Dự báo nhu cầu
- Dịch vụ khách hàng
- Thông tin trong phân phối
- Kiểm soát lưu kho
- Vận chuyển nguyên vật liệu
- Quản lý quá trình đặt hàng
- Lựa chọn địa điểm nhà máy và kho
- Book cước, thuê tàu
- Thu gom hàng hóa
- Đóng gói, xếp dỡ hàng
- Khai thuê hải quan
- Phân loại hàng hóa
- Vận chuyển nội địa
- Thông quan nhập khẩu
- Giao hàng
Quy trình Logistics truyền thống và cơ bản (Nguồn ảnh: optoro.vn)
Đây là những hoạt động cơ bản nhất của logistics truyền thống. Nhìn bề ngoài có vẻ rất đơn giản và rõ ràng nhưng nếu quy mô doanh nghiệp càng lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thì những đầu tư về công sức và tiền bạc cho logistics là không hề nhỏ.
Vấn đề kho bãi cùng các phương tiện vận chuyển hiện đại tạo ra không ít vấn đề khiến cho các doanh nghiệp phải đau đầu. Và sự ra đời của Logistics sẽ là bước ngoặt lớn, là giải pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp trong nền kinh tế mở hiện nay trên thế giới.
Tuy nhiên trong thời đại 4.0 hiện nay thì lĩnh vực logistics lại phát triển theo hướng vừa kế thừa tinh hoa truyền thống, vừa tận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào trong quá trình hoạt động để tạo ra sự bứt phá, bước ngoặt cho nền kinh tế quốc gia.
VI. Dịch vụ logistics trong lĩnh vực bán lẻ
Thị trường bán lẻ luôn ẩn chứa sức cạnh tranh lớn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Bởi những yêu cầu của khách hàng đối với sản phẩm là rất nhiều: luôn có sản khi họ cần, phải giao đến địa điểm thời gian mà họ muốn… Để giải quyết vấn đề này, những hoạt động về dịch vụ logistics trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng đã ra đời. có thể kể đến một số hoạt động phổ biến như
- Các trung tâm gom hàng để giảm lượng hàng lưu kho
- Cơ sở phân kiện và cơ sở cross-dock
- Công nghệ băng tải tự động
- Lấy hàng tiêu chuẩn hoặc từ nhiều địa điểm trong môi trường ở nhiệt độ phòng, môi trường làm mát hoặc đông lạnh
- Lấy hàng theo từng cái, theo hộp bên trong hoặc theo hộp
- Các giải pháp RFID (Nhận dạng qua tần số vô tuyến), lấy hàng bằng giọng nói, nhận biết hàng bằng hệ thống ánh sáng (pick-to-light) và các giải pháp bằng giấy
- Co-packing (đóng gói gia công)
- Giao hàng tận nhà
- Logistics thu hồi
- ...
Trên đây là một số những thông tin cơ bản nhất của logistics. Liệu mỗi người đã tìm đc cho mình kiến thức phù hợp chưa? Chắc hẳn khái niệm logistics đã khiến bạn dễ hiểu hơn về công việc này. Hay những công việc trong ngành logistics đã khiến bạn có hứng thú với nó… Cuối cùng cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết.