Khi một công ty muốn tuyển dụng hoặc một ứng viên muốn tham khảo công việc của một tổ chức nào đó thì đều cần tới bản mô tả công việc hay còn gọi tắt là JD. Vậy JD là gì và cách viết bản mô tả công việc như thế nào? Hãy cùng chúng tôi khám phá nhé!

​​​​​​​I. JD là gì? Bản mô tả công việc là gì?

JD

JD là gì? Bản mô tả công việc là gì?

Chắc hẳn những bạn trẻ có nhu cầu tìm việc thì sẽ không còn xa lạ gì với từ JD nhưng JD là gì thì không phải ai cũng biết. Thực ra, JD là từ viết tắt của cụm Job Description, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là bản mô tả công việc. Trong bản mô tả công việc cho nhân viên, các nội dung cơ bản thường hay xuất hiện bao gồm vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn và quyền hạn mà một nhân viên khi ứng tuyển sẽ đảm nhiệm. Nhờ đó, người đọc sẽ dễ dàng hình dung ra được những công việc mà mình phải làm và đưa ra quyết định có ứng tuyển vào vị trí đó hay không. Bản mô tả công việc là điều kiện không thể thiếu trong công tác tuyển dụng ngày nay, nó không chỉ giảm bớt các thủ tục và lượng thông tin cần trao đổi trong cuộc phỏng vấn mà còn rút ngắn thời gian cho cả nhà tuyển dụng và người xin việc.

II. Các bước xây dựng bản mô tả công việc

Bên cạnh việc giải thích định nghĩa JD là gì thì một vấn đề khác cũng rất quan trọng mà nhà tuyển dụng cần quan tâm đó chính là làm thế nào để xây dựng một bản mô tả công việc cho nhân viên đúng chuẩn, dễ hiểu và hấp dẫn đối với người đi xin việc. Thông thường quy trình này sẽ bao gồm có 4 bước: Lập kế hoạch - Thu thập thông tin - Phác thảo bản mô tả công việc - Mô tả bản mô tả công việc.

1. Lập kế hoạch

Đây là khâu quan trọng nhất trong tất cả các bước khi xây dựng bản mô tả công việc. Trước khi tiến hành tuyển dụng, phòng nhân sự cần lập kế hoạch chi tiết để đảm bảo đúng mục tiêu mà công ty cần hướng tới. Trong giai đoạn này, cần phải xác định câu trả lời cho những câu hỏi sau:

  • Nhiệm vụ của công việc đó là gì?

  • Trách nhiệm của nhân viên đảm nhiệm công việc đó bao gồm những gì?

  • Kết quả của công việc sẽ được đánh giá dựa trên những tiêu chí nào?

  • Nhân viên khi đảm nhiệm công việc sẽ được hưởng những quyền lợi gì?

  • Cơ hội thăng tiến đối với công việc là gì?

  • Đâu là những nội dung cần viết rõ và nhấn mạnh trong bản mô tả công việc?

2. Thu thập thông tin

Sau khi đã lập được kế hoạch xây dựng bản mô tả công việc cho nhân viên thì bước tiếp theo mà bạn cần làm đó chính là thu thập thông tin. Đối với doanh nghiệp, việc thu thập thông tin này sẽ xác nhận lại về vị trí và vai trò của công việc sắp tuyển dụng. Những công việc đó đã phù hợp với yêu cầu trong bộ máy của công ty hay chưa? Yêu cầu đối với nhân sự sắp được bổ sung vào đã đáp ứng đủ theo tiêu chuẩn của bộ phận đó hay chưa…

Ngoài ra, việc thu thập thông tin có liên quan từ các công ty khác trên thị trường cũng là điều rất cần thiết. Có thể đối với công ty bạn thì mức lương và chế độ đãi ngộ như vậy là phù hợp, tuy nhiên trên thị trường lao động thì có nhiều công ty đưa ra mức đãi ngộ hấp dẫn hơn để thu hút nhân lực. Nếu không tìm hiểu những thông tin này thì bạn sẽ rất khó để tìm kiếm được ứng viên cho công ty của mình. Do vậy khâu thu thập thông tin cần được tiến hành một cách tỉ mỉ, chính xác và đầy đủ nhất có thể.

JD

Các bước xây dựng bản mô tả công việc

3. Phác thảo bản mô tả công việc

Khi thông tin đã được thu thập một cách đầy đủ, bạn cần phác thảo bản mô tả công việc sao cho phù hợp với yêu cầu dựa trên những cơ sở dữ liệu đã được phân tích trước đó. Nhờ bản phác thảo này, nhà quản lý sẽ có hình dung ban đầu về công việc mới sắp tới và bao quát được phạm vi công việc. Còn đối với người đảm nhiệm công việc thì bản mô tả công việc phác thảo sẽ giúp họ xác định được trách nhiệm và vị trí của mình trong bộ phận. Bản phác thảo này sẽ được thực hiện bởi bộ phận tuyển dụng, hoặc cũng có thể do chính quản lý của bộ phận đó sẽ viết, cũng có thể là một nhân viên được ủy quyền soạn thảo dựa trên các tiêu chí đã được xác định trước và thậm chí là người đảm nhiệm công việc đó. Bản phác thảo sau khi hoàn thành sẽ được gửi lên cấp trên để phê duyệt.

4. Phê chuẩn bản mô tả công việc

Bản mô tả công việc cần phải có được sự thống nhất giữa người đảm nhiệm công việc và nhà quản lý sau khi đã thảo luận và bàn bạc. Người làm công việc đó và người giám sát hoặc người quản lý phải cùng thống nhất xem nên giải quyết như thế nào khi có rắc rối xảy ra hoặc gặp phải những vấn đề cần giải quyết. Sau khi đã có được sự đồng thuận và nhất trí từ 2 bên, bản phác thảo của JD sẽ được đưa lên cấp trên để phê duyệt. Sau khi được bản mô tả công việc được phê chuẩn thì mọi thắc mắc hoặc những yêu cầu kèm theo của nhân viên muốn thay đổi JD đều phải thông qua nhà quản lý để đề xuất với cấp trên.

III. Cách viết bản mô tả công việc

Vấn đề tiếp theo chắc chắn cũng được rất nhiều người quan tâm đó chính là cách viết bản mô tả công việc. Để viết một bản mô tả công việc đúng chuẩn, đầy đủ thông tin và thu hút đối với các ứng viên khi tuyển dụng thì bạn cần phải đảm bảo được 4 nguyên tắc bất di bất dịch sau đây.

1. Mục tiêu nghề nghiệp

Muốn viết mục tiêu nghề nghiệp đầy đủ và chính xác nhất, khi viết bản mô tả công việc thì bạn cần xác định được câu trả lời cho câu hỏi: “Vị trí này có vai trò gì và có ý nghĩa gì đối với bộ máy hoạt động của công ty?”. Ví dụ, trong bản mô tả công việc trưởng phòng nhân sự thì chức năng chính của họ là đề xuất chính sách nhân sự, quản lý và duy trì hoạt động của phòng nhân sự, đồng thời kiểm tra, theo dõi và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên. Do đó, mục tiêu nghề nghiệp được viết trong bản mô tả công việc trưởng phòng nhân sự sẽ là “Bảo đảm cả về số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực trong công ty thông qua việc đề xuất và giám sát thực hiện các chính sách nhân sự sao cho phù hợp với nhu cầu quản lý và đem lại hiệu quả cao nhất”.

2. Chức năng và nhiệm vụ

Mỗi vị trí khác nhau của một bộ phận sẽ được phân bổ chức năng dựa trên chức năng chính của bộ phận đó. Để cụ thể hóa chức năng này thì trong bản mô tả công việc phải nêu rõ từng nhiệm vụ cụ thể và chi tiết dành cho nhân viên đảm nhiệm vị trí cần tuyển dụng. Hay nói một cách đơn giản hơn thì phần chức năng chính là tổng hợp của tất cả các nhiệm vụ mà các ứng viên khi được lựa chọn sẽ phải thực hiện trong suốt quá trình làm việc của mình.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ được giao phải được mô tả một cách rõ ràng, kèm theo hướng dẫn cụ thể chứ không phải là một quá trình hay quy trình làm việc chung chung. Nói cách khác, khi mô tả về chức năng và nhiệm vụ của công việc thì bạn cần phải làm rõ vấn đề “làm cái gì?” chứ không phải là “làm như thế nào?”.

Thêm một lưu ý nữa khi viết bản mô tả công việc đó là bạn phải sắp xếp các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên và tập trung nhấn mạnh vào những nhiệm vụ chính, quan trọng nhất. Bởi khi chưa được trải nghiệm thực tế mà chỉ hình dung qua bản mô tả công việc thì nhiều ứng viên sẽ cảm thấy bị mơ hồ và hoang mang trước một chuỗi những nhiệm vụ được giao. Để không tạo áp lực cho người đi xin việc thì bạn cần mô tả các nhiệm vụ quan trọng nhất lên trước, những nhiệm vụ nhỏ và ít khi phải thực hiện thì không nên viết vào bản mô tả công việc. Tất cả các nhiệm vụ cần được viết một cách dễ hiểu, đơn giản nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố chính xác.

Cuối cùng, đi kèm với những nhiệm vụ quan trọng là tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành công việc mà các ứng viên phải đáp ứng được khi làm việc. Mức độ cao hay thấp, chuyên nghiệp hay cơ bản đều cần phải được nhấn mạnh rõ để tuyển chọn được những ứng viên phù hợp, đồng thời tránh gặp phải vấn đề bất cập sau khi đã trúng tuyển.

Ví dụ, đối với bản mô tả công việc nhân viên kinh doanh thì bạn cần nêu ra những nhiệm vụ cơ bản sau đây:

  • Duy trì những mối quan hệ kinh doanh hiện có của công ty và tìm kiếm, mở rộng danh sách khách hàng mới.

  • Lập kế hoạch công việc hàng tuần, hàng tháng và thực hiện đúng theo kế hoạch để đạt được các mục tiêu về doanh số.

  • Hiểu rõ về các sản phẩm mà công ty đang phân phối, kèm theo các sản phẩm tương tự, sản phẩm của đối thủ đang cạnh tranh trên thị trường.

  • Nắm được về cơ bản quy trình khi tiếp xúc với khách hàng, quy trình xử lý các đơn khiếu nại thông thường, nhận và giải quyết các yêu cầu từ phía khách hàng và ghi nhận một cách đầy đủ, chính xác trong biểu mẫu được cung cấp sẵn.

  • Trực tiếp đứng ra thực hiện và đốc thúc việc thực hiện hợp đồng, đồng thời tuân thủ nghiêm túc theo các quy định của công ty.

  • Theo dõi và kiểm tra sát sao quá trình thanh lý hợp đồng, hỗ trợ các thông tin về công nợ cho phòng kế toán.

  • Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo sự chỉ đạo của trưởng phòng kinh doanh và ban lãnh đạo của công ty.

JD

Cách viết bản mô tả công việc

3. Quyền hạn và trách nhiệm

Đi kèm với chức năng và nhiệm vụ của mỗi công việc sẽ là quyền hạn và trách nhiệm của những người đảm nhiệm công việc đó. Với mỗi nhiệm vụ được giao, các nhân viên hoàn toàn được phép thực hiện một cách chủ động và tự nguyện dựa trên quyền hạn của mình, nhưng đồng thời phải chịu trách nhiệm cho kết quả thực hiện công việc đó. Những quyền hạn chủ yếu sẽ liên quan tới vấn đề sử dụng nguồn lực về tài chính, nhân sự của công ty, quyền hoạt động hay đại diện cho công ty khi ký kết văn bản, quyết định và hợp đồng. Trong khi đó, các trách nhiệm chủ yếu của nhân viên sẽ là trách nhiệm đối với tài sản chung của công ty và những tài sản thuộc sự sở hữu của nhân viên trong suốt quá trình làm việc, trách nhiệm về tài chính, trách nhiệm pháp lý và con người liên quan tới quá trình thực thi nhiệm vụ.

Ví dụ, trong bản mô tả công việc nhân viên kế toán tổng hợp thì mục quyền hạn sẽ bao gồm các nội dung sau đây:

  • Phổ biến chủ trương và chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương có liên quan tới chuyên môn cho kế toán viên.

  • Ký nhận các tài liệu kế toán và hoàn toàn có quyền từ chối không ký đối với những vấn đề có liên quan tới tài chính doanh nghiệp không phù hợp theo quy định.

  • Yêu cầu các bộ phận chức năng khác trong bộ máy quản lý doanh nghiệp ở cấp đơn vị cùng phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn có liên quan.

  • Tham gia công tác tuyển dụng, khen thưởng hay kỷ luật, có quyền đề bạt vị trí cho kế toán viên, nhân viên thủ kho, thủ quỹ theo quy định của công ty.

4. Yêu cầu về năng lực

Những yêu cầu về năng lực là rất quan trọng và không thể thiếu được trong bản mô tả công việc để đảm bảo rằng các ứng viên được lựa chọn có đầy đủ năng lực để hoàn thành công việc. Thông thường với mỗi công ty và tùy từng công việc khác nhau thì sẽ có những yêu cầu về năng lực khác nhau, bao gồm trình độ học vấn, chuyên môn, kiến thức, kỹ năng làm việc, kinh nghiệm làm việc và thái độ khi thực hiện công việc.

Ví dụ, trong bản mô tả công việc trưởng phòng nhân sự thì những yêu cầu về năng lực sẽ bao gồm:

  • Hiểu rõ và nắm chắc các quy định của Luật Lao động, Luật doanh nghiệp, Luật BHXH và Luật Công đoàn. Thường xuyên cập nhật và nắm bắt thông tin khi có quy định mới được ban hành.

  • Tốt nghiệp các trường đại học về kinh tế, quản trị doanh nghiệp, hành chính văn phòng và luật trở lên.

  • Thành thạo các kỹ năng tin học văn phòng và các phần mềm phục vụ cho công việc.

  • Có kỹ năng lãnh đạo nhân viên, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng tổ chức và giám sát công việc, kỹ năng phân tích, tổng hợp, làm báo cáo và kỹ năng giao tiếp tốt.

  • Có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong các công việc có liên quan tới quản trị và hành chính nhân sự

  • Có ít nhất 1 năm kinh nghiệm ở vị trí tương đương với trưởng phòng nhân sự.

  • Có khả năng chịu được áp lực công việc cao, trung thực, dũng cảm, sáng tạo và nhiệt tình hoàn thành công việc.

IV. Lợi ích của bản mô tả công việc

Một vấn đề khác cũng được rất nhiều người cùng quan tâm bên cạnh vấn đề “JD là gì?” đó chính là lợi ích của bản mô tả công việc đối với nhân viên và đối với doanh nghiệp.

1. Đối với nhân viên

Bản mô tả công việc giúp cho nhân viên có cái nhìn bao quát và rõ ràng hơn về những công việc mà mình phải làm, đồng thời nắm rõ được những yêu cầu của doanh nghiệp về kết quả công việc. Ngoài ra, bản mô tả công việc còn giúp họ biết được mức đãi ngộ được hưởng tương ứng với kết quả đạt được, từ đó sẽ có thêm động lực để phấn đấu vượt mức chỉ tiêu đề ra nhằm nhận được những đánh giá tốt từ phía lãnh đạo và thăng tiến trong sự nghiệp. Thêm vào đó, khi các công việc và nhiệm vụ được cụ thể hóa trong các văn bản lao động như bản mô tả công việc sẽ đảm bảo được những quyền lợi cũng như trách nhiệm theo đúng quy định đã thỏa thuận.

2. Đối với doanh nghiệp

Một bản mô tả công việc chính xác và chuyên nghiệp cũng là sự khẳng định cho tính chuyên nghiệp của công ty, không chỉ giúp doanh nghiệp hình dung rõ hơn về những nhân viên sẽ đảm nhiệm vị trí đó mà còn là căn cứ để đánh giá trình độ và khả năng làm việc sau này. Thêm vào đó, bản mô tả công việc cũng đóng vai trò là căn cứ pháp lý và cơ sở giải quyết tranh chấp đối với nhân viên do đã được bàn bạc và thảo luận rồi đi đến sự thống nhất ý kiến giữa cả 2 bên. Cuối cùng, bản mô tả công việc cũng là cơ sở để ban quản trị đưa ra những chính sách lương, thưởng phù hợp và xứng đáng nhất với công sức và cống hiến của nhân viên để hoàn thành nhiệm vụ.

V. Ví dụ về bản mô tả công việc

JD

Ví dụ về bản mô tả công việc

1. Bản mô tả công việc nhân viên kinh doanh

Nhiệm vụ cụ thể: 

  • Duy trì những quan hệ kinh doanh hiện có, nhận đơn đặt hàng và thiết lập những mối quan hệ kinh doanh mới bằng việc lập kế hoạch và tổ chức lịch công tác hằng ngày đối với những quan hệ kinh doanh hiện có hay những quan hệ kinh doanh tiềm năng khác.
  • Lập kế hoạch công tác tuần, tháng để trình Trưởng kênh bán hàng duyệt. Thực hiện nhiệm vụ theo đúng kế hoạch đã duyệt.
  • Hiểu rõ và thuộc các tính năng, bao bì, giá thành cùng với ưu và nhược điểm của sản phẩm, sản phẩm tương tự, sản phẩm của đối thủ trên thị trường. 
  • Nắm được quy trình tiếp xúc khách hàng, quy trình xử lý khiếu nại thông tin, quy trình nhận và giải quyết thông tin khách hàng, ghi nhận đầy đủ theo các biểu mẫu của những quy trình này. 

2. Bản mô tả công việc nhân viên kế toán

Nhiệm vụ cụ thể:

  • Nhập hóa đơn hàng hóa, kiểm soát hóa đơn nguyên vật liệu về công ty. Kiểm tra tính hợp pháp của các hóa đơn, chứng từ.
  • Cập nhật thông tin chứng từ vào sổ sách kế toán.
  • Nhận phiếu xuất kho, ghi nhận thông tin từ phiếu xuất kho vào sổ kế toán.
  • Kiểm tra phiếu xuất kho về tính hợp lệ và xuất hóa đơn cho khách hàng. 
  • Lập danh sách các công nợ của công ty, đối chiếu mức nợ của khách hàng với hóa đơn xuất hàng.
  • Thực hiện đối soát, thanh toán và thu hồi công nợ từ khách hàng của công ty.
  • Phân loại công nợ, lập danh sách mức công nợ để trình người có liên quan.
  • Thông báo công nợ đó cho các bộ phận liên quan để có biện pháp thu hồi công nợ kịp thời.
  • Đối chiếu các công nợ thu về trong ngày với sổ sách, hóa đơn của kế toán.
  • Thu tiền mặt tại quầy thu tiền từ các khách hàng lẻ mua tại công ty.
  • Thu tiền các khách hàng có công nợ từ các tài xế giao hàng hoặc từ nhân viên tiếp thị.
  • Tổng hợp chi phí, số liệu hóa đơn hàng tuần báo cáo cho giám đốc.
  • Lập báo cáo chi phí hàng tháng cho giám đốc.
  • Kiểm tra tạm ứng lương hàng tháng của nhân viên công ty.
  • Lập danh sách tổng hợp lương, đề nghị tính lương hàng tháng của công ty.
  • Lập danh sách nhân viên nhận tiền bồi dưỡng, phụ cấp hàng tháng.

3. Bản mô tả công việc nhân viên bán hàng

Nhiệm vụ cụ thể:

  • Đảm bảo hàng hóa ở các bộ phận phải đầy đủ các thông tin như mã, loại, quy cách...
  • Thuộc tất cả các mã hàng đang bán, bao gồm cả sản phẩm cũ và mới.
  • Nắm tốt các kỹ năng về sản phẩm: Nguồn gốc, chất liệu, màu sắc, form dáng, kiểu cách, tính năng, bao bì và dịch vụ chăm sóc khách hàng.
  • Khi nhập hàng, căn cứ vào lượng hàng tồn kho và tốc độ tiêu thụ của từng mã hàng mà nhân viên sẽ lên bảng kê đặt hàng, sau đó chuyển cho cửa hàng trưởng xem xét và báo về công ty để đặt hàng. Phải luôn chủ động trong việc đặt hàng và đảm bảo mỗi tuần nhập ít nhất là 1 lần.
  • Khi kiểm hàng tồn, nhân viên phải đếm số lượng hàng tồn theo mã sản phẩm, mod tại từng bộ phận và tổng kết cho ra số tổng tồn. Phải luôn đảm bảo độ chính xác và tính trung thực trong việc kiểm hàng.
  • Khi xuất bán, nhân viên thường xuyên có mặt tại khu vực trưng bày để giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm. Theo dõi tốc độ tiêu thụ của mỗi mã hàng và báo cáo chi tiết số lượng hàng theo tần suất 2 ngày/lần.
  • Khi xuất trả, nhân viên căn cứ vào mức độ tiêu thụ và ý kiến khách hàng cũng như thời gian tồn hàng tại kho để lên bảng kê xuất trả hàng về kho đối với những sản phẩm không còn phù hợp (sản phẩm bị lỗi, hỏng hóc, bán chậm, không còn được ưa chuộng...) Sau đó nhân viên sẽ làm việc trực tiếp với cửa hàng trưởng về bảng kê xuất trả và báo cáo về công ty. Mỗi lô hàng xuất trả sẽ được quản lý kênh và bộ phận kỹ thuật kiểm tra lại trước khi nhập kho, khi đó các lỗi hỏng hóc quá nặng nếu do bảo quản không cẩn thận thì nhân viên sẽ bị trừ vào tiền trách nhiệm hàng tháng. Thời gian xuất trả không được quá 2 lần/tháng.

4. Bản mô tả công việc trưởng phòng nhân sự

Nhiệm vụ cụ thể:

  • Lập kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực định kỳ theo năm, quý và tháng.
  • Xây dựng chương trình phát triển nghề nghiệp cho CNV của công ty.
  • Xây dựng chính sách thăng tiến và thay thế nhân sự.
  • Lập ngân sách nhân sự
  • Hoạch định nguồn nhân lực nhằm phục vụ tốt cho sản xuất kinh doanh và chiến lược của công ty.
  • Xây dựng quy chế lương thưởng, các biện pháp khuyến khích - kích thích người lao động làm việc, thực hiện các chế độ cho người lao động.
  • Tổ chức và thực hiện công tác hành chính theo chức năng, nhiệm vụ và theo yêu cầu của Ban Giám đốc công ty.
  • Xây dựng các quy định, lập kế hoạch liên quan đến việc sử dụng tài sản, trang thiết bị của công ty.
  • Xây dựng kế hoạch và tổ chức, giám sát việc thực hiện về an ninh trật tự, an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.
  • Nghiên cứu, soạn thảo và trình duyệt các quy định áp dụng chung cho công ty, xây dựng cơ cấu tổ chức của công ty... Các bộ phận tổ chức thực hiện. Đề xuất cơ cấu tổ chức, bộ máy điều hành của công ty. Xây dựng hệ thống các quy chế, quy trình, quy định cho công ty và giám sát việc chấp hành nội quy đó.
  • Tham mưu cho ban giám đốc xây dựng có tính chất chiến lược bộ máy tổ chức hoạt động của công ty.
  • Tham mưu đề xuất cho ban giám đốc để xử lý các vấn đề thuộc lĩnh vực Tổ chức - Hành chính - Nhân sự.
  • Tham mưu cho ban giám đốc về việc xây dựng cơ cấu tổ chức, điều hành của công ty.
  • Tham mư cho ban giám đốc về công tác đào tạo và tuyển dụng trong công ty.
  • Tham mưu cho ban giám đốc về xây dựng các phương án về lương bổng, khen thưởng các chế độ phúc lợi cho người lao động.

5. Bản mô tả công việc trưởng phòng tổ chức

Nhiệm vụ cụ thể:

  • Xây dựng tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và tổ chức thực hiện.
  • Hoạch định nguồn nhân lực quý, năm, trong từng giai đoạn; xây dựng kế hoạch tuyển dụng và tổ chức thực hiện.
  • Xây dựng kế hoạch đào tạo hội nhập, đào tạo lại, đào tạo nâng cao đối với cán bộ, nhân viên và tổ chức thực hiện.
  • Đề xuất: Điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, sắp xếp, bố trí nhân sự, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nâng lương, điều chỉnh lương và các chính sách khác có liên quan cho người lao động và tổ chức thực hiện.
  • Quản lý hồ sơ, hợp đồng lao động và thực hiện công tác bảo hiểm.
  • Xây dựng hệ thống đánh giá, tổ chức đánh giá nhân sự và tổng hợp báo cáo.

6. Bản mô tả công việc nhân viên kho vận

Nhiệm vụ cụ thể:

  • Đáp ứng kịp thời các yêu cầu và tiến độ hàng hóa của công ty, nâng cao chất lượng dịch vụ.
  • Đóng góp ý kiến đề xuất cho quản lý trực tiếp trong lĩnh vực nhiệm vụ có liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, có kế hoạch tổ chức sắp xếp hàng hóa trong kho một cách có tổ chức và khoa học. 
  • Giao hàng và tài liệu, hồ sơ theo yêu cầu của quản lý trực tiếp.
  • Kiểm tra hàng hóa, hồ sơ, ký và giao hàng.
  • Ghi đầy đủ ngày tháng, số lượng hàng hóa, nơi giao, nơi nhận vào sổ giao nhận.
  • Lưu trữ và vận chuyển hồ sơ cẩn thận. Trong quá trình giao nhận phải mang vác hàng hóa cẩn thận tránh làm va, vỡ hàng hóa.
  • Giao đầy đủ hàng hóa và yêu cầu bên nhận phải kí và ghi rõ họ tên ngày tháng nhận hàng.
  • Thông tin kịp thời đến các phòng ban liên quan về việc mình đã giao hàng đủ, đúng thời gian.
  • Chịu hoàn toàn trách nhiệm về hàng hóa từ khi nhận vào kho đến khi giao đến tận nơi cho khách trừ trường hợp bất khả kháng.
  • Thực hiện các công tác khác do người quản lý giao phó.

7. Bản mô tả công việc nhân viên hành chính nhân sự

Nhiệm vụ cụ thể:

  • Trong lĩnh vực tuyển dụng, nhận các phiếu nhu cầu nhân sự của các bộ phận; lập kế hoạch tuyển dụng và trình duyệt giám đốc; tổ chức tuyển dụng theo chương trình đã được phê duyệt; theo dõi kết quả thử việc, tổ chức, ký hợp đồng lao động thử việc chính thức cho người lao động.
  • Trong lĩnh vực đào tạo, lập chương trình đào tạo định kỳ theo tháng, năm; tổ chức thực hiện việc đào tạo nhân sự trong và ngoài công ty; đánh giá kết quả đào tạo; trực tiếp tổ chức, tham gia việc huấn luyện cho người lao động mới vào công ty về lịch sử hình thành, chính sách, nội quy lao động...
  • Trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, kỷ luật, nhân viên hành chính nhân sự nhận các biên bản kỷ luật, đơn khiếu nại của công nhân viên và tổ chức giải quyết các khiếu nại, kỷ luật theo quy định của công ty.

Trên đây là toàn bộ những thông tin mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn về chủ đề JD là gì? Hy vọng rằng bài viết đã mang tới những thông tin đầy đủ và chi tiết nhất, hỗ trợ đắc lực cho nhà tuyển dụng khi viết bản mô tả công việc. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi bài viết và hẹn gặp lại ở những tin tức đầy bổ ích tiếp theo của chúng tôi!