Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là điều vô cùng quan trọng đối với người sử dụng lao động và người lao động để tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu các quy định an toàn, vệ sinh lao động nhé!
Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2020 trên toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động làm cho 8.610 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực những người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động). Có thể thấy đây là một con số rất lớn, do đó, để giảm thiểu những thiệt hại do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp gây ra thì mỗi cơ sở sản xuất cần phải tuân thủ các quy định của nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, thiết lập các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Vậy an toàn vệ sinh lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động là gì? Các chính sách về vệ sinh an toàn lao động theo quy định của nhà nước là gì? Quyền và nghĩa vụ đối với người lao động trong an toàn vệ sinh lao động là gì? Cùng theo dõi tiếp bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về an toàn vệ sinh lao động nhé!
I. Một số thông tin về an toàn vệ sinh lao động
1. Khái niệm an toàn vệ sinh lao động
An toàn vệ sinh lao động là các giải pháp mà người lao động có thể hạn chế được việc bị các thương tổn, sức khỏe gây ra bởi các yếu tố nguy hiểm trong quá trình làm việc.
Một số thông tin về an toàn vệ sinh lao động
2. Phân biệt an toàn lao động và vệ sinh lao động
Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì an toàn và vệ sinh lao động là hai khái niệm riêng biệt. Trong đó thì:
- An toàn lao động là các giải pháp nhằm mục đích phòng, chống tác động của các yếu tố gây nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra những thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động.
- Vệ sinh lao động là các giải pháp phòng, chống tác động của những yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe của người lao động trong quá trình làm việc.
3. Các chính sách về vệ sinh an toàn lao động theo quy định của nhà nước
Căn cứ vào điều 4, Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 thì có 5 chính sách của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động bao gồm:
- Tạo điều kiện thuận lợi để người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình làm việc; khuyến khích người lao động và người sử dụng lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiên tiến, hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, những công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình làm việc.
- Đầu tư cho việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động; hỗ trợ xây dựng các phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia để phục vụ an toàn vệ sinh lao động.
- Hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, các bệnh nghề nghiệp trong những ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động; khuyến khích các tổ chức xây dựng, công bố hoặc áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại về an toàn vệ sinh lao động trong quá trình làm việc.
- Hỗ trợ huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
- Phát triển thêm đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; xây dựng cơ chế đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động linh hoạt nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người lao động.
4. Những nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động
Nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động căn cứ vào Luật an toàn vệ sinh lao động 2015
Căn cứ vào điều 5, Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 thì có 3 nguyên tắc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động bao gồm:
- Bảo đảm người lao động được làm việc ở trong điều kiện an toàn vệ sinh lao động.
- Tuân thủ đầy đủ các biện pháp về an toàn, vệ sinh lao động trong suốt quá trình lao động; ưu tiên những biện pháp phòng ngừa, loại trừ và kiểm soát các yếu tố gây nguy hiểm, các yếu tố có hại trong quá trình lao động.
- Tham vấn ý kiến, góp ý của các tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Hội đồng an toàn vệ sinh lao động các cấp trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về an toàn vệ sinh lao động.
II. Huấn luyện an toàn lao động
1. Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động là gì?
Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động là việc nâng cao nhận thức nhận biết các yếu tố gây nguy hiểm và đưa ra các biện pháp giúp người lao động có thể hạn chế được tối đa tai nạn lao động cũng như mắc phải các bệnh nghề nghiệp.
2. Đối tượng cần phải huấn luyện an toàn lao động
Đối tượng cần phải huấn luyện an toàn vệ sinh lao động bao gồm:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; người thử việc.
- Cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
- Những người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
- Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng và người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
- Người sử dụng lao động.
- Các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn vệ sinh lao động.
Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
III. Quyền và nghĩa vụ đối với người lao động trong an toàn vệ sinh lao động
Căn cứ vào điều 6, Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 thì quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động được quy định cụ thể như sau:
1. Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
a. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có các quyền như sau:
- Được bảo đảm điều kiện về một môi trường làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong suốt quá trình lao động tại nơi làm việc;
- Được cung cấp đầy đủ các thông tin về những yếu tố gây nguy hiểm, yếu tố có hại cho sức khỏe tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động;
- Được hưởng các chế độ về bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe và khám phát hiện các bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của nhà nước; được hưởng đầy đủ các chế độ đối với người bị tai nạn lao động hoặc người bị bệnh nghề nghiệp; được trả các khoản chi phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, các bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm về khả năng lao động và được trả phí khám giám định nếu trong trường hợp kết quả khám giám định đủ các điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Yêu cầu người sử dụng lao động sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bố trí công việc phù hợp;
- Từ chối làm công việc hoặc rời khỏi nơi làm việc mà vẫn được trả đủ số tiền lương và không bị coi là vi phạm hợp đồng lao động, kỷ luật lao động khi thấy rõ có những nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp biết để có phương án xử lý phù hợp; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục được các nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tai nạn lao động;
- Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật.
b. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có các nghĩa vụ như sau:
- Chấp hành nghiêm túc nội quy lao động, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tuân thủ các cam kết về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể;
- Sử dụng và bảo quản cẩn thận các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được cấp; các thiết bị bảo đảm về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
- Khi phát hiện các nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp thì phải nhanh chóng báo ngay cho người quản lý trực tiếp biết; chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục các sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quyền và nghĩa vụ của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
2. Đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động
a. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có các quyền như sau:
- Được làm việc trong điều kiện đảm bảo về an toàn, vệ sinh lao động; được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để làm việc trong một môi trường an toàn vệ sinh lao động;
- Tiếp nhận thông tin, tuyên truyền và giáo dục về công tác an toàn vệ sinh lao động; được huấn luyện các kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động khi làm các công việc có các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;
- Tham gia và được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định;
- Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật.
b. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có nghĩa vụ như sau:
- Chịu trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động đối với các công việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật;
- Trong quá trình lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với những người có liên quan;
- Thông báo với chính quyền địa phương để có những biện pháp ngăn chặn kịp thời đối với các hành vi gây mất an toàn, vệ sinh lao động.
IV. Một số ngành nghề được vệ sinh an toàn lao động là gì?
1. Ngành may mặc
May mặc là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn tại nước ta, thu hút được đông đảo người lao động đồng thời cũng xuất hiện nhiều nguy cơ về tai nạn lao động cũng như các bệnh nghề nghiệp. Do tính chất công việc nên ngành dệt may có môi trường làm việc khá ồn ào, độc hại, bụi bặm... Chính vì vậy, để đảm bảo được sức khỏe cũng như tính mạng của người lao động thì cần phải nâng cao được ý thức cũng như trách nhiệm của cả người lao động và người sử dụng lao động trong vấn đề về an toàn vệ sinh lao động.
2. Ngành điện lực
Điện lực là ngành rất quan tâm tới an toàn, vệ sinh lao động
Hiện nay ngành điện lực đang được đánh giá là ngành có công tác về an toàn vệ sinh lao động khá là tốt như cung cấp các dụng cụ, trang thiết bị hỗ trợ cho công việc (quần áo, mũ bảo hộ), găng tay cách điện cao cấp, những buổi học thực hành về an toàn vệ sinh lao động… Do đặc thù công việc người lao động thường xuyên phải tiếp xúc với những yếu tố độc hại cũng như những nguy hiểm, rủi ro nên ngành điện lực đã thường xuyên phối hợp cùng với chính quyền địa phương có những đợt tuyên truyền về các vấn đề an toàn vệ sinh lao động, những buổi học thực hành để giúp người lao động của thể đảm bảo được an toàn trong quá trình lao động.
V. Kết luận
Trên đây là toàn bộ thông tin về an toàn vệ sinh lao động là gì, một số thông tin về an toàn lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, quyền và nghĩa vụ đối với người lao động trong an toàn vệ sinh lao động mà 123job muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hy vọng qua những chia sẻ ở bài viết mang đến cho bạn nhiều thông tin bổ ích về an toàn vệ sinh lao động!