Nghiên cứu thị trường là khâu vô cùng quan trọng trong kinh doanh. Mục đích quan trọng nhất của hoạt động này nhằm xác định chính xác điểm giao giữa sản phẩm/thị trường. Vậy nghiên cứu thị trường là gì? Cách để thực hiện hiệu quả là gì?

Các bạn có thể thấy mục đích cơ bản nhất để hoạt động kinh doanh đem lại hiệu quả cao là đáp ứng lợi ích của khách hàng. Từ những người bán hàng rong, cửa hàng tạp hóa đến các doanh nghiệp lớn, nhu cầu khách hàng luôn là yếu tố quyết định đem lại doanh thu và lợi nhuận. Vậy bằng cách nào có thể thấu hiểu tâm lý khách hàng, mong muốn của người tiêu dùng? Đó chính là hoạt động nghiên cứu thị trường

I. Tổng quan về quá trình nghiên cứu thị trường

1. Nghiên cứu thị trường là gì?

Có nhiều cách hiểu về thuật ngữ “thị trường”, chúng có thể có một chút sự khác biệt. Tuy nhiên, trong Marketing, thị trường được hiểu là tập hợp một hoặc một số nhóm khách hàng có nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, sản phẩm hay nhu cầu về dịch vụ là tương tự nhau. Lúc này, nhiệm vụ của những người bán là cố gắng đưa ra các sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu, mong muốn đó. Họ cũng có thể đề xuất ra các chương trình khuyến mãi, các phương thức bán hàng độc đáo để thu hút khách hàng của mình. Và để thấu hiểu người tiêu dùng một cách tốt nhất, hoạt động nghiên cứu thị trường được coi là “chìa khóa vàng”. 

Vậy nghiên cứu thị trường là gì? Trong tiếng Anh thuật ngữ nghiên cứu thị trường chính là Market Research. Đó chính là việc thực hiện các hoạt động khác nhau nhằm thu thập thông tin về thị trường từ đó tiến hành phân tích, đánh giá và đề xuất phương án quản trị chiến lược thị trường phù hợp. Thông thường, nhân viên nghiên cứu thị trường sẽ tiến hành các cuộc phỏng vấn khách hàng bằng việc đưa ra các câu hỏi và ghi lại phản hồi của họ, sau đó bằng các công cụ phân tích, đánh giá để đưa ra kết quả phù hợp. Ngoài ra, theo phương thức bán hàng hiện nay, các nhân viên bán hàng thường là người trực tiếp tư vấn, trò chuyện và nhận các phản hồi của khách hàng. Đó có thể là sự hài lòng, sự khó chịu hoặc cảm giác không thoải mái với số tiền khách hàng đã bỏ ra… Tất cả đều là thông tin hữu ích phục vụ cho quá trình nghiên cứu thị trường. 

Nghiên cứu thị trường là gì

Nghiên cứu thị trường là gì? 

2. Ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu thị trường mang lại cho doanh nghiệp

Nhìn chung, nghiên cứu thị trường góp phần giúp doanh nghiệp hiểu hơn về nhu cầu khách hàng, mong muốn liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ việc tư vấn sản phẩm, cách chăm sóc khách hàng đến hình thức thanh toán… Tất cả đều cần thay đổi phù hợp với xu hướng thị trường và mong muốn của người tiêu dùng. 

Để hiểu hơn về vấn đề này, 123job.vn sẽ lấy một ví dụ cụ thể để chúng ta cùng phân tích. Là nhà quản lý bán hàng của dòng sản phẩm “dầu gội đầu X”, bạn nhận thấy doanh thu và lợi nhuận của quý này giảm đáng kể so với thời gian trước. Vậy vấn đề của việc giảm doanh số là gì? Đó có thể là do tính năng và công dụng của sản phẩm hiện đã không còn phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hay dịch vụ khách hàng đã thực sự chu đáo khiến khách hàng hài lòng? Nhờ quá trình nghiên cứu thị trường, bạn nhận ra kênh phân phối của sản phẩm có vấn đề. Cụ thể, việc dầu gội đầu X chỉ được bày bán trên các kệ hàng ở siêu thị, tạp hóa mà không xuất hiện trên các kênh thương mại điện tử đã làm khả năng bán giảm đáng kể. Sau khi khắc phục điều này, doanh số bán và độ phủ thương hiệu của dòng gội đầu X đã chiếm lĩnh đến 30% thị phần. 

Bên cạnh đó, thực hiện nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp “chủ động” trong kinh doanh hơn. Ngày nay số lượng doanh nghiệp kinh doanh và đối thủ cạnh tranh trên thị trường nhiều vô kể, thị trường người tiêu dùng cũng liên tục thay đổi, do đó bạn khó có thể chắc chắn điều gì sẽ xảy đến. Thực hiện hoạt động nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp chủ động tiếp cận nguồn thông tin và đưa ra những dự đoán để nhanh chóng thích ứng với môi trường. Nghiên cứu thị trường cũng giúp tìm kiếm các phân khúc khách hàng mới. 

Nghiên cứu thị trường nhằm định hướng chiến lược kinh doanh

Nghiên cứu thị trường đóng vai trò quan trọng giúp định hướng chiến lược kinh doanh

II. Hiểu về điểm hòa hợp sản phẩm/thị trường như thế nào?

Cho dù là doanh nghiệp lâu năm hay các doanh nghiệp startup, bạn đều cần phải tiến hành hoạt động nghiên cứu thị trường để nhằm nhanh chóng tìm ra điểm hòa hợp giữa sản phẩm và thị trường. Vậy điểm hòa hợp sản phẩm/thị trường là gì? 

Điểm hòa hợp sản phẩm/thị trường được coi là một thuật ngữ khá mới hiện nay cho dù đã xuất hiện trong nghiên cứu thị trường nói riêng và Marketing nói chung đã một thời gian. 123job.vn xin phép được trích dẫn nguyên văn cách định nghĩa về thuật ngữ này của Marc Andreessen - người được coi là huyền thoại của thung lũng Silicon, một doanh nhân thực thụ tài ba:

“ Khách hàng của bạn đang mua sản phẩm nhanh như cách bạn có thể tạo ra sản phẩm. Hoặc mức độ sử dụng sản phẩm tăng nhanh chóng và tương xứng với tốc độ bạn đặt thêm máy chủ. Nhờ đó, nguồn tiền từ khách hàng liên tục vào trong tài khoản công ty của bạn. Lúc này, bạn liên tục thuê thêm nhân viên bán hàng, thuê thêm nhân sự để chăm sóc khách hàng và hỗ trợ họ với năng lực tốt nhất có thể”.

Theo một cách dễ hiểu hơn, lúc này doanh nghiệp của bạn đang ở mức độ đạt tới điểm phù hợp giữa sản phẩm/thị trường. Các hoạt động nghiên cứu thị trường lúc này đang được tạm dừng để tập trung nguồn lực cho quá trình vận hành và phân phối hàng hóa đến khách hàng hay người tiêu dùng. Đây là điểm mà nhà sáng lập hay chủ đầu tư vô cùng mong muốn đạt được. Bởi lúc đó, sản phẩm, dịch vụ đang ở mức hoàn hảo không cần phải cải tiến mà doanh nghiệp chỉ cần chú tâm đến việc truyền thông, phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng. 

Hiện nay, cách phố biến nhất để doanh nghiệp “bật đèn xanh” thể hiện tình hình kinh doanh hiện tại đã đạt đến điểm phù hợp giữa sản phẩm/thị trường đó là việc dựa trên tình hình nhân sự công ty và số lượng vốn cấp. Doanh nghiệp liên tục tuyển thêm đội ngũ nhân sự và có số lượng nhân viên lớn để nhằm đáp ứng với tình trạng gia tăng khách hàng. 

III. Tìm kiếm điểm hoà hợp sản phẩm/thị trường cần tập trung vào thị trường chứ không phải sản phẩm

Tập trung vào sản phẩm, liên tục cải tiến tính năng, công dụng trên quan điểm và đánh giá chủ quan của nhà quản trị là tình trạng mà nhiều công ty gặp phải, đặc biệt là một số start-up. Bạn nghĩ rằng chỉ cần có sản phẩm tốt là bạn bán được hàng? Bạn nghĩ rằng một sản phẩm tốt phải là sản phẩm đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, từ trẻ con, phụ nữ, nam giới đến người già đều dùng được…? Đó đều là những quan điểm quản trị KHÔNG CHÍNH XÁC trong kinh doanh, đặc biệt là bối cảnh 4.0 ngày nay. Một sản phẩm tốt có thể không đáp ứng hết nhu cầu của tất cả mọi người nhưng chúng liên tục làm khách hàng mục tiêu hài lòng, đó mới là tín hiệu đáng mừng. Kinh doanh đâu có thể lấy chủ trương “làm dâu trăm họ” được, chính vì vậy, để nhanh chóng tìm và đạt được điểm hòa hợp sản phẩm/thị trường, chúng ta cần lấy thị trường làm ngọn đèn hải đăng. 

Để có những tiếp cận đúng đắn với thị trường, việc thực hiện phân khúc thị trường là điều vô cùng quan trọng. Bằng cách nghiên cứu thị trường, tiến hành phân tách, chúng ta sẽ tìm được thị trường mục tiêu phù hợp. Sau đó, tiến hành nghiên cứu khách hàng dựa trên các tiêu chí, thấu hiểu nhu cầu, mong muốn, văn hóa và insight người dùng… Cho dù là hoạt động cải tiến sản phẩm, tổ chức sự kiện launching sản phẩm cho đến các hoạt động tri ân khách hàng, chăm sóc khách hàng đều cần lấy họ là tiêu chuẩn. Chỉ khi khách hàng hài lòng, doanh nghiệp của bạn mới nhanh chóng thành công. Hãy học cách lắng nghe và thấu hiểu tâm lý người dùng.

Doanh nghiệp lấy thị trường là trọng tâm để nhanh chóng đạt đến điểm hòa hợp sản phẩm/thị trường

 Doanh nghiệp cần tập trung vào thị trường để tìm ra điểm hòa hợp sản phẩm/thị trường. 

IV. Kết luận

Như vậy, ở bài viết này 123job.vn đã cùng các bạn tìm hiểu về vấn đề nghiên cứu thị trường là gì, ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu thị trường cũng như chỉ ra cách nhanh chóng để doanh nghiệp đạt đến điểm hoàn hảo “điểm hòa hợp sản phẩm/thị trường”. Còn rất nhiều bài học kinh doanh thú vị mà 123job.vn sẽ mang đến các bạn, các bạn hãy đón đọc và chúc các bạn có những giây phút thư giãn quý giá!