Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường hiện nay chính là động lực để xây dựng các văn hóa doanh nghiệp khác biệt. Hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp là gì? xây dựng văn hóa doanh nghiệp như thế nào, các yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp.

I. Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Văn hóa doanh nghiệp là những giá trị, niềm tin, hình thức mà mọi người trong doanh nghiệp cùng công nhận và suy nghĩ, nói, hành động như một thói quen, giống như đời sống tinh thần và tính cách của một con người, và là phần quyết định đến sự thành bại về lâu dài của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Bất kỳ một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa thì doanh nghiệp đó khó có thể đứng vững và tồn tại được, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp

II. Các yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp

1. Tầm nhìn

Peter Senge từng nói rằng: “Tầm nhìn là bức tranh trong tương lai mà bạn muốn tạo ra”. Một nền văn hóa vĩ đại được tạo ra luôn xuất phát từ một tầm nhìn chiến lược - bao quát ra những mục tiêu xa hơn, rồi từ mục tiêu ấy lại giúp định hướng bước đi rõ ràng hơn. Một doanh nghiệp khi xác định được hướng đi, họ sẽ tiến hành thực hiện từng bước một. Thể hiện rõ ràng nhất điều này là các tổ chức phi lợi nhuận, đa phần tầm nhìn của họ khá đơn giản nhưng đầy nhân văn nên sẽ nổi trội hơn doanh nghiệp kinh doanh. Một tuyên bố tầm nhìn tuy là yếu tố đơn giản nhưng lại là nền tảng của cả một văn hóa. Tầm nhìn như là một kim chỉ nam cho mọi quyết định và hành động.

2. Giá trị

Cốt lõi của văn hóa chính là giá trị của doanh nghiệp, nhờ những giá trị ấy làm thước đo, làm tiêu chuẩn để cân chỉnh những hành vi, quan điểm cần thiết để đạt được tầm nhìn đó. Chính sự độc đáo của những giá trị như: nhân viên, khách hàng, tính chuyên nghiệp… góp phần làm nên một văn hóa doanh nghiệp. 
McKinsey & Company là một minh chứng, nơi đây có hẳn một bộ giá trị rõ ràng dành cho tất cả nhân viên và cả công ty liên quan đến cách công ty hết lòng phục vụ khách hàng, đối xử tốt với đồng nghiệp và luôn chuyên nghiệp. Hoặc chúng ta cũng có thể thấy một công ty lớn như Google, giá trị của họ đơn giản chỉ là câu slogan nhưng đó cũng là quy tắc nổi tiếng "Đừng trở thành cái ác - Don't be evil”, dĩ nhiên ngoài ra họ cũng có bộ giá trị riêng mang tên “10 điều chúng tôi biết là đúng” như là các điều luật lưu hành nội bộ trong doanh nghiệp họ.

3. Thực tiễn

Một sự thật cho thấy, các giá trị sẽ trở nên ít quan trọng trừ khi chúng được tôn trọng trong thực tiễn xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Nếu một tổ chức có giá trị “khá thấp” thì buộc doanh nghiệp ấy phải khuyến khích từ những nhân viên cho tới các quản lý cùng thảo luận đưa ra những ý kiến về “giá trị chung”, tránh sự thụ động cũng như bị ảnh hưởng bởi tiêu cực. Và bất kể giá trị nào của tổ chức, đều phải được cân nhắc dựa trên các tiêu chí đánh giá và các chính sách hoạt động của doanh nghiệp, từ đó mới có thể chuyển hóa “giá trị tinh thần” ấy thành hiện thực. Hay nếu một tổ chức tuyên bố "con người là tài sản lớn nhất của chúng tôi" thì tổ chức ấy nên trực tiếp đầu tư vào con người theo những cách thức mà họ từng tuyên bố. 
Công ty Wegman’s (New York) đã đưa ra các giá trị sẽ thực hiện trong tương lai như “quan tâm” và “tôn trọng”, cũng như vẽ ra một viễn cảnh “một công việc trong mơ”. Và sau cùng kết thúc quá trình tiến hành ấy, nó trở thành công ty đứng thứ 5 trong những công ty tốt nhất theo bảng xếp hạng của tạp chí Fortune bình chọn.

4. Con người

Con người là một trong các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp. Đó là lý do tại sao các công ty lớn trên thế giới đều có một số chính sách tuyển dụng nghiêm ngặt nhất nhằm tìm ra những nhân tố sáng giá cho doanh nghiệp. Theo Charles Ellis (tác giả sách What it Takes: Seven Secrets of Success from the World's Greatest Professional Firms) chia sẻ: “Một công ty tốt là luôn có những kế hoạch tuyển dụng các nhân sự không chỉ giỏi mà còn phù hợp với công ty, vì chính họ sẽ góp phần tạo dựng nên một văn hóa doanh nghiệp”. Với ông một công ty nên phỏng vấn từ 8 tới 20 người cho một vị trí tuyển dụng nhằm tránh bỏ sót nhân tài. Tiến sĩ Steven Hunt (thuộc công ty Monster) nói rằng: “Một nghiên cứu cho thấy những người ứng tuyển mà phù hợp với văn hóa công ty sẽ chấp nhận mức lương thấp hơn 7%. Một người mà sống trong văn hóa họ yêu thích thì họ sẽ gắn bó lâu dài hơn và góp phần củng cố nền văn hóa mà tổ chức sẵn có”.

III. Cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp

1. Thiết lập một sự hiểu biết chung về văn hóa và số liệu cho nó

Văn hoá doanh nghiệp không hình thành cùng lúc với doanh nghiệp. Thông thường, nó chỉ có thể được nhận dạng sau 3 năm hoạt động trở lên. Giai đoạn này phải có sự chủ trì của người sáng lập và ban lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp. Với vai trò là một lãnh đạo công ty, hãy xác định giá trị cốt lõi mà công ty đang hướng đến. Sau đó bàn bạc và thảo luận chuyên sâu cùng các lãnh đạo khác để xây dựng nền móng đầu tiên cho văn hóa doanh nghiệp. Sau đây là một số câu hỏi xác định giá trị cốt lõi doanh nghiệp.

  • Sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu dài hạn của công ty là gì?
  • Bạn muốn công ty mình được biết đến như thế nào? 
  • Mục tiêu kinh doanh của công ty có phù hợp với giá trị cá nhân của tập thể nhân viên?
  • Mục tiêu văn hóa công ty hướng đến là gì? (tinh thần làm việc nhóm được nâng cao, thành công của nhân viên được công nhận...)

2. Tập trung vào một số thay đổi quan trọng nhất

Nhận diện các yếu tố cản trở hoặc các yêu cầu thay đổi. Những cản trở có thể là sự thiếu hiểu biết, tính cục bộ, thói quen sợ thay đổi... Còn các nhu cầu cần thay đổi như là sự tranh chấp nội bộ, hay do thay đổi công nghệ.

Ví dụ: Ngân hàng ANZ đã bắt đầu với những điều cơ bản như thống nhất đường lối chung, xây dựng môi trường làm việc mới, công bằng và công khai việc tự do phát triển giá trị cá nhân. Sau khoảng thời gian tầm 18 tháng, ban lãnh đạo nhận thấy rằng chính những điều trên đã phần nào cải thiện đầy đủ và cách tân cho văn hóa cũ. Không những vậy, chính nguồn lực nhân viên được thay đổi tư duy và cách làm việc với khách hàng đã mang lại nguồn kết quả rất lớn giúp tổ chức đạt mục tiêu nhanh chóng.

3. Văn hóa doanh nghiệp tạo nên chiến lược điều hành

Một doanh nghiệp xây dựng thành công văn hoá của mình tức là đã sở hữu một tài sản đặc trưng, điều làm nên sự khác biệt với đối thủ và giúp cho nó trường tồn. Văn hoá doanh nghiệp là một tài sản, một nguồn lực của doanh nghiệp và giúp tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, cũng như cho mỗi thành viên trong đó.

IV. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp

1. Tạo lợi thế cạnh tranh

Những cái tên nổi tiếng thế giới như IBM, Kodak, General, Digital Electronics trong thời gian ngắn đã đánh mất vị trí số 1 của mình. Còn nhiều công ty, tập đoàn như Toyota, Nissan, Masishuta, LG lại thành công vang dội trong và ngoài nước, mạnh mẽ vượt qua bao đối thủ, làm thức tỉnh sự chủ quan của nhiều doanh nghiệp lớn. Bí mật ở đây đó là khai thác đúng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp được xem xét trên các khía cạnh như: chất lượng sản phẩm, chi phí, sự linh hoạt (trước phản ứng của thị trường), thời gian giao hàng…

2. Là nguồn lực của doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình của doanh nghiệp nhưng lại góp phần lớn tạo nên sức mạnh lớn lao của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp ăn sâu vào niềm tin nên có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức. hóa doanh nghiệp. Nguồn lực ở đây bao gồm nhân lực, tài chính, công nghệ, máy móc, nguyên vật liệu, phương pháp làm việc (phương pháp 5M: man, money, material, machine, method). Nguồn lực tài chính, máy móc, nguyên vật liệu đóng vai trò lợi thế so sánh với đối thủ cạnh tranh trước khách hàng. Nguồn nhân lực đóng vai trò tham gia toàn bộ quá trình chuyển hoá các nguồn lực khác thành sản phẩm đầu ra.

3. Tạo bản sắc, nhận dạng riêng của tổ chức doanh nghiệp góp phần gắn bó nhân viên và thu hút nhân tài

Phần lớn các doanh nghiệp phân biệt nhau thông qua hình thức thể hiện văn hóa doanh nghiệp của mình. Môi trường văn hoá của doanh nghiệp có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động và các yếu tố khác, giúp cho doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Trên cơ sở đó hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của doanh nghiệp. Do đó nó xây dựng một nề nếp văn hoá lành mạnh tiến bộ trong tổ chức, đảm bảo sự phát triển của mỗi cá nhân trong doanh nghiệp, thu hút nhân tài, tăng cường sự gắn bó người lao động, tạo ra khả năng phát triển bền vững, văn hoá doanh nghiệp là tài sản tinh thần của doanh nghiệp và phân biệt doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác tạo nên bản sắc (phong thái, sắc thái, nề nếp, tập tục) của doanh nghiệp.

4. Công cụ triển khai chiến lược

Văn hóa là một công cụ quan trọng và không thể thiếu trong quản lý điều hành, bất kể đó là quản lý điều hành một quốc gia, một xã hội, một doanh nghiệp hay một cơ quan … Người ta không thể quản lý điều hành tốt mà không sử dụng công cụ văn hóa. Về mặt khoa học quản trị, việc quản trị một doanh nghiệp hay quản trị một quốc gia đều có những nét tương đồng.
Người ta thường sử dụng “pháp luật” và “văn hóa xã hội” như hai công cụ quan trọng để quản lý một quốc gia. Và cũng tương tự, người ta có thể dùng “quy chế” và “văn hóa doanh nghiệp” để quản lý một doanh nghiệp”.

5. Tạo sự ổn định bền vững của tổ chức

Văn hoá doanh nghiệp bảo tồn bản sắc của doanh nghiệp qua nhiều thế hệ thành viên, tạo ra khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp, truyền tải ý thức, giá trị của tổ chức tới các thành viên trong tổ chức đó,văn hoá tạo nên một cam kết chung vì mục tiêu và giá trị của tổ chức, nó lớn hơn lợi ích của từng cá nhân trong tổ chức đó, văn hoá tạo nên sự ổn định của tổ chức.

V. Ví dụ về văn hóa doanh nghiệp

Mỗi doanh nghiệp tạo cho mình các mô hình văn hóa doanh nghiệp mang màu sắc khác nhau. Dưới đây là 12 ví dụ về việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tạo nên sự phát triển vượt bậc của các công ty và tập đoàn lớn trên thế giới.

1. Văn hóa doanh nghiệp của Southwest Airlines

Southwest Airlines -  hãng hàng không trên 45 năm tuổi với dịch vụ hàng đầu thế giới, bí quyết thành công đó là việc cho phép nhân viên tùy ý làm tất cả những gì có thể để khiến khách hàng hài lòng. 

Trong khi ngành hàng không luôn bị khách hàng phàn nàn về dịch vụ chăm sóc khách hàng, tình trạng delay tồi tệ thì Southwest Airlines luôn được yêu mến bởi thái độ ân cần, niềm nở của nhân viên bởi vì họ được truyền tải những giá trị và mục tiêu lớn lao của công ty. Nhằm đảm bảo xây dựng và duy trì văn hóa của mình Southwest Airlines chỉ nên tuyển chọn những người biết chia sẻ, có thái độ thân thiện, nhiệt thành và có khiếu hài hước.

Bên cạnh đó, Southwest luôn trao cho nhân viên "quyền tự chủ" trong việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, khiến họ cảm thấy mình là một phần của những giá trị và mục tiêu đó.
Bài học: Cách nhanh nhất để có xây dựng được một nền văn hóa doanh nghiệp thành công cho công ty đó là truyền đạt tầm nhìn và những giá trị công ty mang lại cho khách hàng để mọi nhân viên hiểu được.

2. Văn hóa của công ty Zappos

CEO Zappos - Tony Hsieh - “tỷ phú bán giày” chia sẻ bí quyết là: “Đem đến dịch vụ tốt nhất khiến khách hàng không chỉ hài lòng mà ngạc nhiên đến mức gặp ai cũng xuýt xoa giới thiệu về Zappos”. Ông chú tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, biến công ty thành nơi luôn vui vẻ, độc đáo và khác lạ, khiến khách hàng đến với công ty luôn được hài lòng.
Zappos đưa ra 10 giá trị cốt lõi của họ gồm có:

  • Cung cấp dịch vụ tuyệt vời
  • Nắm bắt và sẵn sàng thay đổi
  • Tạo sự vui vẻ và hơi “dị biệt”
  • Phiêu lưu, sáng tạo, cầu tiến
  • Theo đuổi mục tiêu phát triển và học hỏi
  • Xây dựng mối quan hệ thành thực
  • Xây dựng tinh thần tích cực trong nhóm
  • Làm nhiều hơn với nguồn lực ít hơn
  • Giữ đam mê
  • Luôn khiêm tốn

Bài học rút ra về ví dụ văn hoá doanh nghiệp Zappos: Zappos xây dựng văn hóa doanh nghiệp tập trung vào khách hàng vì vậy Zappos chỉ lựa chọn những người phù hợp đồng thời đưa ra những tiêu chuẩn và quyền lợi xứng đáng cho nhân viên của mình.

3. Văn hóa doanh nghiệp của Twitter

Nhân viên của Twitter luôn ca ngợi văn hóa của công ty bởi họ luôn được truyền cảm hứng từ mục tiêu và tầm nhìn doanh nghiệp. Họ có thể ăn uống, học yoga miễn phí, đi du lịch không giới hạn...
Đồng nghiệp thân thiện và môi trường đề cao văn hóa làm việc nhóm khiến cho không có nhân viên nào của Twitter rời bỏ công ty khi họ chưa hoàn thành xong các công việc và nhiệm vụ. Việc nhận thấy mình đang làm việc với những người thông minh, khuyến khích họ phát triển, sáng tạo hết khả năng.

Bài học: Môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, đoàn kết là nền tảng cho sự phát triển vững chắc của công ty.

4. Văn hóa doanh nghiệp của Chevron

Mặc dù lĩnh vực dầu khí luôn là mục tiêu cho giới truyền thông chỉ trích, các nhân viên của. Chevron vẫn nhận định rất tích cực về văn hóa của tập đoàn này. Chevron luôn quan tâm đến an toàn lao động và tạo điều kiện làm việc tối ưu cho nhân viên: dịch vụ massages, chương trình tập thể hình cá nhân, thời gian nghỉ giữa giờ…
Chevron đã khiến các nhân viên luôn cảm thấy họ được công ty trân trọng đồng thời có một môi trường để các nhân viên quan tâm lẫn nhau.

Bài học: Văn hóa doanh nghiệp không cần phải bóng bảy chỉ cần khiến các nhân viên luôn cảm thấy được trân trọng và tạo ra một môi trường quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau.

5. Văn hóa doanh nghiệp của SquareSpace

SquareSpace tổ chức nhân sự "phẳng" – nơi không có (hoặc có rất ít) các cấp bậc quản lý giữa những người điều hành và nhân viên. Nơi đây nhân viên được tài trợ trọn gói bảo hiểm cao cấp, nghỉ phép linh hoạt, không gian thoải mái, bữa ăn miễn phí, các bữa tiệc hàng tháng và các chương trình đào tạo...

Những lợi ích "dày cộp", cách quan tâm thực tế và sâu sát từ những quản lý của công ty khiến cho nhân viên yêu thích môi trường làm việc của mình và gắn bó không rời.
Học được gì từ ví dụ văn hoá doanh nghiệp SquareSpace? Việc không (hoặc ít) phân cấp bậc giúp nhân viên chủ động, độc lập tư duy và sáng tạo nhiều hơn.

6. Văn hóa doanh nghiệp của Google

Văn hoá doanh nghiệp Google là một hình mẫu về văn hóa doanh nghiệp. Rất nhiều quyền lợi đặc biệt dành cho nhân viên của họ như: bữa ăn miễn phí, các bữa tiệc linh đình, phần thưởng giá trị, những buổi chia sẻ của ban điều hành, thậm chí là cho phép mang thú cưng...

Hiện nay, Google đang gia tăng số lượng nhân sự nhanh chóng. Điều này đồng nghĩa với việc văn hóa của công ty sẽ phải phát triển hơn để phù hợp với nhu cầu. Tuy vậy, vẫn có nhân viên than thở rằng họ bị áp lực rất lớn do môi trường quá cạnh tranh và không thể cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân.

Bài Học: Kể cả những công ty có văn hóa tốt nhất cũng phải liên tục nhìn lại mình và cải tiến để phù hợp với sự nâng tầm về cả quy mô và chất lượng của đội ngũ nhân viên.

7. Văn hóa doanh nghiệp của Facebook

Như các công ty khác, Facebook cho nhân viên rất nhiều quyền lợi như: cổ phiếu, đồ ăn miễn phí, không gian thoải mái, thậm chí cả khu giặt đồ trong văn phòng…Văn hóa của tập trung vào hoạt động nhóm, tạo điều kiện để mọi người giao tiếp mở. Đây là môi trường mang lại rất nhiều quyền lợi, ủng hộ việc nhân viên nâng cao trình độ và phát triển cá nhân.

Để giải quyết các vấn đề cạnh tranh và áp lực, Facebook đã bố trí rất nhiều các phòng làm việc chung, nhiều công viên mở ở các lối đi... Do đó, nhân viên và các lãnh đạo luôn có nơi để nghỉ giữa giờ hoặc tụ họp sau giờ làm, các lãnh đạo cũng có thể ngồi làm việc ở không gian mở bên cạnh những nhân viên bình thường khác.

Học được gì từ ví dụ văn hoá doanh nghiệp Facebook: Cách bố trí về không gian cũng là phương pháp để nỗ lực củng cố và thể hiện văn hóa làm việc tự do, bình đẳng và không có khoảng cách cấp bậc.

8. Văn hóa doanh nghiệp của Adobe

Bên cạnh việc cung cấp nhiều quyền lợi cho nhân viên, Adobe còn sở hữu một nếp văn hóa nội bộ rất đặc biệt. Họ hạn chế tối đa các cấp quản lý cấp thấp, đẩy mạnh việc giao phó trách nhiệm cho nhân viên và luôn tin tưởng ở khả năng của nhân viên của mình. Những người lãnh đạo chỉ đóng vai trò như những huấn luyện viên, họ hướng dẫn để các nhân viên đặt ra những mục tiêu hợp lý cho bản thân và chỉ dẫn ra những cách để cấp dưới của mình có thể đạt được những mục tiêu đó.

Bài học: Đặt niềm tin vào nhân viên chính là cách hữu hiệu để xây dựng một nếp văn hóa nội bộ tích cực, khiến các nhân viên luôn độc lập và tự tin hơn, làm việc tốt hơn và doanh nghiệp chắc chắn sẽ thành công hơn.

9. Văn hóa doanh nghiệp của Vinamilk

Vinamilk luôn nỗ lực tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện và cởi mở với các hoạt động thể thao, văn nghệ, khiêu vũ và dã ngoại … để mỗi cá nhân có thể tự do phát huy tính sáng tạo, giải phóng được tiềm năng của bản thân từ đó tạo ra sự khác biệt.

Các nhân viên luôn được tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ; mỗi nhân viên đều cảm nhận được mình là một mắt xích quan trọng trong một tập thể đoàn kết và vững mạnh. Mọi nỗ lực và thành quả của các bạn đều được chúng tôi công nhận và khen thưởng kịp thời.

Học được gì từ ví dụ văn hoá doanh nghiệp Vinamilk: Tạo sự hứng thú và sáng tạo trong công việc của nhân viên cũng giúp xây dựng văn hóa doanh nghiệp một cách nhanh chóng, tích cực.

10. Văn hóa doanh nghiệp của Honda

Với triết lý “Trở thành ngọn đuốc soi đường”, Honda đã gắn giá trị văn hóa doanh nghiệp của công ty ở Nhật với các yêu cầu môi trường và hoạt động xã hội của Việt Nam.

Tôn chỉ của công ty bao gồm 2 niềm tin căn bản: tôn trọng con người và ba niềm vui. Honda khuyến khích khả năng tư duy, lập luận sáng tạo và khả năng mơ ước bằng việc tôn trọng sự khác biệt của mỗi nhân viên. Văn hóa Honda tập trung tạo ra niềm vui; mở rộng niềm vui; mang lại niềm vui cho thế hệ kế tiếp .

Bài học: Văn hóa doanh nghiệp hãy tập trung tạo ra niềm vui cho nhân viên và khách hàng.

11. Văn hóa doanh nghiệp của Samsung

Bí quyết giữ chân nhân viên của Samsung là tạo ra “nơi làm việc trong mơ cho các tài năng” và những cơ hội công bằng để mọi nhân viên đều có điều kiện phát triển toàn diện. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, có các chế độ đãi ngộ nhân tài, huấn luyện, đào tạo công ty còn chú trọng đảm bảo tinh thần dân chủ và các cơ hội thăng tiến công bằng.

Các hoạt động văn hóa doanh nghiệp tại Samsung như chất xúc tác tinh thần đoàn kết, sáng tạo và “thách thức giới hạn” của nhân viên, đồng thời thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao… để nhân viên và gia đình của họ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu.

Bài Học: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ các giá trị vững chắc vì con người và xã hội mang đến thành công cho doanh nghiệp.

12. Văn hóa doanh nghiệp của Unilever

 Văn hóa doanh nghiệp của Unilever Văn hóa doanh nghiệp của Unilever

Unilever luôn tạo môi trường thân thiện, cởi mở, đồng cảm giữa những nhân viên với nhau. Đây là nơi nhân viên được cảm thấy tin tưởng và chia sẻ. Công ty mong muốn tạo được niềm tin cho nhân viên để họ yên tâm phát triển năng lực và cống hiến. Ngoài việc nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên tại môi trường trong nước, Unilever cũng chú trọng đưa họ ra nước ngoài làm việc để có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Bài học: Tập trung xây dựng, đào tạo mang lại những cơ hội thăng tiến cho nhân viên khiến họ có động lực và cống hiến nhiều hơn đem lại thành công cho công ty.

Nói tóm lại, mỗi doanh nghiệp sẽ tạo ra màu sắc khác nhau cho văn hóa doanh nghiệp mình tạo sự cạnh tranh, thu hút. Bài viết trên đây đã triển khai rất kỹ tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, các yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp, các dạng văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời để làm thực tế hóa những lý thuyết, chúng tôi đã đưa ra các ví dụ thực tế của các doanh nghiệp. Mong rằng những thông tin trên đây thật sự hữu ích với bạn đọc!