Các nhà tuyển dụng thường xuyên phải đau đầu khi tuyển sai ứng viên vì trình độ nói dối của họ đã lên một level mới. Vậy hãy nghiên cứu ngay bài viết này để thành thục 5 bước trong quá trình phỏng vấn phát hiện ứng viên nói dối nhé!

Ứng viên đôi khi sẽ nói dối để đưa ra được câu trả lời mà họ cho là hoàn hảo nhất, mục đích là làm hài lòng nhà tuyển dụng, đảm bảo xác suất “vượt vũ môn”. Nhưng nhìn nhận từ góc độ của nhà tuyển dụng thì ắt hẳn họ hoàn toàn không thích điều này. Vậy làm thế nào để phát hiện ứng viên nói dối trong quá trình phỏng vấn? Hãy cùng 123job tìm hiểu nhé.

I. Phân tích những câu hỏi dễ khiến nhà tuyển dụng mắc lừa

1. “Bạn có những kỹ năng gì? Đánh giá những kỹ năng đó của bạn”

Kỹ năng mềm ngày càng thể hiện vị thế quan trọng khi mà các công ty/doanh nghiệp đưa nó vào mục cần có trong CV của ứng viên. Chính vì sự cần thiết đó mà đôi khi để được thông qua một cách trót lọt, các ứng viên sẽ “múa rìu qua mắt thợ”, thổi phồng lên những kỹ năng mà mình có, nhất là với các kỹ năng mềm cơ bản như giao tiếp, xử lý tình huống, làm việc nhóm, quản lý thời gian

Tất nhiên chẳng ai muốn tuyển dụng một nhân viên không có sự trung thực hay nhân viên không có khả năng phối hợp, ứng viên ắt hẳn nắm bắt được tâm lý đó nên sẽ chuẩn bị thật kỹ. Chính vì thế mà ứng viên tự trình bày kỹ năng trực tiếp trong buổi phỏng vấn hay chau chuốt nó trong CV cũng chẳng đáng tin lắm, vì đôi khi họ “chỉ được cái nói mồm”.

phỏng vấn Tránh đưa ra câu hỏi phỏng vấn dễ bị mắc lừa

2. “Điểm yếu của bạn là gì? Điểm mạnh của bạn?”

Điểm mạnh - điểm yếu tiếp tục là câu hỏi phỏng vấn ít được trả lời trung thực vì rất ít người xác định được một cách chính xác điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Và tất nhiên rồi, “cái gì không biết thì tra Google”, khi gõ lên Google tìm kiếm điểm mạnh điểm yếu của tôi là gì, Google sẽ đưa ra các gợi ý trả lời câu hỏi phỏng vấn thường được trình bày trong CV để đảm bảo tỷ lệ vượt vũ môn cao nhất.

Vậy nên các câu trả lời điểm mạnh, điểm yếu thường na ná nhau và có chung một nội dung kiểu như “Tôi luôn cố gắng hết mình vì công việc bởi tôi là người cầu toàn”, “Tôi luôn cố gắng để có thể khiến mọi người đều hài lòng”… Khi nghe hay đọc đến những câu trả lời như thế này thì bạn có thể chắc kèo ứng viên vừa nghe lời Google, họ đang cố gắng đưa ra câu trả lời làm hài lòng nhà tuyển dụng nhất. Những ứng viên như vậy tạm thời chưa được xếp vào hàng ưu ái cho vòng sau.

3. “Lý do để bạn muốn làm việc trong công ty chúng tôi”

Mở đầu hoặc kết thúc link xin việc online hay trong buổi phỏng vấn trực tiếp, ứng viên sẽ nhận được câu hỏi phỏng vấn “lý do nào khiến bạn muốn làm việc trong công ty chúng tôi?” hay “Vị trí này có gì hấp dẫn bạn?”. Và một lần nữa, ứng viên sẽ bắt đầu “xoắn não” để đưa ra cách trả lời phỏng vấn sao cho đó sẽ là điều mà nhà tuyển dụng muốn nghe chứ chắc chắn không phải điều thực sự bản thân họ muốn nói.

Tất nhiên là không được đánh đồng tất cả, vì thực sự có rất nhiều những ứng viên đến với bạn vì họ yêu thích môi trường làm việc hay đãi ngộ hoặc hứng thú với công việc trong công ty/ doanh nghiệp của bạn.

Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít các ứng viên chỉ đơn giản là muốn tìm một công việc ổn định lương cao, hay công ty/ doanh nghiệp gần nhà thuận tiện đi lại. Và chẳng ai viết rõ ràng những lý do có phần thực dụng ấy vào CV hay trả lời thẳng thắn trước mặt nhà tuyển dụng cả.

Mục tiêu chung của họ cuối cùng cũng chỉ là được nhận vào làm. Trong thời đại mà bằng cấp không phải là tất cả, những kỹ năng mềm, những kinh nghiệm làm việc còn được đánh giá cao hơn thì với những người trẻ chưa hoàn thiện cho mình về mặt kỹ năng cũng như mới có chút ít hoặc chưa chút nào kinh nghiệm để làm lợi thế thì họ buộc phải hơi tâng bốc về bản thân. Nhưng là một nhà tuyển dụng, bạn phải tỉnh táo đánh giá ứng viên, trong một vài trường hợp thì đôi khi những lý do đó vẫn có thể chấp nhận được.

4. “Sai lầm nào trong công việc mà bạn từng mắc phải”

Thường đối với những câu hỏi phỏng vấn như thế này, các ứng viên sẽ chọn cách trả lời cho thấy mình là con người hoàn hảo của công việc, rất hiếm khi mắc sai lầm hay sai lầm đó quá nhỏ không đáng được lưu tâm.

Hoặc một vài người sẽ chọn cách phóng đại sai lầm và cách giải quyết chúng lên một cách phi thực tế, khoe khoang về bản thân đã tuyệt vời như thế nào trong tình huống đó, vừa đồng thời chứng minh được bản thân có kỹ năng xử lý tình huống. Một cách trả lời phỏng vấn khác nữa là họ sẽ đổ lỗi cho các tác động khách quan làm mình phạm phải sai lầm đó.

II. 5 bước trong quá trình phỏng vấn giúp phát hiện ứng viên nói dối

1. Hãy nghiên cứu CV của ứng viên trước khi phỏng vấn

Mỗi đợt phỏng vấn mở ra, hàng trăm CV đổ về, khi ấy nhà tuyển dụng thực sự bận rộn vì phải lọc từng CV một để chọn lựa những CV chất lượng nhất.

Nhưng bạn lại chẳng có nhiều thời gian đến thế, bạn không thể đọc một cách thật chi tiết từng CV một được, thậm chí bạn chỉ có thể lướt qua vài chục giây, khi ấy kỹ năng đọc đúng trọng tâm và note lại những mục quan trọng sẽ được bộc lộ.

Chẳng hạn như trong cùng một câu hỏi phỏng vấn, CV thứ nhất chỉ ghi chung chung là “biết cách tạo mối quan hệ thân thiết với khách hàng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh”, còn CV thứ hai lại chỉ ra rằng cụ thể họ đã lên kế hoạch đối với phân khúc khách hàng nào, mang lại bao nhiêu khách hàng mới cho công ty/ doanh nghiệp. Điều quan trọng ở đây không phải từ ngữ mà là cách trả lời cho thấy sự chuyên nghiệp hơn hẳn của CV thứ hai. Vậy nên CV thứ nhất chưa chắc đã có kinh nghiệm thật.

Kỹ năng phỏng vấn phát hiện ứng viên nói dốiKỹ năng phỏng vấn phát hiện ứng viên nói dối

Là một nhà tuyển dụng, để xác định được chắc chắn ứng viên có đang thành thật hay không, bạn cần phải áp dụng kết hợp cả những cách bên dưới nữa.

2. Đặt những câu hỏi hành vi và câu hỏi tình huống

Là một nhà tuyển dụng, bạn chắc chắn phải có kỹ năng phỏng vấn. Lúc này, hãy áp dụng một chút nghệ thuật từ kỹ năng của mình nhé.

Ở những mục trên đã chỉ ra rằng, ứng viên không có hoặc không tự tin với những câu hỏi kiểu như kinh nghiệm bản thân thì họ sẽ chỉ trả lời một cách chung chung, vô thưởng vô phạt. Vì vậy, để nắm bắt được chính xác tình hình, hãy đưa ra những câu hỏi chi tiết hơn nữa.

Đưa ra câu hỏi hành vi bằng cách yêu cầu ứng viên tự đưa ra tình huống thực tế đã từng trải qua và cách xử lý của họ, vừa thể hiện được năng lực lại cho thấy được kinh nghiệm cũng như kỹ năng xử lý tình huống của ứng viên. Một cách khác nữa chính là test kỹ năng. Bài test sẽ bao gồm các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ (như thành thạo ngoại ngữ, kỹ năng đồ họa…).

Ví dụ, phỏng vấn nhân viên logistic, hãy thử để họ xử lý đơn hàng, làm việc trực tiếp với khách hàng và bên vận chuyển, từ đấy có thể nhìn nhân được kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống của ứng viên. Nếu họ hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian bạn cho phép, bạn có thể xem xét nhận họ hay không. Đó chính là một cách đặt câu hỏi tình huống.

3. Để ý thật kỹ đến logic trong câu trả lời của ứng viên

Vì không phải thực sự là những thứ bản thân có hoặc đã trải qua nên khi nói dối, ứng viên sẽ phải ghi nhớ tất cả các cách trả lời phỏng vấn chưa thành thật trước đó của mình. Chính vì thế mà đôi khi các câu trả lời không logic với nhau, câu trước “đá” câu sau, việc của bạn lúc này là hãy lắng nghe, ghi chép lại và xem xét câu trả lời có mâu thuẫn với nhau không nhé.

4. Nghi ngờ những dẫn chứng hoàn hảo đến mức khó tin

Khi được đưa câu hỏi phỏng vấn trực tiếp, các ứng viên sẽ cố gắng đưa ra những tình huống thể hiện sự hoàn hảo hoặc phù hợp của bản thân một cách hơi thái quá. Ví dụ ứng viên có kinh nghiệm làm nhân viên sale và cho biết rằng mình từng lập kỷ lục tăng doanh thu lên 300%, khi đó bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu đưa ra bằng chứng thuyết phục cho câu trả lời của họ.

5. Ngôn ngữ cơ thể và giọng nói cũng có thể “phản chủ”

Vì không phải cái mình có nên ít nhiều ứng viên khi nói dối sẽ không có nhiều sự tự tin và sẽ có ít nhiều biểu hiện của sự bối rối khi bị nhà tuyển dụng hỏi xoắn. Họ sẽ có những hành động như sờ tóc, không dám nhìn thẳng mắt người đối diện, nhìn xuống chân, xoa tay vào đầu gối… giọng điệu bỗng cao hơn hoặc trầm hơn ngữ điệu trả lời bình thường trước đó. Lúc này kinh nghiệm phỏng vấn sẽ là vũ khí cho nhà tuyển dụng.

III. Những câu hỏi nhà tuyển dụng thường đánh lừa ứng viên khi phỏng vấn

1. “Trong vòng 1 phút, hãy giới thiệu về bản thân của bạn”

Một câu hỏi nghe như để làm quen với nhau mà các nhà tuyển dụng thường hay hỏi ngay khi bắt đầu cuộc phỏng vấn dù đã có trong tay CV của ứng viên. Nhiều ứng viên thường bị mất điểm ngày câu đầu tiên này vì không biết cách trả lời câu hỏi phỏng vấn đúng trọng tâm vấn đề, lan man dài dòng mà không có nhiều sự liên quan đến công việc đang muốn có.

Hãy là một ứng viên thông minh, dùng một phút này để giới thiệu về tên tuổi, tuổi, kinh nghiệm của bản thân trong lĩnh vực đang ứng tuyển. Nói dài nói dai sẽ thành nói dại đó, chỉ nên trả lời ngắn gọn xúc tích và đủ ý là được.  

Những câu hỏi phỏng vấn dễ khiến ứng viên bị mắc lừaĐưa ra những câu hỏi đánh lừa ứng viên khi phỏng vấn

2. “Vì sao bạn lại từ bỏ công việc trước đó”

Nhiều ứng viên nghĩ rằng cứ kể xấu công ty cũ, sếp không tốt hay đối xử bất công, nhân viên chia bè chia phái thì sẽ nhận được sự cảm thông. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, chẳng nhà tuyển dụng nào rảnh rỗi ngồi nghe ứng viên kể lể, nói xấu công ty cũ, đồng thời nhà tuyển dụng cũng sẽ cho rằng sau này khi nhân viên rời khỏi công ty mình sang công ty khác cũng sẽ nói xấu như thế.

Bên cạnh đó, cũng không nên trả lời kiểu ‘Em chán việc cũ, em muốn tìm cơ hội mới, em thích nhảy việc”… nhà tuyển dụng sẽ cho rằng ứng viên chắc chắn không gắn bó lâu dài với công ty, và chẳng ai muốn mất công đào tạo một người không có ý định cống hiến hết mình.

3. “Bạn mong muốn mức lương như thế nào tại công ty chúng tôi”

Đây chính là một trong những câu hỏi phỏng vấn được coi là kinh điển trong tuyển dụng. Ứng viên khôn ngoan sẽ là người tìm hiểu kĩ về mức lương của công việc mình đang ứng tuyển từ nhiều công ty khác nhau, đa phần các công ty/ doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực sẽ có mức lương khá giống nhau, thế nên đừng đưa ra con số viển vông, quá cao so với năng lực thực tế của bản thân.

Nếu có thể, hãy tìm cách lắt léo duy trì câu hỏi về mức lương đến phút cuối, bởi đó là khi cả hai bên đã bắt đầu hiểu về nhau, ứng viên có thể thoải mái chia sẻ hơn và đưa ra được mức lương hợp lý.

IV. Kết luận

Tuyển đúng và đủ nhân viên chất lượng là mục tiêu chung của các nhà tuyển dụng, thà không tuyển ai còn hơn tuyển sai người. Thông qua bài viết này, hi vọng rằng các nhà tuyển dụng sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn và sáng suốt, hạn chế tối đa sự trả giá cho quyết định sai lầm của mình. Hãy luôn nắm rõ những kỹ thuật trên để đảm bảo không mắc sai lầm nhé!