Trợ cấp thôi việc là một trong số những quyền lợi mà người lao động được hưởng khi xin nghỉ việc. Vậy điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc là gì và cách tính trợ cấp thôi việc như thế nào? Mời bạn cùng 123job tìm hiểu về vấn đề này ngay sau đây!
I. Trợ cấp thôi việc là gì?
Trợ cấp thôi việc là một trong số những quyền lợi mà người lao động được hưởng khi nghỉ việc, vậy nhưng hiện nay lại không có nhiều người biết tới khoản trợ cấp này nên thường bị bỏ qua trong quá trình thôi việc. Ngay cả với những người làm việc cho các tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài với chế độ đãi ngộ cao và phúc lợi tốt thì cũng có không ít người không thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “Trợ cấp thôi việc tiếng anh là gì?”. Do vậy, để tránh việc bỏ lỡ quyền lợi chính đáng cho người lao động thì trước hết chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu về khái niệm trợ cấp thôi việc là gì và chế độ trợ cấp thôi việc hiện nay như thế nào.
Trợ cấp thôi việc là gì?
1. Trợ cấp thôi việc là gì?
Theo quy định về trợ cấp thôi việc mới nhất thì trợ cấp thôi việc (tên tiếng Anh là Severance Allowance) là khoản tiền mà người sử dụng lao động phải chi trả trong đa số các trường hợp khi 2 bên kết thúc hợp đồng lao động. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng trợ cấp thôi việc đã được quy định cụ thể trong thông tư hướng dẫn trợ cấp thôi việc mới nhất do Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội ban hành.
Trong suốt quá trình làm việc và cống hiến tại các tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp thì trợ cấp thôi việc được xem như phần thưởng xứng đáng cho người lao động khi nghỉ việc. Ngoài ra, chi trả trợ cấp thôi việc còn là việc làm thể hiện trách nhiệm của tổ chức sử dụng lao động đối với nhân viên để hỗ trợ một phần kinh phí giúp họ trang trải cuộc sống trong thời gian tìm kiếm công việc mới.
2. Căn cứ để tổ chức chi trả trợ cấp thôi việc
Theo quy định tại điều 48 của Bộ luật lao động 2015 và quy định tại khoản 1 điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số nội dung có trong Bộ luật lao động 2012 thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên đủ 12 tháng trở lên khi thanh lý hợp đồng lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 Điều 36 và Điều 38 Bộ luật Lao động 2012 đối với người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Cụ thể, theo điều 36 Bộ luật Lao động 2012 thì người lao động được coi đã là chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:
Người lao động đã hết hạn hợp đồng lao động.
Người lao động đã hoàn thành công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Hai bên cùng thỏa thuận đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động.
Người lao động bị Tòa kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc đã ghi rõ trong hợp đồng lao động theo bản án và quyết định đã có hiệu lực về mặt pháp lý của Tòa án.
Người lao động mất tích hoặc đột ngột qua đời hoặc bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Người sử dụng lao động bị mất tích, đột ngột qua đời hoặc bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự; người sử dụng lao động không phải là cá nhân tiến hành chấm dứt hoạt động với người lao động.
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động 2012.
Còn theo quy định tại Điều 38 thì người sử dụng lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:
Người lao động thường xuyên không hoàn thành đúng yêu cầu công việc theo hợp đồng lao động đã thỏa thuận.
Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn mà người lao động bị ốm đau, tai nạn buộc phải điều trị 12 tháng liên tục hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ và công việc có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Người sử dụng lao động buộc phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm nhân sự sau khi đã tìm mọi biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp người lao động đi nghĩa vụ quân sự, bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành quyết định cải tạo tại trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc và lao động nữ nghỉ thai sản không có mặt tại nơi làm việc sau 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động đã thỏa thuận.
II. Điều kiện và mức hưởng trợ cấp thôi việc
Bên cạnh vấn đề khái niệm trợ cấp thôi việc là gì thì một khía cạnh khác cũng được rất nhiều người cùng quan tâm đó chính là điều kiện được hưởng trợ cấp thôi việc và cách tính trợ cấp thôi việc mới nhất theo quy định của Pháp luật.
Điều kiện và mức hưởng trợ cấp thôi việc
1. Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc
Người lao động làm việc thường xuyên đủ 12 tháng trở lên và chấm dứt hợp đồng theo quy định tại điều 36 Bộ luật lao động 2012 cũng như người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại điều 38 Bộ luật lao động 2012 như chúng tôi đã trình bày ở trên sẽ được tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc theo đúng quy định. Bên cạnh những trường hợp kể trên, người lao động sẽ không được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc trong một số trường hợp sau đây:
Người lao động đang trong nhiệm kỳ giữ vị trí cán bộ công đoàn không chuyên trách mà hết hạn hợp đồng lao động sẽ được cơ quan sử dụng lao động tiếp tục gia hạn hợp đồng đã giao kết đến hết nhiệm kỳ. Do vậy trong trường hợp này thì người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc.
Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động do đến tuổi nghỉ hưu và đủ điều kiện được hưởng lương hưu sẽ không được nhận thêm trợ cấp thôi việc.
Người lao động bị cơ quan sử dụng lao động xử lý kỷ luật sa thải, đuổi việc sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc.
2. Mức hưởng trợ cấp thôi việc
Sau khi đã tìm hiểu về điều kiện được hưởng trợ cấp thôi việc thì có lẽ vấn đề mà người lao động quan tâm lúc này là mức hưởng trợ cấp thôi việc là bao nhiêu và trợ cấp thôi việc tính như thế nào. Đầu tiên, chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn đọc công thức tính trợ cấp thôi việc áp dụng chung cho tất cả các trường hợp:
Tiền trợ cấp thôi việc = ½ X Tiền lương tính trợ cấp thôi việc X Thời gian tính trợ cấp thôi việc
a. Cách xác định thời gian tính trợ cấp thôi việc
Theo quy định hiện hành được phép áp dụng (cách tính trợ cấp thôi việc 2017, cách tính trợ cấp thôi việc 2018, cách tính trợ cấp thôi việc 2019) thì thời gian tính trợ cấp thôi việc được xác định là tổng thời gian làm việc thực tế của người lao động trừ đi thời gian mà người đó tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian mà người lao động đã được tổ chức chi trả bảo trợ cấp thôi việc trước đó. Trong đó, thời gian làm việc thực tế bao gồm các khoản mục sau:
Thời gian thực tế dựa trên kết quả từ bảng chấm công mà người lao động đã làm việc cho cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp theo thỏa thuận trên hợp đồng lao động.
Thời gian mà người lao động được cử đi học hoặc đào tạo nghề nghiệp theo yêu cầu của tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp.
Thời gian nghỉ theo chế độ đã quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội.
Thời gian nghỉ hàng tuần theo quy định của công ty.
Thời gian nghỉ phép hưởng nguyên lương có thể kể đến như nghỉ hàng năm theo thâm niên, các dịp nghỉ lễ tết theo quy định của nhà nước và nghỉ việc riêng có đơn.
Thời gian hoạt động công đoàn theo yêu cầu của công đoàn và quy định của Nhà nước đối với công đoàn.
Thời gian người lao động được tổ chức trả lương để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật.
Thời gian người lao động buộc phải dừng hoặc nghỉ việc do hoàn cảnh của tổ chức.
Thời gian người lao động bị tạm đình chỉ công việc theo yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc bị tạm giam, tạm giữ nhưng được kết luận không phạm tội.
Như vậy, thời gian tính trợ cấp thôi việc sẽ bằng tổng số thời gian mà chúng tôi đã liệt kê ở trên trừ đi thời gian mà cơ quan, tổ chức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật.
b. Cách xác định mức tiền lương hưởng trợ cấp thôi việc
Bên cạnh thời gian tính trợ cấp thôi việc thì tiền lương hưởng trợ cấp là yếu tố không thể thiếu trong công thức tính trợ cấp thôi việc cho người lao động. Không phức tạp với nhiều phép tính như thời gian, tiền lương để tính trong công thức trợ cấp thôi việc được xác định là tiền lương bình quân 6 tháng cuối cùng theo hợp đồng lao động trước khi nghỉ việc.
c. Ví dụ về cách tính trợ cấp thôi việc
Để bạn đọc có hình dung rõ ràng hơn cho công thức tính trợ cấp thôi việc thì ngay sau đây chúng tôi sẽ đưa ra một ví dụ cụ thể.
Một người lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn cụ thể với công ty A và bản hợp đồng này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/03/2007. Trong suốt quá trình làm việc, người lao động đều tham gia đóng BHXH nhưng đến ngày 01/11/2017, do tình hình sức khỏe không đảm bảo nên 2 bên đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Mức tiền lương bình quân 6 tháng cuối của người lao động được tính là 8 triệu đồng/tháng. Trong trường hợp này, mặc dù thời gian làm việc thực tế của người lao động là 10 năm 8 tháng nhưng theo Luật Bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động chỉ là 8 năm 10 tháng tính từ 01/01/2009. Từ đó suy ra thời gian tính trợ cấp thôi việc sẽ là 1 năm 10 tháng và được làm tròn thành 2 năm. Do vậy, theo cách tính trợ cấp thôi việc trước 2009 thì mức hưởng trợ cấp thôi việc của người lao động trong trường hợp này sẽ là:
½ x 2 x 8,000,000 = 8,000,000 (đồng).
III. Trợ cấp thôi việc có tính thuế TNCN không?
Trợ cấp thôi việc có tính thuế TNCN không?
Tới đây chắc hẳn sẽ có một số người lao động cùng có chung băn khoăn rằng liệu trợ cấp thôi việc có tính thuế TNCN hay không. Theo quy định tại khoản 2, điều 2 của Thông tư 111/2013/TT-BTC về các khoản trợ cấp, phụ cấp phải tính thuế TNCN thì trợ cấp thôi việc có tính thuế TNCN duy nhất trong trường hợp khoản chi trả trợ cấp thôi việc mà người lao động được hưởng cao hơn so với thông tư hướng dẫn trợ cấp thôi việc mới nhất quy định. Ngoài trường hợp kể trên thì trợ cấp thôi việc sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN hay nói cách khác thì đây là khoản trợ cấp được Nhà nước miễn thuế.
IV. Phân biệt trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp
Do tên gọi gần giống nhau mà có không ít người lao động nhầm lẫn giữa trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp. Trên thực tế, đây là 2 khoản trợ cấp hoàn toàn độc lập và khác biệt với nhau được quy định tại 2 bộ luật khác nhau. Nếu như trợ cấp thôi việc được quy định tại điều 48 Bộ luật lao động 2012 thì trợ cấp thất nghiệp lại được Nhà nước quy định trong Chương 6 Luật việc làm 2013. Về đối tượng chi trả, trong khi trợ cấp thôi việc được chi trả bởi tổ chức, cơ quan sử dụng lao động thì trợ cấp thất nghiệp sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm chi trả cho người lao động. Ngoài ra, về điều kiện và đối tượng được hưởng trợ cấp cũng như thời gian và mức lương tính trợ cấp giữa trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp cũng hoàn toàn khác nhau. Cụ thể là người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau:
Người lao động và cơ quan sử dụng lao động tiến hành chấm dứt hợp đồng lao động theo thỏa thuận, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có sự đồng ý của cơ quan sử dụng lao động; người lao động hưởng lương hưu và trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của Nhà nước.
Người lao động đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng hoặc 36 tháng trước khi kết thúc hợp đồng lao động, tùy từng trường hợp cụ thể đã quy định tại chương 6 Luật Việc làm 2013.
Người lao động đã nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm theo đúng quy định.
Sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ tới Trung tâm dịch vụ việc làm, nếu người lao động vẫn chưa có việc làm thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo từng trường hợp cụ thể.
Do vậy trong quá trình tính toán và làm thủ tục thì người lao động cần tìm hiểu một cách kỹ lưỡng và phân biệt rõ giữa trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp để tránh nhầm lẫn không đáng có.
Trên đây là toàn bộ thông tin về điều kiện được hưởng trợ cấp thôi việc và cách tính trợ cấp thôi việc mới nhất. Hy vọng rằng thông qua bài viết này, quý bạn đọc sẽ có thể xác định được mình có nằm trong diện được hưởng trợ cấp thôi việc hay không và trợ cấp thôi việc được tính như thế nào. Hẹn gặp lại bạn ở những tin tức bổ ích và hấp dẫn tiếp theo của 123job!