Giá vốn hàng bán là gì? Giá vốn hàng bán bao gồm những khoản gì? Tính giá vốn hàng bán như thế nào cho đúng chuẩn? … Dưới đây là tất tần tật kiến thức về giá vốn hàng bán mà người làm kinh doanh cần phải nắm rõ.

Thuật ngữ giá vốn hàng bán được nhắc đến rất nhiều trong ngành kinh doanh và đầu tư. Hiện nay các nhà kinh doanh luôn mong muốn đẩy lùi chi phí và nâng cao lợi nhuận. Tại bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn đọc thông tin về giá vốn hàng bán, đây là một trong những yếu tố không thể bỏ qua để nhà kinh doanh có thể tính toán và phân tích được hiệu quả trong ngành kinh doanh của mình. 

I. Giá vốn hàng bán là gì?

1. Giá vốn hàng bán là gì?

Thuật ngữ “Giá vốn hàng bán” trong Tiếng anh được gọi là Cost of goods sold. Trong ngành kinh doanh, giá vốn hàng bán là 1 trong những loại chi phí được đầu tư để sản xuất ra sản phẩm. Loại chi phí này liên quan tới quá trình bán hàng, bao gồm các khoản như: Giá vốn hàng xuất kho, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng… Hiểu theo chuyên ngành kinh doanh, giá vốn bán hàng là giá vốn của những mặt hàng đã được bán ra. Do đó, giá của vốn bán hàng sẽ bao gồm các yếu tố về giá vốn của: Hàng hóa, thành phẩm, dịch vụ… được đầu tư ở 1 thời gian cụ thể.

Sau khi đã hiểu được định nghĩa chung về giá vốn hàng bán, cần tìm hiểu về các loại hình công ty. Vì với từng loại hình công ty khác nhau thì sẽ có những cách định nghĩa về giá vốn hàng bán khác nhau:

  • Công ty thương mại: Giá vốn hàng bán là tổng tất cả các chi phí trong quá trình nhập hàng về kho của công ty thương mại, bao gồm: Giá nhập hàng từ các nhà cung cấp, chi phí vận chuyển về kho, thuế, bảo hiểm của hàng hóa… 
  • Công ty sản xuất: Giá vốn hàng bán sẽ bao gồm nhiều loại chi phí hơn các công ty thương mại do có thêm khoản chi phí nguyên liệu để sản xuất sản phẩm.

2.  Ý nghĩa của giá vốn hàng bán

Vậy thì, vai trò của giá vốn hàng bán là gì? Khi thêm một sản phẩm mới vào kho, bạn sẽ cần nhập chi phí nhập hàng, bao gồm các loại chi phí: Mua hàng, chi phí vận chuyển, chi phí kho bãi… Khi lưu lại những chi phí này, sau này việc hạch toán lãi lỗ, giá trị hàng tồn kho,… sẽ dễ dàng, chuẩn xác hơn. Thêm vào đó, bạn có thể sử dụng giá vốn hàng bán để tính tỷ suất lợi nhuận gộp và phân tích tỷ lệ phần trăm doanh thu có sẵn để trang trải chi phí hoạt động. Giá vốn hàng bán được trừ vào tổng doanh thu sẽ ra tỷ suất lợi nhuận gộp.

3. Giá vốn sinh ra để làm gì?

Thị trường luôn biến động, không phải lúc nào nhà bán hàng cũng nhập được hàng với giá ổn định. Có thể nay bạn nhập lô 30 áo phông nam cổ tròn – trắng với giá 50K/chiếc. Hàng hot bán dễ quá, 2 ngày sau bạn nhập thêm lô 50 cái. Nhưng hàng khan hiếm, nhà cung cấp nâng giá lên 60K/chiếc. Thôi chấp nhận đau thương vậy, dù sao hàng đang hot bán vẫn có lời mà. Giá nhập cứ biến thiên như vậy cho các lần nhập tiếp theo.

Xem thêm: Tất tần tật về góp vốn kinh doanh - chìa khóa vàng cho nhà đầu tư thành công

II. Giá vốn bán hàng bao gồm những gì?

Giá vốn hàng bán là gì? Giá vốn hàng bán bao gồm những gì?
Giá vốn hàng bán là gì? Giá vốn hàng bán bao gồm những gì?

1. Đối với các công ty thương mại

Giá vốn hàng bán chỉ gồm các chi phí mua những mặt hàng đã bán ra tại công ty thường mại đã được hạch toán trong TK154. Các khoản chi phí đó bao gồm:

  • Chi phí hàng hóa: Là chi phí để mua những món hàng được sản xuất tại các nhà cung cấp với giá gốc.  
  • Chi phí vận chuyển: Là chi phí vận chuyển hàng từ nơi cung cấp về kho hàng hay các cửa hàng, đại lý. Chi phí vận chuyển thường được tính theo trọng lượng hàng hóa và số lượng hàng hóa. Tuy nhiên, tùy theo điều khoản hợp đồng, chi phí vận chuyển có thể được tính dựa trên khoảng cách hay các yêu cầu khác của 2 bên.
  • Chi phí bảo hiểm hàng hóa: Là chi phí để bảo hiểm hàng hóa trong quá trình vận chuyển từ nơi cung cấp đến nơi nhận hàng. Bảo hiểm cho hàng hóa tiêu chuẩn thường chỉ tốn 1% giá trị hàng hóa và vận chuyển.
  • Thuế: Bao gồm thuế VAT và thuế nhập khẩu. Thông thường nếu nhập hàng từ nước ngoài về Việt Nam, thuế nhập khẩu dường như là 1 khoản bắt buộc.
  • Chi phí kho: Là chi phí cần bỏ ra để thuê kho, bãi để lưu hàng nhập về. Thêm vào đó, những mặt hàng tồn cũng sẽ được lưu trữ tại kho.

2. Đối với những đơn vị sản xuất

Giá vốn hàng bán sẽ dựa trên các khoản của TK621, TK622, TK627. Các khoản chi phí đó bao gồm:

  • Chi phí nhân viên xưởng: Là các khoản để chi trả tiền lương, phụ cấp cho nhân viên quản lý phân xưởng, bộ phận sản xuất, phụ cấp tiền ăn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp được tính theo tỷ lệ quy định.
  • Chi phí vật liệu: Gồm các khoản chi phí dùng cho phân xưởng như: Vật liệu sửa chữa, bảo dưỡng tài sản cố định, công cụ, dụng cụ thuộc phân xưởng quản lý và sử dụng, chi phí lán trại tạm thời… 
  • Chi phí dụng cụ sản xuất: Là chi phí để mua những công cụ, máy móc phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa.
  • Chi phí sản xuất: Bao gồm các chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho hoạt động sản xuất như: Chi phí sửa chữa, chi phí điện, nước, điện thoại…  

III. Cách tính giá vốn hàng bán

Cách tính giá vốn hàng bán
Cách tính giá vốn hàng bán

1. Công thức FIFO ( First In First Out )

Công thức này dựa trên phương pháp nhập trước xuất trước, những mặt hàng nào được nhập vào trước thì sẽ được xuất trước với đơn giá xuất bằng đơn giá nhập. Trị giá mua hàng hoá xuất kho trong kỳ tính theo đơn giá mua nhập trước. Công thức FIFO thường sẽ phù hợp với các mặt hàng có hạn sử dụng, hoặc các loại hàng điện máy, máy tính, điện thoại…. vì những mặt hàng này không thể lưu trữ lâu trong kho, cần phải xuất sớm. Khi giá tăng, kết quả theo phương pháp FIFO, giá vốn hàng bán thấp hơn. Điều này trong điều kiện lạm phát, làm tăng thu nhập ròng và kết quả là mức đóng thuế TNDN cao hơn.

2. Công thức LIFO (Last In First Out)

Dựa trên phương pháp Nhập sau xuất trước, trái ngược với FIFO, những mặt hàng được nhập vào trước sẽ được xuất sau,  với đơn giá xuất bằng đơn giá nhập. Trị giá mua hàng xuất kho tính theo đơn giá mua hàng nhập sau. Trị giá hàng tồn kho cuối kỳ được tính theo đơn giá của những lần nhập đầu tiên. Công thức LIFO thường được dùng với mặt hàng như quần áo, giày dép… những mặt hàng có thể bị lỗi thời và trở thành hàng tồn kho, nên khi nhập hàng mới về phải ưu tiên xuất hơn. Một nhược điểm rất rõ ràng trong cách tính giá vốn hàng bán LIFO là định giá hàng tồn kho không đáng tin cậy, khi sản phẩm cũ có giá trị lỗi thời với giá hiện hành.

3. Công thức Bình quân gia quyền

Phương pháp tính giá vốn hàng bán Bình quân gia quyền được sử dụng để tính toán giá trị hàng tồn kho. Đây cũng là phương pháp tính giá vốn hàng bán phổ biến nhất mà các phần mềm tân tiến ngày nay đang áp dụng. Theo phương pháp này, giá vốn sẽ được tính lại theo công thức: MAC = ( A + B ) / C
MAC : Giá vốn của sản phẩm tính theo bình quân tức thời
A : Giá trị kho hiện tại trước nhập = Tồn kho trước nhập * giá MAC trước nhập
B : Giá trị kho nhập mới = Tồn nhập mới * giá nhập kho đã phân bổ chi phí
C : Tổng tồn = Tồn trước nhập + tồn sau nhập

4. Phương pháp Giá hạch toán

Phương pháp này được sử dụng để tính giá trị vốn thực tế của hàng xuất kho, thường là với các doanh nghiệp mua hàng hoá vật tư thường xuyên có sự biến động về giá cả, khối lượng chủng loại vật tư hàng hoá nhập, xuất kho nhiều. Giá hạch toán là loại giá ổn định do doanh nghiệp xây dựng, giá này không có tác dụng giao dịch với bên ngoài. Việc nhập xuất trước hết phải tính hệ số giữa giá thực tế và giá hạch toán của hàng luân chuyển trong kỳ.

5. Phương pháp cân đối

Trước hết, tính trị giá thực tế của hàng còn lại cuối kỳ bằng cách lấy số lượng còn lại cuối kỳ nhân với đơn giá mua lần cuối cùng trong tháng. Sau đó dùng công thức cân đối để tính trị giá mua thực tế của hàng xuất kho.

Xem thêm: Hướng dẫn kiểm toán hàng tồn kho và giá vốn hàng bán cho doanh nghiệp

IV. Nguyên nhân giá vốn hàng bán bị sai và cách khắc phục

Nguyên nhân giá vốn hàng hóa bị sai và cách khắc phục
Nguyên nhân giá vốn hàng hóa bị sai và cách khắc phục

1. Nguyên nhân

Thực hiện sai quy trình bán hàng âm: Khi thực hiện quy trình bán hàng âm, hay còn được gọi là quy trình chứng từ, người bán xuất hàng trước và nhập kho sau, nhưng lại không kịp lưu kho mà đã bày bán ngay trên kệ, hoặc trả hàng cho khách ngay tại quầy. Đến cuối ngày hoặc để hôm sau mới nhập hàng vào kho, thậm chí quên luôn nhập. Khi đó, tại thời điểm xuất hàng, giá vốn hàng bán bằng 0 hoặc bị sai lệch, dẫn đến tính lãi gộp hàng bán thiếu chính xác, lãi lỗ & doanh thu sẽ không đúng với thực tế.
Thực hiện sai quy trình trả hàng nhà cung cấp: Khi người bán trả một phần hàng mua từ nhà cung cấp sau khi đã bán hàng trên phần còn lại, nhưng người kế toán kho lại không hạch toán giá vốn hàng bán lại, nên gây ra sự sai lệch, thiếu chính xác.
Thực hiện việc sửa/xóa chứng từ: Người sử dụng phần mềm tiến hành sửa / xóa chứng từ làm thay đổi số lượng của các mặt hàng có trên các chứng từ đã sửa. Khi đó, phần mềm sẽ tự động tính toán lại giá vốn và hàng tồn kho khi lưu / xóa chứng từ và rất có thể dẫn tới âm kho. Vì vậy, phần mềm sẽ tự động cập nhật lại giá vốn cho tới thời điểm hiện tại, và đến khi chạy tới phiếu xuất bán thì dòng hàng đó có thể bị tồn kho âm. 

2. Cách khắc phục

  • Kiểm soát dữ liệu ngành kinh doanh thường xuyên khi dùng phần mềm quản lý bán hàng
  • Giám sát quy trình hoạt động ngành kinh doanh.
  • Thực hiện đúng quy trình: Hàng phải nhập vào trước rồi mới xuất bán hoặc chuyển kho đi.
  • Hạn chế sửa/xóa chứng từ.
  • Thường xuyên theo dõi giá vốn để kiểm soát các tình huống dẫn tới âm kho, tránh để tình trạng này tồn tại quá lâu dẫn tới việc tính lại giá vốn sẽ chậm và khó theo dõi khi khắc phục.
  • Sử dụng chức năng truy ngược tới chứng từ gốc để kiểm tra các con số tồn kho, doanh thu… xem tại sao lại ra những con số đó.

V. Giá vốn hàng bán được ghi nhận khi nào và Cách hạch toán

1. Thời điểm ghi nhận giá vốn hàng bán

Giá vốn hàng bán có phải là một khoản chi phí?

Theo định nghĩa ở trên thì giá vốn là một khoản chi phí của doanh nghiệp bỏ ra để sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Theo nguyên tắc phù hợp thì khi bạn ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng vào cùng thời điểm đó. Điều này có nghĩa là giá vốn là một khoản chi phí của doanh nghiệp để góp phần tạo ra doanh thu. Do vậy, xác định thời điểm ghi nhận giá vốn cũng chính là xác định thời điểm ghi nhận một khoản doanh thu của doanh nghiệp.

Thời điểm ghi nhận doanh thu bán hàng là thời điểm đáp ứng các yêu cầu sau:

+ DN đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích của sản phẩm

+ Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn

+ Doanh thu đã hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng

+ Xác đinh được các khoản chi phí(1) liên quan đến giao dịch bán hàng.

(1) Theo Điều 82 Thông tư 200 định nghĩa chi phí như sau

Chi phí là những khoản làm giảm lợi ích kinh tế, được ghi nhận tại thời điểm giao dịch phát sinh hoặc khi có khả năng tương đối chắc chắc sẽ phát sinh trong tương lai không phân biệt đã chi tiền hay chưa.

Xem thêm: Vốn lưu động là gì? Các bước tính vốn lưu động chuẩn xác nhất

2. Hạch toán giá vốn hàng bán

Đối với doanh nghiệp kế toán hành HTK theo phương pháp kê khai thường xuyên
a) Khi xuất bán các sản phẩm, hàng hóa (kể cả sản phẩm dùng làm thiết bị, dụng cụ thay thế đi kèm sản phẩm, hàng hóa), dịch vụ hoàn thành được xác định là đã bán trong kỳ, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 154, 155,156, 157, …

b) Phản ánh các khoản chi phí được hạch toán trực tiếp vào GVHB:

- Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì kế toán phải tính và xác định chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho một đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ (không tính vào giá thành sản phẩm số chênh lệch giữa tổng số chi phí sản xuất chung cố định thực tế phát sinh lớn hơn chi phí sản xuất chung cố định tính vào giá thành sản phẩm) được ghi nhận vào GVHB trong kỳ ghi:

  • Nợ TK 632 – GVHB
  • Có TK 154 – Chi phí SXKD dở dang, hoặc
  • Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung

Phản ánh khoản hao hụt, mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ (-) phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra, ghi:

  • Nợ TK 632 – GVHB
  • Có TK 152, 153, 156, 138 (1381), …

Phản ánh chi phí xây dựng TSCĐ vượt quá mức bình thường không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình hoàn thành ghi:

  • Nợ TK 632 – GVHB
  • Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang

c) Hạch toán khoản trích lập hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho

Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này lớn hơn số đã lập kỳ trước, kế toán trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:

  • Nợ TK 632 – GVHB
  • Có TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (2294)

Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này nhỏ hơn số đã lập kỳ trước, kế toán hoàn nhập phần chênh lệch, ghi:

  • Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (2294)
  • Có TK 632 - GVHB

d) Các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS đầu tư:

Định kỳ tính, trích khấu hao BĐS đầu tư đang cho thuê hoạt động, ghi:

  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
  • Có TK 2147 – Hao mòn BĐS đầu tư

Khi phát sinh chi phí liên quan đến BĐS đầu tư sau ghi nhận ban đầu nếu không thỏa mãn điều kiện ghi tăng giá trị BĐS đầu tư, ghi:

  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
  • Nợ TK 242 – Chi phí trả trước (nếu phải phân bổ dần)
  • Có TK 111, 112, 152, 153, 334, …

Các chi phí liên quan đến cho thuê hoạt động BĐS đầu tư, ghi:

  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
  • Có TK 111, 112, 331, 334, …

Kế toán giảm nguyên giá và giá trị hao mòn của BĐS đầu tư (nếu có) do bán, thanh lý, ghi:

  • Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2147 – Hao mòn BĐS đầu tư)
  • Nợ TK 632 – GVHB (giá trị còn lại của BĐS đầu tư)
  • Có TK 217 – Bất động sản đầu tư (nguyên giá)

Các chi phí bán, thanh lý BĐS đầu tư phát sinh, ghi:

  • Nợ TK 632 – GVHB (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
  • Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
  • Có các TK 111, 112, 331, …

đ) Phương pháp kế toán chi phí trích trước để tạm tính giá vốn hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán đối với doanh nghiệp là chủ đầu tư:

Khi trích trước chi phí để tạm tính giá vốn hàng hóa bất động sản đã bán trong kỳ, ghi:

  • Nợ TK 632 – GVHB
  • Có TK 335 – Chi phí phải trả

Các chi phí đầu tư, xây dựng thực tế phát sinh đã có đủ hồ sơ tài liệu và được nghiệm thu tập hợp để tính chi phí đầu tư xây dựng bất động sản, ghi:

  • Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
  • Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ
  • Có các tài khoản liên quan

Khi các khoản chi phí trích trước đã có đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh là đã thực tế phát sinh, kế toán ghi giảm khoản chi phí trích trước và ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang, ghi:

  • Nợ TK 335 – Chi phí phải trả
  • Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Khi toàn bộ dự án bất động sản hoàn thành, kế toán phải quyết toán và ghi giảm số dư khoản chi phí trước còn lại, ghi:

  • Nợ TK 335 – Chi phí phải trả
  • Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
  • Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (phần chênh lệch giữa số chi phí trích trước còn lại cao hơn chi phí thực tế phát sinh)

e) Trường hợp dùng sản phẩm sản xuất ra chuyển thành TSCĐ để sử dụng, ghi:

  • Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình
  • Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

g) Hàng bán bị trả lại nhập kho, ghi:

  • Nợ các TK 155, 156
  • Có TK 632 – GVHB

h) Trường hợp khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán nhận được sau khi mua hàng, kế toán phải căn cứ vào tình hình biến động của hàng tồn kho để phân bổ số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán được hưởng dựa trên số hàng tồn kho chưa tiêu thu, số đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng hoặc đã xác định là tiêu thụ trong kỳ:

  • Nợ các TK 111, 112, 331…
  • Có các TK 152, 153, 154, 155, 156 (giá trị khoản CKTM, GGHB của số hàng tồn kho chưa tiêu thụ trong kỳ)
  • Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang (giá trị khoản CKTM, GGHB của số hàng tồn kho đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng)
  • Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (giá trị khoản CKTM, GGHB của số hàng tồn kho đã tiêu thụ trong kỳ)

k) Kết chuyển giá vốn hàng bán của các sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư, dịch vụ được xác định là đã bán trong kỳ vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:

  • Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
  • Có TK 632 – GVHB.

Xem thêm: Vòng quay hàng tồn kho là gì? Cách tính vòng quay hàng tồn kho

Đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ
a) Đối với doanh nghiệp thương mại:

Cuối kỳ, xác định và kết chuyển trị giá vốn của hàng hóa đã xuất bán, được xác định là đã bán, ghi:

  • Nợ TK 632 – GVHB
  • Có TK 611 – Mua hàng

Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn hàng hóa đã xuất bán được xác định là đã bán vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:

  • Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
  • Có TK 632 – Giá vốn hàng bán

b) Đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ:

Đầu kỳ, kết chuyển trị giá vốn của thành phẩm tồn kho đầu kỳ vào tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán”, ghi:

  • Nợ TK 632 – GVHB
  • Có TK 155 – Thành phẩm

Đầu kỳ, kết chuyển trị giá của thành phẩm, dịch vụ đã gửi bán nhưng chưa được xác định là đã bán vào tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán” ghi:

  • Nợ TK 632 – GVHB
  • Có TK 157 – Hàng gửi đi bán

Giá thành của thành phẩm hoàn thành nhập kho, giá thành dịch vụ đã hoàn thành, ghi:

  • Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
  • Có TK 631 – Giá thành sản phẩm

Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm tồn kho cuối kỳ vào bên Nợ tài khoản 155 “Thành phẩm”, ghi:

  • Nợ TK 155 – Thành phẩm
  • Có TK 632 – GVHB

Cuối kỳ, xác định trị giá thành phẩm, dịch vụ đã gửi bán nhưng chưa được xác định là đã bán ghi:

  • Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán
  • Có TK 632 – GVHB

Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm, dịch vụ đã được xác định là đã bán trong kỳ vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:

  • Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
  • Có TK 632 – Giá vốn hàng bán

VI. Kết bài

Như vậy sau khi hiểu được giá vốn bán hàng là gì, ta có thể thấy được nó là 1 trong những yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư quan tâm trong quá trình kinh doanh. Vậy nên, việc hiểu và nắm rõ về giá vốn bán hàng, cách tính, cũng như cách khắc phục những sai lệch khi nhập giá vốn bán hàng là hết sức cần thiết.