Trong ngành xuất nhập khẩu thì có thể nói chi phí logistics đóng vai trò rất quan trọng. Vậy thực chất chi phí Logistics là gì? Có những cách tính chi phí như thế nào để hiệu quả và chính xác nhất? Cùng theo dõi bài viết để được bật mí nhé!
Chi phí logistics thấp sẽ góp phần quan trọng vào việc thuận lợi hóa thương mại, tạo giá trị gia tăng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, chỉ số chi phí logistics còn đánh giá trình độ phát triển thương mại của một quốc gia. Ví dụ năm 2019 chi phí Logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 20,9% GDP.
I. Chi phí Logistics là gì?
Chi phí Logistics hay trong tiếng anh còn được gọi là logistics costs bao gồm:
- Chi phí vận tải: Chiếm từ 1/3 đến 2/3 chi phí lưu thông phân phối.
- Chi phí cơ hội vốn: Suất sinh lời tối thiểu mà công ty kiếm được khi vốn không đầu tư cho hàng tồn trữ mà cho một hoạt động khác.
- Chi phí bảo quản hàng hóa: Bao gồm chi phí bảo quản hàng hóa, chi phí thuê kho bãi, chi phí cho những hàng hóa bị hư hỏng, đưa hàng hóa ra vào kho, bảo hiểm cho hàng hóa.
Chi phí Logistics là gì
II. Cách tính chi phí Logistics
Đối với bất kỳ thị trường nào thì giá bán của một hàng hóa được ký hiệu là G đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo tối thiểu bù đắp các chi phí được ký hiệu là C. Dưới đây là công thức để tính chi phí Logistics mà 123job muốn gửi đến bạn đọc:
G ≥ C1 + C2 + C3 + C4 + C5 (1)
Trong đó :
- C1: Giá thành sản xuất ra hàng hóa. Đây là cơ sở cho việc xác định giá bán EXWORK
- C2: Chi phí hoạt động marketing
- C3: Chi phí vận tải
- C4: Chi phí cơ hội vốn cho hàng tồn trữ
- C5: Chi phí bảo quản hàng hóa.
Vậy chi phí Logistics sẽ được tính bằng công thức: Clog = C3 + C4 + C5
1. Chi phí vận tải: C3
Chi phí vận tải chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí Logistics và như trên đã nói nó chiếm khoảng từ ⅓ đến ⅔ chi phí lưu thông phân phối. Mặc dù ngành vận tải luôn có những chính sách, quy định để cố gắng giảm chi phí vận chuyển bằng những giải pháp công nghệ như đóng mới các phương tiện, vận tải hàng hóa bằng container, thiết bị có sức chở lớn, tổ chức vận tải đa phương thức… nhưng chi phí vận tải vẫn không thể giảm do giá nhiên liệu ngày một leo thang.
Điều này bắt buộc các nhà sản xuất phải áp dụng nhiều biện pháp nhằm mục đích giảm chi phí vận tải. Một trong những biện pháp phù hợp nhất đó là tăng khả năng sử dụng các trang thiết bị, công cụ và phương tiện vận tải bằng cách đóng gói bao bì hàng hóa, thiết kế các sản phẩm nhằm tăng tỷ trọng chất xếp của hàng hóa.
2. Chi phí cơ hội vốn cho hàng tồn trữ: C4
Chi phí cơ hội vốn cho hàng tồn trữ là suất sinh lời tối thiểu mà công ty nhận được khi vốn đầu tư cho một hoạt động khác mà không phải là đầu tư cho hàng tồn trữ. Để có thể dễ hiểu hơn thì ta giả thiết rằng mức sinh lời tối thiểu của vốn là mức lãi suất phải trả khi vay vốn của một tổ chức tài chính vì thế nên C4 được xác định ở công thức dưới đây:
C4 = (qikv)t [(1+r)t-1] (2)
Trong đó:
- qi: Là số lượng sản phẩm cho một lần gửi hàng đi.
- kv: Định mức vốn cho một đơn vị sản phẩm. Mức vốn này phụ thuộc vào công nghệ sản xuất.
- t = 1/m: Là số đơn vị thời gian chịu lãi suất hàng năm của hàng tồn trữ (tháng hoặc năm).
- r: Là mức lãi suất phải trả cho vốn vay.
Nhìn qua công thức (2) ta có thể nhận thấy rằng C4 phụ thuộc vào thị trường vốn (r), công nghệ sản xuất (kv), sản phẩm tồn trữ và khối lượng vật tư. Giả sử r và kv đều không đổi thì C4 sẽ tỷ lệ thuận với qi, tức là khi qi nhỏ bao nhiêu lần thì C4 nhỏ bấy nhiêu lần và ngược lại.
Trước đây, khi thị trường tiêu thụ hàng hóa còn bị hạn chế, số lượng sản phẩm sản xuất còn ít, không đủ đáp ứng nhu cầu của xã hội, mức lãi vay cũng còn thấp, nên các nhà sản xuất ít quan tâm đến chi phí cơ hội vốn cho hàng tồn kho.
Ngày nay, khi thị trường tiêu thụ ngày càng phát triển và mở rộng, số lượng sản phẩm cũng tăng nhiều hơn, mức lãi suất vay cao thì chi phí này được quan tâm hơn và nó chiếm một phần đáng kể trong tổng chi phí liên quan đến hàng tồn trữ. Điều này buộc các nhà sản xuất phải lập ra những kế hoạch để giảm thiểu đi những chi phí này. Và một trong những giải pháp đó chính là giảm khối lượng cho một lần sản xuất và giao hàng (qi) xuống.
Cách tính chi phí Logistics
3. Chi phí bảo quản hàng hóa: C5
Trong chi phí bảo quản hàng hóa sẽ bao gồm chi phí thuê kho bãi, vận chuyển hàng hóa ra vào kho, hàng bị hư hỏng, bảo hiểm cho hàng hóa. Chi phí đó được xác định ở công thức như sau:
C5 = qi.Tbq.glk + qi.k.g + Cbh (3)
Trong đó:
- Tbq: Là thời gian bảo quản trong kho của lô hàng qi
- glk: Là chi phí trung bình cho một đơn vị hàng hóa lưu kho một ngày
- k: Là tỷ lệ của những hàng hóa lưu kho bị hư hỏng.
- g: Là giá trị của đơn vị hàng lưu kho
- Cbh: Chi phí bảo hiểm cho lô hàng lưu kho
Nhìn vào công thức (3) ta thấy chi phí bảo quản hàng hóa (C5) có mối quan hệ cùng chiều với qi. Nếu giá trị qi và thời gian tồn trữ t nhỏ thì chi phí C5 này cũng nhỏ và ngược lại.
III. Thực trạng chi phí logistics tại Việt Nam
1. Vai trò của chi phí Logistics chưa được coi trọng
Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều công ty tại Việt Nam vẫn chưa phát huy hết những lợi thế mà logistics mang lại, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhìn thấy được vai trò hết sức quan trọng của ngành logistics trong việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Logistics có mối liên hệ chặt chẽ với sản xuất, tồn kho, marketing, vận tải và phân phối.
Thế nhưng, có một vấn đề thường gặp đó là nhiều doanh nghiệp lại bố trí chức năng quản trị tồn kho trong phòng kế toán – tài chính, vận tải lại nằm trong phòng hành chính, còn chức năng thu mua thì thuộc sự quản lý của phòng marketing hay bán hàng… Việc tổ chức các phòng chức năng rời rạc, chưa có sự gắn kết với nhau khiến doanh nghiệp quản lý các chức năng này cũng rời rạc. Giải pháp đưa ra là cần hình thành một bộ phận riêng biệt cho logistics/chuỗi cung ứng để các nhà quản lý bộ phận này có thể phối hợp chặt chẽ các chức năng với nhau.
Tại Việt Nam hàng hóa phải đi qua nhiều khâu trung gian khác nhau, từ khâu cung ứng nguyên vật liệu cho sản xuất, đến phân phối hàng hóa điều này làm tăng chi phí giao dịch và tăng cả giá bán. Trong chuỗi này, các bên tham gia đều cố gắng mang về những lợi ích cho chính mình nhưng vì thiếu thông tin nên các thành viên trong chuỗi chỉ biết có bên quan hệ trực tiếp với doanh nghiệp mình mà chẳng biết đến các thành viên khác và kết quả là chi phí logistics bị thổi phồng lên.
Ngoài ra thì hệ thống phân phối Logistics chủ yếu tập trung tại các khu đô thị là chủ yếu. Nhà phân phối chỉ bảo đảm thực hiện vận tải ở cự ly ngắn còn các cự ly dài thì để cho các đại lý tự lo. Hơn nữa thì việc bố trí mạng lưới bán lẻ vẫn chưa được hợp lý, thường phân bố dày đặc ở các khu trung tâm đô thị, trong khi đó các kho bãi lớn thì ở quá xa dẫn đến kết quả là chi phí vận tải thấp nhưng chi phí nắm giữ tồn kho cao hoặc ngược lại.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là hiện nay doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ thuê ngoài như đại lý kế toán, đại lý khai thuê hải quan và các dịch vụ thuê ngoài 3PL mà chủ yếu là tự làm. Kết quả mặc dù giảm được chi phí nhưng sẽ cần nhiều vốn đầu tư hơn và cũng khó đạt đến sự chuyên nghiệp. Chính vì khả năng khai thác thấp dẫn đến chậm thu hồi vốn kép theo đó là chi phí logistics cũng tăng cao.
Chi phí Logistics tại một số nước năm 2014
Ngành logistics nước ta đang có những bước tiến vượt bậc và nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics đang tiến đến mức độ chuyên nghiệp hóa rất cao. Nếu càng chuyên nghiệp hóa trong việc cung ứng dịch vụ thì có thể nói chi phí logistics càng được giảm đáng kể. Quan trọng là doanh nghiệp có chú trọng đến vai trò của logistics để làm giảm chi phí sản xuất hay không?
2. Chất lượng cơ sở hạ tầng còn yếu kém
Việt Nam hiện nay có trên 17.000 km đường nhựa, 42.000 km đường thủy, hơn 3.200 km đường sắt, 266 cảng biển và 20 sân bay. Tuy nhiên, chất lượng của mạng lưới giao thông còn chưa được đồng bộ, tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn chưa được đảm bảo. Mặc dù có 266 cảng biển, nhưng chỉ có 20 cảng biển đạt tiêu chuẩn và có thể tham gia vào việc xuất nhập khẩu hàng hóa quốc tế. Đa số các cảng này đều chưa đủ trang thiết bị cũng như kinh nghiệm bốc dỡ container, chính vì vậy nên chưa thể tiếp nhận các tàu container thông thường.
Về phương thức vận tải thì chủ yếu bằng đường bộ còn đường hàng không thì chưa được phổ biến. Tuy nhiên như nói ở trên, hệ thống giao thông này không thể được sử dụng cho vận tải hàng hóa có khối lượng lớn bởi chất lượng kỹ thuật chưa cao, đường còn hẹp và bên cạnh đó thì năng lực vận tải còn thấp, vẫn hay xảy ra tình trạng kẹt xe.
Thực tế cho thấy có rất nhiều khu công nghiệp đã được xây dựng xong nhưng chưa có đường giao thông hoặc quá xa so với hệ thống cảng biển, điều đó làm cho chi phí vận chuyển hàng hóa tăng lên.
Đối với vận tải đường sắt thì hiện nay chủ yếu chỉ chở hành khách. Với hệ thống hai khổ ray khác nhau (1m và 1,43m) thì phương tiện này không thể dùng khi vận tải hàng hóa trọng lượng cao và mất rất nhiều thời gian, trung bình một chuyến đường sắt Bắc – Nam mất đến 32 tiếng đồng hồ.
Việt Nam đang thực hiện Logistics 4.0 với hạ tầng truyền thống
Đối với vận tải đường thủy thì chủ yếu bằng xà lan, an toàn, ít xảy ra tai nạn, chi phí thấp tuy nhiên song song với đó là thời gian vận chuyển lâu và đây là hình thức vận chuyển chưa được khách hàng quan tâm.
Ngoài ra sự kết hợp của các vận tải đa phương thức nhằm tổng hợp lại các ưu điểm của từng phương thức vận tải cũng chưa phổ biến tại Việt Nam. Chính vì những lý do nêu trên mà có thể nói tổng phí logistics đang ở mức khá cao, điều đó dẫn đến giá bán lẻ trên toàn quốc rất khác nhau.
Một xu hướng chung của các doanh nghiệp Việt Nam là không muốn lấy rủi ro, nên giá bán hàng hóa chỉ dựa trên giá bán FOB nguyên xứ có nghĩa là bán ra từ nhà máy, mà không bao gồm chi phí vận tải. Trong khi đó, để cho giá bán lẻ được đồng nhất trên toàn quốc thì bắt buộc cần phải áp dụng giá bán FOB đáo xứ, tức giá của hàng hóa phải cộng thêm chi phí vận tải từ nơi bán đến khách hàng, để chi phí cập bến được giống nhau.
Vì thế để giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giá thành sản phẩm được giảm bớt thì cần thiết phải giảm đi chi phí logistics. Chi phí logistics tại Việt Nam năm 2011, ước tính hơn 25 tỷ USD. Như vậy, nếu chỉ giảm được 1% chi phí đó sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, đóng góp cho đất nước một số tiền không nhỏ.
IV. Kết luận
Trên đây là một số chia sẻ của 123job về chi phí Logistics cũng như giúp bạn đọc hiểu thêm về tổng quan về chi phí logistics tại Việt Nam hiện nay. Hy vọng bài viết trên mang đến những thông tin hữu ích cho độc giả. Chúc bạn áp dụng cách tính chi phí Logistics trên thành công!