Chương trình cao học là một trong những quan tâm hàng đầu từ nhiều sinh viên, người đi làm. Vậy thực chất cao học là gì? Vậy lợi ích và khó khăn khi theo đuổi chương trình cao học là gì? Đăng ký học cao học cần đáp ứng những điều kiện nào?
Nhu cầu nâng cao kiến thức chuyên môn, bằng cấp đang trở thành xu thế trong xã hội cạnh tranh gay gắt ngày nay. Trong đó, chương trình cao học là một trong những ưu tiên hàng đầu từ nhiều sinh viên, người đi làm. Vậy thực chất cao học là gì? Lợi ích và khó khăn khi theo đuổi chương trình cao học là gì? Đăng ký học cao học cần đáp ứng những điều kiện nào? Hãy cùng tìm hiểu cùng 123job.vn qua bài viết sau đây.
1. Cao học là gì?
1.1. Định nghĩa cao học là gì?
Cao học thực chất là chương trình đào tạo sau đại học, với mục đích nâng cao kiến thức học thuật và chuyên môn trong những lĩnh vực nghiên cứu cụ thể. Chương trình cao học có thể bao gồm chương trình đào tạo Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ. Với bài viết này, 123job.vn sẽ tập trung rõ nội dung cao học với chương trình đào tạo thạc sĩ.
1.2. Các hình thức học cao học
Hình thức đào tạo cao học được quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, Thông Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, với chương trình thạc sĩ, có hai hình thức đào tạo như sau:
- Hình thức đào tạo chính quy: Áp dụng đối với cả hai chương trình định hướng nghiên cứu và chương trình định hướng ứng dụng.
- Hình thức đào tạo hệ vừa làm vừa học: Chỉ áp dụng với chương trình định hướng ứng dụng.
2. Lợi ích, khó khăn khi học cao học là gì?
2.1. Lợi ích khi theo học cao học là gì?
Có thể thấy cao học là lựa chọn của rất nhiều sinh viên cũng như người đi làm. Sự hấp dẫn và tính cá biệt từ tấm bằng thạc sĩ là điều rõ ràng nhất. Vậy ngoài giá trị trên, theo đuổi chương trình cao học đầy vất vả có ý nghĩa, lợi ích gì với người học:
- Kiến thức và kỹ năng chuyên sâu: Trong khi chương trình đại học cung cấp lượng kiến thức nền tảng bề rộng vững chắc thì chương trình cao học lại đào sâu những kiến thức, kỹ năng chuyên môn quan trọng.
- Nâng cao chất lượng, mở rộng mối quan hệ. Tham gia chương trình cao học là cơ hội để kết nối với những người đồng nghiệp, những vị tiền bối, những chuyên gia trong lĩnh vực. Cơ hội ấy không chỉ giúp bạn nâng cao kiến thức, kỹ năng hiện tại mà còn giúp bạn xây dựng mối quan hệ hợp tác trong tương lai.
- Thăng tiến trong sự nghiệp: Để vươn lên những vị trí cao hơn, bạn cần đủ năng lực đảm nhận những trách nhiệm khó nhằn hơn. Việc học tập, nghiên cứu chuyên sâu trong quá trình học cao học sẽ giúp bạn thăng cấp kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, qua đó nâng cao giá trị bạn mang lại cho doanh nghiệp.
- Cơ hội việc làm, thu nhập hấp dẫn hơn: Khi bạn sở hữu lượng kiến thức, kỹ năng cũng như bằng cấp chuyên môn cao mà không phải ai cũng có được, cơ hội việc làm cùng thu nhập của bạn sẽ tăng lên đáng kể.
- Phát triển bản thân: Quá trình học tập, nghiên cứu là quá trình rèn luyện tuyệt vời. Ở đó bạn không chỉ được bổ sung thêm nhiều kiến thức hữu ích mà còn rèn luyện tư duy, sự tự tin cùng các kỹ năng mềm cần thiết khác.
2.2. Những thách thức phải đối mặt khi học cao học là gì?
Học cao học mang lại nhiều giá trị tích cực. Tuy nhiên, khi đã xác định theo học chương trình thạc sĩ, bạn nên nhận thức rõ những khó khăn mà bản thân có thể gặp phải, bao gồm:
- Về tài chính: Học phí và các chi phí liên quan (tài liệu, đi lại,...) ở bậc cao học sẽ cao hơn nhiều mức học phí đại học.
- Tính cạnh tranh tăng cao: Số lượng người đăng ký học thạc sĩ ngày một tăng cao sẽ càng tăng tính cạnh tranh về (1) Xét duyệt hồ sơ đăng ký học và (2) Cơ hội đăng ký học bổng tại các đơn vị đào tạo uy tín.
- Về công việc và thời gian: Chương trình thạc sĩ đòi hỏi người học khả năng nghiên cứu, đào sâu vấn đề rất cao, đòi hỏi người học dành nhiều thời gian để tìm tòi, nghiên cứu chi tiết. Ngoài ra lịch học thường rơi vào cuối ngày hoặc ngày cuối tuần, việc sắp xếp thời gian hài hòa, cân bằng giữa học tập, công việc, gia đình sẽ là một thử thách lớn.
Với những lý do trên, trước khi đăng ký học cao học, hãy cân nhắc cũng như chuẩn bị kỹ càng về các yếu tố tài chính, sức khỏe, thời gian… để bản thân có tinh thần thoải mái, trạng thái tốt nhất trong suốt quá trình theo học.
3. Điều kiện theo học cao học là gì?
3.1. Điều kiện để tham gia chương trình học cao học là gì?
Quy định về điều kiện tham gia chương trình học thạc sĩ tại Việt Nam được quy định tại Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT với nội dung như sau:
Yêu cầu đối với người dự tuyển:
Điều kiện 1: Đã tốt nghiệp hoặc đủ điều kiện công nhận là tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương) ngành học phù hợp. Riêng với chương trình định hướng nghiên cứu, yêu cầu người dự tuyển tốt nghiệp từ khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ nghiên cứu, học tập tại cao học.
* Thế nào là ngành học phù hợp?
Ngành phù hợp ở đây có nghĩa là ngành đào tạo ở bậc đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) trang bị cho người học đầy đủ nền tảng kiến thức cần thiết để theo học tiếp chương trình bậc cao hơn của ngành tương ứng. Trong một số trường hợp, sẽ cần hoàn thành các yêu cầu bổ sung trước khi dự tuyển. Yêu cầu này sẽ do cơ sở đào tạo quy định và thông báo riêng.
Với chương trình định hướng ứng dụng đào tạo các ngành quản trị, quản lý, ngành phù hợp ở đại học chính là những ngành liên quan trực tiếp tới chuyên môn, nghề nghiệp của lĩnh vực quản trị, quản lý đó.
Điều kiện 2: Năng lực ngoại ngữ Bậc 3 trở lên (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam). Yêu cầu người dự tuyển có văn bằng hoặc chứng chỉ đáp ứng yêu cầu trên:
- Bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học trở lên với chương trình dạy học bằng ngôn ngữ nước ngoài;
- Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do đơn vị đào tạo cấp không quá 2 năm và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đó đã đáp ứng yêu cầu đạt trình độ ngoại ngữ Bậc 3 trở lên.
- Văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ (ví dụ: VSTEP, TOEFL, IELTS hoặc TOEIC… ) đạt trình độ tương đương Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc
Điều kiện 3: Yêu cầu khác của chuẩn chương trình đào tạo do Bộ GD&ĐT ban hành và theo quy định của chương trình đào tạo
Trường hợp ứng viên dự tuyển cao học là công dân nước ngoài:
Trường học ứng viên dự tuyển là công dân nước ngoài đăng ký chương trình đào tạo bằng tiếng Việt cần:
- Đạt trình độ tiếng Việt Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài,
- Hoặc đã tốt nghiệp đại học hay với trình độ tương đương trở lên mà chương trình đào tạo đó giảng dạy bằng tiếng Việt;
- Đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ thứ hai theo quy định của đơn vị đào tạo (nếu có).
Đối với chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài:
Với các chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài, ứng viên cần có một trong những văn bằng, chứng chỉ sau:
- Bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành ngôn ngữ sử dụng trong học tập và giảng dạy hoặc bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chương trình đào tạo thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy;
- Một trong các văn bằng, chứng chỉ của ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy đạt tới trình độ tương đương Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.
3.2. Chưa tốt nghiệp có đăng ký học thạc sĩ được không?
Vậy với sinh viên chưa tốt nghiệp, liệu có đăng ký học thạc sĩ được không? Một trong các điều kiện dự tuyển học thạc sĩ là “đã tốt nghiệp hoặc đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học ngành học phù hợp”. Do đó, nếu người đăng ký dự tuyển đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp ngành học phù hợp có thể đăng ký học thạc sĩ. Về điều kiện đủ công nhận tốt nghiệp sẽ tùy theo quy định của từng cơ sở đào tạo.
Trên thực tế, nhiều đơn vị đã chủ động triển khai chương trình “học thạc sĩ ngay từ khi vẫn còn đang học đại học” tới sinh viên. Phương thức này thường áp dụng với sinh viên năm ba trở lên, đã tích lũy được đủ số tín chỉ và GPA theo quy định. Chương trình này cho phép sinh viên có nhu cầu được đăng ký trước một số học phần đào tạo cao học. Qua đó rút ngắn thời gian học và hoàn thành chương trình cử nhân và thạc sĩ trong vòng 5 năm.
4. Mẫu đơn đăng ký học cao học
5. Hướng dẫn ôn thi cao học hiệu quả
Để hoàn thành chương trình cao học hiệu quả và đạt kết quả như kỳ vọng, bạn cần có cách học tập và ôn luyện phù hợp. Trong đó, cần xác định rõ và đảm bảo các nội dung sau đây:
- Xác định mục tiêu học tập rõ ràng, đăng ký chương trình học cao học phù hợp: Xác định rõ mục tiêu tức xác định rõ ước muốn, ý chí, tinh thần khi đăng ký chương trình đào tạo thạc sĩ. Mỗi cá nhân có mục tiêu riêng, có người muốn học để ứng dụng vào công việc, cũng có người định hướng nghiên cứu, phục vụ giảng dạy. Từ mục tiêu đó, bạn cần xác định chương trình học phù hợp và phương pháp, lộ trình hoàn thiện khóa học.
- Xây dựng kế hoạch học tập rõ ràng, chi tiết: Có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quá trình học thạc sĩ: công việc, gia đình. Việc sắp xếp thời gian là một thử thách và khối lượng bài vở cần nghiên cứu lại tương đối lớn. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch rõ ràng, chi tiết, có sự phân chia nhiệm vụ, thời gian thực hiện, đánh giá kết quả sau mỗi hành trình là điều cần thiết để bạn đạt được mục tiêu cao nhất.
- Tận dụng tối đa tài liệu, thời gian học tập: Sách giáo khoa, ghi chú bài giảng là nguồn tài liệu chính để bạn tham khảo và phát triển kiến thức cần thiết. Hãy nghiên cứu thật kỹ từ những nội dung đó. Hơn hết, trên nền tảng tài liệu được cung cấp, hãy tìm tòi, tham khảo từ những tài liệu có liên quan hoặc được giảng viên gợi ý.
- Tham khảo ý kiến giảng viên thường xuyên: Trao đổi, tranh luận là cách tốt nhất để đi sâu vào vấn đề. Do đó, hãy thường xuyên đặt câu hỏi, đặt vấn đề với giảng viên hướng dẫn của mình để có được những ý kiến hay góc nhìn hữu ích.
Kết luận
Hy vọng bài viết giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những lợi ích khi học cao học cũng như nắm bắt các thông tin điều kiện đăng ký cao học là gì. Cao học là con đường giúp mở rộng kiến thức kỹ năng chuyên môn cùng vô vàn cơ hội phát triển sự nghiệp. Vậy nên, đừng ngần ngại đầu tư cho giáo dục, bởi đây luôn là quyết định sáng suốt giúp phát triển bản thân, và thành công trong sự nghiệp.