Môi trường làm việc không chỉ ảnh hưởng tới sự nghiệp mà còn tác động tới sức khỏe thể chất, tinh thần của bạn. Bởi vậy, khi tìm kiếm việc làm, chúng ta nên kiểm tra, sàng lọc và loại khỏi danh sách những công ty “red flag”.
Bài viết sau đây tổng hợp 10+ dấu hiệu công ty red flag phổ biến nhất giúp bạn nhận biết công ty red flag là gì và đưa ra quyết định sáng suốt hơn trước khi bước chân vào một môi trường đầy rẫy tiêu cực.
1. Red flag là gì?
Red flag (cờ đỏ) là dấu hiệu cảnh bảo về những nguy hiểm như cháy rừng, hay vùng biển không an toàn… Màu đỏ được sử dụng làm dấu cảnh báo bởi nó có bước sóng dài nhất, ít bị tán xạ nên có thể dễ dàng nhìn thấy dù bạn ở khoảng cách xa hay trong điều kiện xấu (mưa, sương mù).
Hiện nay, cách hiểu từ red flag đã vượt qua phạm vi ý nghĩa ban đầu. Vẫn mượn mục đích cảnh báo nguy hiểm, thuật ngữ red flag được dùng để ẩn dụ cho những mối quan hệ, môi trường toxic (độc hại) mà bạn cần đề phòng hoặc né tránh. Những mối quan hệ red flag này không chỉ giới hạn trong quan hệ đôi lứa, yêu đương, mà nó còn là quan hệ đồng nghiệp và môi trường làm việc.

Red lag là gì?
2. Những dấu hiệu nào cho thấy công ty red flag?
Lựa chọn môi trường làm việc cũng quan trọng chẳng kém cạnh những quyết định khác trong đời. Bởi bạn sẽ phải dành nhiều hơn 8 tiếng/ngày và tận 5 ngày/tuần tại công ty. Vậy cớ gì lại xuề xòa và qua loa trong khi lựa chọn một đơn vị mình sẽ phải gắn bó trong thời gian dài như vậy?
Để lựa chọn môi trường làm văn minh, lành mạnh, bạn cần né tránh những dấu hiệu red flag sau đây:
Tỷ lệ nhân sự nghỉ việc cao
Đây là một trong những dấu hiệu red flag rõ ràng nhất cho thấy lượng lớn nhân sự không hài lòng với doanh nghiệp. Lý do có thể tới từ môi trường làm việc khắc nghiệt (về KPI, khối lượng công việc) hoặc quản lý yếu kém, cơ hội hạn chế…
Nếu khó để khai thác chỉ số trên, bạn có thể theo dõi tần suất đăng tuyển nhân sự và đối chiếu nó với hoạt động phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu tần suất đăng tuyển liên tục, trong khi không thấy tín hiệu mở rộng quy mô thì điều đó chứng minh doanh nghiệp đang trong tình trạng buộc phải “thay máu nhân sự” liên tục.
Văn hóa doanh nghiệp độc hại
Chú ý tới bầu không khí chung tại nơi làm việc sẽ giúp bạn nhanh chóng nhận diện công ty nào là red flag. Nếu bạn thấy sự tiêu cực xảy ra liên tục, xung đột thường xuyên và tinh thần làm việc nhóm hời hợt, điều này là dấu hiệu cho một văn hóa độc hại tồn tại trong doanh nghiệp. Môi trường làm việc toxic này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tinh thần, động lực và sự phát triển trong tương lai của bạn.

Dấu hiệu công ty red flag: Văn hóa doanh nghiệp độc hại
Yêu cầu nhân sự làm cả công việc không thuộc trách nhiệm, chuyên môn
Một dấu hiệu red flag của doanh nghiệp mà bạn nên tránh xa là quản lý hoặc lãnh đạo yêu cầu nhân sự làm những công việc không thuộc chuyên môn, trách nhiệm như đã thỏa thuận. Ví dụ, bạn ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh cho một trung tâm tiếng Anh nhưng lại được nhân sự phân công công tác vệ sinh không gian làm việc và khó hiểu nhất là bạn còn phải vệ sinh cả phòng học của trung tâm.
Thiếu sự nhất quán trong bản mô tả công việc
Mô tả công việc một đằng, nhưng khi trao đổi lại nhận thông tin khác là một dấu hiệu khác cho thấy công ty red flag. Điều này có thể chứng minh sự bất ổn định trong nội bộ: doanh nghiệp, HR không chắc chắn hoặc không hiểu rõ về vị trí mà họ đang tuyển dụng; hoặc mô tả công việc ban đầu chỉ là một phương án giúp thu hút thật nhiều ứng viên tới với buổi phỏng vấn.
Liên tục nhắc đến việc tăng ca không lương
Tăng ca (OT) là tình huống không thể tránh khỏi khi đi làm. Nhưng nếu tần suất tăng ca quá cao trong khi tiền lương tăng ca không được cam kết rõ ràng lại là câu chuyện về công ty red flag chính hiệu. Dưới đây là một số thông tin cơ bản về quy định tăng ca:
Số giờ làm thêm trong ngày không được phép vượt quá 50% số giờ làm việc bình thường, tổng số giờ tăng ca một ngày không quá 12h, tổng số giờ tăng ca một tháng tối đa 40h (trừ những trường hợp đặc biệt: công tác vì an ninh quốc gia, theo lệnh của đơn vị đặc biệt).
Tiền lương làm thêm: 150% lương cơ bản vào ngày thường, 200% vào ngày nghỉ; 300% vào ngày lễ tết. Nếu làm việc ca đêm, người lao động được trả thêm ít nhất 30% tiền lương theo đơn giá ngày làm việc bình thường.

Dấu hiệu công ty red flag: Liên tục yêu cầu nhân viên OT
Yêu cầu đóng các khoản phí để “học hỏi”
Yêu cầu nhân sự đóng bất kỳ khoản phí nào cho việc mở thẻ nhân viên, khoản cọc cho việc làm hợp đồng lao động hay phí đào tạo để nâng cao chuyên môn là những yêu cầu vô lý trong tuyển dụng. Có thể coi đây là dấu hiệu red flag hoặc lừa đảo thông qua hình thức tuyển dụng.
Xem thêm: Kinh nghiệm để tránh bị lừa đảo tại những trung tâm giới thiệu việc làm
Nhà tuyển dụng thô lỗ, red flag
Bạn cũng có thể đánh giá một doanh nghiệp là green flag hay red flag thông quá thái độ của nhà tuyển dụng trong quá trình ứng tuyển. Một HR không coi trọng ứng viên, liên tục đặt ra những câu hỏi nhạy cảm hay sẵn sàng buông những lời nói khó nghe đối với ứng viên là những dấu hiệu phản ánh văn hóa doanh nghiệp “bất ổn”.

Dấu hiệu công ty red flag: Nhà tuyển dụng xấu tính
Sự mâu thuẫn giữa những người phỏng vấn
Một dấu hiệu red flag khác của công ty mà bạn có thể nhận thấy ngay trong quá trình ứng tuyển. Đó là khi bạn phải phỏng vấn nhiều vòng hay đối diện với nhiều người phỏng vấn khác nhau mà họ truyền tải những thông điệp mâu thuẫn nha.
Những thông tin khác nhau khi HR chia sẻ về vai trò, trách nhiệm của vị trí tuyển dụng hay chiến lược, văn hóa công ty có thể đưa tới kết luận rằng chính người tuyển dụng không hiểu mình đang cần ai, cần tuyển người như thế nào hoặc tệ hơn là họ đang cố gắng đánh lừa ứng viên.
Tiền lương, phúc lợi không minh bạch
Một phần không thể thiếu trong quá trình tìm việc là tìm hiểu về chế độ tiền lương và phúc lợi mà doanh nghiệp dành cho nhân sự. Những dấu hiệu sau cho thấy đây là một doanh nghiệp red flag trong vấn đề tiền lương, phúc lợi: tiền lương thấp, phúc lợi không đầy đủ, không đóng/chậm bảo hiểm xã hội, mức lương thử việc không thấp hơn quy định của pháp luật, tăng ca thường xuyên nhưng trả lương không tương xứng…
Phạm vi công việc vượt quá mức lương
Khối lượng công việc không tương xứng với mức lương cũng là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp quá red flag. Dấu hiệu này cho thấy doanh nghiệp không coi trọng nhân sự và sự cống hiến của lao động. Nó giống như việc bạn đang bị tư bản “bào” vậy, vừa mất sức vừa kiệt quệ về tinh thần.
Mức lương bạn nhận được cần ngang bằng những giá trị mà bạn đã cống hiến. Vì vậy, hãy quan tâm nhiều hơn tới quyền lợi của bản thân và hãy coi trọng công sức của bản thân để không dễ dàng nhượng bộ trước những doanh nghiệp tương tự.

Dấu hiệu công ty red flag: Chi trả lương không tương xứng với đóng góp của người lao động
Xem thêm: Đơn xin tăng lương là gì? Nội dung, cấu trúc chuẩn của đơn đề xuất tăng lương
Thiếu cơ hội phát triển
Trong quá trình ứng tuyển, bạn cần thăm dò cam kết về cơ hội phát triển của nhân sự (bao gồm cả lộ trình thăng tiến, cơ hội phát triển chuyên môn và lộ trình tăng lương). Một doanh nghiệp thiếu chương trình đào tạo chuyên sâu hoặc thiếu cam kết phát triển với nhân sự, điều này có thể cản trở sự nghiệp của bạn. Đây là một dấu hiệu red flag mà mọi ứng viên cần lưu tâm nhiều hơn trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Quá trình tuyển dụng kéo dài
Một dấu hiệu red flag của công ty mà bạn có thể dễ dàng kiểm tra khác là: quá trình tuyển dụng kéo dài, tin tuyển dụng lặp lại với tần suất cao cho cùng một ví trí. Mặc dù quá trình tuyển dụng kéo dài, nhưng thực chất công ty không có sự thay đổi nào về quy mô kinh doanh. Việc tuyển dụng liên tục đó cho thấy nhân sự khó mà trụ vững trong tổ chức bởi áp lực, môi trường tiêu cực, hay chính sách không phù hợp…
3. Bạn nên làm gì khi gặp phải công ty red flag?
Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn “tránh xa” những công ty, môi trường red flag:
- Tra cứu thông tin tuyển dụng kỹ càng trước khi chấp nhận offer letter. Bạn có thể đánh giá qua nhiều kênh thông tin khác nhau: từ website, fanpage doanh nghiệp cho tới kiểm tra “lịch sử” tuyển dụng của đơn vị trong các group tuyển dụng trên Facebook.
- Làm rõ trách nhiệm công việc và quyền lợi của nhân sự trong quá trình phỏng vấn. Hỏi về thời gian làm việc, yêu cầu tăng ca - lương làm thêm tính như thế nào; quyền lợi khác như bảo hiểm xã hội, ốm đau….; chính sách lương - thưởng; cơ hội phát triển.
- Không gật đầu trước bất kỳ yêu cầu vô lý nào từ phía nhà tuyển dụng: như phí nhân sự, phí đào tạo hoặc cam kết tăng lương không rõ ràng. Nghiên cứu kỹ điều khoản hợp đồng trước khi đặt bút ký.
- Quan sát kỹ càng trong quá trình thử việc: cách thức làm việc của đồng nghiệp, tính cách đồng nghiệp, mâu thuẫn có thường xuyên xảy ra hay không, sự hỗ trợ của doanh nghiệp có phù hợp không, công việc thực tế có khác xa trao đổi ban đầu hay không?
- Nếu nhận thấy dấu hiệu red flag trong quá trình thử việc, hãy thông báo về việc chấm dứt hợp đồng với quản lý nhân sự. Đây là quyền lợi được pháp luật công nhận, bạn vẫn nhận được mức lương bình thường như đã thỏa thuận đồng thời không phải bồi thường bất kỳ khoản nào cho doanh nghiệp do “nghỉ việc trong quá trình thử việc”.
Làm gì để không va phải công ty red flag?
Kết luận
Trên đây là toàn bộ những dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp red flag là gì. Tìm hiểu kỹ lưỡng đơn vị tuyển dụng trước khi ứng tuyển và ký kết hợp đồng lao động giúp bạn “sàng lọc” những đơn vị red flag và green flag. Quá trình này là cần thiết bởi chúng đảm bảo quyền lợi của chính bạn và hơn hết là sức khỏe về thể chất, tinh thần của bạn trong quá trình làm việc.