Bạn là sinh viên năm cuối đang chuẩn bị đi thực tập cho khóa luận tốt nghiệp đại học? Bạn đang lo lắng chuẩn bị cho buổi phỏng vấn vị trí thực tập sinh? Tham khảo ngay bài viết này để tránh nói và hành động những lỗi sau.
Thực tập sinhlà những bạn sinh viên năm 3, năm cuối đang chuẩn bị ra trường muốn đi làm để thực hành những kỹ năng đã học, làm quen dần với môi trường làm việc. Đây là đối tượng chưa có hoặc ít kinh nghiệm xin việc phỏng vấn nên bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các bạn tránh nói và làm những điều không hay trong buổi phỏng vấn.
I. Những câu nói cần tránh khi xin việc làm thực tập sinh
Thực tập sinh cần nói gì trong buổi phỏng vấn?
1. Tôi được trả bao nhiêu tiền cho công việc này?
Tại sao lại không nên nhắc đến mức lương đầu tiên khi tham gia phỏng vấn thực tập sinh? Tất nhiên ai đi làm, bỏ mồ hôi công sức ra cũng cần có số tiền đền đáp lại giá trị ấy nhưng đặt vào vị trí thực tập sinh của bạn lại khác. Vì bạn là người ít hoặc không có kinh nghiệm đang có nhu cầu học hỏi thêm để trau dồi kỹ năng cũng như có thể làm được luận án, báo cáo tốt nghiệp nên bạn không nên hỏi hay đề nghị về mức lương. Sẽ có nhiều công ty không có mức lương cố định cho thực tập sinh nhưng chắc chắn sẽ có chế độ lương hỗ trợ như tiền ăn uống, xăng xe đi lại hoặc nếu bạn làm tốt sẽ được thưởng cao. Bạn nên để cho nhà tuyển dụng đề cập đến vấn đề này trước sau đó bạn có thể đưa ra những thắc mắc hoặc đề xuất mức lương bạn mong muốn.
2. Tôi có thể đem việc về nhà không?
Hãy cho nhà tuyển dụng thấy được sự cầu tiến trong công việc của bạn. Nếu là thực tập sinh bạn cần được hướng dẫn công việc từ những người có kinh nghiệm, nếu bạn làm ở nhà, không được “cầm tay chỉ việc” liệu bạn có thể hoàn thành tốt được công việc không? Tốt nhất là bạn không nên làm việc tại nhà trong khoảng thời gian này, vì đây là cơ hội tốt để bạn học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ năng làm việc gần như là miễn phí. Ngoài ra nếu bạn có vướng bận việc học trên trường, bạn có thể đề xuất với sếp sau khi đã nhận được việc thay vì hỏi ngay trong buổi phỏng vấn. Như vậy chỉ khiến nhà tuyển dụng có ấn tượng không tốt về thái độ làm việc của bạn thôi.
3. Quản lý và công ty trước đây của tôi thật tồi tệ
Bạn không nên chê bai hay nói xấu công ty cũ trong buổi phỏng vấn tìm việc làm vị trí thực tập sinh. Nhà tuyển dụng liệu có vui nếu sau này bạn cũng sẽ nói xấu công ty họ sau khi nghỉ việc hay không. Bạn có thể chỉ ra những điểm không phù hợp với bạn ở công ty cũ nhưng tuyệt đối không nên nói xấu. Dù bạn đã nhận những trải nghiệm không tốt tại công ty cũ nhưng cũng không nên mất thời gian trình bày nó trong buổi phỏng vấn, nơi mà bạn cần dùng thời gian để đưa ra những điểm mạnh để thuyết phục nhà tuyển dụng tuyển bạn.
4. Tất cả đều có trong CV của tôi
Trong buổi phỏng vấn, chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ có những câu hỏi như trình bày về bản thân mình, đó là những thứ bạn đã viết trong CV hay sơ yếu lý lịch. Đây không phải vì họ chưa đọc bản CV của bạn mà họ muốn cho bạn cơ hội để thể hiện bản thân, kỹ năng thuyết trình trước mặt người khác. Đây là cơ hội để bạn trình bày những điểm mạnh của mình để thuyết phục nhà tuyển dụng. Không nên nói câu tất cả tôi đã trình bày trong CV, đây sẽ là câu kết thúc buổi phỏng vấn của bạn đấy.
5. Tôi không có điểm yếu nào cả
Chẳng có ai là hoàn hảo cả, nếu bạn nói bạn không có điểm yếu hoặc bạn không rõ về điểm yếu của mình thì bạn đã tự khẳng định cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn không hiểu chính bản thân mình cũng như giới hạn của mình. Có thể bạn luôn hướng tới những thứ tốt đẹp nhất, những thành quả tốt nhất, tuy nhiên bạn sẽ không thể luôn tốt, sẽ có lúc bạn làm sai, sẽ có những thứ bạn không biết.
Trước buổi phỏng vấn vị trí thực tập sinh bạn nên chuẩn bị sẵn các câu hỏi và câu trả lời có thể có trong buổi phỏng vấn, đặc biệt nhấn mạnh được điểm mạnh của mình và những điểm yếu mà bạn đang khắc phục. Đặc biệt bạn phải đảm bảo rằng điểm yếu của mình sẽ không ảnh hưởng tới vị trí thực tập sinh mà bạn đang ứng tuyển cũng như công việc bạn làm trong tương lai. Việc bạn thể hiện thái độ cầu tiến trong công việc sẽ trở thành điểm cộng cho buổi phỏng vấn.
6. Tôi không biết
Trong buổi phỏng vấn vị trí thực tập sinh chắc chắn sẽ có những câu của nhà tuyển dụng làm khó bạn nhưng đừng vì thế mà trả lời với 1 câu cộc lốc là tôi không biết. Bạn sẽ bị đánh giá là không có sự chuẩn bị đầy đủ trước buổi phỏng vấn cũng như mất đi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Lúc này bạn cần bình tĩnh, nhớ và suy nghĩ để trả lời câu hỏi này. Bạn có thể trả lời ngắn gọn những điều liên quan đến vấn đề mà nhà tuyển dụng hỏi trước khi trả lời câu hỏi chính. Không nên để mất cơ hội với những câu hỏi như vậy.
7. Tôi không có gì cần hỏi
Cuối buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường sẽ hỏi ngược lại bạn để xem bạn có gì thắc mắc thêm không. Đừng lặng im không có thắc mắc, tương tác ngược lại với họ. Trước buổi phỏng vấn thực tập sinh phải tìm hiểu về công ty, công việc, mức lương, chế độ của công ty để đến lúc này có thể hỏi nhà tuyển dụng. Nếu những thông tin này đã được minh bạch trong buổi phỏng vấn bạn có thể hỏi thêm về văn hóa công ty hoặc những câu chuyện ngoài lề về văn phòng, công việc, đồng nghiệp sắp tới của bạn. Điều này thể hiện sự khao khát công việc, quan tâm thực sự tới công việc này.
II. Những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn thực tập sinh
Những câu hỏi thường xuất hiện trong buổi phỏng vấn thực tập sinh
1. Vì sao bạn chọn thực tập tại công ty chúng tôi?
Là một thực tập sinh đang khao khát được làm việc, tích lũy kinh nghiệm thì khi đi phỏng vấn bạn cần chuẩn bị trước những câu hỏi này. Bạn cần tìm hiểu về sứ mệnh, giá trị cốt lõi mà công ty hướng đến từ đó bạn có thể bộc lộ những điểm mạnh của mình. Bạn hãy thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn phù hợp với công việc, môi trường, văn hóa mà công ty đang hướng đến. Bạn có thể đáp ứng những yêu cầu mà công ty đặt ra.
2. Bạn biết gì về chúng tôi?
Trong câu hỏi này bạn tuyệt đối không nên bịa những gì bạn không chắc chắn. Hãy dựa vào những thông tin mà bạn tìm hiểu về công ty qua website tuyển dụng, website của công ty như năm thành lập, hệ thống làm việc ra sao, có bao nhiêu thành viên, có thành tích gì, đối thủ là ai, mục tiêu của công ty là gì, tệp khách hàng ra sao,... Đây là những điều thực tập sinh cần nắm và nói ra cho nhà tuyển dụng để họ thấy được sự cầu thị, quan tâm tới công việc mà bạn ứng tuyển.
3. Hãy kể về các hoạt động tình nguyện của bạn
Thực tập sinh chắc chắn là những bạn sinh viên chuẩn bị ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc nên nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao nếu bạn là người năng nổ tham gia các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá liệu bạn có năng động, hòa đồng, nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc hay không. Và chắc chắn khi bạn đã tham gia các hoạt động này bạn sẽ có những kỹ năng nhất định như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp tốt, quản lý đội nhóm,...
4. Bạn là người như thế nào trong mắt bạn bè
Đây cũng sẽ là một điểm cộng nếu bạn trình bày được những nhận xét mà bạn bè nói về bạn. Bạn là người tốt bụng, thật thà, hay giúp đỡ, quan tâm người khác, hay bạn là người hài hước,... Tính cách của bạn cũng là một trong những yếu tố để nhà tuyển dụng đánh giá về phong cách làm việc của bạn.
5. Điều gì khiến bạn tự hào nhất?
Bạn có thể kể ra những thành tích mà bạn đã đạt được khi học tại trường hay khi tham gia các câu lạc bộ,... Câu hỏi này cũng là để đánh giá về điểm mạnh của bạn và độ phù hợp với đội nhóm hoặc đồng nghiệp tương lai trong công ty.
6. Mục tiêu nghề nghiệp của bạn sau khi tốt nghiệp là gì?
Không có nhà tuyển dụng nào lại muốn tuyển thực tập sinh mà họ không có mục tiêu nghề nghiệp, hay thậm chí là chỉ muốn thực tập để có xác nhận cho báo cáo thực tập tốt nghiệp. Bất cứ công ty nào cũng muốn thực tập sinh có thể gắn bó và trở thành một nhân viên chính thức của công ty. Chính vì vậy khi trả lời câu hỏi này bạn hãy nói rõ mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của mình, đồng thời bày tỏ mong muốn được làm việc lâu dài với công ty.
III. Những lưu ý cần thiết để buổi phỏng vấn diễn ra tốt đẹp nhất
Tạo CV thực tập sinh đẹp mắt, thu hút nhà tuyển dụng
1. Tìm hiểu chi tiết về công ty và công việc bạn muốn ứng tuyển
Trước khi đi phỏng vấn thực tập sinh cần dành thời gian tìm hiểu về công ty mà mình ứng tuyển. Có thể bạn ứng tuyển rất nhiều công ty để có cơ hội việc làm cao nhất nhưng khi đi phỏng vấn ở bất cứ công ty nào bạn cũng cần thể hiện sự chuyên nghiệp và cầu tiến về công việc mình sắp làm. Một số thông tin về doanh nghiệp như tên, địa chỉ, ngành nghề, quy mô, văn hóa doanh nghiệp,.. thực tập sinh cần nắm.
Bên cạnh đó bạn cần tìm hiểu rõ về công việc mà bạn ứng tuyển thực tập. Hãy xem rõ chương trình thực tập tại công ty thông qua các website tuyển dụng uy tín như 123job.vn, các diễn đàn hay ngày hội việc làm được tổ chức. Mỗi công ty cũng như mỗi chương trình thực tập sẽ có những yêu cầu khác nhau, chính vì vậy bạn cần nắm rõ để có thể lựa chọn công việc phù hợp với bản thân.
2. Chuẩn bị hồ sơ, CV ấn tượng
Với thời đại 4.0 hiện nay thì nhiều công ty chỉ cần bạn gửi CV qua email nhưng lời khuyên gây ấn tượng với nhà tuyển dụng là bạn nên chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ gồm sơ yếu lý lịch, CV, những chứng chỉ mà bạn có, giấy giới thiệu của trường,... Đặc biệt hãy trình bày CV thật ấn tượng với những thành tích, kinh nghiệm bạn đạt được, lựa chọn hình ảnh đẹp, phù hợp để làm ảnh CV.
3. Chuẩn bị tươm tất bề ngoài
Vẻ ngoài có thể không đánh giá được con người, tính cách của bạn nhưng đây sẽ là điểm cộng với ấn tượng của nhà tuyển dụng về bạn với vẻ ngoài tươm tất, chỉnh chu. Bên cạnh đó là phong thái đĩnh đạc, tự tin, lịch sự khi gặp nhà tuyển dụng. Hãy chân thành và trung thực trả lời những câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra.
4. Đừng quá lo lắng về học vấn mà hãy thể hiện tốt kỹ năng
Một bảng điểm tốt thôi chưa chắc đã đủ đối với nhà tuyển dụng. Đôi khi họ đánh giá cao kỹ năng và thái độ của bạn hơn thay vì học vấn. Một thực tập sinh có ý chí, ham học hỏi thì sẽ làm được nhiều thứ, còn người tự đắc về bản thân, không chăm chỉ học hỏi sẽ chỉ mãi dậm chân tại chỗ. Vì thế bạn đừng quá lo lắng về học vấn của mình mà hãy thể hiện tốt kỹ năng và thái độ của mình nhé.
5. Hãy giữ tác phong chuyên nghiệp và thái độ nghiêm túc
Tác phong chuyên nghiệp, đúng kỷ luật là những ấn tượng giúp thực tập sinh ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Bạn đến đúng giờ, trang phục nghiêm chỉnh với bộ hồ sơ được chuẩn bị đầy đủ, đẹp mắt là sự thể hiện về chuyên nghiệp. Nếu bạn đến muộn vì lý do bất khả kháng, hãy báo trước với nhà tuyển dụng và gửi lời xin lỗi chân thành nhất với họ, đó là sự tôn trọng, lịch sự tối thiểu cần có.
IV. Kết luận
Trên đây là thông tin giúp thực tập sinh tự tin khi đi phỏng vấn. Bạn có thể tham khảo những nội dung trên để thể hiện những điểm tốt nhất và tránh những lỗi không nên có xuất hiện trong buổi phỏng vấn. Chúc bạn có một buổi phỏng vấn vị trí thực tập sinh ấn tượng, thành công.