Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là loại báo cáo không thể thiếu trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp. Phương pháp lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ lại phụ thuộc rất lớn theo quy định của thông tư mới nhất được ban hành. Hãy cùng 123job tìm hiểu ngay sau đây!

​​​​​​​I. Khái quát về báo cáo lưu chuyển tiền tệ

báo cáo lưu chuyển tiền tệKhái quát về báo cáo lưu chuyển tiền tệ

1. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì?

Là một lĩnh vực rất quan trọng trong hệ thống tài chính doanh nghiệp, báo cáo lưu chuyển tiền tệ là văn bản tổng kết tình hình thu chi hay dòng tiền vào, ra của doanh nghiệp theo 3 hoạt động chính là sản xuất - kinh doanh, đầu tư trực tiếp và các hoạt động tài chính khác. Trong đó:

  • Đối với các hoạt động sản xuất - kinh doanh thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ sẽ bao gồm các khoản thu chi có liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Chuỗi hoạt động này bao gồm sản xuất, lưu trữ, quảng bá và tiêu thụ các loại hàng hóa và dịch vụ.

  • Đối với các khoản đầu tư trực tiếp: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ sẽ thống kê các khoản thu chi liên quan tới việc mua sắm hoặc thanh lý tài sản cố định và đầu tư hay thanh toán các khoản đầu tư tài chính của doanh nghiệp.

  • Đối với các hoạt động tài chính khác: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ sẽ kê khai tất cả dòng tiền vào và ra của doanh nghiệp liên quan tới các hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn và chi trả cổ tức cho cổ đông cũng như trả lãi cho nhà đầu tư. 

Hiện nay, báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập theo 2 phương pháp đó là phương pháp gián tiếp và trực tiếp, tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của Nhà nước về cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong các thông tư đã được ban hành. 

2. Mục đích của báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, người sử dụng có thể dễ dàng thấy được mối liên hệ giữa lợi nhuận thu được và dòng tiền thuần. Nếu như lợi nhuận là doanh thu còn lại sau khi đã trừ hết các khoản chi phí phải trả của doanh nghiệp thì dòng tiền thuần được xác định là sự chênh lệch giữa dòng tiền vào và ra trong kỳ kế toán đó. Từ đó, nhà quản trị khi sử dụng báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể kiểm soát được nguồn tiền vào và ra của doanh nghiệp cũng như cách sử dụng tiền có mang lại hiệu quả hay không. Ngoài ra nó còn giúp các nhà đầu tư đánh giá được khả năng trả nợ đúng hạn và khả năng sinh lời của công ty đó trong tương lai. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cung cấp các thông tin bám sát nhất tới hoạt động vay và sử dụng vốn của doanh nghiệp mà bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh không có, do vậy nó được coi là công cụ đắc lực nhất giúp các nhà đầu tư có thể xem xét và dự đoán tình hình tài chính trong tương lai của doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. 

Hiện nay, các văn bản pháp lý chính thức được ban hành về hướng dẫn cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ gồm có Thông tư 200 được Bộ Tài chính ban hành năm 2014 và Thông tư 133. Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ bằng excel và cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo quyết định 48.

II. Cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo thông tư 200

Một khía cạnh khác được rất nhiều người quan tâm khi nhắc tới báo cáo lưu chuyển tiền tệ đó chính là cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Như đã trình bày ở trên, hiện nay tại Việt Nam thì phổ biến nhất chính là cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp và cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp. Trước hết, mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu về cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo thông tư 200 của Bộ Tài chính. 

báo cáo lưu chuyển tiền tệCách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo thông tư 200

1. Cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp theo thông tư 200

Trong cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo TT200, nguyên tắc lập báo cáo trực tiếp là tất cả các luồng tiền vào và ra từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được trình bày bằng phương pháp phân tích và tổng hợp trực tiếp theo số liệu thực tế về các khoản thu chi theo từng nội dung cụ thể từ sổ kế toán tổng hợp. Cụ thể như sau:

  • Mã số 01: Tiền thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ + Doanh thu khác theo quy định.

Tiền thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ bao gồm: tổng doanh thu dựa trên hóa đơn bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ; tiền thu được từ bản quyền, hoa hồng. Doanh thu khác được xác định là các khoản thu tài chính ngắn hạn hoặc nợ phải thu từ kỳ trước nhưng kỳ này mới được thanh toán. Ngoài ra còn có tiền ứng trước của người đăng ký mua hàng hóa, dịch vụ. 

Chỉ tiêu của mã số 01 không bao gồm các khoản sau: doanh thu từ hoạt động thanh lý và nhượng bán các loại tài sản cố định của doanh nghiệp, doanh thu từ việc thu hồi các khoản cho vay và góp vốn liên doanh, các loại cổ tức và lợi nhuận được chia thuộc luồng tiền từ hoạt động đầu tư, ngoài ra còn có các khoản thu từ hoạt động đi vay hoặc từ các khoản đầu tư từ bên ngoài. 

  • Mã số 02: Tiền thanh toán cho nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Tiền thanh toán được tính trong mã số 02 bao gồm: tổng số tiền mà doanh nghiệp dùng để thanh toán khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ và các khoản chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả mua chứng khoán, thanh toán nợ phải trả và các khoản ứng trước cho người bán). Các khoản tiền thanh toán khi mua sắm tài sản cố định hoặc đầu tư vào bất động sản và chi phí xây dựng cơ bản, các khoản cho vay hoặc góp vốn sang công ty khác sẽ không được tính là tiền thanh toán cho nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. 

  • Mã số 03: Tiền thanh toán cho công nhân viên, người lao động

Các khoản tiền này sẽ bao gồm tất cả tiền lương (lương theo doanh số, lương cứng...), phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng… mà doanh nghiệp phải thanh toán cho người lao động hoặc tạm ứng lương cho công nhân viên. 

  • Mã số 04: Tổng số tiền để trả lãi vay trong kỳ kế toán

Các khoản lãi vay được tính vào mã 04 bao gồm tiền lãi vay đã trả trong kỳ, lãi vay phải trả kỳ trước nhưng đến kỳ này mới thanh toán hoặc lãi vay trả trước trong kỳ. Ngoài ra, các khoản lãi vay được coi là dòng tiền của hoạt động đầu tư như lãi vay được vốn hóa vào tổng giá trị tài sản dở dang sẽ không được tính vào mã số 04.

  • Mã số 05: Tiền thuế thu nhập theo kế toán thuế mà doanh nghiệp đã nộp cho cơ quan nhà nước

  • Mã số 06: Các khoản thu khác từ hoạt động kinh doanh.

  • Mã số 07: Các khoản phải chi khác cho hoạt động kinh doanh

  • Mã số 20: Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh.

Trên đây là một số điểm cần lưu ý khi lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ phương pháp trực tiếp theo thông tư 200, ngoài ra bạn còn có thể tham khảo về cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp theo quyết định 48 hoặc cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ trên excel.

2. Cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ gián tiếp theo thông tư 200

Theo phương pháp gián tiếp, các báo cáo lưu chuyển tiền tệ phải tuân thủ theo nguyên tắc: mọi dòng tiền vào và ra đều phải được điều chỉnh lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp khỏi các ảnh hưởng của những khoản mục khác không phải tiền. Ngoài ra, khi tham khảo về cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp theo thông tư 200 thì bạn cần lưu ý tới một số chỉ tiêu sau đây:

  • Mã số 01: Lợi nhuận trước thuế = Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế trong báo cáo kết quả kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp.

  • Mã số 02: Khấu hao tài sản cố định và BĐSĐT trong kỳ kế toán. Trong đó, chỉ tiêu về tăng hoặc giảm hàng tồn kho không được tính khoản khấu hao của hàng tồn kho cuối kỳ trong trường hợp doanh nghiệp có thể bóc tách riêng số khấu hao nằm trong hàng tồn kho cuối kỳ và số khấu hao được thống kê trong báo cáo kết quả kinh doanh. 

Ngoài ra, đối với số khấu hao nằm trong giá trị xây dựng cơ bản dở dang và quỹ khen thưởng phúc lợi đã hình thành tài sản cố định sẽ bị loại bỏ khỏi báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

  • Mã số 03: Các khoản dự phòng (được thống kê các quá trình trích lập, hoàn nhập và sử dụng các khoản tài chính dự phòng trong kỳ báo cáo). 

Các khoản dự phòng được xác định dựa trên số chênh lệch giữa số dư đầu kỳ và cuối kỳ của các khoản dự phòng tổn thất tài sản, bao gồm dự phòng giảm giá chứng khoán, dự phòng tổn thất với các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dự phòng giảm giá hàng tồn kho, nợ xấu…

  • Mã số 04: Chênh lệch tỷ giá hối đoái đối với các khoản tiền có gốc ngoại tệ.

  • Mã số 05: Lãi thu được từ các hoạt động đầu tư (bao gồm việc thanh lý hoặc nhượng bán tài sản cố định; tài sản không phải tiền mang đi góp vốn; thu hồi các khoản đầu tư tài chính và tổn thất hoặc hoàn nhập tổn thất của các khoản đầu tư đáo hạn).

  • Mã số 06: Các khoản chi phí lãi vay

  • Mã số 07: Các khoản điều chỉnh khác

  • Mã số 08: Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi của vốn lưu động và được xác định bằng tổng của tất cả các mã số từ 01 đến 07.

Ngoài thông tư 200 thì bạn cũng có thể tham khảo thêm cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ gián tiếp theo quyết định 48 hoặc thông tư 133 cũng do Bộ Tài chính ban hành với một số điểm khác biệt. 

III. Cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo thông tư 133

báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo thông tư 133

1. Cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp theo thông tư 133

Khi tìm hiểu về cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo pp trực tiếp của thông tư 133, nguyên tắc lập vẫn không có sự khác biệt so với thông tư 200 khi mà các dòng tiền vào và ra phải được trình bày bằng cách phân tích và tổng hợp trực tiếp theo từng nội dung của sổ kế toán tổng hợp. Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý một số chỉ tiêu sau:

  • Mã số 01: Tiền thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ cộng với doanh thu khác

  • Mã số 02: Tiền chi trả cho nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ.

  • Mã số 03: Tiền chi trả cho công nhân viên và người lao động trong doanh nghiệp.

  • Mã số 04: Tổng số tiền để trả lãi vay trong kỳ kế toán.

  • Mã số 05: Thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp cho cơ quan nhà nước.

  • Mã số 06: Các khoản doanh thu khác từ hoạt động kinh doanh

  • Mã số 07: Các khoản phải chi khác cho hoạt động kinh doanh

  • Mã số 20: Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh. Trong đó mã số 20 cũng được xác định bằng tổng các mã số từ 01 đến 07.

Có thể thấy phần hướng dẫn cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo tt133 khá tương đồng với tt200 theo phương pháp trực tiếp, trong đó tất cả các chỉ tiêu kể trên đều được xác định và hạch toán tương tự như cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp TT200 mà chúng tôi đã trình bày ở trên. 

2. Cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ gián tiếp theo thông tư 133

Trái với phương pháp trực tiếp, cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo pp gián tiếp của thông tư 133 lại có một số điểm khác biệt nhỏ so với thông tư 200. Cụ thể như sau:

  • Mã số 01: Lợi nhuận trước thuế = Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế được lấy từ báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ.

  • Mã số 02: Điều chỉnh cho các khoản = Mã số 03 + Mã số 04 + ... + Mã số 08.

  • Mã số 03: Khấu hao tài sản cố định và BĐSĐT

  • Mã số 04: Các khoản dự phòng

  • Mã số 05: Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các tài sản có gốc ngoại tệ.

  • Mã số 06: Thu nhập từ hoạt động đầu tư

  • Mã số 07: Các khoản chi phí lãi vay

  • Mã số 08: Các khoản điều chỉnh khác. 

Có thể thấy về bản chất thì việc tính toán các chỉ tiêu trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo thông tư 133 vẫn tương tự như thông tư 200, tuy nhiên khi lập báo cáo thì bạn nên chú ý về tên gọi của các mã số để tránh nhầm lẫn dẫn tới kết quả bị sai lệch. 

Trên đây là một số điểm cần chú ý trong quá trình lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn. Hy vọng rằng bài viết đã mang tới thông tin bổ ích cho quý độc giả trong công việc kế toán. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi và hẹn gặp lại trong các bài viết sắp tới của 123job