Doanh nghiệp luôn hoạt động vì mục đích tối đa hóa lợi nhuận mà cụ thể là tăng doanh thu. Cách tính doanh thu bán hàng như thế nào? Cách tính tỷ lệ phần trăm doanh thu bán hàng ra sao? Và cách tính doanh thu hòa vốn như thế nào?

Mục tiêu chính của bất cứ một doanh nghiệp nào là kinh doanh tạo ra lợi nhuận bán hàng . Vì vậy, khái niệm doanh thu gắn liền với quá trình hoạt động và phát triển của doanh nghiệp. Để có thể làm tốt công việc kế toán tại doanh nghiệp, một điều cần lưu ý đó chính là khái niệm doanh thu bán hàng và cách tính doanh thu, điểm khác nhau giữa doanh thu và doanh số là gì?. Trong bài viết dưới đây, 123Job sẽ cung cấp cho người làm kế toán những kiến thức cơ bản về khái niệm doanh thu và chiết khấu bán hàng. Việc này là vô cùng cần thiết cho công tác hạch toán, kế toán tại doanh nghiệp.

I. Doanh thu bán hàng là gì?

Doanh thu bán hàng (sales revenue): Là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm phát triển vốn chủ sở hữu.

Chúng ta có thể hiểu đơn giản doanh thu bán hàng là gì như sau: Doanh thu bán hàng là tổng số tiền thu được do bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ, hoạt động tài chính và các hoạt động khác của doanh nghiệp trong kỳ kế toán, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu cho doanh nghiệp.

Doanh thu bán hàng

Doanh thu bán hàng là gì - Yếu tố xác định kết quả thành công hay thất bại của doanh nghiệp

II. Ý nghĩa của doanh thu bán hàng

Ý nghĩa của doanh thu bán hàng là gì? Doanh thu bán hàng là nguồn tài chính quan trọng của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chi trả các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là nguồn tài chính quyết định hoạt động của doanh nghiệp trong kỳ kế toán tiếp theo.

Khi doanh nghiệp có doanh thu bán hàng một cách thường xuyên sẽ làm tăng tốc độ lưu chuyển vốn và tăng vòng quay vốn. Đồng thời tạo điều kiện cho chính doanh nghiệp có được nguồn vốn chủ sở hữu lớn hơn giúp giảm chi phí vay vốn bên ngoài.

Doanh thu bán hàng là căn cứ quan trọng để xác định kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp. Tăng doanh thu tức là tăng lượng tiền thu về đồng thời là tăng lượng hàng bán ra, điều này cho thấy doanh nghiệp đã tạo được vị thế nhất định trong thị trường. Bên cạnh đó, việc tăng doanh thu góp phần làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp vì vậy đòi hỏi doanh nghiệp phải quản lý doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả.

III. Điều kiện ghi nhận doanh thu bán hàng 

Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp là phải quản lý và kiểm soát được các khoản doanh thu và chi phí từ đó xác định kết quả kinh doanh một cách chính xác nhất. Doanh thu bán hàng chỉ được ghi nhận khi thỏa mãn các điều kiện sau: 

- Doanh nghiệp đã chuyển giao một phần lớn lợi ích và rủi ro của sản phẩm cho người mua.
- Doanh nghiệp không còn quyền sở hữu và quyền kiểm soát với hàng hóa, quyền này được chuyển giao sang người mua.
- Có căn cứ tương đối chắc chắn về khoản doanh thu.
- Doanh nghiệp thu được lợi ích từ việc bán hàng cho khách.
- Dễ dàng xác định các chi phí liên quan đến hình thành doanh thu.

IV. Cách tính doanh thu bán hàng

Doanh thu bán hàng của doanh nghiệp được chia ra làm 2 loại doanh thu: Tổng doanh thu và doanh thu thuần

1. Tổng doanh thu

Tổng doanh thu là toàn bộ số tiền ban đầu thu được sau khi thực hiện các hoạt động bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ. Tổng doanh thu được tính như sau:

Tổng doanh thu = Sản lượng * Giá bán

Cách tính doanh thu bán hàng

Các cách tính doanh thu bán hàng trong doanh nghiệp

2. Doanh thu thuần

Doanh thu thuần là doanh thu thực của doanh nghiệp, dùng để tính toán và đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh. Từ doanh thu thuần, doanh nghiệp có thể tính được lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế, từ đó xác định được lãi, lỗ trong kỳ.

Doanh thu bán hàng thuần = Tổng doanh thu - Các khoản giảm trừ

Trong đó, các khoản giảm trừ bao gồm:
- Chiết khấu thương mại: Là khoản giảm giá so với giá bán niêm yết của doanh nghiệp dành cho các khách hàng mua hàng số lượng lớn.
- Giảm giá hàng bán: Là khoản giảm trừ so với giá bán niêm yết của doanh nghiệp dành cho người mua do hàng hóa sai quy cách, kém chất lượng hay lạc hậu…
- Giá trị hàng hóa bị trả lại: Là giá trị lượng hàng bán đã được xác định là tiêu thụ nhưng bị khách hàng từ chối thanh toán và trả lại.
Doanh nghiệp cần phải xác định tổng doanh thu và doanh thu thuần qua các cách tính doanh thu bán hàng để kiểm soát và quản lý lượng hàng hóa bán ra và tính toán các khoản khấu trừ, chi phí phát sinh.

V. Cách tính tỷ lệ phần trăm doanh thu

Từ doanh thu bán hàng thu được qua các năm, các kỳ kế toán, ta có thể xác định được tốc độ tăng trưởng, mức độ hoàn thành kế hoạch. Vậy cách tính tỷ lệ phần trăm doanh thu bán hàng ra sao các bạn có thể theo dõi 2 cách tính tỷ lệ phần trăm doanh thu dưới đây.

1. Tốc độ tăng trưởng

Tốc độ tăng trưởng là mức chênh lệch của doanh thu trong năm n so với năm n-1

Tốc độ tăng trưởng năm n = (Doanh thu năm n-Doanh thu năm n-1) / (Doanh thu năm n-1) * 100%

Trong trường hợp doanh thu năm sau giảm so với năm trước thì số % sẽ là số âm, tức là thay vì tăng thì sẽ là giảm bằng đó %.

Ví dụ sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về cách tính tốc độ tăng trưởng thông qua doanh thu:

Công ty ABC có doanh thu năm 2017 là 115 tỷ đồng. Doanh thu toàn bộ năm 2018 là 132 tỷ đồng. Vậy mức phần trăm tăng trưởng doanh thu của năm 2018 là bao nhiêu %.

Áp dụng công thức tính cách tính tỷ lệ phần trăm doanh thu trên, ta có:

Phần trăm tăng trưởng 2018 = (Doanh thu 2018 - Doanh thu 2017)/Doanh thu 2017 * 100 = (132-115)/115 = 14.78 (%)

Kết luận, năm 2018 công ty ABC có mức tăng trưởng gần 15% so với năm 2017.

2. Mức độ hoàn thành kế hoạch

Mức độ hoàn thành kế hoạch dùng để đánh kết quả doanh thu thực tế so với kế hoạch đã đặt ra.

Mức độ hoàn thành kế hoạch = (Doanh thu thực tế / Doanh thu kế hoạch) * 100%

Ví dụ: Công ty ABC đặt ra mục tiêu doanh thu cho năm 2018 là 150 tỷ đồng. Tuy nhiên tính tới quý 3 năm 2018 tổng mức doanh thu của công ty đã đạt được 145 tỷ đồng thì % đã đạt được so với mục tiêu đề ra là bao nhiêu?

Ta có: Số phần trăm đã đạt được = 145/150 * 100 = 96.66 (%)

Như vậy chỉ sau 3 quý doanh thu đã đạt được 96.66 % mục tiêu đề ra, gần hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Trong trường hợp mức độ hoàn thành kế hoạch đạt trên 100% thì tức là doanh nghiệp đã hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra.

Cách tính tỷ lệ phần trăm doanh thu

Cách tính tỷ lệ phần trăm doanh thu của các doanh nghiệp

VI. Cách tính doanh thu hòa vốn

Doanh nghiệp có được doanh thu hòa vốn trong trường hợp tổng doanh thu bằng tổng chi phí. Lúc này các chi phí cố định, chi phí biến đổi sẽ được thu hồi và doanh nghiệp không thu được bất cứ đồng lãi nào. Cách tính doanh thu hòa vốn được sử dụng bởi công thức sau: 

                                Doanh thu hòa vốn = Sản lượng hòa vốn * Giá bán
                                                                      = [Chi phí cố định / ( Giá bán - Chi phí biến đổi)] * Giá bán
                                                                      = Chi phí cố định / (1- Chi phí biến đổi/Giá bán)

Nếu tổng doanh thu cao hơn tổng chi phí, tức là doanh nghiệp làm ăn có lãi. Và ngược lại, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng lỗ vốn.

VII. Phân biệt doanh số và doanh thu

Có không ít bạn thường nhầm lẫn và không phân biệt chính xác giữa doanh số và doanh thu.

Doanh số là gì? Doanh số là tổng số lượng hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp bán được đến khách hàng của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Còn doanh thu là tổng lượng tiền mà doanh nghiệp thu được ứng với lượng hàng hóa và dịch vụ đã cung ứng trong một khoảng thời gian nhất định và được ghi trong sổ sách, bao gồm cả các khoản ghi nợ.

Bạn cũng có thể hiểu doanh số là tổng doanh thu, là toàn bộ số tiền thu được từ số lượng và giá bán của sản phẩm bao gồm các khoản giảm trừ như chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại. Còn doanh thu sẽ là số tiền doanh nghiệp thu được sau khi lấy doanh số trừ đi các khoản giảm từ, chi phí phát sinh trong quá trình bán hàng.

Việc phân biệt doanh số và doanh thu rất cần thiết trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần có được các phương án, chiến lược nhằm thúc đẩy tăng doanh số bán hàng và doanh thu đem về cho công ty.

VII. Kết luận 

Như vậy, qua bài viết trên, 123job.vn hy vọng bạn đã hiểu hơn về doanh thu bán hàng là gì, các cách tính doanh thu bán hàng, xác định doanh thu thuần như thế nào và sự khác nhau giữa doanh thu và doanh số trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ đó giúp bạn tìm ra các phương án làm tăng doanh thu hiệu quả.