Hiện nay, có rất nhiều đơn vị kinh doanh mới được thành lập loay hoay với những khúc mắc về thủ tục giấy tờ đáp ứng các điều kiện pháp lý. Một trong số đó là vấn đề giấy đăng ký kinh doanh, hãy cùng đọc bài viết sau để tìm hiểu về loại giấy tờ này nhé…
I. Thông tin khái quát về giấy đăng ký kinh doanh
1. Giấy đăng ký kinh doanh là gì?
Giấy đăng ký kinh doanh giống như “giấy khai sinh” của hoạt động kinh doanh. Đây là một dạng văn bản pháp quy ghi lại ngày đăng ký kinh doanh lần đầu và là căn cứ xác thực năng lực pháp lý cho một doanh nghiệp. Có thể nói, giấy đăng ký kinh doanh ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của nhà nước đối với các doanh nghiệp kinh doanh. Một lưu ý nhỏ là giấy đăng ký doanh nghiệp cũng có thể được hiểu là giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
Loại giấy tờ này cho phép các cá nhân, các tổ chức hoạt động kinh doanh khi đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký kinh doanh theo những quy định của pháp luật hiện hành. Về mặt pháp lý, các đối tượng được Sở Kế hoạch và đầu tư cấp giấy phép kinh doanh có đủ điều kiện để hoạt động kinh doanh. Theo Luật doanh nghiệp, đối với các doanh nghiệp trong nước thì ngành nghề đăng ký sẽ không hạn chế ngoại trừ kinh doanh ngành nghề có điều kiện.
2. Điều kiện đăng ký kinh doanh
Để có giấy đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện cơ bản sau:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh
- Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp
- Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp; phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên phố (ngõ) hoặc tên xã, phường… số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có)
- Có hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ theo quy định của pháp luật
- Nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật
II. Phân biệt giấy đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh
Bạn không nên đánh đồng giấy đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh. Bởi 2 loại giấy tờ này về bản chất là khác nhau. Vấn đề nhầm lẫn này rất dễ dẫn đến sự không hoàn chỉnh về thủ tục hồ sơ.
Bảng so sánh sau sẽ giúp bạn rõ hơn về 2 văn bản pháp lý này:
| Giấy đăng ký kinh doanh | Giấy phép kinh doanh |
Khái niệm | Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp cho doanh nghiệp văn bản hoặc bản điện tử, trên cơ sở ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp. | Thông thường, doanh nghiệp sẽ được cấp giấy phép kinh doanh sau Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Giấy phép này được Nhà nước cấp cho doanh nghiệp có kinh doanh ngành, nghề có điều kiện. |
Điều kiện cấp | Tên của doanh nghiệp phải chấp hành theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014. Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không nằm trong danh sách bị cấm đầu tư kinh doanh mà pháp luật quy định. Hồ sơ đăng ký kinh doanh đã được xác minh hợp lệ. Doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ về thanh toán lệ phí đăng ký doanh nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật về phí và lệ phí. | Ngành, nghề của doanh nghiệp không được trái với bất cứ điều kiện của mỗi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Các điều kiện cần đáp ứng có thể là về cơ sở vật chất, vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề... |
Thời hạn sử dụng | Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không bao gồm thông tin này. Sự tồn tại của doanh nghiệp hay quyết định của chính chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp sẽ quyết định thời hạn sử dụng này. | Giấy phép kinh doanh phải bao gồm thông tin về thời hạn sử dụng. Thời hạn này dài hay ngắn hoàn toàn phụ thuộc vào sự cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thông thường có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. |
Quyền của nhà nước | Nếu có đủ hồ sơ hợp lệ, Nhà nước phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. | Đủ hồ sơ, đủ điều kiện nhưng cơ quan nhà nước vẫn có thể từ chối nhằm đảm bảo lợi ích công cộng, quốc phòng và an ninh quốc gia. |
III. Nội dung chính của giấy đăng ký kinh doanh
Giấy đăng ký kinh doanh gồm có các nội dung chính sau:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện.
- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên hoặc cổ đông sáng lập là cá nhân; số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh của chủ sở hữu công ty, của thành viên hoặc cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.
- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
- Họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân.
- Vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần và giá trị vốn cổ phần đã góp và số cổ phần được quyền chào bán đối với công ty cổ phần; vốn đầu tư ban đầu đối với doanh nghiệp tư nhân; vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định.
- Ngành, nghề kinh doanh.
IV. Mẫu giấy đăng ký kinh doanh mới nhất
1. Mẫu giấy đăng ký kinh doanh hộ cá thể
Căn cứ thông tư 20/2015 Căn cứ theo Luật doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ 01/07/2015, mẫu giấy đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể như sau:
Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh
2. Mẫu giấy đăng ký kinh doanh công ty cổ phần
Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp gồm nhiều cá nhân, tổ chức cùng góp vốn kinh doanh với số lượng tối thiểu là 3 cổ đông sáng lập và không giới hạn số lượng tối đa số lượng cổ đông.
Ngay sau giai đoạn đăng ký thành lập công ty ở Cơ quan đăng ký kinh doanh, công ty sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty cổ phần. Hiện nay mẫu giấy đăng ký kinh doanh công ty cổ phần đã có một số điểm khác biệt so với trước đây.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trang 1
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trang 2
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trang 3
3. Mẫu giấy đăng ký kinh doanh 2019
Theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, giấy đề nghị đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh phải được đăng ký tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ kinh doanh. Mẫu giấy này dành cho đối tượng là các hộ kinh doanh cá thể.
Nếu bạn thắc mắc về cách tra cứu giấy đăng ký kinh doanh, sau đây là mẫu giấy đề nghị đăng ký kinh doanh mà bạn có thể tham khảo:
Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh cá thể trang 1
Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh trang 2
4. Mẫu giấy đăng ký kinh doanh tiếng Anh
Khi làm việc với các đối tác nước ngoài, cơ quan lãnh sự nước ngoài, bạn cần dịch giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sang tiếng Anh.
Nhưng đừng lo! Bạn không cần phải tra cứu giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp bằng tiếng Anh ở bất cứ đâu khác, sau đây chính xác là mẫu bạn cần...
Giấy đăng ký kinh doanh bằng tiếng Anh
V. Thủ tục xin cấp lại giấy đăng ký kinh doanh
Nếu bạn có nguyện vọng xin cấp lại giấy đăng ký kinh doanh, hãy đọc ngay nội dung sau:
- Khi mất Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải khai báo với cơ quan công an nơi mất Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng ba lần liên tiếp.
- Sau 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày thông báo, nếu doanh nghiệp không tìm được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã mất thì đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hồ sơ đề nghị cấp lại gồm: Xác nhận của cơ quan công an về việc khai báo mất giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và giấy tờ của cơ quan báo, đài về việc nhận đăng thông báo mất giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tờ báo đã đăng thông báo này.
- Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong trường hợp: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bị rách, nát, cháy hoặc bị tiêu huỷ dưới hình thức khác. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục làm giấy đăng ký kinh doanh/thủ tục cấp lại giấy đăng ký kinh doanh, gửi Giấy đề nghị nêu rõ lý do xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tới Phòng Đăng ký kinh doanh.
- Khi tiếp nhận các hồ sơ quy định tại các khoản 1 và 2 nêu trên, Phòng Đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận cho doanh nghiệp. Trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, trong đó ghi rõ lần cấp lại. Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp lại là số đã được cấp trước đây.
- Việc cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với chi nhánh, văn phòng đại diện trong trường hợp bị mất; rách, nát, cháy, bị tiêu huỷ dưới hình thức khác cũng áp dụng theo các quy định nêu trên.
- Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp không đúng hồ sơ, trình tự, thủ tục theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo cho doanh nghiệp để hoàn chỉnh hồ sơ để được xem xét cấp lại hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
VI. Thời hạn của giấy đăng ký kinh doanh và các trường hợp bị thu hồi
1. Thời hạn của giấy đăng ký kinh doanh:
Hiện tại nước ta không có quy định về thời hạn của giấy phép kinh doanh cũng như giấy đăng ký kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh không điều kiện. Còn đối với giấy phép kinh doanh có điều kiện thì sẽ có thời gian, thời gian như thế nào phụ thuộc vào mỗi ngành nghề, mỗi loại giấy phép kinh doanh khác nhau.
2. Các trường hợp bị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh:
Một số trường hợp vi phạm sau sẽ bị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh và bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh:
- Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là giả mạo
- Doanh nghiệp được thành lập bởi những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 13 của Luật thành lập doanh nghiệp
- Đơn vị kinh doanh không đăng ký mã số thuế trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
- Đơn vị kinh doanh không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn 06 tháng liên tục, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận kinh doanh
- Không báo cáo về hoạt động kinh doanh của đơn vị kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh trong 12 tháng liên tục
- Ngừng hoạt động kinh doanh 12 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh
- Đơn vị kinh doanh không gửi báo cáo theo quy định
- Kinh doanh ngành, nghề bị cấm theo quy định
Mong rằng sau bài viết trên bạn đã có cho mình những thông tin thật quan trọng, giúp cho việc làm kinh doanh thuận lợi hơn. Hãy tiếp tục truy cập vào website 123job để tìm kiếm thêm các nội dung hữu ích khác nhé!