Kế toán trưởng được xem là vị trí mơ ước, mục tiêu theo đuổi của những người đang theo ngành kế toán. Vậy để trở thành một kế toán trưởng giỏi thì cần phải lưu ý những gì và có thể học kế toán trưởng ở đâu?
Trong công tác kế toán của một công ty, doanh nghiệp thì kế toán trưởng chính là vị trí có vai trò quan trọng nhất, đảm nhiệm những công việc và trách nhiệm cao nhất. Trở thành một kế toán trưởng giỏi chính là mục tiêu, niềm mơ ước của các bạn học sinh, sinh viên khi định hướng theo nghề kế toán và kể cả những người đang làm kế toán viên, người muốn chuyển hướng sang làm nghề kế toán. Vậy một kế toán trưởng cần nắm vững những kiến thức nào và nên họckế toán trưởng như thế nào? Cùng 123job tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé .
I. Kế toán trưởng là ai?
Kế toán trưởng được hiểu là người đứng đầu trong bộ phận kế toán của một công ty, doanh nghiệp, cơ quan, … chịu trách nhiệm, chỉ đạo và định hướng mảng tài chính cho công ty. Kế toán trưởng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của giám đốc tài chính, giám đốc doanh nghiệp. Là người giúp các lãnh đạo công ty có thể hiểu rõ, nắm bắt tình hình công ty và đưa ra các định hướng về mặt tài chính cho doanh nghiệp.
Kế toán trưởng là vị trí công việc quan trọng quản lý chung các hoạt động kế toán tài chính của doanh nghiệp
II. Mô tả công việc của kế toán trưởng
1. Quyền điều hành của kế toán trưởng
Kế toán trưởng là vị trí đứng đầu phòng kế toán, là người sẽ chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của phòng do mình phụ trách, quản lý chung tất cả các hoạt động liên quan đến tài chính, kế toán của doanh nghiệp.
Kế toán trưởng sẽ trực tiếp quyết định cơ cấu nhân sự của phòng kế toán, tiến hành đào tạo, hướng dẫn cho nhân viên định kỳ nhằm nâng cao nghiệp vụ của bộ phận kế toán. Thực hiện điều phối, phân công công việc cho các kế toán viên một cách phù hợp nhất và đồng thời giám sát, đánh giá hiệu quả công việc nhân viên của mình.
Kế toán trưởng sẽ chủ trì trong các cuộc họp định kỳ cũng như đột xuất để thảo luận về các vấn đề liên quan đến công việc của bộ phận kế toán. Tham gia vào các cuộc họp của doanh nghiệp, các cuộc họp của bộ phận khác có liên quan đến nhiệm vụ, sự phối hợp công tác của bộ phận kế toán.
Kế toán trưởng phải là người nắm rõ nhất tình hình tài chính của công ty để tham mưu cho ban giám đốc, lãnh đạo công ty về hoạt động kiểm soát tài chính. Báo cáo thường xuyên về các hoạt động mà phòng kế toán đang triển khai thực hiện, đồng thời tiếp nhận, phổ biến và thực hiện các chỉ thị của cấp trên.
2. Công tác tài chính
Trong công tác tài chính, kế toán trưởng sẽ tham gia vào quá trình tổ chức, giám sát lập ngân quỹ vốn. Các nguồn vốn được tài trợ, các khoản tiền mặt của công ty, làm việc tạo quan hệ với ngân hàng hay các tổ chức tín dụng sẽ trực tiếp các kế toán trưởng đảm nhiệm, giám sát theo dõi và quản trị nhằm đảm bảo sao cho doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ với các nhà đầu tư, với những người nắm cổ phiếu công ty.
Kế toán trưởng sẽ nghiên cứu, tổng hợp thông tin, phân tích và đánh giá về hoạt động sử dụng vốn, hoạt động tài chính của công ty. Từ đó đưa ra các đề xuất có lợi để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận kế toán.
3. Công tác kế toán
Trong công tác kế toán, kế toán trưởng sẽ lập kế hoạch hoạt động của bộ phận kế toán theo từng giai đoạn, theo các chủ trương, chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Tiến hành cải tiến, hoàn thiện các chế độ hạch toán kế toán, quản lý hệ thống sổ sách kế toán, phiếu, hóa đơn, chứng từ của công ty. Đảm bảo sao cho hệ thống giấy tờ kế toán được sắp xếp thống nhất, ghi chép, tính toán chính xác, cẩn thận, đầy đủ và trung thực toàn bộ quá trình hoạt động kinh doanh của công ty.
Thực hiện chỉ đạo công tác kiểm kê, đánh giá tài sản cố định, công cụ dụng cụ, tiền mặt, hàng hóa, … công ty nhằm mục đích đánh giá kịp thời tình hình sử dụng vốn và kịp thời phát hiện các trường hợp làm sai nguyên tắc, gian lận trong quản lý tài chính kế toán.
Rà soát, kiểm tra các hợp đồng kinh tế để bảo vệ quyền lợi cao nhất cho công ty. Phân tích hoạt động tài chính của công ty, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tháo gỡ các khó khăn để đẩy mạnh sự phát triển.
Kế toán trưởng sẽ điều hành bộ phận kế toán sao cho hoạt động hiệu quả nhất với sự phát triển công ty, doanh nghiệp
4. Các công việc khác
- Kế toán trưởng sẽ đứng ra làm việc với ngân hàng về các giao dịch vay tín dụng
- Tạo mối quan hệ với các cơ quan liên quan: Cục thuế, Cục tài chính doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư,...
- Bảo mật thông tin tài chính, kế toán, kinh tế của công ty
- Cung cấp, xuất trình các sổ sách, số liệu cần thiết phục vụ cho công tác thanh kiểm tra của cơ quan chức năng nhà nước.
- Thực hiện các công việc khác theo yêu cầu của cấp trên giao phó.
III. Những điểm cần lưu ý khi làm kế toán trưởng
1. Người đại diện pháp luật của Công ty có thể ủy quyền cho Kế toán trưởng ký thừa ủy quyền các văn bản, hồ sơ giao dịch với cơ quan thuế, kể cả hóa đơn (Điều 6 Thông tư 156/2013/TT-BTC)
2. Kế toán trưởng không có quyền ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán mà chỉ có Chủ tài khoản mới có thể ủy quyền (Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 32/2016/TT-NHNN)
3. Dù đã nghỉ việc ở công ty cũ nhưng người làm kế toán trưởng cũ vấn phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán trong thời gian mình làm kế toán (Khoản 3 Điều 51 Luật kế toán số 88/2015/QH13) và điều luật này sẽ hết thời hạn hiệu lực sau 10 năm.
4. Vị trí kế toán trưởng có thể không bắt buộc đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ (Doanh nghiệp có lao động không quá 10 người) và doanh nghiệp mới thành lập.
5. Để đảm nhiệm chức vụ kế toán trưởng thì cần có các điều kiện sau:
- Có bằng Trung cấp kế toán trở lên. Đối với doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ trở lên và doanh nghiệp có vốn nhà nước thì kế toán trưởng phải có bằng đại học
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng được cấp phép bởi bộ tài chính
- Có ít nhất là 2 - 3 năm kinh nghiệm làm kế toán, với công ty có vốn nhà nước thì phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm kế toán
6. Kế toán trưởng không được vay tiền của công ty chứng khoán mà mình đang làm việc (Khoản 25 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP)
7. Trong quá trình tiêu hủy tài liệu kế toán hết thời hạn, kế toán trưởng nhất định phải có mặt trong Hội đồng tiêu hủy (Công văn số 3668/CT-TTHT ngày 22/4/2016)
8. Các hóa đơn mà kế toán trưởng ký thừa ủy quyền đều không được phép đóng dấu treo (Công văn số 9599/CT-TTHT ngày 23/10/2015)
9. Kế toán trưởng tuyệt đối không được ký thừa ủy quyền của Giám đốc/Tổng giám đốc công ty chứng khoán (Thông tư số 210/2014/TT-BTC ngày 30/12/2014)
10. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, xếp phụ cấp đối với Kế toán trưởng trong cơ quan nhà nước sẽ được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 163/2013/TTLT-BTC-BNV
11. Trong trường hợp Kế toán trưởng ký các công văn gửi cho cơ quan Thuế thì phải kèm theo Giấy ủy quyền (Công văn số 5836/CT-TTHT ngày 24/7/2014)
12. Quy chế bổ nhiệm kế toán trưởng trong cơ quan nhà nước được quy định theo Thông tư Liên tịch số 163/2013/TTLT-BTC-BNV ngày 15/11/2013
Đối với doanh nghiệp, Quy chế bổ nhiệm kế toán trưởng căn cứ vào Thông tư Liên tịch số 13/2005/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 07/02/2005
13. Kế toán trưởng làm việc cho công ty có cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán và nếu có mua bán chứng khoán của chính công ty này thì phải đảm bảo mua – bán đúng thời hạn quy định (Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013)
14. Kế toán trưởng khi kiêm nhiệm thêm chức vụ trưởng phòng thì không được hưởng thêm phụ cấp (Công văn số 1828/LĐTBXH-LĐTL ngày 9/6/2011)
15. Kế toán trưởng có thể là người nước ngoài, chỉ cần đảm bảo có đầy đủ các loại giấy phép lao động phù hợp với ngành tài chính kế toán
Kế toán trưởng cần phải nắm vững các điều luật, quy chế liên quan đến ngành nghề của mình
IV. Địa chỉ học kế toán trưởng uy tín tại Hà Nội, TP HCM
1. Đối tượng học Kế toán trưởng:
- Học viên đã tốt nghiệp các chuyên ngành Tài chính - Kế toán - Kiểm toán
- Học viên có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm kế toán với bằng tốt nghiệp Trung cấp, cao đẳng và ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm kế toán với bằng tốt nghiệp đại học
2. Tiêu chí để lựa chọn một lớp học kế toán trưởng chất lượng
- Những lớp đào tạo kế toán có uy tín lâu năm trong ngành, nhất là về đào tạo kế toán trưởng
- Giảng viên dày dặn kinh nghiệm làm việc tại vị trí kế toán trưởng ở các doanh nghiệp, là các tiến sĩ, giáo sư, chuyên gia trong ngành kế toán, là người không chỉ có chuyên môn tốt mà còn là người có kỹ năng sư phạm tốt để truyền đạt kiến thức tới học viên hiệu quả nhất
- Lớp học kế toán trưởng cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết với bài tập thực hành để học viên có thể trải nghiệm ứng dụng vào thực tế công việc
- Chương trình học liên kết với Bộ tài chính nhằm đảm bảo nội dung học đúng, đủ và đảm bảo tiêu chuẩn trong đào tạo nghiệp vụ kế toán trưởng của Bộ tài chính và chứng chỉ dùng để cấp cho học viên sau khóa học cũng đảm bảo theo quy định do Bộ tài chính ban hành.
3. Một khóa học kế toán trưởng phải học những gì?
Nội dung chính trong chương trình đào tạo nghiệp vụ kế toán trưởng căn cứ theo quy định tại Điều 10, Thông tư số 199/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 bao gồm:
Phần 1: Kiến thức chung
Kinh tế vi mô
Thẩm định dự án đầu tư
Quản lý tài chính Doanh nghiệp
Pháp luật về thuế
Pháp luật về kinh liên quan đến hoạt động Doanh Nghiệp
Quản trị kinh doanh
Quan hệ tín dụng, thanh toán và bảo lãnh giữa Doanh nghiệp với Ngân hàng
Phần 2: Kiến thức nghiệp vụ
Kế toán quản trị
Tổ chức công tác kế toán và vai trò nhiệm vụ Kế toán trưởng Doanh nghiệp
Pháp luật về kế toán
Kiểm toán và kiểm toán báo cáo tài chính
Kế toán tài chính Doanh nghiệp
Phân tích Báo cáo tài chính và hướng dẫn lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ
4. Những trung tâm đào tạo kế toán trưởng uy tín cần tham khảo
4.1. Khóa học Kế toán trưởng tại Viện đào tạo và hợp tác giáo dục
- Văn phòng Hà Nội: Số 451 Vũ Tông Phan, Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội
- Văn phòng Hồ Chí Minh: 47/3 Đường 27, Phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP HCM
- Website: viendaotao.vn
- Email: daotao@tiec.edu.vn - tuyensinhvdt@gmail.com
- Hotline: 0976.380.555 - 0975.385.888
4.2. Khóa đào tạo Kế toán trưởng của trường đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh
- Cơ sở Quận 3: Trường THCS COLETTE, Số 10 Hồ xuân Hương, phường 6, Quận 3
- Cơ sở Tân Bình: Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, 544 CMT8, Phường 4, Quận Tân Bình
- Cơ sở Bình Thạnh: Trường THPT Võ Thị Sáu, 95 Đinh Tiên Hoàng, phường 3, Quận Bình Thạnh
- Cơ sở Thủ Đức: Văn phòng tuyển sinh và giới thiệu việc làm, 281A Võ Văn Ngân, Phường Linh Chiểu, Quận Thủ Đức.
- Cơ sở Biên Hòa: Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, đường Lệ Quý Đôn, Phường Tân Hiệp, Biên Hòa , Đồng Nai
- Website: gec.edu.vn
- Hotline: 028 22142829 - 0909 493 140
- Email: trungtam@gec.edu.vn
4.3. Chương trình đào tạo kế toán trưởng doanh nghiệp tại Trung tâm đào tạo liên tục Đại học kinh tế quốc dân
- Phòng 101, nhà 12 trường ĐH Kinh tế Quốc dân
- Số 479 Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy- Hà Nội
- Website: ttdaotaolientuc.neu.edu.vn
- Hotline: 0942.098.638 – 0983.616.184 - 0911.552.996
- Email: ttdaotaolientuc.dhktqd@gmail.com
4.4. Lớp đào tạo chứng chỉ kế toán trưởng tại công ty cổ phần tập đoàn kế toán Hà Nội
- Cơ sở Mỹ Đình: Nguyễn Cơ Thạch, Mỹ Đình I, Từ Liêm, Hà Nội
- Cơ sở Long Biên: KĐT Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội
- Website: daotaoketoanhn.edu.vn
- Email: info.kthn@gmail.com
- Hotline: 0973946715
V. Kết luận
Kế toán trưởng là vị trí công việc quan trọng nhất, một phần không thể thiếu của doanh nghiệp. Trở thành một kế toán trưởng, bạn không chỉ là người phải có kiến thức chuyên môn cao mà còn phải có nhiều kỹ năng để gánh vác những công việc trọng yếu của bộ phận kế toán, liên quan đến tài chính của toàn bộ doanh nghiệp. Công việc sẽ có khá nhiều áp lực nhưng nhìn chung, khi là một kế toán trưởng sẽ mang lại cho bạn nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn, nhiều trải nghiệm và quan trọng là một mức thu nhập hấp dẫn, niềm mơ ước của nhiều kế toán viên.
Hy vọng với bài viết trên, 123job đã mang đến cho bạn cái nhìn tổng quát nhất về công việc của một kế toán trưởng, những lưu ý mà người làm kế toán trưởng phải nắm rõ và cung cấp các địa chỉ học kế toán trưởng cấp chứng chỉ uy tín nhất để bạn bắt đầu con đường chinh phục vị trí việc làm kế toán trưởng của mình. Chúc bạn thành công!
Xem thêm:
Kế toán tổng hợp là gì? Phân tích quy trình kế toán tổng hợp trong doanh nghiệp