Bạn đam mê nấu ăn nhưng không biết học ở đâu? Bạn đang băn khoăn học nghề đầu bếp có tương lai không? Cùng 123job theo dõi bài viết dưới đây để có thể giúp bạn hiểu thêm nghề đầu bếp và tiếp thêm cho bạn chút động lực về con đường mình sẽ chọn.
I. Nghề đầu bếp là làm gì?
Với nhu cầu về ẩm thực của con người ngày càng tăng cao thì nghề đầu bếp ở Việt Nam đang là một trong những nghề được đánh giá cao và đầy tiềm năng. Người đầu bếp là những người thầm lặng bên cạnh căn bếp rực lửa hồng, với những con dao sắc bén, những nguyên liệu từ trong cuộc sống… phải hoàn thành rất nhiều khâu để có thể sáng tạo ra những món ăn ngon và hấp dẫn gửi tới mọi người.
- Công việc đầu tiên và bắt đầu để tạo ra những món ăn ngon chính là lựa chọn ra những nguyên liệu, những nguyên liệu này phải đảm bảo vệ sinh, đang còn tươi sống…Nguyên liệu ngon đóng góp lên đến 90% sức hấp dẫn cho món ăn. Đồng thời bên cạnh đó cũng phải đảm bảo vệ sinh cho khu bếp, các dụng cụ làm bếp được sạch sẽ và ngăn nắp.
- Tiếp theo đến các công đoạn sơ chế và bắt đầu tiến hành nấu thức ăn theo những công thức có sẵn.
- Để truyền tải được linh hồn cho món ăn, người đầu bếp sẽ không quên trang trí thật đẹp, một phần khác bàn ăn bắt mắt sẽ giúp thực khách cảm thấy ngon miệng hơn.
- Và cuối cùng là mang đồ ăn đến cho những vị khách của mình.
Thông thường ở các nhà hàng lớn hoặc những khách sạn sang trọng thì mỗi một đầu bếp sẽ đảm nhận những món ăn khác nhau, ví dụ như sẽ có người chuyên về bánh ngọt, có người sẽ đảm nhận các món truyền thống…. Tạo nên những hương vị đặc biệt, phong phú cho menu của nhà hàng.
Nghề đầu bếp mở ra nhiều cơ hội cho giới trẻ.
II. Giờ làm việc của đầu bếp.
Khác với nhân viên văn phòng, công nhân….. giờ làm việc của đầu bếp linh hoạt và cũng đầy áp lực. Họ thường làm việc theo ca, cả ngày,thậm chí làm việc trong các ngày lễ, cuối tuần .. tùy theo nhu cầu của khách hàng.
Một người đầu bếp giỏi sẽ có cơ hội làm việc ở các nhà hàng lớn, các quốc gia khác nhau.
III. Các vị trí công việc của nghề đầu bếp.
Nghề đầu bếpđang là một nghề có tương lai, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho giới trẻ. Nghề bếp đang có 8 vị trí công việc khác nhau từ thấp đến cao, cho bạn có nhiều sự lựa chọn hơn, cũng như có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Các vị trí công việc như: thực tập sinh => Phụ bếp => Trợ lí bếp => Trưởng nhóm=> Đầu bếp=> Bếp phó => Bếp trưởng=>Bếp trưởng điều hành.
1. Thực tập sinh- Apprentice
Sau khi hoàn thành các khóa học nghề đầu bếp thì bạn có thể đi xin việc ở những nhà hàng, khách sạn ở vị trí là thực tập sinh bếp.
Nhiệm vụ của thực tập sinh bếp là học thêm các kỹ năng về nghề, làm những công việc được người quản lý giao như: chuẩn bị nguyên liệu, dọn dẹp nhà bếp, các dụng cụ nấu ăn….
2. Phụ Bếp – Commis
Trong lộ trình của nghề đầu bếp, phụ bếp là bước đi đầu tiên mà mỗi người phải trải qua. Ở công việc này đòi hỏi bạn phải cố gắng, nỗ lực quan sát để học hỏi ra những kinh nghiệm, những kỹ năng quan trọng. Nhiệm vụ của một người phụ bếp là chuẩn bị, sơ chế nguyên liệu; đảm bảo vệ sinh dụng cụ nấu ăn, phòng bếp,.. Công việc thường khá vất vả, họ thường đảm nhận những vị trí có khối lượng công việc nhiều nhất theo sự phân công của quản lý .
>>> Công việc phụ bếp nhà hàng và những kỹ năng cần thiết
3. Trợ Lý Bếp – Kitchen Assistant.
Trợ lý bếp là bước khởi đầu để bạn đi đến ước mơ trở thành một đầu bếp giỏi và một bếp trưởng nổi tiếng. Công việc của trợ lý bếp là chuẩn bị, kiểm tra nguyên liệu; đo lường các thành phần một cách chính xác, sơ chế nguyên liệu, nước sốt... ở vị trí này, sự cố gắng, tìm tòi, học hỏi sẽ là đáp án chính xác cho sự lựa chọn hướng đi của mình sau này là nấu ăn chuyên về những mảng nào.
Nghề đầu bếp vất vả nhưng cũng không ít niềm vui
4. Đầu Bếp – Chef
Công việc của một đầu bếp là lên thực đơn chính cho bữa ăn, chế biến và trang trí cho món ăn, đồng thời cũng quản lí phụ bếp, trợ lí hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
5. Trưởng Nhóm – Chef De Partie
Trưởng nhóm thường làm việc một mình, hoặc có thể có một vài trợ lí để hỗ trợ công việc. Trưởng nhóm thường đảm nhận một món ăn chính trong các gian bếp khác nhau: trưởng nhóm phụ trách nước sốt, trưởng nhóm phụ trách các món ăn về thịt bò… Trưởng nhóm phải là người có tinh thần trách nhiệm cao và luôn có sự đổi mới trong món ăn của mình.
6. Bếp Phó – Sous Chef
Bếp phó làm việc để hỗ trợ cho bếp trưởng, bếp phó sẽ là người lên thực đơn, đặt lên những kế hoạch, mua nguyên liệu và đảm bảo cho công việc không xảy ra sai sót.
7. Bếp Trưởng – Chef De Cuisine
Bếp trưởng là người chịu trách nhiệm về mọi việc trong gian bếp, từ sự chuẩn bị nguyên vật liệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đến tuyển dụng nhân sự, giải quyết những vấn đề phát sinh… Mức lương của một bếp trưởng cũng rất đáng mơ ước, từ 30-40 triệu chưa tính đến phụ cấp, doanh thu, …
8. Bếp Trưởng Điều Hành – Chef Executive
Bếp trưởng điều hành là vị trí cao nhất của nghề đầu bếp. Người bếp trưởng điều hành sẽ là người đưa ra các phương án tăng doanh thu hiệu quả nhất cho mỗi nhà hàng thông qua các thực đơn của mình. Mọi nhà hàng thu hút được nhiều thực khách đều nhờ vào những thực đơn đặc biệt, độc đáo của bếp trưởng điều hành.
IV. Mức lương của nghề đầu bếp
Mức lương của nghề đầu bếp thường có sự chênh lệch khá lớn giữa các vị trí, môi trường làm việc. Đối với các vị trí mới bắt đầu bước vào nghề như:
- Thực tập sinh, phụ bếp thì sẽ có mức lương từ 3-7 triệu/ tháng
- Bếp chính: 12-14 triệu/ tháng
- Trưởng nhóm: 15-17 triệu/tháng
- Bếp trưởng, bếp phó: 20-30 triệu/ tháng
- Bếp trưởng điều hành: trên 30 triệu/ tháng
Với mức lương cao và các chế độ tốt thì nghề đầu bếp đang là một trong những nghề được giới trẻ theo đuổi. Nếu nói lương của đầu bếp là một mức cố định, giống nhau thì thật không chính xác. Bởi mức lương tùy thuộc vào năng lực, trình độ của chính bạn. Ngoài ra với những món ăn độc đáo, cách tổ chức tinh tế thì người đầu bếp còn được thưởng thêm một mức lương nữa.
V. Học nghề đầu bếp ở đâu?
Học nghề đầu bếp ở đâu? Luôn là những câu hỏi thắc mắc của những ai mới bắt đầu xác định theo học nghề bếp. Hiện tại thì ở Việt Nam chưa có một trường đại học nào đào tạo chuyên sâu về nghề đầu bếp, vì vậy bạn sẽ không cần chọn khối thi mà điều quan trọng chỉ cần niềm đam mê và sự nhiệt huyết. Bạn có thể học nghề đầu bếp từ các trường cao đẳng, trung cấp nấu ăn hoặc có thể học từ các nhà hàng, khách sạn, trung tâm dạy nấu ăn với khoảng thời gian từ 3-6 tháng với mức học phí 8-18 triệu đồng cho một khóa đầu bếp chuyên nghiệp. Dưới đây là một số các trung tâm, trường cao đẳng dạy nấu ăn uy tín và chất lượng:
- Trung tâm dạy nấu ăn Quả Táo Vàng
- Trường Hướng nghiệp Á Âu
- Trung tâm dạy nấu ăn Ezcooking
- Học viện ẩm thực Hà Nội
- Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội
- Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội
- Trung tâm dạy nghề nấu ăn Bách Khoa
VI. Yêu cầu của nghề đầu bếp cần phải nhớ
1. Kiến thức chuyên môn
Kiến thức chuyên môn là yêu cầu quan trọng nhất của một người đầu bếp. Để trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp, bạn không chỉ cần có kỹ năng nấu nướng, chuẩn bị nguyên liệu.. mà cần phải có những kiến thức về điều hành, quản lí, tính toán... Tất cả những kiến thức ấy sẽ bổ trợ rất nhiều đến vị trí công việc sau này
2. Tinh thần ham học hỏi, tìm hiểu.
Nghề đầu bếp luôn phải biết trau dồi kiến thức, học thêm các kỹ năng thông qua sách báo, internet, qua đồng nghiệp.. để có thể sáng tạo ra được những món ăn mang hương vị đặc trưng của riêng mình.
3. Sự sáng tạo
Một món ăn không thể mãi in đậm được vào lòng của những thực khách khó tính nếu bạn không có sự sáng tạo, cải tiến cho món ăn của mình. Chính vì vậy mà mỗi một người đầu bếp luôn luôn đi tìm những sự sáng tạo mới cho món ăn. Ví dụ như món bánh mì sẽ thật nhàm chán khi chỉ được tạo ra từ bột mì và men nở. Thay vào đó, những người đầu bếp sẽ sáng tạo ra bánh mì sữa, bánh mì thịt bò.. để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Sự sáng tạo là điều không thể thiếu đối với nghề đầu bếp.
4. Kỹ năng quản lý và tổ chức.
Để đứng đầu của một tổ chức, và giúp các nhân viên của mình hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ thì một người đầu bếp phải có kỹ năng quản lý và tổ chức tốt. Với áp lực cao từ nghề đầu bếp thì lại càng cần hơn các kỹ năng quản lý chuỗi thời gian và cách tổ chức công việc hợp lý của bạn để có thể tiết kiệm được thời gian, làm những công việc đang thực sự cần thiết và gấp rút trước mắt.
5. Kỹ năng lập kế hoạch
Một kế hoạch được lập ra hợp lý, chu đáo sẽ giúp cho mọi công việc diễn ra nhanh chóng hơn. Người đầu bếp sẽ không phải mất công nghĩ việc sẽ làm việc gì tiếp theo và sau đó sẽ làm gì.Đồng thời lập ra được những kế hoạch sẽ giúp đầu bếp có thể ứng phó tốt đến những tình huống phát sinh, góp phần làm cho tiến độ của công việc sẽ hoàn thành tốt.
6. Kỹ năng quản lý tài chính
Bạn sẽ không thể biết được rằng tháng này mình đạt được lợi nhuận bao nhiêu, mua những nguyên liệu nào là phù hợp với kinh tế bây giờ nếu như không có kĩ năng quản lý tài chính tốt. Đây là một điều vô cùng cần thiết với nghề đầu bếp, vừa có thể tiết kiệm được những chi phí, vừa có thể đạt được nhiều lợi nhuận hơn.
7. Kỹ năng làm việc tập thể, giao tiếp
Mọi công việc thành công đều nhờ sự đóng góp của một tập thể. Và trong ngành đầu bếp cũng vậy. Kỹ năng làm việc tập thể, giao tiếp giúp cho họ có thể mua được những sản phẩm ngon, đạt chất lượng; đưa ra các menu, món ăn phù hợp với khách hàng.
8. Yêu cầu khác
Ngoài những yêu cầu đặc thù của nghề đầu bếp, thì một số những yêu cầu dưới đây cũng không thể bỏ qua được:
- Sức khỏe tốt, làm việc được dưới áp lực cao.
- Sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận và khéo léo.
- Có gu thẩm mỹ tốt và sự nhanh nhạy với mùi vị.
- Tinh thần yêu nghề và ý thức về nghề nghiệp cao độ.
VII. Kết luận
Với bài viết trên đây hi vọng bạn sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về nghề đầu bếp, đồng thời biết được các cơ hội cho tương lai sau này. Chúc bạn thành công!