Với sự phát triển mạnh mẽ của nhà hàng, khách sạn kéo theo cơ hội nghề nghiệp của nhân viên phục vụ nhà hàng. Vậy nghề nghiệp đó có những yêu cầu riêng gì? Các bạn hãy cùng 123Job tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
I. Nhân viên phục vụ nhà hàng là ai?
Nhân viên phục vụ nhà hàng là người trực tiếp phục vụ và thường xuyên tiếp xúc với thực khách trong việc bán sản phẩm và dịch vụ tại nhà hàng. Nhân viên phục vụ cần phải có tác phong chuyên nghiệp trong công việc, có hành vi chuẩn mực và tạo được cảm tình với khách hàng.
II. Bản mô tả công việc nhân viên phục vụ nhà hàng khách sạn
Bản mô tả công việc của nhân viên phục vụ nhà hàng là gì? Để đảm bảo tốt vai trò của mình, nhân viên phục vụ cần làm những gì? Những câu hỏi đó sẽ được giải đáp qua mô tả công việc của nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn dưới đây:
1. Chuẩn bị trước khi khách đến
- Nhân viên phục vụ nhà hàng có trách nhiệm chuẩn bị khu vực làm việc cho các hoạt động của nhà hàng.
- Set up bàn ăn theo tiêu chuẩn đề ra của nhà hàng.
- Chuẩn bị các công việc hậu cần cho bữa ăn như: Chuẩn bị các loại nước sốt, nước chấm, gia vị phục vụ cho các món ăn, dọn dẹp và lau chùi các lọ đựng gia vị, di chuyển những vật đó đến những nơi quy định của nhà hàng, chuẩn bị các công cụ dụng cụ cần thiết để thực khách sử dụng.
2. Thực hiện quy trình phục vụ
Nhân viên phục vụ nhà hàng đón tiếp khách từ Lễ tân.
Tiến hành ghi order, giới thiệu, tư vấn đồ ăn thức uống, phục vụ đồ ăn thức uống đã được khách hàng order.
Trong quy trình phục vụ nhà hàng phải đảm bảo có mặt và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng suốt bữa ăn.
Vận chuyển thức ăn từ khu vực bếp đến khu vực phục vụ theo quy định:
- Kiểm tra xem món ăn được đưa ra có đúng quy chuẩn hay không trước khi đem ra cho thực khách.
- Đảm bảo các món ăn được phục vụ theo đúng yêu cầu order của nhân viên phục vụ.
- Vận chuyển thức ăn cẩn thận, tránh tình trạng rơi vỡ…
Thực hiện quá trình thanh toán.
Chào khách, dọn dẹp, vệ sinh khu vực mà mình phụ trách.
3. Kiểm soát và bảo quản các dụng cụ làm việc
- Trong ca làm việc của mình, nhân viên phục vụ nhà hàng phải chắc chắn rằng khu vực mình phụ trách luôn đầy đủ các dụng cụ ăn uống để sẵn sàng phục vụ thực khách như chén, đĩa, thìa, đũa, ly…
- Đảm bảo các dụng cụ của nhà hàng như bàn, ghế, dụng cụ liên quan khác luôn trong tình trạng ổn định. Khi có bất kỳ sự cố hoặc dấu hiệu bất thường như vỡ, sứt mẻ, hỏng hóc thì cần báo ngay cho cấp trên để kịp thời giải quyết.
4. Phối hợp bộ phận khác và làm theo yêu cầu khác của cấp trên
- Hỗ trợ các nhân viên phục vụ ở các khu vực khác để hoàn thành công việc tốt đẹp khi nhà hàng có lượng khách đông.
- Nhân viên phục vụ nhà hàng có trách nhiệm hỗ trợ các nhân viên phục vụ ở các khu vực khác như thu ngân, kế toán, lễ tân, khu vực bếp… nhằm cung ứng các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
- Thực hiện các công việc khác theo chỉ thị từ cấp trên.
III. Tiêu chuẩn phục vụ bàn tại nhà hàng, khách sạn như thế nào?
Kỹ năng cần có của nhân viên phục vụ nhà hàng
Tiêu chuẩn trong cách phục vụ nhà hàng yêu cầu rất nhiều kỹ năng như sau:
- Nhân viên cần có nghiệp vụ phục vụ, kỹ năng giao tiếp tốt để tạo cảm giác thân thiện, chăm sóc khách hàng tốt nhất.
- Tác phong làm việc chuyên nghiệp, thái độ nhiệt tình trong công việc.
- Nhân viên phục vụ nhà hàng quan trọng nhất là chịu được áp lực cao vì nhà hàng là nơi làm việc rất vất vả nhưng bạn vẫn luôn phải mỉm cười trước khách hàng.
- Biết sắp xếp và hoạch định công việc tốt, chăm chỉ và có trách nhiệm, phối hợp tốt với các bộ phận khác.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc, nhân viên phục vụ nhà hàng còn phải đảm bảo một số nguyên tắc sau:
- Chủ động sắp xếp chỗ ngồi cho thực khách, giới thiệu thực đơn và cần phải ghi chú rõ ràng.
- Phục vụ thức uống trước cho khách trong khi chờ món ăn, ưu tiên phục vụ trẻ em và người già.
- Phục vụ đúng thời điểm, không làm phiền khách hàng. Không chủ động dọn bàn khi khách chưa rời khỏi bàn hoặc chưa có yêu cầu từ khách hàng.
- Không được có những bình luận về thực khách với bất kỳ ai.
- Nhân viên phục vụ còn có trách nhiệm giải đáp thắc mắc cho khách. Nếu có vấn đề phát sinh nằm ngoài khả năng thì hãy xin hỗ trợ từ cấp trên.
- Nhanh nhẹn nhưng vẫn phải giữ được tác phong chuyên nghiệp.
IV. Những điều nhân viên nhà hàng nên và không nên làm
1. Những điều nhân viên phục vụ nhà hàng nên làm
- Tuân thủ quy định về đồng phục trong giờ làm việc: Đảm bảo vẻ ngoài luôn sạch sẽ tươm tất nhằm khẳng định sự chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ tốt nhất tại nhà hàng.
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ tuyệt đối: Vấn đề vệ sinh luôn được thực khách đặt lên hàng đầu vì sức khỏe của họ. Nhân viên phục vụ nhà hàng luôn phải chú ý đến vấn đề này, đặc biệt là vệ sinh móng tay: Móng tay phải được cắt ngắn, không được sơn, móng không được bám bẩn, không có mùi khó chịu….
- Có thái độ cư xử văn minh, đúng mực với khách hàng: Việc này được nhìn nhận thông qua việc nói năng nhẹ nhàng, cử chỉ linh hoạt, thái độ lịch sự, thân thiện và lễ độ với khách hàng của từng nhân viên.
- Chủ động giao tiếp với khách hàng: Để nắm bắt được thông tin, đánh giá tâm lý của khách để từ đó đưa ra những tư vấn, hướng dẫn phục vụ phù hợp với sở thích, nhu cầu và khả năng chi trả của họ thay vì chờ đợi phản hồi từ khách hàng.
- Hiểu và nắm rõ những kiến thức liên quan đến công việc phục vụ nhà hàng như thực đơn, dịch vụ nhà hàng, chương trình khuyến mãi… để đảm bảo cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ và kịp thời nhất đến khách hàng.
- Hiểu và nắm rõ quy trình phục vụ nhà hàng chuẩn theo quy định.
- Biết kiềm chế cảm xúc cá nhân: Nhân viên phục vụ tuyệt đối không được để tình cảm riêng tư ảnh hưởng đến chất lượng công việc (ngay cả khi bạn đang gặp chuyện không vui).
- Hạn chế tối đa sự va chạm hay đổ vỡ các đồ vật phục vụ như dao, đĩa, bát, chén…trong khi chuẩn bị, trong lúc phục vụ và cả khi phải thu dọn bàn ăn, tránh trường hợp gây ra những tiếng động lớn.
- Phục vụ nhanh, chính xác: Từng món ăn phải được phục vụ chuẩn xác đến các bàn tương ứng, hạn chế tối đa tình trạng nhầm lẫn, sai món hay không đáp ứng được những yêu cầu và lưu ý đặc biệt từ khách hàng.
- Tôn trọng khách hàng, cấp trên, thân thiện với đồng nghiệp: Nhân viên phục vụ sẵn sàng phối hợp với bộ phận khác trong khi phục vụ khách hàng theo sự chỉ đạo và phân công từ quản lý.
2. Những điều nhân viên phục vụ nhà hàng không nên làm
Điều nên tránh khi làm nhân viên phục vụ nhà hàng
- Ngồi chung bàn với khách khi chưa được sự đồng ý của khách và quản lý nhà hàng.
- Nhân viên phục vụ nhà hàng không được có hành vi khiếm nhã với khách như chỉ trỏ, gây gổ, đánh nhau với khách, xúc phạm khách…
- Không tuân thủ nội quy nhà hàng về trang phục và đồng phục: Ăn mặc lố lăng, rườm rà, trang điểm đậm, cầu kỳ, tóc rối xù, mang giày cao gót hay dép lê, đeo trang sức có giá trị…
- Làm việc riêng trong ca làm việc như buôn chuyện, sử dụng điện thoại gây không tập trung trong lúc làm việc.
- Không được tự tiện ăn uống, nhai kẹo cao su hay cắn hạt dưa, hút thuốc khi đang phục vụ khách.
- Trong kinh nghiệm làm phục vụ nhà hàng thì điều nhất định phải tránh đó là có hành vi bất lịch sự tại nơi làm việc như khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, gãi đầu, ngoáy tai, ngoáy mũi, ngáp ngủ…
- Không nên đi làm muộn quá nhiều lần, tự tiện nghỉ làm mà không xin phép hay không có lý do chính đáng.
- Tự ý bỏ vị trí được phân công khi chưa có sự cho phép của giám sát hoặc quản lý nhà hàng.
- Không được tự ý dùng điện thoại của nhà hàng để dùng vào việc riêng, không phục vụ cho việc công trong giờ làm việc.
- Nhân viên phục vụ nhà hàng tuyệt đối không được sử dụng những từ ngữ không lành mạnh, ngôn từ thiếu lịch sự trong giao tiếp với khách hàng, cấp trên và đồng nghiệp.
- Không được phân biệt đối xử giữa các khách, không được coi thường khách hàng, tỏ thái độ không thân thiện với những khách hàng có vẻ ngoài không sang trọng hay họ boa ít, không được đếm tiền boa trước mặt khách…
- Phục vụ thiếu chuyên nghiệp, phục vụ chậm, nhầm bàn, sai món ăn, làm đổ thức ăn lên người khách là những đối tối kỵ khi phục vụ.
V. Những yêu cầu trở thành nhân viên phục vụ nhà hàng chuyên nghiệp
Nhân viên phục vụ nhà hàng được xem là “bộ mặt” cho nhà hàng nên họ đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì vậy mà yêu cầu đối với nhân viên phục vụ nhà hàng cũng rất khắt khe. Mọi người hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Yêu cầu về sức khỏe và vệ sinh
- Phải có sức khỏe tốt, đủ sức để hoàn thành được lượng công việc với điều kiện phải đi đứng, bưng bê nhiều giờ đồng hồ.
- Khi phục vụ phải luôn đi thẳng, dáng thẳng, không có tật.
- Thường xuyên chú ý đến việc vệ sinh thân thể sạch sẽ, tác phong gọn gàng, chuyên nghiệp, không uống rượu, bia, hút thuốc trong ca làm việc. Hạn chế ăn hành, tỏi để gây ra mùi khó chịu…
2. Yêu cầu về tư cách đạo đức
- Khi tuyển phục vụ nhà hàng thì nhà quản lý, bếp trưởng luôn muốn tuyển nhân viên có tư cách đạo đức tốt, trung thực, vui vẻ, hòa đồng với mọi người xung quanh, đáng tin cậy, không tham lam, có lòng tự trọng…. hợp tác hỗ trợ nhân viên khác trong bộ phận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
- Phải là người siêng năng, nhanh nhẹn, đúng giờ, có chí cầu tiến, có ý thức bảo quản tốt các trang thiết bị, dụng cụ của nhà hàng.
- Giữ thái độ với khách hàng tôn trọng, vui vẻ, ân cần và chu đáo. Đối với cấp trên phải tôn trọng, lịch sự, chấp hành mệnh lệnh và sự phân công công việc. Đối với đồng nghiệp phải có sự tương tác, tương trợ, vui vẻ trong công việc. Đối với nghề phục vụ nhà hàng cần yêu nghề, tự hào, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức, tay nghề. Đặc biệt, phải luôn để cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sáng suốt, có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
3. Yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ
- Nhân viên phục vụ nhà hàng phải qua đào tạo, có kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ liên quan, am hiểu các phương thức và quy trình phục vụ ăn uống.
- Phải có kiến thức về món ăn, đồ uống có trong thực đơn của nhà hàng và giá cả của chúng.
- Phải thành thạo các kỹ năng như bưng bê, gắp, rót, sắp xếp, trang trí bàn ăn, phòng ăn, nhà hàng.
- Biết đọc thực đơn để đặt bàn chuẩn bị dụng cụ ăn uống cho khách, chuẩn bị dụng cụ phục vụ cho mình.
- Phục vụ nhà hàng cần ân cần, chu đáo, lịch sự với khách, biết quan sát để nắm được ý muốn của khách nhằm phục vụ kịp thời, nhanh chóng.
- Trong lúc phục vụ phải ăn nói nhẹ nhàng, lịch sự, diễn đạt dễ hiểu và phải biết ít nhất một ngoại ngữ như tiếng Anh phục vụ nhà hàng, tiếng Trung, Hàn, Nhật cho các nhà hàng chuyên về đồ ăn của nước đó.
4. Yêu cầu về Trang phục
- Màu sắc và phong cách: Từng nhà hàng sẽ có trang phục riêng thể hiện được đặc trưng của nhà hàng đó. Các nhà hàng cao cấp thường sử dụng hai tông màu chủ đạo là đen và trắng, còn các nhà hàng có dịch vụ phục vụ gia đình hay những nhà hàng truyền thống mang phong cách đặc trưng của từng quốc gia thì màu sắc thường phong phú hơn. Nhưng nhìn chung, đồng phục của nhân viên phục vụ nhà hàng cần mang đến phong cách sang trọng, phù hợp với không gian của nhà hàng, khách sạn.
- Kích thước và vấn đề vệ sinh: Nhân viên phục vụ phải mặc đồng phục may đo vừa vặn với cơ thể để đi lại thuận tiện, thoải mái vì tính chất của công việc phục vụ nhà hàng cần hoạt động rất nhiều. Đồng phục cũng luôn phải được giặt là sạch sẽ, tránh các vết bẩn, vết loang lổ gây mất thiện cảm với khách hàng.
- Giày dép: Giày dép của nhân viên phục vụ nhà hàng chú trọng nhất là sự thoải mái và có tính thẩm mỹ cao. Bạn nên chọn những đôi giày vừa vặn với chân, được làm bằng chất liệu thoáng khí, chất liệu da là một sự lựa chọn tốt cho cả 2 điều kiện thoáng mát và sang trọng mà bạn có thể tham khảo.
Tiêu chuẩn trở thành nhân viên phục vụ nhà hàng
VI. Mức lương và lộ trình thăng tiến nhân viên Phục vụ
1. Mức lương
- Lương cứng: Mức lương cơ bản của nhân viên phục vụ nhà hàng dao động trong khoảng từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Mức lương này được tính theo công thức Lương cơ bản/Ngày công chuẩn của tháng (thường là 24 đến 26 ngày) x Số ngày làm việc thực tế. Mức lương cơ bản của nhân viên phục vụ nhà hàng có sự chênh lệch giữa nhân viên lâu năm và nhân viên mới làm việc, chắc chắn rằng nhân viên có kinh nghiệm làm việc sẽ có mức lương cơ bản cao hơn. Bên cạnh đó, yếu tố địa điểm làm việc cũng ảnh hưởng một phần, bạn sẽ có mức lương cơ bản cao hơn khi làm việc tại các thành phố lớn, các khu du lịch...
- Thưởng doanh số: Vào những tháng cao điểm khi lượng khách hàng ăn uống rất đông, doanh thu của nhà hàng được đẩy mạnh thì cuối tháng đó, nhà hàng sẽ trích phần trăm doanh thu ra để thưởng cho nhân viên. Với nhiều nhà hàng cao cấp có doanh thu cao thì thưởng doanh số có khi sẽ bằng với mức lương cơ bản.
- Tiền tip: Tiền tip ở đây chính là tiền thưởng của khách hàng cho nhân viên phục vụ nhà hàng. Khi khách hàng cảm thấy hài lòng với sự phục vụ của nhân viên thì họ sẽ thưởng một khoản tiền cho cá nhân hoặc gộp vào rồi chia đều cho tất cả các nhân viên làm việc tại ca làm hôm đó.
Bên cạnh đó, nhân viên phục vụ nhà hàng còn được nhận thêm các khoản trợ cấp, phụ cấp nhất định theo quy định của nhà hàng. Như vậy, mức thu nhập cao nhất nhân viên phục vụ nhà hàng có thể nhận được lên đến 12 triệu - 14 triệu đồng/tháng. Từ nhân viên phục vụ, bạn cố gắng trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng và trình độ ngoại ngữ thì bạn sẽ tiến xa hơn và có mức lương cao hơn rất nhiều.
2. Lộ trình thăng tiến
Bạn muốn thăng tiến nhanh trong công việc? Nếu muốn vậy thì trước hết bạn phải nắm rõ được lộ trình thăng tiến của nhân viên phục vụ nhà hàng là gì để có thể xác định được mục tiêu rõ ràng.
Lộ trình thăng tiến nhân viên phục vụ nhà hàng
Phấn đấu lên một vị trí mới cao hơn là mơ ước của bất kỳ ai khi đi làm, với công việc này, bạn có thể đi từng bước lên trưởng ca, giám sát, quản lý nhà hàng…. hay Giám đốc F&B là cái đích mà nhân viên phục vụ nhà hàng nào cũng muốn hướng đến. Hãy cố gắng hết mình thì nhất định bạn sẽ thành công.
Để lộ trình thăng tiến của bạn được nhanh hơn, chúng tôi sẽ mách bạn một số việc cần làm sau đây:
- Hãy tiếp cận công việc thực tế sớm nhất có thể để tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng thực tế.
- Làm việc cho một khách sạn, nhà hàng nổi tiếng chuẩn quốc tế.
- Trau dồi khả năng ngoại ngữ, rèn luyện các kỹ năng mềm.
- Học hỏi các kỹ năng nghiệp vụ và tích lũy kinh nghiệm.
- Nhân viên phục vụ nhà hàng đặc biệt phải luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận một vị trí mới, thử thách mới để làm mới và nâng cao bản thân.
VII. Kết luận
Với những thông tin mà chúng tôi chia sẻ với các bạn ở bài viết, hy vọng đã phần nào giúp các bạn định hình rõ nhất về nghề phục vụ nhà hàng chuyên nghiệp. Đây sẽ là nghề nghiệp có rất nhiều cơ hội phát triển trong tương lai nhưng cũng cần kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng cao. Các bạn trẻ mới vào nghề thì hãy tự hoàn thiện mình để đáp ứng thật tốt được yêu cầu của công việc nhé!