Với người học thiết kế đồ họa, kỹ năng nào là quan trọng nhất? Nhu cầu công việc và công ty nào đáng được bạn mơ ước đến khi học thiết kế đồ họa? Tất cả những câu hỏi đó sẽ được chúng tôi giải đáp trong phần 2 này nhé! Hãy bắt đầu khám phá nào.

VII. Các kỹ năng mềm khác cần có

Dù bạn có gu thẩm mỹ tốt, khả năng sử dụng tốt các công cụ, ý tưởng sáng tạo dồi dào mà lại không có kỹ năng làm việc cơ bản thì bạn vẫn khó lòng đem lại được giá trị cho doanh nghiệp. 

Ngày nay, các nhà tuyển dụng thường nhìn vào thái độ làm việc để đánh giá bạn chứ không phải vào bằng cấp hay bất cứ thứ gì khác, nên kỹ năng mềm là điều vô cùng quan trọng. Những nhà thiết kế đồ họa thành công là những người sở hữu được các kỹ năng mềm dưới đây:

1. Xây dựng, định hình phong cách

Nếu bạn muốn theo đuổi ngành thiết kế đồ họa và muốn được công nhận trong lĩnh vực này thì việc đầu tiên bạn cần làm là xây dựng và định hình được phong cách của mình. Đây cũng là điểm mấu chốt để người khác có thể nhận ra một sản phẩm mà bạn thiết kế ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Phong cách cũng được ví như chữ ký của một designer, nó có thể đi xuyên suốt trong các tác phẩm của bạn. Cho dù bạn có thay đổi một số chi tiết trong thiết kế để tạo ra sự mới lạ thì mọi người vẫn sẽ biết được đó là tác phẩm do bạn thiết kế và phong cách của bạn cũng không thể mất đi.

Xây dựng định hình phong cách

2. Sử dụng hiệu quả font và bốc cục chữ

Thiết kế đồ họa là ngành nghề sử dụng hình ảnh để truyền đạt thông tin, thế nên trong những tác phẩm thiết kế đồ họa cũng cần phải sử dụng chữ để mô tả những nội dung mà hình ảnh không thể diễn tả được. 

Khi tạo ra thông điệp bằng hình ảnh, thông thường người thiết kế đồ họa rất hạn chế viết chữ, tuy nhiên khi đã sử dụng typography thì luôn phải đắt giá và đẹp mắt nhất. Để có thể đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, bạn cần hiểu được cách sử dụng font chữ.

Với thiết kế nào thì nên sử dụng font chữ nào thì trong quá trình học hỏi bạn sẽ nắm rõ được, tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng để thiết được thành công thì cần chọn font chữ phù hợp với ngữ cảnh và toàn bộ bố cục thiết kế.

Font chữ và bố cục

3. Luôn học hỏi sáng tạo

Không phải ngẫu nhiên mà ở thời đại công nghệ 4.0 thiết kế đồ họa trở nên thịnh hành, làm thiết kế là làm sáng tạo. Hiện nay, bên cạnh sự phát triển của công nghệ, con người càng có lý do trở nên lười biếng, nhất là trong việc đọc và tìm hiểu thông tin. Họ luôn tìm một số cách để vừa có được đủ thông tin mà vừa tiết kiệm được thời gian, và thiết kế đồ họa đã đáp ứng rất tốt nhu cầu của đại bộ phận công chúng.

Để kích thích sự tò mò của người xem, bạn cần có sự sáng tạo và tinh thần học hỏi tốt để có thể sáng tạo ra những tác phẩm phù hợp với thời đại và nhu cầu của công chúng. Nếu như bạn có sự sáng tạo, thông điệp sẽ được công chúng ghi nhận một cách nhanh chóng, họ sẽ nhớ rất lâu và truyền đạt lại cho nhiều người khác.

Luôn học hỏi và sáng tạo

4. Hiểu biết về thiết kế, in ấn

Một điểm bạn cần lưu ý để quá trình làm việc của mình trở nên suôn sẻ và không mắc quá nhiều lỗi trong suốt các khâu từ bắt đầu đến khi cho ra đời một sản phẩm đó là sự hiểu biết về in ấn. Bạn cần am hiểu về quy trình in trong đó có những yếu tố cần thiết như màu sắc, bố cục, hiệu ứng….trong đó, màu sắc là thứ bạn cần lưu ý nhiều nhất trong sản phẩm in ấn.

Hiểu biết về in ấn

5. Kỹ năng phác thảo

Kỹ năng phác thảo là một kỹ năng cần thiết trước khi bạn làm ra một sản phẩm thiết kế đồ họa, bạn phải định hình được sản phẩm cuối cùng như thế nào và trình bày với cấp trên hoặc khách hàng của bạn.

Kỹ năng phác thảo

Nếu như không phác thảo trước khi viết bạn sẽ rơi vào tình huống làm việc tự phát, thiếu sót công việc. Bên cạnh đó, kỹ năng phác thảo cũng sẽ giúp bạn ghi lại ngay được những ý tưởng trong trường hợp nó đến bất chợt. 

6. Một số kỹ năng khác

Ngoài những kỹ năng được nêu ở trên thì những người làm thiết kế đồ họa cần bổ sung thêm những kiến thức quan trọng khác như:

  • Kỹ năng khai thác thông tin trên internet
  • Kỹ năng làm việc với đối tác
  • Màu sắc, bố cục thiết kế
  • Nguyên lý thị giác
  • Các định dạng ảnh
  • Tìm hiểu và việt hóa font
  • Đọc nhiều trang mạng và tạp chí về thiết kế đồ họa
  • Kỹ năng làm việc nhóm
  • Kỹ năng giao tiếp
  • Kỹ năng quản lý thời gian

Tuy nhiên, để bạn có thể tham gia vào lĩnh vực thiết kế đồ họa, bạn cần phải có một lộ trình và một khối kiến thức vững chắc để làm nghề. Bạn có thể theo học một khóa học thiết kế đồ họa chuyên nghiệp sẽ giúp bạn nắm vững các kỹ năng trong thiết kế để bạn có thể hoàn toàn tự tin trở thành nhà thiết kế đồ họa chuyên nghiệp. 

VIII. Mức lương, nhu cầu của thị trường lao động và con đường sự nghiệp của ngành thiết kế đồ họa

1. Mức lương

Ngành thiết kế đồ họa có nhu cầu nhân lực rất lớn nên đã tạo ra cơ hội việc làm phong phú cho các cử nhân ngành thiết kế đồ họa. Với ngành này, mức lương khởi điểm từ 6-10 triệu/tháng và đối với người có kinh nghiệm từ một đến hai năm là 10-15 triệu/tháng. 

Tại Việt Nam, theo khảo sát của Việt designer lớn nhất Việt Nam, mức lương đối với người có kinh nghiệm từ bốn đến năm năm là 800$ - 2000$ (từ 18 đến 45 triệu đồng). Đây là mức thu nhập cao ngất ngưởng và đáng mơ ước của bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào. 

2. Nhu cầu thị trường

Theo thống kê của Trung tâm dự báo Nhân lực và Thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2017, nước ta cần 1.500.000 nhân lực cho ngành thiết kế đồ họa. Và con số này sẽ tăng lên nhanh hơn nữa trong các năm tiếp theo. Thế nhưng, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này chưa đáp ứng đủ nhu cầu trên. Các trường đại học, các trung tâm đào tạo cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nhân lực cho ngành nghề đắt giá này.

3. Con đường sự nghiệp trong tương lai

Học thiết kế đồ họa, bạn sẽ có nhiều cơ hội tìm được việc làm vì dù kinh tế có suy thoái thì các nhãn hàng vẫn phải chi một khoản ngân sách thuê người làm thiết kế đồ họa cho các sản phẩm của họ. Ngoài việc làm cho các công ty chuyên về truyền thông quảng cáo thì bạn có thể tự lập nhóm rồi mở công ty riêng để cung cấp dịch vụ thiết kế. Trong trường hợp bạn không muốn bị gò bó trong môi trường công sở, bạn có thể lựa chọn làm freelance.

Đối với sinh viên học thiết kế đồ họa, sinh viên ra trường có cơ hội làm việc tại các vị trí:

  • Chuyên viên thiết kế đồ họa 2D, 3D
  • Chuyên viên thiết kế quảng cáo, game
  • Chuyên viên thiết kế website
  • Chuyên viên xử lý phim, ảnh
  • Tư vấn thiết kế truyền thông
  • Phụ trách thiết kế tại các doanh nghiệp
  • Tư vấn, giảng dạy tạo các trường đại học, trung tâm

Những người làm thiết kế đồ họa lâu năm, có kinh nghiệm và chuyên môn cao thì họ có thể chuyển sang các công việc cao cấp hơn như: Giám đốc marketing, giám đốc sáng tạo, giám đốc nghệ thuật, chuyên gia thiết kế và phát triển web....

Đặc biệt, thiết kế đồ họa có cơ hội làm việc trong môi trường đa quốc gia rất cao, vì ở những quốc gia phát triển, thiết kế đồ họa luôn nằm trong top những ngành nghề được săn đón và trả lương cao nhất. Vì vậy mà con đường sự nghiệp tương lai của các bạn đang học và làm việc trong ngành thiết kế đồ họa là rất rộng mở. 

IX. Kinh nghiệm tự học thiết kế đồ họa cho người mới bắt đầu

kinh nghiệm cho thiết kế đồ họa

Kinh nghiệm tự học thiết kế đồ họa

1. Hãy bắt đầu từ Nguyên lý thị giác – nền tảng của đồ họa

Nguyên lý thị giác được dạy rất cụ thể, kỹ lưỡng tại các trường đại học, cao đẳng thông qua các môn học như hình họa, màu sắc, bố cục. Điều này được chứng minh bằng việc các bạn học qua trường lớp bài bản sẽ tạo ra được những sản phẩm chau chuốt hơn.

Có 10 yếu tố chi phối thị giác trong thiết kế, mỗi yếu tố sẽ có đặc tính riêng. Bạn sẽ tạo ra được các ý tưởng, truyền tải được các thông điệp nếu như bạn sử dụng và kết hợp các yếu tố sau đây một cách hợp lý:

  • Line: đường nét
  • Color: ánh sáng/màu sắc
  • Shape: mảng khối
  • Space: không gian
  • Texture: chất liệu
  • Typography
  • Size/scale: kích thước
  • Dominance and Emphasis: điểm nhấn
  • Balance: cân bằng
  • Harmony: nhịp điệu

2. Photoshop, Illustrator & Indesign

Nếu bạn không thể sử dụng thành thạo các phần mềm thì bạn sẽ không thể là một nhà thiết kế đồ họa chuyên nghiệp được. Đã là dân thiết kế, bạn nên sử dụng tốt ít nhất 1 trong 3 phần mềm sau:

  • Photoshop: Chỉnh sửa ảnh
  • Illustrator: Thiết kế sản phẩm in ấn trên nền tảng vector (logo, banner, brochure, flyer, name card….)
  • Indesign: Dàn trang sách báo tạp chí

3. Sáng tạo và Sao chép

Những thứ liên quan đến sáng tạo có vẻ như là một chủ đề rất hấp dẫn với mỗi người làm trong ngành thiết kế, đặc biệt là thiết kế đồ họa. Với mỗi người làm thiết kế, trong đầu họ phải luôn trả lời được 3 câu hỏi:

Sáng tạo là gì?
Sáng tạo để làm gì?
Làm thế nào để sáng tạo?

Khi giải quyết được 3 câu hỏi này, bạn đã vượt qua được một chặng đường dài để đến với thành công của thiết kế rồi. 
Đối với mỗi ngành nghề, sao chép bị coi là điều tối kỵ, đặc biệt là với thiết kế đồ họa nhưng thật ra sao chép không phải là điều xấu. Chỉ cần bạn sao chép trong sự sáng tạo, biết cách học hỏi, chắt lọc thì bạn sẽ có được những tác phẩm ấn tượng của riêng bạn. 

4. Các kỹ năng và kiến thức khác

Để trở thành một người thiết kế đồ họa chuyên nghiệp, bạn cần có thêm một số kỹ năng và kiến thức quan trọng khác.

  • Kỹ năng sử dụng google
  • Kỹ năng vẽ phác thảo
  • Tiếng anh cho designer
  • Kiến thức về marketing - thương hiệu
  • UX và UI
  • Kỹ năng làm việc với khách hàng
  • Tìm hiểu về Typography
  • Các định dạng ảnh
  • Tìm hiểu về font chữ tiếng việt - việt hóa font chữ
  • Các mấu chốt cần biết về màu sắc dành cho designer tự học
  • Theo dõi các tạp chí thiết kế để giữ lửa và tạo cảm hứng thiết kế
  • Các kiến thức xã hội khác

5. Công cụ để học tập và làm việc Thiết kế đồ họa

Đối với một designer thì cần thiết nhất vẫn là một cái máy tính tốt. Tuy nhiên, nếu như kinh tế của bạn chưa cho phép thì bạn vẫn có thể chọn một chiếc laptop đồ họa giá rẻ theo các tiêu chí riêng của thiết kế đồ họa. Còn nếu bạn có điều kiện thì bạn hãy xem các dòng Macbook - đây là dòng máy gây nghiện cho bao nhiêu người làm trong ngành thiết kế đồ họa

Ngoài máy tính ra, bảng vẽ Wacom cũng là một công cụ tuyệt vời, ngoài ra bạn cũng có thể xem bảng vẽ của hãng Hơn nữa, đó cũng là một hãng bảng vẽ rất tốt cho người làm thiết kế đồ họa.

X. 5 công ty thiết kế đồ họa hàng đầu thế giới với cơ hội việc làm phong phú 

Ngành thiết kế là lĩnh vực vô cùng cạnh tranh, do đó, việc xây dựng thương hiệu trong ngành này là công việc không hề dễ dàng. Vậy nên, bất kỳ một người thiết kế đồ họa nào cũng mong muốn được làm việc tại một trong các công ty thiết kế đồ họa hàng đầu thế giới này.

1. Pentagram

Pentagram

Những sản phẩm thiết kế đồ họa của Pentagram

Một trong những công ty lớn nhất và nổi tiếng nhất trong lĩnh vực thiết kế trên thế giới chính là Pentagram thuộc quyền sở hữu và điều hành bởi 19 cổ đông - tất cả đều là những chuyên gia trong ngành. Đội ngũ nhân sự là những người rất nổi tiếng như Alan Fletcher, Bob Gill, Paula Scher….

Trụ sở chính: London

Văn phòng đại diện: New York, San Francisco, Berlin và Austin

Khách hàng tiêu biểu: Citibank, 21st Century Fox, Harley Davidson, Alexander McQueen….

2. Landor

Landor

Sản phẩm thiết kế ấn tượng của Landor

Landor được biết đến là đơn vị tư vấn về thương hiệu hàng đầu thế giới. Trụ sở chính được đặt tại thành phố San Francisco với hơn 36 văn phòng đại diện trên 20 quốc gia. Đơn vị này sở hữu những đối tác khách hàng mà bất cứ công ty thiết kế đồ họa nào cũng phải ghen tị.

Trụ sở chính: San Francisco

Văn phòng đại diện: Bắc Kinh, Bangkok, Chicago, Dubai, Jakarta, Kuala Lumpur, London, Milan, Mumbai, New York, Paris, Seoul….

Khách hàng tiêu biểu: FedEx, P&G, Singapore Airlines, BMW, Land Rover, Rolex….

3. Meta Design

Metadesign

Thiết kế đồ họa nổi bật của Meta Design

Đây là một trong những đơn vị thiết kế dẫn đầu trên thế giới, Meta Design đã thực hiện thành công hàng ngàn các dự án về thương hiệu trong suốt hơn 20 năm qua. Từ việc tái phát sinh hệ thống thiết kế của Apple Mac OS cho tới kết hợp thực hiện bộ nhận diện của thương hiệu Adobe, sự ảnh hưởng của Meta Design là không hề nhỏ.

Trụ sở chính: San Francisco

Văn phòng đại diện: Zurich, Berlin, Beijing, Dusseldorf và Geneva

Khách hàng tiêu biểu: Adidas, Apple, Adobe, AOL, Barclays, Belkin, Bugatti, Coca Cola Comcast, aBay, Nike, MTV, Nokia, Samsung, Sony, Walmart….

4. The Chase

The Chase

Những sản phẩm thiết kế đồ họa sáng tạo

The Chase đạt giải thưởng số 1 về đơn vị thiết kế đồ họa sáng tạo quốc gia vào năm 2013 cùng hơn 250 giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế khác. The Chase là đơn vị được biết đến với những dự án thương hiệu mang tính đột phá.

Trụ sở chính: Manchester

Văn phòng đại diện: Preston và London

Khách hàng tiêu biểu: Alibaba, BCC, Disney, Fujitsu, Shell, Hewlett Packard….

5. Charlie Smith Design

Charlie Smith

Thiết kế đồ họa đầy tính sáng tạo của Charlie Smith

Charlie Smith Design được thành lập vào năm 2003 bởi một người cũ của Pentagram đó là Charlie Smith. Công ty đã gặt hái được nhiều thành công vang dội với đa dạng các gói dịch vụ từ thiết kế bao bì sản phẩm đến hệ thống truyền thông quảng cáo trên digital.

Trụ sở chính: London

Khách hàng tiêu biểu: John Lewis, V&A, Louis Vuitton, Yale, University of the Arts London….

XI. Top 10 phần mềm thiết kế đồ họa chuyên nghiệp nhất

Với những người chỉ muốn tìm hiểu căn bản về thiết kế đồ họa thì có thể sử dụng những phần mềm thiết kế đồ họa online được cung cấp miễn phí. Tuy nhiên, với những người thiết kế đồ họa chuyên nghiệp thì lại khác, họ cần phải thiết kế, chỉnh sửa hình ảnh, tạo các bản vẽ, video chuyên nghiệp thì đòi hỏi phải cần đến các phần mềm thiết kế chuyên nghiệp hơn.

1. Adobe Photoshop

Adobe Photoshop (thường được gọi là Photoshop, viết tắt là PS) là một trong những phần mềm thiết kế đồ họa chuyên nghiệp, được dân thiết kế đồ họa dùng nhiều nhất hiện nay. Photoshop với khả năng chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp mạnh mẽ như các bạn vẫn biết đến, nó có thể hô biến, chỉnh sửa mọi hình ảnh từ xấu sang đẹp lung linh và ngược lại. Ngoài ra, Photoshop còn được dùng trong công việc thiết kế website, vẽ texture cho các phần mềm đồ họa 3D.

adobe photoshop

2. Adobe Illustrator

Adobe Illustrator (thường gọi là Illustrator, viết tắt là AI) là phần mềm thiết kế dạng vector chuyên nghiệp nhất hiện nay. Đây là phần mềm chuyên vẽ để tạo ra các đối tượng sản phẩm mới chứ không phải để chỉnh sửa hình ảnh như Photoshop. Phần mềm này sử dụng các thuật toán, đối tượng hình học và dựa vào khả năng thiết kế, sáng tạo của người dùng để tạo ra các sản phẩm có chất lượng hình ảnh cao mà sẽ không bị vỡ khi phóng to.

AI được sử dụng nhiều trong thiết kế các banner, poster, các nhân vật hoạt hình, đối tượng 2D, cover, name card và một số logo đẹp và ấn tượng…. Tuy nhiên, AI chỉ mạnh trong thiết kế đồ họa 2D, cũng có hỗ trợ thiết kế 3D nhưng khả năng hỗ trợ bị hạn chế.

adobe illustrator

3. Adobe Indesign

Adobe Indesign (thường được gọi là Indesign, viết tắt là Id) là phần mềm dàn trang chuyên nghiệp của Adobe, được dùng để tạo ra các sản phẩm như tờ rơi, áp phích, tạp chí, báo, sách điện tử và các ấn phẩm kỹ thuật số khác. Đây là một trong những phần mềm thiết kế đồ họa mà bạn cần phải biết đến vì bạn có thể làm việc với Id như khi đang vẽ trên AI, bạn sẽ tạo ra được nhiều trang giống như word. 

adobe indesign

4. AutoCad

AutoCad là phần mềm được dùng để triển khai các bản vẽ kỹ thuật xây dựng trên mặt phẳng 2D hay bề mặt 3D. AutoCad cho phép người dùng thể hiện hình dạng, kích thước, đặc điểm cấu tạo của các đối tượng một cách dễ dàng và nhanh chóng. 

AutoCad là công cụ không thể thiếu trong lĩnh vực như kiến trúc, xây dựng, nội thất, cơ khí…. Phần mềm này còn được ứng dụng nhiều trong thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp, thiết kế thời trang hay công nghệ in ấn 3D.

AutoCad

5. Sketchup

Sketchup là phần mềm mô phỏng 3D, được thiết kế để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các kiến trúc sư, các kỹ sư, nhà làm game và nhiều ngành nghề liên quan khác nhau.

Phần mềm thiết kế đồ họa này nổi bật hơn một số phần mềm mô phỏng 3D khác vì:

  • Không cần phần cứng mạnh như các phần mềm mô hình hóa khác như 3D Max, FormZ, Maya
  • Các mặt, diện được định nghĩa đơn giản dựa trên một miền khép kín
  • Tạo khối đơn giản nhanh gọn bằng công cụ “kéo-đẩy”
  • Có thể kết hợp với các trình kết xuất ngoài (Renderer) để cho ra những hình ảnh tốt hơn
  • Công cụ chỉnh sửa khối và tạo khối theo đường sinh cho trước
  • Hệ thống giao diện với con trỏ đồ họa thông minh cho phép người sử dụng dựng hình vẽ 3 chiều trong không gian hai chiều của màn hình
  • Khả năng giao tiếp rộng rãi với các phần mềm mô hình khác
  • Khả năng cho phép mô phỏng, hiệu chỉnh góc chiếu của mặt trời vào tất cả các thời điểm trong năm cũng như bao quát các góc nhìn cho hiệu quả gần như tức thời
  • Bản vẽ được kết xuất ở tốc độ cao dựa trên tối giản hệ mô hình đa giác thấp, có phong cách trình bày độc đáo

Sketchup

6. Revit

Revit là phần mềm hỗ trợ mạnh mẽ các tính năng thiết kế chuyên dụng cho kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, nhà thầu…. Phần mềm này được nghiên cứu và phát triển bởi hãng Autodesk. Revit gồm 3 phần được dùng cho các lĩnh vực khác nhau: Revit Architechure dùng cho kiến trúc, Revit Structure dùng cho kết cấu và Revit MEP dùng cho lĩnh vực cơ điện.

Revit

7. Adobe Premiere Pro

Adobe Premiere Pro là phần mềm chỉnh sửa, biên tập video theo thời gian thực một cách chuyên nghiệp. Phần mềm này cho phép người dùng chỉnh sửa video có độ phân giải cao lên đến 10240*8192, hỗ trợ xuất video với nhiều định dạng khác nhau phù hợp với nhu cầu sử dụng và thiết bị khác nhau. Chính vì vậy mà phần mềm này đòi hỏi máy tính của bạn phải có cấu hình đủ mạnh với dung lượng RAM lớn, sử dụng ổ cứng có khả năng đọc ghi cao.

Adobe Premiere Pro có thể sử dụng một cách độc lập hoặc phân phối làm việc với các phần mềm thiết kế đồ họa khác như Photoshop, AI, After Effect….

adobe premiere pro

8. 3ds Max

3ds Max là phần mềm thiết kế đồ họa 3D, mô phỏng 3D chuyên nghiệp với nhiều công cụ và tính năng mạnh mẽ cho phép bạn tạo ra các đối tượng, vật thể 3D. Phần mềm này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như thiết kế nội thất, thiết kế ngoại thất. 3ds Max hỗ trợ nhiều mô hình có sẵn như ấm trà, hình nón, kim tự tháp, đây là những hình cơ sở để tạo ra các mô hình 3D khác nhau.

3ds max

9. CorelDraw

CorelDraw là một phần mềm giống như Illustrator, đây là phần mềm thiết kế đồ họa dạng vector, cho phép người dùng sử dụng các công cụ sẵn có để tạo thành các đối tượng khác nhau. CorelDraw được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực thiết kế cover, banner, áp phích và quảng cáo.

corel draw

10. GIMP

GIMP (GNU Image Manipulation Program) là phần mềm chỉnh sửa hình ảnh phát triển bởi GNU. Đây là phần mềm mã nguồn mở nên hoàn toàn miễn phí cho người dùng, phần mềm hỗ trợ trên cả Windows và Linux.

gimp

Ngành thiết kế đồ họa là một trong những ngành nghề hot và được ưa chuộng nhất hiện nay. Nếu bạn đang tìm cho mình một nguồn cảm hứng, một công việc lương cao ổn định thì hãy nắm bắt lấy cơ hội nghề nghiệp thiết kế đồ họa này. Hãy bắt đầu học từ những cái căn bản nhất kết hợp với tư duy sáng tạo, tìm tòi khám phá thì nhất định các bạn sẽ thành công.