Thực hành lòng biết ơn nghe có vẻ là một ý tưởng sến súa. Nhưng việc liên tục vun đắp lòng biết ơn mang lại vô vàn giá trị cho mỗi chúng ta. Những giá trị ấy bao gồm giải thoát tâm trí khỏi tiêu cực, nuôi dưỡng ý chí mạnh mẽ cùng mối quan hệ bền chặt.

Vậy lòng biết ơn là gì? Tại sao lòng biết ơn có ý nghĩa lớn lao đến vậy? Chúng ta có thể thực hành lòng biết ơn như thế nào? Hãy cùng theo dõi và tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết sau đây của 123job.vn. 

1. Lòng biết ơn là gì?

Lòng biết ơn là việc bạn trân trọng và thể hiện sự cảm kích của bản thân đối với những điều có ý nghĩa, có giá trị đã tới với cuộc sống của chính mình. Lòng biết ơn không chỉ giới hạn trong những điều lớn lao, hùng vĩ. Bởi ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất hàng ngày như buổi nói chuyện ngắn ngủi mà tích cực, một hành động ấm áp của người xa lạ, hay một cơn gió mát giữa trời hè oi ả…. đều là những điều bạn có thể biết ơn mỗi ngày. 

thực hành lòng biết ơn

2. Ý nghĩa từ việc thực hành lòng biết ơn

Lòng biết ơn đối với Marcus Tullius Cicero (một nhà triết gia, nhà hùng biện trứ danh thời La Mã cổ đại) không chỉ là đức tính vĩ đại nhất. Đối với ông, lòng biết ơn còn là khởi nguồn cho mọi đức tính tốt đẹp khác ở con người. 

Hay như cha ông ta luôn truyền dạy cho con cháu câu ca “Uống nước nhớ nguồn”, lời nhắc “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó đều là những lời dạy mỗi chúng ta cần có lòng biết ơn trong mình, biết ơn với những giá trị mình đang có, đang hưởng hiện nay.

Những dẫn chứng trên cho thấy xã hội Việt Nam hay thế giới luôn coi “lòng biết ơn” là nền tảng của mỗi con người và rộng hơn là nền tảng xã hội. Hơn hết, vượt ra những định nghĩa từ nếp sống loài người, khoa học, nghiên cứu và thực tiễn đã chứng minh “lòng biết ơn” là nhân tố dẫn dắt con người tới cuộc sống tích cực, hạnh phúc hơn. 

Đó cũng là lý do chúng ta đều nên thực hành lòng biết ơn mỗi ngày. Chi tiết hơn, thực hành lòng biết ơn mỗi ngày mang tới những ý nghĩa sau đây: 

Nâng cao sức khỏe tinh thần

Thay vì tập trung vào ý nghĩ tiêu cực, việc giữ cho tâm trí tập trung vào những giá trị, những điều ý nghĩa sẽ giúp giải phóng serotonin và dopamin (hợp chất giúp sản sinh cảm giác hạnh phúc). Việc biết ơn cũng làm giảm hormone gây căng thẳng. Về lâu dài, thường xuyên thực hành lòng biết ơn giúp bạn cải thiện sức khỏe tinh thần một cách rõ rệt, tâm trạng cởi mở hơn, bớt các triệu chứng lo âu, phiền muộn, căng thẳng. 

Sức khỏe thể chất 

Kiểm soát sự căng thẳng giúp bạn duy trì huyết áp ổn định và cải thiện sức khỏe tim mạch. Thực hành lòng biết ơn mỗi ngày thông qua lối sống (thường xuyên tập thể dục, ăn uống điều độ, thiền…) cũng giúp bạn duy trì lối sống lành mạnh, qua đó cải thiện sức khỏe thể chất. 

Nâng cao chất lượng các mối quan hệ 

Thực hành lòng biết ơn mỗi ngày qua việc chia sẻ, thể hiện sự trân trọng, lòng cảm kích của mình với mọi người xung quanh giúp bạn gần gũi với mọi người hơn. Trong đó đối phương cảm nhận được sự trân thành từ bạn. Họ cũng nhận ra những hành động, lời nói của mình dù nhỏ bé cũng mang lại ý nghĩa nhất định. Từ việc bạn thể hiện lòng biết ơn của mình, những phản ứng dây chuyền tích cực cứ thế tiếp diễn, tạo dựng nên những mối quan hệ chất lượng

Ngoài 3 khía cạnh chính trên, thực hành lòng biết ơn mỗi ngày còn giúp bạn cải thiện: Khả năng tập trung do không phải tốn thời gian vào những điều vô nghĩa, tiêu cực, bạn có thể tập trung hoàn toàn vào nhiệm vụ cần thiết cho công việc, cuộc sống; Sự tự tin, vì nhìn thế giới với lòng biết ơn có thể thay đổi cách bạn suy nghĩ về chính mình; Tính kiên nhẫn, bởi lòng biết ơn giúp bạn nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, qua đó giảm đi sự bốc đồng, nóng nảy và thay vào đó là sự nhẫn nại, kiên trì. 

3. Những yếu tố cản trở quá trình thực hành lòng biết ơn 

Đôi khi, lòng biết ơn không diễn ra một cách tự nhiên như nhiều người vẫn nghĩ. Bởi có một số yếu tố tác động dẫn tới suy nghĩ mỗi người lạc hướng và đẩy lòng biết ơn ra xa. Những yếu tố đó cũng cản trở quá trình thực hành lòng biết ơn, chúng bao gồm những khuynh hướng tiêu cực sau đây: 

  • Sự ghen tị: Nỗi lòng ghen tị, cảm thấy bị thua thiệt trước sự thành công của người khác sẽ vùi lấp đi lòng cảm kích, biết ơn trong mỗi người. 
  • Chủ nghĩa duy vật cực đoan: Chỉ chăm chăm vào vật chất, bỏ mặc những giá trị tinh thần khiến chúng ta quên đi những nền tảng cơ bản trong xã hội loài người, trong đó có lòng biết ơn. 
  • Hoài nghi: Sự hoài nghi thái quá luôn ràng buộc con người, mọi hành động trong những mối quan hệ lợi ích vật chất. Duy trì tư duy này khiến bạn khó có thể biết ơn người khác. 
  • Tự luyến: Những người tự luyến cho bản thân là trung tâm và họ xứng đáng với mọi đối đãi tốt đẹp của mọi người xung quanh. Suy nghĩ ấy khiến họ coi rằng hành động tử tế của người khác đến với mình là điều tất nhiên.
  • Căng thẳng: Những căng thẳng bủa vây làm tầm nhìn của chúng ta trở nên hạn chế. Khi ấy thật khó để nhận ra lòng tốt của mọi người và trân trọng họ. 

thực hành lòng biết ơn

4. Phương pháp thực hành lòng biết ơn

Giáo sư tâm lý học  Robert Emmons và Nhà nghiên cứu từ Đại học California Davis đã dành nhiều năm nghiên cứu về lòng biết ơn. Cả hai cho rằng: có hai yếu tố chính cần đạt được trong quá trình thực hành lòng biết ơn. Chúng bao gồm: 

  • Nhận diện và khẳng định những điều tốt đẹp mà ta đã nhận được
  • Thừa nhận vai trò, đóng góp của người khác trong việc mang lại những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống của mỗi chúng ta. 

Có thể thấy, thực hành lòng biết ơn là bước qua từng cột mốc. Trước hết là mở rộng góc nhìn, tịnh tâm suy nghĩ để thấy được những giá trị tích cực mình nhận được. Tiếp đó là sự nhận diện diện, công nhận vai trò của người khác trong mỗi hành trình của bản thân, để từ đó lưu giữ và bày tỏ lòng biết ơn trân thành nhất. 

5. Cách giúp bạn thực hành lòng biết ơn hiệu quả

5.1. Thực hành chánh niệm, tập thiền 

Một cách đơn giản mà hiệu quả để thực hành lòng biết ơn mỗi ngày là thực hành chánh niệm hoặc tập thiền. Thực hành chánh niệm là việc bạn sống chậm lại và tận hưởng từng khoảnh khắc diễn ra xung quanh. Tập trung vào hiện tại, không phán xét, không bị ảnh hưởng bởi trăn trở từ quá khứ hay lo lắng về tương lai giúp bạn nhìn nhận sâu sắc hơn mỗi giây phút trong cuộc đời. 

Tập thiền lại là một phương pháp cụ thể trong thực hành chánh niệm. Trong quá trình tập thiền, bạn cần giữ hơi thở vững vàng, tư thế chuẩn chỉnh. Tiếp đó là loại bỏ đi những suy nghĩ vướng bận một cách tự nhiên nhất, không gượng ép. Bài tập sẽ giúp giải phóng tinh thần, tâm trí, qua đó giúp bạn dễ dàng đón nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống hơn. 

5.2. Viết nhật kí mỗi ngày 

Viết nhật ký mỗi ngày là cách bạn rà soát, nhìn nhận lại những sự kiện đã xảy ra quanh mình. Việc nhìn lại một vấn đề khi đã tách mình ra khỏi cảm xúc, tác động từ bối cảnh lúc bấy giờ giúp bạn có thể nhìn nhận sự việc dưới nhiều góc độ khác nhau. Chính những góc nhìn đó giúp bạn nhận ra những chi tiết bé nhỏ mà ý nghĩa và đáng trân trọng biết nhường nào. 

5.3. Viết lời cảm ơn khi có thể 

Ngoài viết nhật ký, bạn cũng nên thường xuyên viết ra những lời biết ơn của mình. Bởi đôi khi việc ngại ngùng cũng khiến bạn khó mở lòng và chia sẻ sự biết ơn của mình với người khác. Vì vậy, duy trì thói quen viết lời cảm ơn là cách thức hiệu quả giúp bạn thực hiện lòng biết ơn mỗi ngày. 

thực hành lòng biết ơn

Bạn có thể lựa chọn viết những lời cảm ơn của mình bất cứ khi nào bạn gặp những giá trị tốt đẹp. Hãy mở rộng những chủ đề mà bạn nghĩ tới, một người lạ thân thiện, một cơn gió mát lành, những tiếng cười khúc khích của mọi người,.... Bạn có thể viết với những gợi ý sau đây: Hôm nay bạn đã trải qua những khoảnh khắc dễ thương, đáng nhớ nào? Có khoảnh khắc nào khiến bạn mỉm cười, hoặc thấy tinh thần phấn chấn hơn không? Những điều đã ảnh hưởng lên bạn như thế nào?

5.4. Chia sẻ lòng biết ơn với người khác

Cũng như việc viết ra những cảm kích trong bạn, hãy chia sẻ lòng biết ơn của mình với mọi người xung quanh. Đó là cách trực tiếp và dễ thấy nhất về việc bạn trân trọng vai trò tích cực của họ trong cuộc sống của chính mình. Việc chia sẻ lòng biết ơn cũng là cách để lan tỏa những giá trị tốt đẹp với mọi người. Trao đi lòng biết ơn, bạn cũng nhận lại những điều tương tự. Chính vòng lặp đó sẽ tiếp tục nuôi dưỡng, vun đắp lòng biết ơn trong bạn ngày một lớn hơn.

5.5. Sử dụng mọi giác quan để cảm nhận mọi sự việc, con người xung quanh

Mọi sự việc xảy ra đều mang những ý nghĩa nhất định, vấn đề là bạn có đủ quan sát và suy tư về nó hay không. Vậy nên, hãy tận dụng mọi khoảnh khắc, sử dụng mọi giác quan để cảm nhận sự việc, con người xung quanh họ. Tiếp tới, với lòng trắc ẩn và suy nghĩ rộng mở hơn, vượt ra ngoài những khuôn khổ thông thường để thấy được những giá trị tốt đẹp và nuôi dưỡng lòng biết ơn của mình. 

Kết luận

Mọi đức tính đều có thể vẹn toàn hơn mỗi ngày thông qua luyện tập, lòng biết ơn cũng vậy. Những bài thực hành dù đơn giản, nhưng khi được duy trì đều đặn đều giúp bạn vun đắp lòng biết ơn trong mình ngày một lớn dần. Khi tràn ngập lòng biết ơn với cuộc sống, bạn sẽ sống tích cực và ý nghĩa hơn. Hy vọng bài viết trên đây của 123job.vn giúp bạn hiểu thêm ý nghĩa của việc thực hành lòng biết ơn mỗi ngày. Đừng quên làm theo những gợi ý từ 123job.vn để quá trình thực hành thêm hiệu quả!