Khởi nghiệp kinh doanh là vấn đề phổ biến được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Vậy quốc gia khởi nghiệp là gì? Quốc gia khởi nghiệp mang đến những thuận lợi, cơ hội gì cho người kinh doanh, đặc biệt là người khởi nghiệp phát triển?
Khởi nghiệp là công việc mơ ước nhiều người đang cố gắng theo đuổi và thực hiện nó thành công hiện nay. Số người khởi nghiệp tại Việt Nam tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, nó không chỉ tạo ra làn sóng khởi nghiệp mà còn là bước tiến giúp đất nước trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Quốc gia khởi nghiệp vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho Việt Nam trong quá trình tăng trưởng kinh tế một cách nhanh chóng. Việt Nam ngày càng tiến gần hơn với hình ảnh quốc gia khởi nghiệp, miền đất hứa hẹn người trẻ đam mê kinh doanh.
Quốc gia khởi nghiệp là gì?
I. Quốc gia khởi nghiệp là gì?
Khởi nghiệp có lẽ không còn là khái niệm lạ lẫm đối với mọi người, đặc biệt là người kinh doanh. Khởi nghiệp, hiểu theo nghĩa phổ biến nhất, đây là giai đoạn bắt đầu cho sự hình thành của mỗi doanh nghiệp khi người sáng lập lập ra kế hoạch hiện thức hóa những ý tưởng kinh doanh mới mẻ, sáng tạo của mình. Một doanh nghiệp khởi nghiệp là doanh nghiệp đang tiến hành bắt đầu hoạt động giải quyết những vấn đề còn mơ hồ và thành công vẫn còn đặt dấu chấm hỏi.
Hành trình khởi nghiệp tương đồng với chặng đường theo đuổi những mạo hiểm trong tương lai. Khởi nghiệp là hành trình mở đầu con đường kinh doanh cho người sáng lập. Có rất nhiều người gia nhập trận chiến này nhưng không phải ai cũng biết nắm bắt và làm chủ được nó do tính rủi ro cao.
Từ những cách hiểu đơn giản về khởi nghiệp kinh doanh, quốc gia khởi nghiệp cũng có mang đầy đủ các yếu tố đó và thậm chí còn mang tính chất rủi ro cao hơn.
Quốc gia khởi nghiệp, hiểu đơn giản, là quốc gia chú trọng, quan tâm ưu tiên cho việc nâng cao, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, bao gồm các hoạt động đổi mới, đột phá và đầu tư mạo hiểm (đầu cho cho những ý tưởng mới mẻ, kế hoạch kinh doanh sáng tạo và tư duy chấp nhận mọi trường hợp xảy ra bất trắc, rủi ro dù không đảm bảo chắc chắn tính thành công) nhằm tạo ra một giá trị tốt hơn thứ có sẵn trên thị trường với mục đích chính là phát triển kinh tế - xã hội.
Cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp” của tác giả Dan Senor - Saul Singer có những nội dung ngắn gọn và cô đọng nhất giúp người đọc, đặc biệt là người khởi nghiệp mường tượng ra chân thật nhất hình ảnh về một quốc gia khởi nghiệp.
Đất nước Israel được tác giả ký họa phong phú với lời nhận xét thực tế về hành trình phát triển thần kỳ từ lúc lập quốc cho đến khi nền kinh tế Israel chạm vào đỉnh cao, trở thành một quốc gia có nền công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Nhắc đến Israel, người ta đều nghĩ ngay đến hình ảnh một quốc gia khởi nghiệp thành công và tinh thần kinh doanh đáng học hỏi: dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm.
Để trở thành quốc gia khởi nghiệp thành công, Israel chấp nhận tính rủi ro trong kinh doanh, coi thất bại là mẹ thành công mà tiếp tục tìm ra khe hở để tạo cơ hội tương lai. Ở người dân Israel, họ có ba yếu tố văn hóa then chốt: có sáng kiến, dám thử thách dù nhận rủi ro và tốc độ. Câu chuyện của Israel cho thấy rằng: quốc gia khởi nghiệp thành công không chỉ nằm ở sức mạnh dân tộc, tinh thần chiến đấu trong kinh doanh mà còn có sự xúc tiến của những chính sách quản lý nhà nước phù hợp, hiệu quả và linh hoạt với mọi hoàn cảnh và tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nhân phát triển kinh tế.
II. Việt Nam đang là miền đất hứa của người trẻ đam mê kinh doanh
Việt Nam đang xây dựng quốc gia, là miền đất hứa của người trẻ đam mê kinh doanh
Đối với những đất nước có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Singapore,... muốn phát triển như hiện nay, họ đều có điểm bắt đầu từ việc thiết kế hệ sinh thái quốc gia khởi nghiệp và biết chớp lấy các cơ hội sáng tạo nhanh nhất.
Với tình hình, hoàn cảnh hiện tại, Việt Nam đang có tham vọng tăng tốc trên con đường phát triển đất nước và điều đó phải được thể hiện rõ qua nền kinh tế. Việt Nam nhận ra có lẽ chỉ khi trở thành một quốc gia khởi nghiệp và dám đầu tư mạnh mẽ cho những hoạt động kinh doanh sáng tạo, mạo hiểm mới chính là con đường để đất nước đẩy nhanh tiến độ thời gian trong tương lai và sớm chinh phục mục đích công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chặng đường dài kể từ khi độc lập đất nước, Việt Nam vẫn còn trì trệ trong quá trình “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” khi không dám quyết định hay có đường lối chính sách mới mẻ với tư duy hành động đúng đắn. Việt Nam tiêu tốn nhiều thời gian cho việc làm quen và tiếp thu với nền kinh tế thị trường hay cho cuộc tập dược tăng tốc phát triển.
Với tình trạng này, ước tính đến năm 2050 Việt Nam mới có thể trở thành nước công nghiệp. Việt Nam chỉ có một cơ hội duy nhất phải hành động ngay, đó là thiết kế hệ sinh thái và xây dựng quốc gia khởi nghiệp, mới có thể chạm tay đến mục tiêu nhanh hơn.
Dù vậy, hành trình này thực sự gian nan, bởi thành lập quốc gia khởi nghiệp đi kèm với nhiều việc để làm và phải thực hiện, dựa trên tinh thần nhiệt huyết, quyết liệt và tập trung. Bước đầu là thiết kế môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh thỏa sức nêu và phát triển sáng tạo đột phá, nói một cách đơn giản là tạo ra một hệ sinh thái quốc gia khởi nghiệp sáng tạo.
Trái ngược với kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, tổ chức KH&CN trong doanh nghiệp và các sáng chế không chuyên thì kết quả nghiên cứu cho các hoạt động thương mại hóa còn hạn chế. Các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc,... hay câu chuyện thần kỳ của Israel đều có một bài học kinh nghiệm hữu ích tương đồng nhau. Muốn có một quốc gia khởi nghiệp sáng tạo thành công, đất nước cần xây dựng môi trường “màu mỡ” cho “hạt giống” có điều kiện ươm mầm và nảy nở tốt nhất. Môi trường “màu mỡ” được nói cách khác là hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với sự hỗ trợ từ Nhà nước bằng những chính sách để đảm bảo duy trì ổn định và sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hiểu rõ được những bài học kinh nghiệm từ các đất nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới, Việt Nam đang trong quá trình “thay áo” với những chính sách quyết liệt, nhân rộng cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Việt Nam không ngừng tiến lên trên con đường hình thành quốc gia khởi nghiệp, đây chính là cơ hội, là miền đất hứa hẹn cho những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
III. Những thành phần cơ bản của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
Những thành phần cơ bản của hệ sinh thái quốc gia khởi nghiệp sáng tạo
1. Nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng
Trong hành trình xây dựng quốc gia khởi nghiệp, nhà nước đóng vai trò then chốt, nắm giữ vị trí quan trọng trong việc đưa ra những cơ chế chính sách ban hành, tạo hành lang pháp lý phù hợp.
Cụ thể: Cơ chế tạo lập và bảo hộ tài sản trí tuệ áp dụng cho các tổ chức, cá nhân. Quy định về các phương thức chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu tài sản trí tuệ, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, động viên đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, cho phép thành lập và xây dựng cơ chế vận hành các loại hình dưới dạng Quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức dịch vụ trong thị trường công nghệ.
Ngày nay, các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn chưa khả thi do gặp phải nhiều vấn đề pháp luật. Để cải thiện, Nhà nước cần có những bước đi mạo hiểm, quyết liệt “làm gương” cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ngoài nhà nước ở lĩnh vực này. Khi nhà nước khởi đầu những việc làm thành công thì hoạt động này sẽ được tư nhân hóa. Tại thời điểm đó, trong hệ sinh thái quốc gia khởi nghiệp, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, quản lý và xây dựng hành lang pháp lý.
2. Các doanh nghiệp Startup
Các doanh nghiệp Startup là tên gọi khác của những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Những ý tưởng, kế hoạch kinh doanh khi được đầu tư, họ sẽ hiện thực hóa thành các doanh nghiệp từ các nguồn lực hỗ trợ.
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất nhiều nhưng tỷ lệ thành công và trụ vững là rất thấp, khi thành công họ sẽ đóng góp giá trị lớn vào nền kinh tế và gây dựng quốc gia khởi nghiệp.
3. Các nhà đầu tư
Các nhà đầu tư thường đưa ra hai hình thức đầu tư:
- Hình thức một: các nhà đầu tư tự nguyện chấp nhận rủi ro được gọi với cái tên các nhà đầu tư thiên thần. Đây được coi là người đồng hành lý tưởng với các doanh nghiệp khởi nghiệp: nếu thành công thì lợi nhuận chia sẻ cùng nhau hường còn thất bại thì cùng nhau chấp nhận thiệt hại rủi ro.
- Hình thức hai: Các nhà đầu tư bỏ vốn hỗ trợ thông qua các quỹ đầu tư hay các tổ chức tài chính. Những quỹ, tổ chức này sẽ chịu trách nhiệm đứng ra thay mặt cho các nhà đầu tư quản lý nguồn vốn đầu tư, sử dụng đội ngũ nhân viên tư vấn kinh doanh và pháp lý, bảo đảm quyền lợi các nhà đầu tư và chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro.
4. Các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp sáng tạo
Các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp sáng tạo là nơi hình thành những dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt hơn trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo. Các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp sáng tạo còn là nơi xây dựng mối quan hệ liên kết giữa các nhà đầu tư với những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp sáng tạo có thể hiểu là một tổ chức trung gian, hoạt động độc lập nhằm tư vấn, hỗ trợ lên ý tưởng kinh doanh, kiếm tìm các nhà đầu tư lý tưởng, các quy định pháp lý, sở hữu trí tuệ,... cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
IV. Những bước đi đầu tiên để biến ước mơ Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp
Bộ KH&CN đã chấp thuận và ký duyệt cho “Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam”, viết tắt là VSV, vào ngày 04/ 06/ 2013. Đề án nêu rõ các mục tiêu thúc đẩy thương mại hóa, ưu tiên những hoạt động công nghệ thuộc lĩnh vực: năng lương, y sinh, tự động hóa, công nghệ thông tin, cơ khí, vật liệu mới và viễn thông xây dựng dựa trên mô hình Thung lũng Silicon.
Bằng tâm huyết của những con người khởi nghiệp có niềm đam mê sáng tạo, mạo hiểm, Đề án đã tiến hành được số lượng nội dung vượt qua cả sự hỗ trợ của nguồn lực trong vòng hai năm như:
- Mở các lớp tập huấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có đam mê sáng tạo tại Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, giúp họ có cơ hội học hỏi, trao đổi, kiếm tìm các nhà đồng sáng lập, nhận tư vấn trực tiếp của những chuyên gia có kinh nghiệm dày dạn trong nước và cả nước ngoài.
- Thiết kế và triển khai mô hình Tổ chức thúc đẩy kinh doanh, viết tắt là Business Accelerator – BA, thành công đầu tiên ở Việt Nam và giúp đỡ 9 nhóm khởi nghiệp đến từ chiến dịch tập huấn - Bootcamp - trong 4 tháng.
- Tổ chức “Ngày hội đầu tư”, tiếng anh là Demo Day, để tạo cơ hội cho các nhóm khởi nghiệp kêu gọi vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Từ đó đến nay, có 3 nhóm được ghi nhận đã được đầu tư: 1 nhóm được nhà định giá đầu tư với số tiền 1,8 triệu USD, 1 nhóm được định giá đầu tư là 2 triệu USD và 1 nhóm được định giá với số vốn đầu tư là 800.000 USD), 6 nhóm còn lại vẫn đang tiến hành quá trình đàm phán với các Quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài,...
Sau 2 năm thử nghiệm, Bộ KH&CN đã hỗ trợ và tư vấn gây dựng Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN, đây là quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Quỹ hiện giờ chưa được phổ biến rộng rãi đến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp vì trở ngại từ thủ tục thành lập và giấy phép hoạt động, hơn nữa hành lang pháp lý cũng là một nguyên nhân dẫn đến Quỹ phải hoạt động dè dặt, không có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Tính đến năm 2020, con số doanh nghiệp thành công mới chiếm khoảng 1% trong tổng số 500.000 doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam. Công nghệ hiện đại, công nghệ mới, giá trị gia tăng cao, những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công có thể đóng góp tới 5% giá trị GDP. Điều đó giúp cho năng suất lao động của những doanh nghiệp KH&CN có khả năng tăng cao hơn hàng trăm lần so với các doanh nghiệp hoạt động bình thường.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mà VSV xây dựng bước đầu vẫn còn nhỏ vé và sơ khai, tồn đọng rất nhiều bất cập nhưng với mục đích và tinh thần kinh doanh mạo hiểm thì nó sẽ hứa hẹn nhiều triển vọng to lớn, góp phần hoàn thiện vào môi trường hệ sinh thái quốc gia khởi nghiệp tại Việt Nam. Chính vì vậy, vấn đề này đang trong quá trình đề nghị trở thành Đề án quốc gia chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt. Ngoài ra, Việt Nam cần thể hiện sức mạnh của khối liên kết viện - trường để trang bị kiến thức, trở thành nơi “ươm mầm” và thúc tiến thực hiện hóa các doanh nghiệp khởi nghiệp.
V. Kết luận
Quốc gia khởi nghiệp là khái niệm ngày càng được nhiều người quan tâm, không chỉ đối với người làm kinh doanh mà còn có cả nhà nước. Bước đi trên con đường hình thành quốc gia khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và vấp phải những rủi ro nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà nước không được từ bỏ thì mới có thể đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội.