Việc cân bằng phương trình cảm xúc chưa bao giờ là điều dễ dàng. Đôi khi chúng ta thường để cho cảm xúc tiêu cực lấn át đi những điều hạnh phúc và khiến bản thân luôn chìm đắm trong trạng thái khó chịu. Vậy cách kiềm chế cảm xúc hiệu quả nhất là gì?
Cuộc sống là một bức tranh muôn màu, muôn vẻ và cảm xúc của chúng ta cũng như vậy, đa màu sắc, có vui, có buồn, hạnh phúc, phẫn nộ… Và có một điều là chúng ta thường để cho những cảm xúc tiêu cực lấn át đi tất cả những điều tốt đẹp đang ở trước mắt. Đôi khi những cảm xúc tiêu cực đó còn làm bạn đưa ra những quyết định, lời nói, hành động thật “điên rồ”. Kết quả là, chẳng những không khiến cho bản thân thoải mái, không giải quyết được vấn đề mà người khác cũng cảm thấy khó chịu. Vậy kỹ năng kiềm chế cảm xúc là gì, cách kiềm chế cảm xúc hiệu quả là gì? Khi không thể kiềm chế được cơn giận thì nên làm gì? Cùng theo dõi tiếp bài viết dưới đây để được 123job bật mí tới bạn 10 cách kiềm chế cảm xúc hiệu quả nhé!
I. Cảm xúc là gì?
Cảm xúc là sự phản ứng, là rung động của con người trước tác động của ngoại cảnh. Điều đó có nghĩa là cảm xúc là yếu tố bên trong và nó chỉ xuất hiện khi có tác động của các yếu tố từ bên ngoài.
Cảm xúc là gì?
Trong cuốn sách có tên là “Khám phá tâm lý học” của Don Hockenbury và Sandra E. Hockenbury thì có định nghĩa cảm xúc là một trạng thái tâm lý phức tạp bao gồm ba thành phần riêng biệt đó là trải nghiệm chủ quan, phản ứng sinh lý và phản ứng hành vi hoặc biểu cảm.
Ngoài việc cố gắng xác định khái niệm cảm xúc là gì thì các nhà nghiên cứu cũng đã cố gắng xác định và phân loại các loại cảm xúc khác nhau bao gồm:
- Năm 1972, nhà tâm lý học Paul Ekman cho rằng có sáu loại cảm xúc cơ bản phổ biến là: Sợ hãi, ghê tởm, giận dữ, bất ngờ, hạnh phúc và buồn bã.
- Năm 1999, ông đã mở rộng thêm danh sách các loại cảm xúc này bao gồm bối rối, phấn khích, khinh miệt, xấu hổ, hài lòng, tự hào và vui chơi.
II. Tìm hiểu về kỹ năng kiềm chế cảm xúc
Bên cạnh những kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề… thì kỹ năng kiềm chế cảm xúc hay kiềm chế cơn giận cũng có vai trò vô cùng quan trọng mà ai trong mỗi chúng ta cũng nên rèn luyện. Theo đó thì kỹ năng kiềm chế cảm xúc không phải là loại bỏ những cảm xúc của bản thân mà chính là học cách kiềm chế, cân bằng để làm chủ hành vi, thái độ của bản thân trong mọi tình huống, đặc biệt là ở những tình huống tiêu cực dễ khiến chúng ta không thể kiểm soát được. Hay hiểu một cách đơn giản thì kỹ năng kiềm chế cảm xúc là đưa cảm xúc trở về trạng thái cân bằng thông qua nhiều phương diện như ngôn ngữ, hình thể, hành động…
III. 10 cách kiềm chế cảm xúc tiêu cực hiệu quả nhất
Chúng ta đều biết được việc học cách kiềm chế cảm xúc mang lại những lợi ích vô cùng to lớn và giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Tuy nhiên thực tế thì để kiềm chế được cảm xúc trong những cơn giận dữ không phải điều dễ dàng? Và không để cho bạn đọc phải chờ lâu hay mất công tìm kiếm những bí quyết, cách kiềm chế cảm xúc, kiềm chế cơn giận thì dưới đây 123job xin chia sẻ tới bạn đọc 10 cách kiềm chế cảm xúc tiêu cực hiệu quả nhất để bản thân không phải hối tiếc vì hành động sai:
1. Hít thở sâu
Cơn tức giận không thể kiềm chế được sẽ khiến bạn thở nhanh và gấp gáp hơn. Điều này sẽ đẩy bạn vào trạng thái hành động ngay, hành động một cách nóng vội mà không có đủ thời gian để suy nghĩ về hậu quả của hành động đó. Để đối phó với điều này thì cách kiềm chế cảm xúc đơn giản nhất bạn nên áp dụng là hãy dành cho bản thân một chút thời gian tĩnh tâm để hít thở thật chậm, thật sâu. Áp dụng bài tập thở bằng cơ hoành (hít thở bằng bụng) là cách kiềm chế cảm xúc tiêu cực hiệu quả giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh.
Hít thở sâu là cách kiềm chế cảm xúc đơn giản những hiệu quả
2. Đọc một câu thần chú
Sẽ thật khó để có thể nhớ được một câu thần chú hay những câu nói triết lý nào đó trong những lúc tức giận. Tuy nhiên với những cụm từ đơn giản như “bình tĩnh”, “mọi việc sẽ ổn”, “không được nóng giận”, “nóng giận mất khôn”... cũng là cách kiềm chế cảm xúc hiệu quả. Bởi khi bạn có suy nghĩ bình tĩnh thì ít nhất nó cũng sẽ giúp bạn không có những quyết định hay hành động sai lầm.
Hãy lặp lại câu thần chú thật nhiều lần cho đến khi tâm trạng cảm thấy thoải mái hơn. Hoặc bạn cũng có thể hét lên thật to câu thần chú đó bởi có lẽ bầu trời to và rộng như thế chắc chắn cũng sẽ ôm được hết nỗi buồn của bạn đúng không nào?
3. Nghĩ tới hậu quả của việc không thể kiềm chế cảm xúc
Một trong những cách kiềm chế cảm xúc cũng rất hiệu quả là hãy nghĩ tới hậu quả của việc không thể kiềm chế cảm xúc. Những cảm xúc tiêu cực không thể kiềm chế được thường gây ra một số hậu quả như:
- Mối quan hệ bị rạn nứt hoặc xung đột tình bạn
- Ảnh hưởng tới những người xung quanh như đồng nghiệp, bạn bè...
- Gây ra những rắc rối ở nơi làm việc hoặc trường học
- Thôi thúc việc sử dụng các chất kích thích để nhằm mục đích kiềm chế cơn giận
- Có những hành vi bạo lực...
Hãy dành cho bản thân một chút thời gian để kiểm tra xem những cảm xúc không thể kiềm chế được đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn như thế nào. Cách kiềm chế cảm xúc này sẽ giúp bạn cẩn thận và có những suy nghĩ thấu đáo hơn trước khi đưa ra quyết định.
4. Hãy thử vận động
Việc ngồi yên một chỗ đôi khi khiến chúng ta chỉ dành thời gian để suy nghĩ lại về cơn giận dữ, về những cảm xúc tiêu cực. Và cứ thế cơn giận chẳng những được xoa dịu mà lại càng tăng thêm. Một cách kiềm chế cảm xúc, kiềm chế cơn giận nữa bạn cũng nên thử áp dụng là hãy thử vận động bằng cách thử đi bộ, tập vài động tác yoga, thiền thư giãn hoặc thậm chí là nhảy và hát theo nhạc. Điều đó vừa khiến tâm trạng bạn thoải mái hơn, vừa tốt cho sức khỏe.
Vận động giúp tâm trạng của bạn thoải mái hơn rất nhiều
5. Tự kiểm tra lại quan điểm về những điều khiến mình giận dữ
Sự tức giận đôi khi có thể khiến bạn không có đủ nhận thức chính xác về sự việc hay không suy nghĩ quá nhiều trước khi đưa ra một quyết định nào đó. Từ đó, bạn có thể đưa ra những quan điểm, hành động hay lời nói sai lầm và gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không những ảnh hưởng tới bạn mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh. Lần tiếp theo, nếu bạn cảm thấy bản thân sắp nóng giận thì hãy rời khỏi cuộc nói chuyện hoặc tránh xa sự việc để tạo cho bản thân khoảng thời gian yên tĩnh để suy nghĩ lại vấn đề một cách thấu đáo và sáng suốt hơn. Khoảng thời gian này có thể khiến bạn không thoải mái nhưng nó sẽ giúp bạn kiềm chế cơn giận tốt hơn.
6. Kiểm soát cơn giận dữ bằng sự hài hước
Kết hợp hài hước và tiếng cười thường xuyên sẽ giúp kiềm chế cơn tức giận và giúp bạn vượt qua tâm trạng tồi tệ, cảm giác tức giận một cách nhanh chóng hơn. Cách kiềm chế cảm xúc này rất nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả của nó nhưng nếu thử bạn sẽ thấy ngạc nhiên bởi nó hoạt động tốt như thế nào. Theo Healthline, tìm kiếm sự hài hước trong những sự việc gây ra cơn nóng giận sẽ giúp bạn cân bằng cảm xúc rất tốt. Điều này không đồng nghĩa với việc bạn “cười trừ” hay giải quyết vấn đề một cách hời hợt mà là nhìn nhận chúng theo cách nhẹ nhàng hơn.
7. Thay đổi môi trường
Yêu thương và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn bằng cách tự thưởng cho bản thân những buổi đi mua sắm, ăn uống cùng bạn bè cũng là cách kiềm chế cảm xúc hiệu quả. Việc thay đổi môi trường có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp chúng ta kiềm chế cơn giận hay hạn chế được những cảm xúc tiêu cực.
Bạn hãy thử tưởng tượng cảnh ngày hôm nay thật tồi tệ khi mọi điều xui xẻo đều ập đến nhưng sau đó bạn cùng đứa bạn thân của mình cùng nhau đi dạo, đi ăn những món ăn mà mình yêu thích, đến những góc phố thân quen nhưng luôn mang tới cảm giác thật yên bình. Và sau đó bạn thấy thế nào? Có còn giận dữ về những chuyện đã qua không hay lúc này chỉ đang nghĩ tới quán ăn, góc phố, con đường vừa đi qua? Chắc chắn tâm trạng lúc này sẽ ổn hơn rất nhiều rồi đúng không nào?
Đi mua sắm cũng là một trong những cách kiềm chế cảm xúc hiệu quả
8. Tìm nguyên nhân gây ra sự tức giận và đưa ra cách giải quyết
Sau những cơn giận dữ thì bạn hãy nên dành một chút thời gian để tìm ra nguyên nhân sâu xa có thể bằng cách viết câu chuyện mình gặp phải qua một cuốn nhật ký nào đó. Điều này có vẻ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn nhưng khi tìm ra được nguyên nhân của vấn đề sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm ra được cách kiềm chế cảm xúc hay cách giải quyết tốt hơn.
9. Tập trung vào những điều lạc quan, ý nghĩa
Khi tâm trí bạn luôn nghĩ đến những điều lạc quan, ý nghĩa, những điều tích cực thì chắc chắn một điều rằng những cảm xúc tiêu cực sẽ rất nhanh chóng được loại bỏ. Bởi lẽ khi tâm trí nhẹ nhàng thì chắc chắn tất cả mọi việc đều sẽ được giải quyết một cách từ từ và nhẹ nhàng nhất.
10. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Nếu những cảm xúc tiêu cực của bạn vẫn cứ tiếp tục tràn ngập, bủa vây xung quanh mà bạn không có cách nào để có thể thoát ra khỏi nó thì có lẽ đã đến lúc bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý. Những nhà trị liệu này sẽ giúp bạn giải quyết được cơn giận dữ và tìm cách đối phó với cảm xúc tiêu cực một cách tốt hơn. Bên cạnh đó việc chia sẻ, tâm sự với một người bạn tin tưởng cũng là một trong những cách kiềm chế cảm xúc hiệu quả giúp tâm trạng của bạn trở nên thoải mái và nhẹ nhõm hơn.
Tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ, chuyên gia tâm lý cũng là cách kiềm chế cảm xúc hiệu quả
IV. Ý nghĩa của việc kiểm soát những cảm xúc tiêu cực
Cảm xúc tiêu cực là trạng thái luôn xuất hiện trong cuộc sống mà chúng ta khó có thể loại bỏ được, nó khiến cho cuộc sống và công việc của bạn mệt mỏi, nặng nề hơn rất nhiều. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực đó qua 10 cách kiềm chế cảm xúc đã được 123job giới thiệu ở trên. Việc điều chỉnh, đưa cảm xúc về trạng thái cân bằng để kiểm soát là một trong những kỹ năng giúp bạn có một cuộc sống hạnh phúc hơn, sự nghiệp thành công hơn. Và nếu bạn biết cách kiềm chế cảm xúc tốt thì nó sẽ mang lại cho bạn rất nhiều những lợi ích khác nhau.
Theo đó thì nếu biết cách kiềm chế cảm xúc tiêu cực sẽ giúp ngăn chặn tình trạng lo lắng kéo dài, dẫn đến các vấn đề tâm lý như:
- Trầm cảm
- Rối loạn tâm trạng
- Rối loạn nhân cách
- Lạm dụng chất kích thích
Ngoài ra, học cách kiềm chế cảm xúc tiêu cực còn giúp hạn chế nguy cơ rạn nứt các mối quan hệ và giảm các nguy cơ bệnh tật như:
- Huyết áp cao
- Các vấn đề về tim mạch
- Đau đầu
- Rối loạn da
- Vấn đề về tiêu hóa…
Bên cạnh đó học cách kiềm chế cảm xúc, kiềm chế cơn giận còn giúp bạn hạn chế được những quyết định, hành động “mất khôn”, làm mất lòng người khác và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
V. Kết luận
Trong cuốn sách "cân bằng cảm xúc, cả lúc bão giông", có một câu nói mà bản thân mình cảm thấy vô cùng tâm đắc là: “Hãy dành nụ cười của mình để thay đổi thế giới chứ đừng để cho thế giới thay đổi nụ cười của bạn”. Cuộc đời luôn mang tới cho chúng ta những sóng gió, thách thức khác nhau để thử thách lòng can đảm, việc của chúng ta là hãy thật mạnh mẽ, sống tích cực để có thể hoàn thành những bài test một cách tốt nhất. Khi bạn để những cảm xúc tiêu cực lấn át thì chắc chắn một điều rằng bạn vẫn chỉ mãi dậm chân tại chỗ mà thôi. Vì vậy hãy học cách kiềm chế cảm xúc từ bây giờ để cuộc đời trở nên ý nghĩa hơn nhé!