Một sản phẩm có thiết kế bao bì bắt mắt thường thu hút khách hàng hơn là một sản phẩm thông thường. Chính vì vậy nhiều doanh nghiệp đã áp dụng chiến lược Packaging để gây ấn tượng với người tiêu dùng ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy sản phẩm của họ.

Packaging là một thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực Marketing. Tuy nhiên để hiểu rõ Packaging là gì, sử dụng Packaging như thế nào vào trong chiến lược Marketing thì thông qua bài viết dưới đây, 123job.vn xin giải đáp cho bạn tất cả những thắc mắc về khái niệm Packaging là gì và những xu hướng làm Packaging hiệu quả các doanh nghiệp nên áp dụng.

I. Packaging là gì? 

Để hiểu khái niệm Packaging là gì, trước tiên chúng ta cần phải biết về khái niệm Package. Package hay với tên gọi khác là bao bì sản phẩm, là một vật phẩm công nghiệp đặc biệt dùng để chứa đựng và bao gói hàng hoá. Package (bao bì sản phẩm) được tạo ra với mục đích giúp cho việc bảo vệ giá trị của hàng hóa, tạo điều kiện cho việc vận chuyển, xếp dỡ và tiêu thụ sản phẩm được thuận tiện, dễ dàng và an toàn hơn.

khái niệm packaging

Package hay với tên gọi khác là bao bì sản phẩm, là một vật phẩm công nghiệp đặc biệt dùng để chứa đựng và bao gói hàng hoá

Vậy Packaging là gì? Packaging cấu tạo chính là từ Package và thêm đuôi -ing, dùng để chỉ hoạt động liên quan đến việc đóng gói bao bì sản phẩm khi đã hiểu rõ những đặc tính của hàng hóa cần đóng gói và điều kiện tự nhiên mà hàng hoá phải chịu trong quá trình lưu trữ cũng như vận chuyển. Việc đóng gói sẽ mang lại sự an toàn và đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất đối với sản phẩm.

II. Các hình thức Packaging phổ biến hiện nay 

Sau khi bạn đã hiểu Packaging là gì, chúng ta hãy cùng nghiên cứu xem các cách hình thức Packaging phổ biến hiện nay:

  • Đóng gói theo đơn vị: đây là hình thức đóng gói tương ứng với các đơn vị mua của người tiêu dùng cuối cùng. Bao bì sản phẩm đóng góp phải thỏa mãn với các điều kiện hàng hóa bên trong, được bảo quản được trong thời gian dài và có các mã vạch đi kèm…
  • Đóng gói theo nhóm: cách đóng gói này phụ thuộc vào việc hàng hoá sẽ được tập hợp thành các nhóm cụ thể theo hình bán lẻ hoặc phân phối. Hàng hóa sẽ được cho vào thùng giấy, thùng carton rồi tập hợp trên Pallet. Sau đó, toàn bộ kiện hàng trên Pallet sẽ được gắn thẻ SSCC (Serial Shipping Container Code – số seri hàng hóa vận chuyển bằng container) để xác định các chỉ số lô hàng.
  • Đóng gói hàng trong kho: hình thức này áp dụng đối với các sản phẩm được lưu trữ trên hệ thống kệ/giá đỡ trong khi. Kích thước của bao bì phải tương ứng theo kích thước từng vị trí để hàng hoá khác nhau. Các bao bì lớn/quá khổ sẽ được đặt ở trên cùng hoặc dưới cùng của giá đỡ. 
  • Đóng gói bao bì vận chuyển: Việc đóng gói bao bì sản phẩm vận chuyển được xác định dựa trên khoảng cách, thời gian vận chuyển, phương tiện xếp dỡ, điều kiện môi trường, khí hậu và các yếu tố khu vực liên quan… Hoạt động đóng gói cần phải được tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế ISO, Uỷ ban kỹ thuật 122 và WPO (World Packaging Organization – Tổ chức bao bì thế giới).

hình thức packaging

Có bốn hình thức Packaging bao gồm: Đóng gói theo đơn vị, Đóng gói theo nhóm, Đóng gói hàng trong kho, Đóng gói bao bì vận chuyển

III. Chức năng của Packaging đối với doanh nghiệp 

Bạn đã hiểu các thông tin về khái niệm, hình thức của Packaging là gì? Vậy bạn có biết các chức năng của Packaging đối với doanh nghiệp?
Packaging mang một số chức năng chính, cụ thể:

  • Bảo vệ và bảo quản bên trong hàng hóa.
  • Hợp thức hóa, tạo điều kiện cho công việc vận chuyển, bốc dỡ hàng trở nên thuận tiện hơn.
  • Thể hiện các thông tin về sản phẩm giúp cho việc quảng cáo và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.

IV. 5 cách đón đầu xu hướng packaging trong nền kinh tế hiện nay 

Thực tế cho thấy việc đầu tư vào Packaging sẽ mang lại rất nhiều lợi thế cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh thị trường gay gắt như hiện nay, mọi doanh nghiệp đều phải nỗ lực tìm cách thu hút khách hàng quan tâm và mua sản phẩm của mình. Dưới đây là 5 cách đón đầu xu hướng Packaging 123job.vn đã tổng hợp để giúp cho thương hiệu doanh nghiệp bạn kết nối với khách hàng tốt hơn:

1. Packaging là nơi truyền tải thông điệp, câu chuyện

Người tiêu dùng luôn bị thu hút bởi những câu chuyện thú vị, hài hước và có thể truyền cảm hứng đến họ. Do đó, doanh nghiệp cần phải biết tận dụng hay khơi gợi cảm xúc với khách hàng, vì đây sẽ là cầu nối khiến người mua quan tâm hơn đến sản phẩm, từ đó có thể thay đổi nhận thức và kích thích hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Một ví dụ điển hình doanh nghiệp dùng Packaging là nơi truyền tải thông điệp đó chính là sản phẩm rượu Koi Sake đến từ tập đoàn Imayotsukasa Sake Brewery Nhật Bản. Thương hiệu này đã thiết kế bao bì theo hình con cá Koi - một loài cá đặc trưng của Nhật Bản - để thể hiện bản chất của thương hiệu là Nhật Bản và nguyên chất 100%. Thương hiệu này nổi tiếng với kinh nghiệm lâu năm trong ngành sản xuất rượu sake nguyên chất, hoàn toàn không pha loãng hoặc trộn thêm phụ gia. Ý tưởngáp dụng Packaging này đã giúp thương hiệu giành được giải thưởng Bạch kim tại Pentawards năm 2016. 

packaging rượu sake

Thương hiệu này đã thiết kế bao bì chai rượu theo hình con cá Koi - một loài cá đặc trưng của Nhật Bản - để thể hiện bản chất của thương hiệu là Nhật Bản và nguyên chất 100%

2. Packaging thể hiện được sự thấu hiểu người dùng của nhãn hàng

Vượt qua cả việc xác định chân dung nhóm khách hàng mục tiêu và các đặc điểm nhân khẩu học, nhãn hàng cần phải nắm bắt tâm lý khách hàng để hiểu sâu hơn về nhu cầu, nguyện vọng và khát khao của họ. Đó là việc tìm hiểu insight của khách hàng và khám phá những động cơ thúc đẩy hành vi mua hàng. Điều này giúp các thương hiệu dễ dàng xác định và định vị cụ thể hình ảnh/cảm xúc trong tâm trí người tiêu dùng, từ đó có thể kết nối với người tiêu dùng thông qua bao bì sản phẩm của mình. 

Thương hiệu La Roche-Posay sau khi thực hiện nghiên cứu thị trường với 19.000 người bao gồm cả nam và nữ đã tiến hành cải tiến sản phẩm miếng dán chống UV của mình. Miếng dán UV được thương hiệu thiết kế sẽ thay đổi màu sắc tương ứng với các mức độ phơi nắng khác nhau. Từ đó, người tiêu dùng có thể phân tích mức độ bị ảnh hưởng bởi tia UV của làn da bằng cách tải lên hình ảnh của miếng dán lên trên một ứng dụng của La Roche-Posay.

packaging laroche-porsay

Chiến dịch Marketing bằng Packaging của thương hiệu La Roche-Posay

3. Packaging kết nối được cảm xúc

Bao bì sản phẩm không chỉ thể hiện những thông tin và lợi ích sản phẩm mà nó còn giúp cho thương hiệu kết nối cảm xúc với người tiêu dùng, gia tăng mức độ tin tưởng và kích thích người tiêu dùng mua sản phẩm. 

Ngay từ thời điểm người tiêu dùng nhìn thấy sản phẩm, thậm chí là trước khi họ thực sự sử dụng chúng, bao bì nên truyền tải được thông điệp của thương hiệu thông qua thiết kế bao bì, cách đóng gói và các yếu tố thu hút thị giác khác. Ngoài ra, các nhãn hàng cần tích cực truyền tải thông điệp thương hiệu và nâng cao trải nghiệm qua các kênh social marketing hoặc ghi nhãn sản phẩm để có thể thu hút sự yêu mến và kết nối cảm xúc với người tiêu dùng.

Như với thiết kế bao bì của sản phẩm Assam Ice Tea của Uni-President. Trên bao bì minh họa hình ảnh bò sữa cách điệu trong hình dáng túi trà để thể hiện bản chất của sản phẩm trà sữa này một cách thú vị. Nếu thương hiệu biết cách tận dụng các biểu tượng và họa tiết quen thuộc thì sẽ khiến khách hàng dễ nhớ và dễ thương hơn.

packaging của thương hiệu trà sữa

 Thiết kế bao bì của sản phẩm Assam Ice Tea của Uni-President

4. Packaging luôn phải đúng sự thật

Đây là xu hướng Packaging được nhiều thương hiệu áp dụng và đã thành công. Đối với một thương hiệu, mặc dù gây tò mò có thể thu hút sự chú ý của khách hàng và kích thích hành vi mua sắm tuy nhiên nếu gây tò mò không đúng sự thật, nó có thể phản lại tác dụng đối với doanh nghiệp. Thiết kế bao bì khi thể hiện chân thực các đặc trưng của sản phẩm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hình ảnh thương hiệu. 

Ví dụ như sản phẩm sữa hữu cơ Oat-Ly, một thức uống yến mạch đóng gói đến từ Thụy Điển. Điều mà thương hiệu này mong muốn ngoài việc mang các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao đến người tiêu dùng thì còn góp phần làm giảm tác động xấu đến môi trường. Oat-Ly đưa ra triết lý thương hiệu của họ là “không phải là một công ty hoàn hảo, nhưng chúng tôi luôn hướng đến sự thật”. Vì họ biết rằng khi thương hiệu mình trung thực, mọi người sẽ tin tưởng họ.

PACKAGING CỦA OATLY

Sản phẩm sữa hữu cơ Oat-Ly, một thức uống yến mạch đóng gói đến từ Thụy Điển

5. Packaging tạo ra lối đi riêng, có sự khác biệt 

Một chiến lược Marketing hiệu quả mà thương hiệu có thể sử dụng để tạo nên sự khác biệt và thu hút sự chú ý của khách hàng đó là thiết kế bao bì sản phẩm theo hướng đặc biệt. Đột phá trong thiết kế bao bì khẳng định thương hiệu biết mình là ai, đồng thời gây ấn tượng với người tiêu dùng và kích thích cảm giác muốn sở hữu sản phẩm từ họ.

Một ví dụ điển hình của xu hướng Packaging này là bao bì sản phẩm thịt cao cấp đến từ thương hiệu Man Cave. Thương hiệu này đã được vinh danh tại lễ trao giải Pentawards năm 2016 và lời nhận xét về thương hiệu này: “Thiết kế bao bì của Man Cave thể hiện rõ mục đích sản phẩm đồng thời nhấn mạnh tính cách thương hiệu. Điều này gợi nhớ đến phong cách thiết kế bao bì các sản phẩm bia thủ công ngày xưa. Hướng đến khách hàng yêu thích sự tối giản, thiết kế mới sử dụng kiểu chữ viết tay trên nền đen mạnh mẽ và hình ảnh một người người đàn ông râu quai nón với các hình xăm đầy tay, cùng với taglines - Long live the butcher (Thịt muôn năm)”.

packaging thương hiệu mancave

Thiết kế bao bì sản phẩm thịt cao cấp đến từ thương hiệu Man Cave

V. TOP những thương hiệu nổi đình đám nhờ chiến dịch Packaging thành công 

1. “Ông hoàng” Coca-Cola

Một cái tên mà nhiều người thường nhắc đến đầu tiên khi đề cập đến thương hiệu thành công trong việc thiết kế bao bì của mình đó chính là Coca-Cola. 

Vào năm 2014, doanh nghiệp đã thực hiện chiến dịch Marketing bằng Packaging với sự khẳng định mạnh mẽ yếu tố cá nhân hóa. Với triết lý thương hiệu là chia sẻ những khoảnh khắc niềm vui, Coca-Cola đã lựa chọn chiến lược tập trung vào các yếu tố vui vẻ và mang đến sự giải trí, thú vị dành cho khách hàng. Một ý tưởng do Coca-Cola thực hiện đã ra đời, họ biến mình thành “tiếng nói” trong mọi cuộc trò chuyện bằng cách in lên vỏ lon Coca-Cola hơn 150 cái tên phổ biến với mục tiêu truyền tải thông điệp “Share A Coke”.

Với ý tưởng thiết kế bao bì tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất tinh tế đến từng chi tiết, thương hiệu Coca-Cola đã tạo ra một làn sóng những người săn lùng những lon Coca-Cola có in tên của mình trên đó. Coca-Cola đã thành công trong việc khiến khách hàng chịu mua sản phẩm của mình, tuy vẫn giữ nguyên chất lượng sản phẩm nhưng với sự thông minh trong cách sửa đổi thiết kế bao bì đã giúp thương hiệu gia tăng thị phần ở Việt Nam lên 4%.

share a coke coca cola

Coca cola thực hiện chiến dịch Marketing bằng Packaging với sự khẳng định mạnh mẽ yếu tố cá nhân hóa

2. “Đối thủ không đội trời chung” Pepsi

Nếu như Coca-Cola có những thành công riêng của mình trong việc áp dụng chiến dịch Marketing bằng Packaging thì đối thủ của họ, Pepsi cũng không hề kém cạnh. Không giống với Coca-Cola, Pepsi lại thông qua những dịp lễ hội với mục tiêu làm cho bao bì sản phẩm của mình được nổi bật hơn so với những đối thủ cùng ngành trên thị trường.

Điển hình là chiến dịch được Pepsi thực hiện đầu năm 2018 đã gây tượng tiếng vang lớn với thông điệp packaging gây ấn tượng đó là: “Pepsi Muối”. Thời điểm Tết luôn là dịp để các thương hiệu chạy các chương trình bán hàng và thu về mức doanh thu tốt nhất và thương hiệu Pepsi cũng lựa chọn thời điểm này là “thời điểm vàng” để thay da đổi thịt cho mình. Thoạt nhìn Pepsi có thể đánh lừa khách hàng về việc ra mắt một sản phẩm mới với hương vị mới kết hợp với “Muối”. Tuy nhiên điểm độc đáo trong chiến lược này là đánh trúng vào truyền thống của người dân Việt Nam vào dịp tết với các biểu tượng họa tiết hoa mai, đồng tiền may mắn và đặc biệt là hình ảnh lọ muối. 

Dù thiết kế bao bì sản phẩm tối giản nhưng chiến lược này của Pepsi lại mang lại hiệu quả vô cùng khi “ăn theo” được phong tục may mắn của người Việt vào dịp Tết đo là “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Pepsi đã truyền tải thành công thông điệp sản phẩm là một món quà có thể đem tặng bạn bè người thân với nhiều ý nghĩa may mắn.

pepsi muói

Chiến dịch được Pepsi thực hiện đầu năm 2018 đã gây tượng tiếng vang lớn với thông điệp packaging gây ấn tượng đó là: “Pepsi Muối”

3. “Thương hiệu bia nổi tiếng Việt Nam” Trúc Bạch

Một chiến dịch Marketing bằng Packaging giúp thương hiệu có sự lột xác ngoạn mục đó chính là thương hiệu Bia Trúc Bạch. Ra đời vào thời kỳ Kinh tế Bao Cấp, Bia Trúc Bạch là một thức uống phổ biến đối với người dân Hà Nội cũng giống như Kem Tràng Tiền. Tuy nhiên sau khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, sự xâm nhập vào thị trường Việt Nam của các nhãn hiệu bia Trung Quốc và các thương hiệu phương Tây đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường ngành bia. Bia Trúc Bạch bị chịu ảnh hưởng sâu sắc trước các đối thủ ngoại nhập và dần mất vị thế trên thị trường trong nước.

Sau một thời gian vắng bóng, Bia Trúc Bạch quay trở lại thị trường với sự thay đổi đặc biệt về bao bì với nhãn bạc ánh kim sang trọng thay cho nhãn giấy như trước đây đã góp phần định vị sản phẩm trở thành thương hiệu bia cao cấp. Kết quả từ việc thay đổi và cải tiến lớn về Packaging đã gia tăng doanh số bán hàng gấp 3 lần cho hãng bia lâu đời nhất Hà Nội, đánh dấu sự quay trở lại xuất sắc đến từ bia Trúc Bạch. Chiến lược kinh doanh này được xem như một thành công đột phá của hãng khi đã tìm hiểu rõ về nhu cầu và tâm lý của khách hàng Việt Nam, những người ưa chuộng về hình thức sản phẩm.

bia trúc bạch

Chiến dịch Marketing bằng Packaging giúp thương hiệu có sự lột xác ngoạn mục đó chính là thương hiệu Bia Trúc Bạch

4. “Gia vị thần thánh” tương ớt Chinsu

Theo một nghiên cứu của Nielsen, với những Packaging được thiết kế tối ưu sẽ giúp thương hiệu gia tăng doanh thu sản phẩm lên đến 5,5% so với những bao bì sản phẩm thông thường. 

Tương ớt Chinsu có lẽ là một ví dụ tuyệt vời trong việc giải quyết thực trạng “Product Insight”. Dựa vào quan sát hành vi sử dụng của khách hàng, Chinsu đã nhận ra phần nắp của lọ tương ớt luôn là thứ khiến khách hàng cảm thấy vướng víu mỗi khi mở sản phẩm. bởi vì người tiêu dùng luôn phải qua 1 bước cắt nắp nữa mới sử dụng được sản phẩm và điều này gây ra sự khó chịu với họ. Do đó vào giữa năm 2018, Chinsu đã đưa ra một thay đổi là loại bỏ phần cắt nắp, thay vào đó là nắp tiện lợi, mở ra sử dụng luôn để mang đến cảm giác thoải mái nhất cho khách hàng. 

Sự thay đổi sản phẩm tương ớt Chinsu này đã thu về tín hiệu tích cực khi 80% ý kiến khách hàng đồng ý với thiết kế này và lượng doanh thu đến từ sản phẩm cũng tăng nhanh chóng. Đây được coi là một sự cải tiến xuất sắc từ chiến dịch Marketing bằng Packaging của Chinsu, chỉ với một thay đổi nhỏ đã tạo ra khác biệt lớn.

Tương ớt chinsu

Tương ớt Chinsu có lẽ là một ví dụ tuyệt vời trong việc giải quyết thực trạng “Product Insight”

VI. Kết luận 

Packaging là gì? Chiến dịch Marketing bằng Packaging thực hiện ra sao? Hy vọng thông qua bài viết vừa chia sẻ, 123job.vn đã giúp bạn trả lời được những câu hỏi và có cái nhìn sâu sắc hơn về Packaging cũng như những chiến dịch Marketing bằng Packaging hiệu quả đối với doanh nghiệp. Chúc bạn thành công!