Bài viết sau đây cung cấp thông tin một cách tổng quát về Bảng cân đối kế toán, một tài liệu báo cáo không thể thiếu của bộ phận kế toán trong doanh nghiệp, để giúp bạn phần nào tiếp cận gần hơn với ngành kế toán này.

Bảng cân đối kế toán là một tài liệu quan trọng trong quản lý tài chính của mọi doanh nghiệp. Bạn đã nghe tới mẫu Bảng cân đối kế toán theo Thông tư 200 mới nhất chưa và cách lập bảng cân đối kế toán theo Thông tư 200 như thế nào, các nguyên tắc và cơ sở để hoàn thành bảng cân đối kế toán là gì? Hãy cùng 123job tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Mẫu bảng cân đối kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC mới nhất

Mẫu Bảng cân đối kế toán theo Thông tư số 200

Bảng cân đối kế toán

Tải mẫu bảng cân đối kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC

I. Bảng cân đối kế toán là gì?

1. Bảng cân đối kế toán là gì?

Bảng cân đối kế toán là một bảng báo cáo tài chính tổng hợp, lập ra thường niên (một quý, 6 tháng hoặc một năm), để phản ánh tổng quát thực trạng tài sản và nguồn vốn của một doanh nghiệp trong một thời điểm ngắn hạn nhất định (còn gọi là thời điểm lập báo cáo).

Phần tài sản của bất kỳ một tổ chức kinh doanh, sản xuất nào đang hoạt động đều luôn vận động thay đổi về cơ cấu, số lượng, nguồn hình thành… gây ra bởi các nghiệp vụ kinh tế.

Vì sự biến động không ngừng nên bảng cân đối kế toán luôn được lập cho thời gian ngắn hạn. Số liệu trên bảng cân đối kế toán sẽ chỉ là hình ảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp thời điểm lập bảng đó. Thời điểm lập bảng cân đối kế toán thường là cuối các thời kỳ (tháng, quý, năm) hoặc cuối chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.

 2. Bảng cân đối kế toán gồm những gì

Nội dung của Bảng cân đối kế toán sẽ được trình bày dưới dạng hệ thống những chỉ tiêu nhất định phản ánh tình hình tài sản và nguồn hình thành tài sản cùng nguồn vốn.

Các chỉ tiêu được phân loại, sắp xếp cụ thể thành từng đầu mục trong mẫu bảng cân đối kế toán theo thông tư 200. Trong đó, chúng cũng được mã hóa theo số đầu năm, số cuối kỳ để việc xử lý số, kiểm tra, đối chiếu trên máy tính được thuận tiện, dễ dàng.

Vậy các chỉ tiêu đó trong Bảng cân đối kế toán là gì? Bảng cân đối kế toán được chia làm 2 phần lớn (có thể kết cấu theo kiểu hai bên hoặc một bên trong mẫu bảng cân đối kế toán) là phần “Tài sản” và phần “Nguồn vốn” cụ thể sau đây.

2.1. Mục tài sản:

  • Về mặt kinh tế: số liệu của các chỉ tiêu bên phần tài sản phản ánh giá trị toàn bộ tài sản doanh nghiệp theo kết cấu hiện có đến thời điểm lập báo cáo như tài sản cố định, tài sản lưu động (nguyên vật liệu, sản phẩm hàng hóa, tiền mặt, các khoản đầu tư tài chính) hoặc các khoản nợ phải thu trong mỗi một khâu, giai đoạn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. 
  • Về mặt pháp lý: số liệu phản ánh trong phần Tài Sản chính là các tài sản hợp pháp thuộc quyền sở hữu và sử dụng của doanh nghiệp.

Trong phần Tài sản, theo mẫu bảng cân đối kế toán theo thông tư 200, lại bao gồm:

* Tài sản ngắn hạn

  • Tiền và tương đương tiền
  • Đầu tư tài chính ngắn hạn
  • Các khoản phải thu ngắn hạn
  • Hàng tồn kho
  • Tài sản ngắn hạn khác

* Tài sản dài hạn

  • Các khoản phải thu dài hạn
  • Tài sản cố định
  • Bất động sản đầu tư
  • Tài sản dở dang dài hạn
  • Đầu tư tài chính dài hạn
  • Tài sản dài hạn khác

2.2. Mục nguồn vốn

  • Về mặt kinh tế: phần nguồn vốn bao gồm các số liệu phản ánh quy mô, nội dung và thực trạng tài chính của doanh nghiệp.
  • Về mặt pháp lý: số liệu các chỉ tiêu bên Nguồn vốn thể hiện trách nhiệm pháp lý sử dụng và quản lý hiệu quả nhất nguồn vốn đang nắm giữ của doanh nghiệp đối với các cá thể: Nhà nước (về số vốn Nhà nước), cấp trên, nhà đầu tư, cổ đông, doanh nghiệp liên doanh, ngân hàng cùng các tổ chức tín dụng khác (về các khoản vốn vay), khách hàng, các đơn vị kinh tế khác, người lao động.

Phần Nguồn vốn, theo mẫu bảng cân đối kế toán theo thông tư 200, lại bao gồm:

  • Nợ phải trả
  • Nợ ngắn hạn
  • Nợ dài hạn
  • Vốn chủ sở hữu
  • Vốn chủ sở hữu
  • Nguồn kinh phí và quỹ khác

Từ đầu đến cuối mẫu cân đối kế toán, bên cạnh cột chỉ tiêu là các cột mã số, cột thuyết minh, cột số cuối kỳ và cột số đầu kỳ.

Trong mẫu bảng kế toán theo thông tư 200, không có đầu mục NGUỒN VỐN, tuy nhiên, nội dung vẫn có thể phân chia làm hai phần rất rõ ràng như trên.

3. Mục đích, ý nghĩa của bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán là tài liệu có tác dụng quan trọng trong việc quản lý của doanh nghiệp và việc phân tích đầu tư. Nó phản ánh sức khỏe tài chính của một công ty, doanh nghiệp.

Hiểu được cách lập bảng cân đối kế toán và căn cứ vào số liệu trên bảng ta có thể biết được bao quát tình hình và cơ cấu tài sản hiện có của doanh nghiệp đang nắm giữ cũng như tình hình và cơ cấu nguồn vốn. Ta có thể biết được tài sản đó được doanh nghiệp phân bổ vào đâu, doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính có hiệu quả hay không. Nó cũng giúp ta biết doanh nghiệp có nợ vay thế nào? Sự tăng giảm nguồn vốn chủ sở hữu qua các năm ra sao.

Ý nghĩa của Bảng cân đối kế toán

Ý nghĩa của Bảng cân đối kế toán

Thông qua đó các nhà quản lý doanh nghiệp nhìn nhận kết quả, trình độ hoạt động sản xuất kinh doanh và từ đó đưa ra các biện pháp, các chính sách để cải thiện cho doanh nghiệp mình.

Còn trong đầu tư chứng khoán, bảng cân đối kế toán cần được xem xét kỹ lưỡng, thông qua phân tích, so sánh một số chỉ số về cơ cấu tài sản, nguồn vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp mà nhà đầu tư sẽ tìm ra cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động tốt.

II. Các chỉ tiêu để phân tích bảng cân đối kế toán

Phân tích được bảng cân đối kế toán là điều vô cùng quan trọng đối với các nhà quản lý và nhà đầu tư. Vậy, các chỉ tiêu để phân tích bảng cân đối kế toán là gì?

1. Phân tích cơ cấu tài sản

Cơ cấu tài sảnnguồn vốn thể hiện tỷ lệ từng khoản mục nhỏ trong mỗi phần lớn, được tính toán tổng quát bằng cách lấy các khoản mục đó (như tài sản dài hạn, mục hàng tồn kho của tài sản ngẵn hạn) chia cho tổng tài sản hoặc tổng vốn. Cơ cấu tài sản thường được biểu diễn bằng phần trăm.

Cơ cấu tài sản giúp người phân tích nhìn nhận được tỷ trọng phân bổ tổng quát các loại tài sản trong cơ cấu của doanh nghiệp từ đó đưa ra các nhận xét, đánh giá hợp lý.

Xem xét cơ cấu tài sản cũng còn phụ thuộc vào đặc điểm ngành mà doanh nghiệp hoạt động. Ví dụ, khoản mục hàng tồn kho của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất thép, may mặc thường lớn do tính lưu trữ hàng hóa, nguyên vật liệu và kinh doanh theo mùa vụ; khoản mục phải thu của các doanh nghiệp bất động sản sẽ lớn do chính sách bán hàng trả chậm ...

2. Phân tích cơ cấu nguồn vốn

Cơ cấu nguồn vốn có cách tính tổng quát như cơ cấu tài sản. Từ việc tính cơ cấu vốn, ta có thể suy ra được nguồn hình thành của các loại tài sản là đâu, khả năng tự chủ tài chính, tổ chức quản lý của doanh nghiệp đồng thời biết được chỉ số rủi ro của doanh nghiệp trong trường hợp vay nợ quá cao.

Hệ số nợ = Tổng nợ phải trả (nợ ngắn hạn + dài hạn)/Tổng tài sản

Phân tích hệ số nợ để biết được nguồn hình thành tài sản của doanh nghiệp được đáp ứng bởi vay nợ.

Hệ số tự tài trợ = Vốn chủ sở hữu/Tổng tài sản

Hệ số tự tài trợ cho biết nguồn tài sản được hình thành từ vốn chủ sở hữu là bao nhiêu.

Ngoài ra còn có hệ số tự tài trợ tài sản cổ định, hệ số này phản ánh lượng sử dụng vốn chủ sở hữu để mua về tài sản cố định (mang tính dài hạn trong hoạt động kinh doanh)

Hệ số tự tài trợ tài sản cố định = Vốn chủ sở hữu/TSCĐ bình quân của chu kỳ

Hệ số tự tài trợ TSCĐ càng cao càng tốt, trường hợp nó nhỏ hơn 1, doanh nghiệp đang phải sử dụng thêm nợ vay, rủi ro là rất cao.

 3. Phân tích vòng quay tài sản

Vòng quay tài sản = Doanh thu thuần/Tổng tài sản bình quân

Vòng quay tài sản thể hiện khả năng sử dụng phần tài sản vào hoạt động kinh doanh vì vậy nó càng cao càng thể hiện doanh nghiệp hoạt động tốt.

4. Phân tích vòng quay hàng tồn kho

Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán/Hàng tồn kho bình quân một kỳ

(= doanh thu thuần/hàng tồn kho bình quân một kỳ)

Hệ số vòng quay hàng tồn kho thể hiện khả năng của doanh nghiệp quản lý hàng tồn kho, hệ số càng cao càng thể hiện doanh nghiệp tuần hoàn hàng hóa tốt. Kết quả phân tích xoay hàng tồn kho tùy theo tính chất doanh nghiệp hoặc mùa vụ sản xuất kinh doanh mà sẽ khác nhau.

5. Phân tích khả năng thanh toán

Khả năng thanh toán tổng quát = Tài sản ngắn hạn (dài hạn)/Nợ phải trả

Các chỉ số thể hiện khả năng thanh toán của một doanh nghiệp phản ánh khả năng trả các khoản nợ vay của nó. Dựa vào các chỉ số này mà nhà đầu tư, nhà phân tích có thể đánh giá sức khỏe tài chính và khả năng hoạt động của doanh nghiệp có vững mạnh hay không, doanh nghiệp có hoạt động được lâu dài nữa hay không. Ngoài ra, các chỉ số này giúp các ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng cân nhắc về việc cho doanh nghiệp nào đó vay.

Hệ số thanh toán thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp

Hệ số thanh toán thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp

Các chỉ số chính về khả năng thanh toán có thể kể đến

* Khả năng thanh toán hiện hành

Khả năng thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn

Chỉ số thanh toán hiện hành phản ánh năng lực của doanh nghiệp đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn. Chỉ số này càng cao càng thể hiện khả năng thanh toán nợ ngắn hạn tốt. Tuy nhiên, nếu ở mức quá cao đồng nghĩa doanh nghiệp đang nắm giữ số lượng lớn tài sản ngắn hạn lớn báo cho thấy hiệu quả sự dụng tài sản doanh nghiệp chưa cao.

1 : thể hiện khả năng doanh nghiệp thanh toán nợ ngắn hạn tốt. Chỉ số này khoảng bằng 2 được coi là ổn nhất.

  • Khả năng thanh toán hiện hành
  • Khả năng thanh toán hiện hành quá cao đồng nghĩa doanh nghiệp còn nắm giữ số lượng tài sản ngắn hạn quá lớn, là dấu hiệu cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản, hoạt động chưa cao khiến cho tài sản ngắn hạn không lưu động.

* Khả năng thanh toán nhanh

Khả năng thanh toán nhanh = (Tiền và tương đương đương tiền + Đầu tư tài chính ngắn hạn)/Nợ ngắn hạn

= (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho)/Nợ ngắn hạn

Chỉ số khả năng thanh toán nhanh cũng tương tự như khả năng thanh toán hiện hành tuy nhiên xét đến các loại tài sản có tính thanh khoản cao (loại bỏ hàng tồn kho).

* Khả năng thanh toán bằng tiền mặt

Khả năng thanh toán bằng tiền mặt = Tiền và tương đương tiền/Nợ ngắn hạn

Trong các loại tài sản, tiền có thanh khoản cao nhất, vì vậy, hệ số khả năng thanh toán bằng tiền mặt (khả năng thanh toán tức thời) theo dõi khả năng chi trả nhanh nhất của doanh nghiệp, cách đánh giá và phân tích cũng tương tự hai hệ số trên.

Các chỉ tiêu phân tích bảng cân đối kế toán cần được xem xét cùng với hoàn cảnh và so sánh với các doanh nghiệp khác cùng ngành để có đánh giá đúng đắn nhất.

III. Nguyên tắc và cơ sở để lập bảng cân đối kế toán 

Sau khi tìm hiểu về các chỉ tiêu phân tích bảng cân đối kế toán là gì, bạn chắc chắn thắc mắc cách lập bảng cân đối kế toán là gì vì mặc dù đã có mẫu bảng cân đối kế toán theo thông tư 200 nhưng khi đưa ra các số liệu vẫn cần phải tuân thủ chặt chẽ nhiều quy định. Hãy cùng đi sơ qua về cách lập bảng cân đối kế toán theo các nguyên tắc và cơ sở chính sau đây:

1. Nguyên tắc lập bảng cân đối kế toán

Cách lập Bảng cân đối kế toán và trình bày bảng phải tuân thủ các quy tắc chung theo quy định tại Chuẩn mực kế toán “Trình bày Báo cáo tài chính”. Đầu tiên, các khoản mục Tài sản và Nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán phải được trình bày riêng biệt thành ngắn hạn và dài hạn, tuỳ theo cách tính thời hạn chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, cụ thể là:

- Với một doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh bình thường kéo dài một năm, thì mục Tài sản và Nợ phải trả sẽ phân thành ngắn hạn và dài hạn theo nguyên tắc: Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hoặc thanh toán trong vòng không quá 12 tháng (hoặc 3 tháng, 6 tháng) tới / từ 12 tháng trở lên kể từ thời điểm báo cáo thì được xếp vào loại ngắn hạn / dài hạn

Nguyên tắc và cơ sở lập Bảng cân đối kế toán

Nguyên tắc và cơ sở lập Bảng cân đối kế toán

- Một doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh bình thường là hơn một năm, thì Tài sản và Nợ phải trả được phân thành ngắn hạn và dài hạn theo điều kiện sau: Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán trong vòng một chu kỳ kinh doanh bình thường / dài hơn một chu kỳ kinh doanh bình thường được xếp vào loại ngắn hạn / dài hạn.

Để làm rõ một chu kỳ kinh doanh, doanh nghiệp phải chứng minh rõ đặc điểm, thời gian bình quân xác định chu kỳ kinh doanh thông thường, các bằng chứng về chu kỳ sản xuất, hoạt động kinh doanh của đồng thời doanh nghiệp cũng như ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động.

Nếu tính chất hoạt động của doanh nghiệp không thể dựa vào chu kỳ kinh doanh bình thường để phân biệt thời hạn ngắn hạn và dài hạn, thì mục Tài sản và Nợ phải trả phải được bố cục theo tính thanh khoản giảm dần.

Khi lập Bảng cân đối kế toán tổng hợp giữa các đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới trực thuộc không có tư cách pháp nhân, đơn vị cấp trên phải thực hiện loại trừ tất cả số dư của các khoản mục phát sinh từ các giao dịch nội bộ, như các khoản phải thu, phải trả, cho vay nội bộ.... giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới, giữa các đơn vị cấp dưới với nhau.

Kỹ thuật loại trừ các khoản mục nội bộ khi tổng hợp Báo cáo giữa đơn vị cấp trên và cấp dưới hạch toán phụ thuộc được thực hiện tương tự như kỹ thuật hợp nhất Báo cáo tài chính.

Các chỉ tiêu không có số liệu được miễn trình bày trên Bảng cân đối kế toán. Doanh nghiệp chủ động đánh lại số theo thứ tự liên tục cho các chỉ tiêu trong mỗi phần trong 

2. Cơ sở lập bảng cân đối kế toán

  • Căn cứ theo sổ kế toán tổng hợp
  • Căn cứ theo sổ, thẻ kế toán chi tiết hoặc Bảng tổng hợp chi tiết
  • Căn cứ theo Bảng cân đối kế toán của chu kỳ kinh doanh trước để trình bày cột đầu chu kỳ (đầu năm).

IV. Kết luận

Bảng cân đối kế toán là một công cụ trực quan nhất để nhìn nhận tổng quát về một doanh nghiệp. Nếu như biết cách phân tích và khai thác sâu bảng cân đối kế toán, các nhà quản lý và nhà đầu tư sẽ đưa ra được những quyết định đúng đắn nhất. Hy vọng rằng bài viết trên đây đã giúp cho các bạn hiểu rõ Bảng cân đối kế toán là gì, cách lập Bảng cân đối kế toán theo Thông tư 200. Chúc các bạn thành công!