Quá trình tuyển dụng cũng là một trong những điểm tạo nên giá trị doanh nghiệp để các ứng viên nhìn vào. Chính vì vậy các nhà tuyển dụng cần lưu ý một số điểm dưới đây để không mắc lỗi phỏng vấn nhé!
Bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần có bộ phận tuyển dụng cũng như những nhân viên nhân sự chuyên trách nhiệm vụ tuyển dụng, phỏng vấn những nhân viên mới để đảm bảo nguồn nhân lực cho công ty. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng chú trọng xây dựng các quy trình tuyển dụng đúng đắn. Dưới đây là 10 lỗi phỏng vấn thường gặp mà các doanh nghiệp nên tránh để cải thiện quá trình tuyển dụng.
I. Thiếu sự chuẩn bị kỹ càng
Thiếu sự chuẩn bị kỹ càng khi phỏng vấn nhiều ứng viên
Trước khi làm một bài văn chúng ta đều phải lập dàn ý, trước khi điền đáp án đúng cho môn Toán chúng ta cũng cần tính toán ra nháp trước. Dù làm bất cứ vấn đề gì, việc chuẩn bị luôn là yếu tố cần thiết và quan trọng. Trước khi bắt đầu một buổi phỏng vấn, nơi sẽ quyết định bạn có tuyển được nhân viên tốt hay không thì bạn cần chuẩn bị kỹ càng để sẵn sàng đối phó với những rủi ro, những tình huống bất ngờ. Đồng thời cũng thể hiện sự chuyên nghiệp của bản thân cũng như đại diện cho công ty.
Một buổi phỏng vấn thường không ghi hình, ghi âm nên bạn khó có thể lưu lại dữ liệu thu thập trong quá trình phỏng vấn. Chính vì vậy bạn cần chuẩn bị kỹ, lập kế hoạch, kịch bản phỏng vấn, sau đó ghi chép lại những điểm mạnh, điểm yếu mà ứng viên thể hiện để đánh giá họ. Hãy chuẩn bị kỹ càng để buổi phỏng vấn được rõ ràng, liền mạch, có hệ thống, chuyên nghiệp
II. Có xu hướng tự thuyết phục bản thân
Con người thường hay tin vào ấn tượng đầu tiên, phán xét nhiều thứ bằng cảm tính và tự thuyết phục bản thân mình tin vào những giả thuyết, suy nghĩ đó. Có thể bạn ấn tượng với một ứng viên về giọng nói hay, phong cách ăn mặc cá tính từ đó trong suốt buổi phỏng vấn bạn luôn thiên vị ứng viên đó hơn so với những ứng viên khác. Bạn giả định rằng ứng viên đó có sự sáng tạo, cái “tôi” cá nhân riêng nên làm việc sẽ tốt hơn những ứng viên khác.
Mặc dù xét về khía cạnh chuyên môn có thể ứng viên đó không có nhiều kinh nghiệm hoặc năng lực bằng. Với ấn tượng tốt này, bạn thường sẽ ít nhìn ra những điểm yếu kém của ứng viên và có thể tạo ra những lỗi sai, lệch lạc trong điều hướng tuyển dụng. Đây là một lỗi khá phổ biến nhưng lại gây ra hậu quả khó lường, chính vì vậy hãy sáng suốt và khách quan trong quá trình tuyển dụng.
III. Hiệu ứng hào quang
Cũng như lỗi bên trên, hiệu ứng hào quang cũng là một trong những lỗi thường gặp khi phỏng vấn. Khi bạn đưa ra một bài test về năng lực chuyên môn cho ứng viên, ứng viên đó hoàn thành rất nhanh, chính xác, có điểm mới, sáng tạo. Từ đó bạn có ấn tượng tốt, đánh giá cao về ứng viên này. Nhưng xét về góc cạnh khác như những kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp,... thì nhân viên đó lại không tốt. Chỉ vì ấn tượng về chuyên môn mà bạn đành tặc lưỡi bỏ qua những kỹ năng mềm kia và lời hứa cải thiện từ ứng viên mà tuyển họ. Sau một thời gian dài bạn chợt nhận ra ứng viên đó không có nỗ lực, không có sự cải thiện vậy là bước đi của bạn sai ngay từ đầu rồi.
IV. Khuynh hướng so sánh
Bên cạnh những cảm xúc tích cực trong buổi phỏng vấn, bạn cũng không thể tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực cá nhân trong phần đánh giá chủ quan của mình. Nếu bạn thấy một ứng viên có khả năng tốt hơn bạn về một lĩnh vực nào đó, bạn có thể sẽ sinh sự đố kỵ, không ưa dù nhiều hay ít. Bởi con người thường có khuynh hướng so sánh bản thân mình với những người xung quanh trên mọi khía cạnh của đời sống. Chính vì vậy đừng mang những cảm xúc cá nhân trong buổi phỏng vấn, nó sẽ gây ảnh hưởng xấu không chỉ đến lợi ích công ty mà còn là sự bất công đối với ứng viên.
Khi bạn chèn những cảm xúc cá nhân để đánh giá người khác thì bạn đang cướp đi cơ hội việc làm của họ, đánh mất đi những nhân viên tài năng cho công ty.
Kỹ năng phỏng vấn ứng viên chuyên nghiệp
V. Dùng cảm tính để tiếp cận một vấn đề
Bạn đã bao giờ tự nhiên vui và thoải mái khi gặp một người cùng quê hương hoặc cùng trường với mình khi đi phỏng vấn chưa? Chắc chắn là có rồi, đặc biệt là với những bạn trẻ, sinh viên lên thành phố học thì cảm giác gặp được đồng hương, đồng khóa là điều vô cùng may mắn. Nhưng đừng đặt tình cảm này trong buổi phỏng vấn nhé. Khi cảm tính đã trở thành cái nhìn, điểm tiếp cận vấn đề của bạn thì những đánh giá của bạn sẽ bị biến tướng. Bạn cho rằng bạn đã nắm được điểm mạnh, điểm yếu của đối phương nhưng thực ra nó đã là quá khứ hoặc chưa đúng. Điều bạn cần làm đó là đánh giá thực tế, khách quan nhất trong thời điểm hiện tại, trong buổi phỏng vấn với kết quả mà ứng viên đạt được.
VI. Kết luận quá vội vàng
Trong thời điểm hiện tại khi nhiều doanh nghiệp đang muốn tối ưu hóa nhân sự công ty thì những nhân viên hành chính nhân sự và nhân viên tuyển dụng thường bị gộp chung. Chính từ sự không có đầy đủ chuyên môn, kinh nghiệm trong tuyển dụng mà nhiều công ty thường ít tuyển được nhân viên chất lượng. Một cuộc khảo sát doanh nghiệp gần đây đã cho kết quả gần 50% nhà tuyển dụng thường xác định ứng viên phù hợp với công ty chỉ vỏn vẹn 5 phút đồng hồ. Có thực sự trong một khoảng thời gian ngắn như vậy bạn có thể đánh giá đúng, chi tiết về một con người hay không? Họ có thực sự tự tin, lịch sự, giỏi chuyên môn, đa tài hay không? Liệu họ có đáp ứng tốt công việc trong tương lai hay không khi bạn chỉ mới tiếp xúc với họ 5 phút?
Một buổi phỏng vấn không cần quá gấp gáp đến nỗi bạn phải quyết định trong vòng 5 phút, chính vì vậy đừng đưa ra quyết định một cách vội vàng. Một buổi phỏng vấn chất lượng cần từ 30-45 phút để cả 2 bên tìm hiểu nhau, đặc biệt từ đó bạn có thể nhận xét, đánh giá tốt nhất về ứng viên từ chuyên môn, kinh nghiệm cũng như kỹ năng mềm của họ. Bên cạnh đó mỗi doanh nghiệp cần đầu tư kỹ lưỡng cho quy trình tuyển dụng nhân sự để đạt được chất lượng tốt nhất.
VII. Luôn đi tìm một ứng viên hoàn hảo
Ai cũng cần sự “hoàn hảo” nhưng sẽ không bao giờ có được sự hoàn hảo thực sự vì mỗi người có một yêu cầu khác nhau về sự hoàn hảo. Để đi tìm ứng viên hoàn hảo là rất khó, thay vì đó bạn hãy tìm những ứng viên phù hợp với yêu cầu công việc, tìm người tốt nhất trong số những người đã từng phỏng vấn. Việc bạn ám ảnh và cứ đi tìm mãi một ứng viên hoàn hảo sẽ chỉ là một ngõ cụt mà bạn không thoát ra được. Hoặc nếu bạn tìm được một người thực sự giỏi thì liệu bạn có tuyển được họ không? Liệu công ty bạn có tiềm năng để một người giỏi đầu tư chất xám cũng như cống hiến hết mình không? Trước khi phán xét một ai đó chúng ta nên nhìn nhận lại bản thân. Luôn đi tìm một ứng viên hoàn hảo là một lỗi phỏng vấn đáng quan ngại.
VIII. Quên đi mục đích thật sự của cuộc phỏng vấn
Một nhà phỏng vấn, tuyển dụng chuyên nghiệp bạn cần phải có định hướng, kế hoạch cũng như kịch bản phỏng vấn chi tiết, phù hợp. Không nên tham khảo hoàn toàn những mẫu câu hỏi phỏng vấn tràn lan trên mạng. Để tìm được một ứng viên phù hợp, bạn cần phải xét về nhiều mặt như kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng mềm. Lấy văn hóa doanh nghiệp, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị của công ty làm thước đo để đánh giá cũng như tiêu chí để tuyển nhân viên.
Đừng bao giờ quên đi ý nghĩa thực sự của buổi phỏng vấn là bạn đang đi tìm một ứng viên tốt nhất, phù hợp nhất cho vị trí công việc mà công ty bạn cần. Một nhân viên có thể gắn bó, làm việc lâu dài, có sự nỗ lực và cống hiến cho công ty. Hãy đưa ra những câu hỏi mở để ứng viên có thể dễ dàng đưa ra cách trả lời phỏng vấn theo ý của họ, đưa ra những bài test chuyên nghiệp để đánh giá đúng năng lực của họ. Quên đi mục đích thực sự là một lỗi phỏng vấn kém chuyên nghiệp, dẫn đến buổi phỏng vấn sa đà, không hiệu quả.
Lựa chọn ứng viên tốt nhất trong phỏng vấn
IX. Không đào sâu với những câu hỏi hành vi
Những câu hỏi hành vi có thể sẽ giúp bạn tìm ra đâu là một ứng viên nhanh nhạy, linh hoạt trong xử lý tình huống nhưng có thể bạn sẽ bị sa đà trong việc hỏi thêm những kinh nghiệm trong quá khứ của ứng viên. Hãy chỉ nên tập trung vào cách tư duy của ứng viên xem họ xử lý tình huống tốt không, giải pháp đưa ra hợp lý hay không. Từ đó bạn có thể rút ra được kết luận về kỹ năng mềm của ứng viên. Không đào sâu với những câu hỏi hành vi là một lỗi phỏng vấn mà nhiều nhà tuyển dụng cần lưu ý.
X. Không chớp cơ hội để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp
Một lỗi phỏng vấn, một sai lầm lớn của người phỏng vấn đó là không chớp lấy cơ hội để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp. Có thể ứng viên đó không được nhận nhưng nếu bạn cho họ những trải nghiệm thú vị, những thông tin hữu ích về công ty, rất có thể ứng viên sẽ tiếp tục ứng tuyển những lần sau hoặc đánh giá tốt hơn về trải nghiệm được phỏng vấn tại công ty bạn.
Hiện tại trên facebook cũng như nhiều diễn đàn về việc làm thường xuyên được mọi người review về những trải nghiệm phỏng vấn, làm việc tại các công ty đã từng tham gia. Đây là một cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp bạn có nhiều ứng viên tốt hơn mà không mất nhiều chi phí tuyển dụng. Nhưng hãy tiết chế quảng cáo hoặc nâng tầm công ty bạn quá nhiều để ứng viên cảm thấy bạn đang lừa họ nhé!
XI. Kết luận
Trên đây là 10 lỗi phỏng vấn cơ bản, thường gặp mà nhà tuyển dụng cần lưu ý. Để thu hút được nhiều nhân tài cống hiến cho công ty đòi hỏi bạn cần có những kế hoạch tuyển dụng phù hợp và đầu tư thời gian cho công cuộc này.