Kế toán xây dựng là một nghề kế toán đặc thù, đây cũng là nghề cần rất nhiều kiến thức và kỹ năng. Chính vì vậy mà 123job sẽ gửi đến các bạn những thông tin cơ bản nhất về ngành nghề này để các bạn có hình dung rõ nét nhất.

​​​​​​​I. Đặc điểm chung về kế toán xây dựng

Khi doanh nghiệp đã trúng thầu công trình tham gia thầu, đã có giá trị và khối lượng tham gia thầu công trình, kế toán xây dựng công trình sẽ dựa vào dự toán đã trúng thầu tiến hành bóc tách chi phí để hạch toán. Việc bóc tách chi phí nhằm mục đích hiểu rõ được chi phí trong dự toán để hạch toán đúng. 

Mỗi một công trình, hạng mục đi kèm sẽ có một dự toán riêng. Từ đó, kế toán xây dựng tách chi phí cho từng công trình (là chi phí của công trình nào thì kế toán phải tập hợp vào giá trị của công trình đó). Tập hợp tất cả các loại chi phí cấu thành nên giá thầu công trình bằng hoặc gần bằng giá trên bản dự toán do bộ phận kỹ thuật cung cấp. Kế toán dựa vào chi phí đó để xác định giá vốn đưa vào hạch toán cho công trình theo từng khoản mục chi phí. 

đặc điểm của kế toán xây dựng

Đặc điểm của kế toán xây dựng

Chi phí của công trình được chia theo khoản mục là nguyên vật liệu chính, nhân công, máy thi công, chi phí quản lý chung.

  • Chi phí nguyên vật liệu: Kế toán xây dựng phải căn cứ vào định mức tiêu hao trong dự toán, để bóc tách ra khối lượng các loại vật tư thiết bị tiêu hao và xuất cho công trình. 
  • Chi phí nhân công: Kế toán cần căn cứ vào khối lượng công việc, ngày công, bậc thợ để xác định số lao động, tiền lương theo công trình và thời gian thực hiện của từng công trình. 
  • Chi phí máy thi công: Kế toán cần căn cứ vào loại máy, ca máy để tính tiêu hao nhiên liệu, lương công nhân và khấu hao máy móc.
  • Chi phí quản lý chung: Các bạn có thể tập hợp và phân bổ cho từng công trình theo tỷ lệ nguyên vật liệu chính hoặc theo nhân công. 

Đặc điểm của kế toán xây dựng là khi xây dựng công trình phụ thuộc vào địa điểm xây dựng nên giá xây dựng mỗi nơi sẽ mỗi khác. Do đó mà kế toán xây dựng phải biết áp dụng đúng giá cho mỗi công trình ở mỗi tỉnh và căn cứ vào dự toán để xác định tiêu hao vật tư, ngày công… chứ không được xác định theo giá trị.

Công trình xây dựng thường kéo dài qua nhiều kỳ kế toán nên khi tập hợp chi phí, kế toán phải theo dõi chi tiết chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cũng như vật tư xuất cho từng công trình. 

Khi xuất vật tư phải phù hợp với định mức theo dự toán từng công trình. Công trình hoàn thành phải có biên bản nghiệm thu từng hạng mục hoặc toàn bộ công trình. Khi có biên bản nghiệm thu hoàn thành bàn giao công trình, kế toán xây dựng công trình phải xuất hóa đơn ghi nhận doanh thu cho công trình hoàn thành. 

II. Công việc của kế toán xây dựng

  • Kế toán căn cứ vào bảng bóc tách khối lượng công việc và vật tư tiêu hao để theo dõi việc đưa chi phí nguyên vật liệu vào theo định mức xây dựng.
  • Lập và theo dõi bảng lương nhân công theo tiến độ thi công công trình thực tế.
  • Theo dõi chi phí máy, nhân công máy theo từng công trình.
  • Công việc của kế toán xây dựng còn phải tập hợp, phân bổ chi phí sản xuất chung cho từng công trình, hạng mục công trình. Tập hợp, phân bổ chi phí và tính ra giá thành từng công trình, hạng mục công trình.
  • Lập báo cáo thuế tháng, quý và lập báo cáo tài chính cuối năm. 
  • Kế toán theo dõi chi phí dở dang của từng công trình, hạng mục. Theo dõi doanh thu hoàn thành của từng công trình, hạng mục. 
  • Lập báo cáo tài chính nội bộ phục vụ yêu cầu quản lý của cấp trên.
  • Sắp xếp, lưu trữ cẩn thận hồ sơ, hóa đơn, chứng từ, dự toán, quyết toán, biên bản nghiệm thu bàn giao…. một cách thật khoa học. 
  • Kế toán xây dựng cần có khả năng giải trình số liệu của từng công trình, hạng mục với cơ quan thuế khi có yêu cầu thanh tra, quyết toán. 

công việc của kế toán xây dựng

Công việc của kế toán xây dựng 

Với những công việc kể trên, nhưng để hiểu rõ thực sự bản chất, cách hạch toán thì kế toán xây dựng cần phải có nhiều trao đổi trong việc thực hành kế toán xây dựng, xây lắp nhằm phục vụ cho người làm kế toán giải quyết được các vướng mắc thường gặp trong quá trình làm việc. 

III. Kỹ năng và kinh nghiệm làm kế toán xây dựng

1. Khi nhận được hợp đồng xây dựng

Sau khi nhận được hợp đồng, kế toán xây dựng phải dựa vào dự toán các phần trong bảng tổng hợp vật liệu của công trình, dựa vào bảng tổng hợp vật liệu đối chiếu với bảng nhập, xuất tồn kho xem còn thiếu vật tư nào rồi in ra báo cáo với cấp trên theo dõi công trình hoặc bạn sẽ liên hệ đi lấy hóa đơn vật tư đầu vào cho đủ như theo bảng kê. 

Khi hạch toán, kế toán xây dựng phải lấy hóa đơn chứng từ trước ngày nghiệm thu công trình. Giá mua vào của vật tư thấp hơn hoặc bằng giá trên dự toán của bảng tổng hợp vật liệu, nếu cao hơn thì cũng chỉ được phép chênh lệch ít, nếu không sẽ bị hỏi lại khi quyết toán thuế. 

Sau đó, bạn cần so sánh giữa bảng tổng hợp vật tư của dự án và bảng tổng hợp nhập xuất tồn kho để xem còn thiếu vật tư nào cần lấy cho công trình thì đến lấy hóa đơn đầu vào. 

Quy trình hạch toán kế toán xây dựng vật liệu:

  • Qua kho: Nguyên vật liệu mua vào: Xi măng, cát, đá, sỏi, sắt thép….

Tổng hợp lại gồm: phiếu nhập kho + hóa đơn + phiếu giao hàng hoặc xuất kho bên bán + hợp đồng và thanh lý hợp đồng photo (nếu có) + phiếu chi tiền thanh toán bằng tiền mặt hoặc phiếu hạch toán nếu mua nợ + ủy nhiệm chi và các chứng từ ngân hàng khác.

Kế toán ghi nếu nhập kho: Nợ 152, 1331/ Có 111, 112, 331

  • Xuất thẳng xuống công trình không qua kho

Tổng hợp lại gồm: Hóa đơn + phiếu giao hàng hoặc phiếu xuất kho bên bán + hợp đồng và thanh lý hợp đồng photo (nếu có) + phiếu chi tiền thanh toán bằng tiền mặt hoặc phiếu hạch toán nếu mua nợ + ủy nhiệm chi và các chứng từ ngân hàng khác.

Kế toán ghi: Nợ 621, 1331/ Có 111, 112, 331. Cuối kỳ kết chuyển: Nợ 154/ Có 621.

2. Làm phiếu xuất kho dựa vào vật liệu tồn và hóa đơn đầu vào

Xuất kho bao gồm phiếu xuất kho + phiếu yêu cầu vật tư

Nợ 621/ Có 152. Cuối kỳ kết chuyển: Nợ 154/ Có 621.

Căn cứ vào phiếu yêu cầu, kế toán xây dựng sẽ làm phiếu xuất kho cho công trình, mỗi công trình là một mã để theo dõi giá thành riêng của mỗi công trình. Khi xuất vật tư, bạn sẽ phải xuất chi tiết cho công trình để tập hợp chi phí vào công trình đó để theo dõi tính giá thành cho từng công trình. Từ đó, bạn dựa vào bảng phân tích vật tư rồi xuất vật tư cho công trình thi công. 

Lưu ý cách ghi tài khoản Có 621: 

Lưu ý thứ nhất: Vật tư trong dự toán với thực tế thi công có thể chênh lệch so với dự toán có thể cao hơn hoặc thấp hơn một chút vì thực tế không thể khớp 100% với dự toán được mà sẽ có hao hụt. Đừng để chênh lệch quá nhiều vì nếu không thuế sẽ xuất toán phần chênh lệch này, kể cả chi phí nhân công nếu lớn hơn cũng sẽ bị xuất toán ra. 

Lưu ý thứ hai: Nếu vật tư đưa vào thấp hơn là do kỹ thuật tay nghề thợ xây tốt, giảm được chi phí đầu vào => Giảm giá thành => Giảm giá vốn => Lãi khi quyết toán thuế. Nhưng nếu xuất vật liệu đầu vào cao hơn dự toán thì nếu làm theo đúng chuẩn mực kế toán xây dựng thì: 

  • Chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN làm tăng doanh thu tính thuế x thuế suất (20%)

Ghi sổ: Nợ 632 (Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp vượt trên mức bình thường)/ Có 621 (Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp)

  • Tập hợp vào 154 để theo dõi và sau này khi công trình kết thúc, lúc kết chuyển giá vốn thì ghi sổ như sau:

Nợ 154/ Có 621

Nợ 632/ Có 154 (154 = Vật liệu dự toán + chênh lệch vượt dự toán)

3. Chi phí sản xuất chung

Kế toán xây dựng ghi sổ chi phí sản xuất chung: Nợ 627, 1331/ Có 111, 112, 331, 142, 242… Chi phí này phân bổ theo yếu tố nguyên vật liệu xuất theo công thức:

Phân bổ = (Tiêu chí phân bổ*100/ tổng 621 trong tháng)% * tổng 627 trong tháng

Cuối kỳ kết chuyển sang tài khoản 154: Ghi sổ Nợ 154/ Có 627. Nếu chi phí sản xuất chung vào cao hơn dự toán thì làm theo đúng chuẩn kế toán như sau: 

  • Cuối năm khi quyết toán thuế TNDN phải loại trừ phần chi phí này ra, ở tờ khai quyết toán thuế TNDN nó nằm ở mục B4 của tờ khai quyết toán. Chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN làm tăng doanh thu tính thuế x thuế suất (20%)

Ghi sổ: Nợ 632 (Giá vốn hàng bán - Chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ hoặc vượt dự toán)/ Có 627 (Chi phí sản xuất chung).

  • Vẫn tập hợp vào 154 để theo dõi và sau này khi công trình kết thúc thì kết chuyển giá vốn. 

Ghi sổ: Nợ 154/ Có 627 hoặc Nợ 632/ Có 154 (154 = Vật liệu dự toán + chênh lệch vượt dự toán)

4. Trường hợp công trình kéo dài nhiều tháng mà chưa kết thúc

Trường hợp này, kế toán xây dựng hạch toán vào tài khoản 154 cho đến khi hoàn thành công trình: Khi nghiệm thu hoàn thành + xác nhận khối lượng + quyết toán khối lượng là dựa vào khối lượng thực tế đã thi công và thanh toán + xuất hóa đơn theo giá trị thực tế này.

Kế toán xây dựng ghi sổ: 

  • Doanh thu: Nợ 111, 112, 131/ Có 511, 3331
  • Giá vốn: Nợ 632/ Có 154

5. Sau khi kết thúc mỗi công trình

Sau khi kết thúc công trình, kế toán xây dựng nên lấy một thùng giấy lớn để bỏ hết tất cả tài liệu vào đó, bao gồm hợp đồng, thanh lý, biên bản xác nhận khối lượng, biên bản nghiệm thu, công văn, hồ sơ thanh toán, hồ sơ hoàn công, bản vẽ hoàn công, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thương thảo hợp đồng… Chú ý dán mác thật kỹ, ghi chú tên công trình mã 154. 

IV. Khó khăn và cách giải quyết của nghề kế toán xây dựng

Nghề nghiệp nào cũng có những khó khăn riêng, và nghề kế toán xây dựng cũng không phải là ngoại lệ. Vì tính chất đặc thù trong ngành xây dựng công trình mà kế toán phải chịu nhiều gian nan và vất vả. Với kinh nghiệm làm kế toán xây dựng thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua khi bạn tìm ra được nguyên nhân và cách giải pháp. Dưới đây, chúng tôi sẽ nêu ra những khó khăn mà kế toán xây dựng gặp phải cùng cách giải quyết. 

1. Khó khăn của nghề kế toán xây dựng

  • Nhiều doanh nghiệp xây lắp nhận thầu thi công lại một phần công việc (B’, B’’...) không có dự toán, khi lập hồ sơ quyết toán hoàn công thì có vật tư không nằm trong dự toán hay khi quyết toán thuế thì có khi bị bóc tách vật tư thừa dự toán, loại thuế VAT, quà tặng mua vào không xuất hóa đơn khi tặng, dẫn đến vi phạm thuế…
  • Đa số những doanh nghiệp xây lắp vừa và nhỏ thường mua vật tư, vật liệu rẻ tiền không có hóa đơn, không có thuế đầu vào làm kế toán xây dựng rất khó hạch toán.
  • Nhân công không hợp lý, không có hồ sơ, các thủ tục khác.
  • Hóa đơn mua của công ty thường bị mất hoặc vật tư không đúng với dự toán.
  • Vật tư, vật liệu mua về sử dụng cho nhiều công trình khi xuất ra cho nhóm thi công hoặc chở thẳng về nhóm, không chuyển giấy giao nhận về cho kế toán để theo dõi.
  • Tài sản ô tô, máy xúc, cốp pha, giàn giáo, vật tư phân tán khắp nơi không quản lý được hết, không rõ ràng. 
  • Giám đốc công ty xây dựng thường là dân kỹ thuật cho nên các vấn đề điều hành không bài bản khiến kế toán xây dựng không có đủ chi phí để xuất hóa đơn, xuất hóa đơn khi tạm ứng hợp đồng. 
  • Công việc trong công ty xây lắp rất nhiều nhưng do tiết kiệm chi phí mà giám đốc chỉ thuê 1 người làm kế toán và phải lo luôn cả các công việc như giấy tờ, bảo hiểm, thuế…. gây áp lực dẫn đến bỏ việc. Hậu quả là người kế toán xây dựng đến sau nhận việc không được đầy đủ, giấy tờ sổ sách để lung tung, xử lý công việc sẽ rất mệt mỏi. 

2. Cách khắc phục khó khăn khi làm kế toán xây dựng

khắc phục khó khăn khi làm kế toán xây dựng

Cách khắc phục khó khăn khi làm kế toán xây dựng 

Cách khắc phục đầu tiên của kế toán xây dựng công trình là điều chỉnh khoa học lại hệ thống tổ chức quản lý điều hành. Mô tả lại các vị trí trong công ty kèm theo hệ thống báo cáo định kỳ. 

Giám đốc, quản lý công ty nên có định hướng từ đầu về việc xử lý chi phí:

  • Các công trình đều có dự toán hoặc ít nhất là khái toán chi phí thực hiện. Nếu không có dự toán hoặc khái toán do chủ đầu tư đưa cho thì kỹ thuật bên công ty cũng nên lập ra được khái toán cho việc thi công công trình.
  • Dự toán là định mức chi phí theo các yếu tố, chi phí vượt dự toán phải được chủ đầu tư phê duyệt hoặc chấp nhận mới được cơ quan thuế xác nhận là chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. 
  • Từ dự toán/khái toán, kế toán xây dựng lập bảng theo dõi chi phí theo yếu tố, các cột dự toán và thực tế luôn được cập nhật để theo dõi chi phí đủ hay không cho từng công trình, theo dõi tiến độ thi công và ước lượng sản lượng thực hiện để chuẩn bị xuất hóa đơn.

Kế toán xây dựng quản lý chặt chẽ về vật tư:

  • Bạn nên nhập vật tư một cách khoa học, mua gì thì nhập nấy (nên sử dụng phần mềm kế toán để tính giá nhập kho, xuất kho vật tư cho thuận tiện, thường là sử dụng phương pháp bình quân gia quyền).
  • Nhập vật tư vào kho hàng nào, chỗ nào thì theo dõi ở kho đó, của khách hàng nào thì theo dõi công nợ khách hàng đó. Loại vật tư nào thì mở mã vật tư đó để theo dõi. 
  • Xuất cho công trình nào đều phải có phiếu xuất và biên bản giao nhận để làm căn cứ tính giá thành công trình. 

V. Mức lương kế toán xây dựng

mức lương của kế toán xây dựng

Mức lương của kế toán xây dựng

Kế toán xây dựng là công việc đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên biệt và kỹ năng nhưng mức lương lại rất cạnh tranh. Các bạn sinh viên mới ra trường thường xin vào các công ty nhỏ để làm việc và tích lũy kinh nghiệm, tại đây mức lương khởi điểm sẽ là 4 triệu đồng/tháng. 

Các doanh nghiệp xây dựng công trình luôn muốn tuyển kế toán xây dựng có kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhất công việc được giao, mức lương tại các công ty đó thường giao động từ 6 đến 10 triệu tùy thuộc vào số năm kinh nghiệm và khối lượng công việc. 

Bạn cũng đừng lo về mức lương và cơ hội thăng tiến của nghề này, một kế toán xây dựng công trình hoàn toàn có thể có mức lương từ 15 đến 20 triệu đồng nếu bạn có kỹ năng và kiến thức thực tế vượt trội. Bạn cũng có thể ứng tuyển vào các công ty nước ngoài với mức lương hoàn toàn có thể trên 1000 USD. 

VI. Cơ hội việc làm của kế toán xây dựng 

cơ hội việc làm của kế toán xây dựng

Cơ hội việc làm rộng mở của kế toán xây dựng

Kế toán xây dựng là nghề có rất nhiều cơ hội để phát triển, đặc biệt là với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế Việt Nam. Các công trình xây dựng mọc lên hàng ngày, hàng giờ, kéo theo sự phát triển của các công ty xây dựng trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, nghề nghiệp này cũng có sự cạnh tranh và vất vả vì số lượng nhân viên kế toán công trình được thuê tại một công ty xây dựng không nhiều như các công ty mảng bán lẻ hay sản xuất. Lúc này, bạn phải tích lũy được cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tìm được cho mình một vị trí phù hợp. Bạn có thể tham khảo một số công việc kế toán xây dựng tại 123job.vn của chúng tôi. 

VII. Kết luận

Như vậy là bài viết của chúng tôi đã cung cấp cho các bạn đầy đủ những thông tin về kế toán xây dựng. Đây là một trong những ngành nghề đòi hỏi nhiều kiến thức và kỹ năng thực tế nhất, nên bạn phải thực sự nghiêm túc theo đuổi công việc. Chúc các bạn thành công và hoàn thành tốt công việc của mình.