Thuật ngữ General Manager hiện đang được sử dụng rất nhiều ở các vị trí tuyển dụng với mức lương rất cao. Vậy General Manager là gì? Có nhiệm vụ như thế nào trong công ty? Hãy cùng 123job.vn tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé.

I. General manager là gì?

General manager hay còn được biết đến với tên gọi giám đốc điều hành. Vậy giám đốc điều hành là gì? Giám đốc điều hành là người giữ chức vụ quản lý cấp cao, có nhiệm vụ quản lý doanh thu, chi phí, thu nhập của công ty, chịu trách nhiệm trong việc đưa ra quyết định hoạch định cho các kế hoạch đồng thời phân công công việc tới các bộ phận và giám sát các hoạt động hàng ngày của công ty. Ở những tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ có thêm vị trí Tổng giám đốc điều hành, chịu trách nhiệm giám sát và kiểm duyệt các hoạt động của các giám đốc điều hành.

Giám đốc điều hành là gì

General manager là vị trí thuộc cấp quản trị cấp cao, vì vậy công việc của General manager rất áp lực và đầy trách nhiệm

II. Công việc của general manager

1. Công việc chung của general manager

Tùy vào quy mô và cách hoạt động của từng doanh nghiệp, general manager sẽ đảm nhiệm và chịu trách nhiệm các công việc khác nhau. Nhưng cơ bản, công việc của giám đốc điều hành sẽ bao gồm các hoạt động sau:

  • Kiểm tra, giám sát công việc của các bộ phận, đảm bảo mọi hoạt động của các phòng ban/các nhóm đi theo mục tiêu và chiến lược của công ty đã đề ra.
  • Xem xét và đánh giá năng lực và hiệu suất làm việc của các bộ phận/ các team nói chung và từng thành viên nói riêng.
  • Kiểm tra, đánh giá các kết quả đạt được, điều chỉnh và đưa ra các phương án giải quyết nếu còn những mặt hạn chế trong kế hoạch hoặc có những vấn đề tồn tại/ phát sinh.
  • Xử lý tình huống phát sinh trong các hoạt động trong doanh nghiệp.

Chúng ta có thể thấy, nhiệm vụ của giám đốc điều hành là rất lớn và đóng vai trò là đầu não trong công ty. Với vị trí này, quyền hạn của giám đốc điều hành được gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ về hoạch định, quản trị, marketing-bán hàng, nhân sự, tài chính, báo cáo và kiểm soát các hoạt động đã được phê duyệt trong và ngoài công ty.

2. Công việc của general manager trong khách sạn 

Ngành dịch vụ khách sạn đang ngày càng bùng nổ và phát triển, kéo theo đó là những cơ hội việc làm hấp dẫn trong ngành này. Vị trí general manager thường được các khách sạn săn đón quan tâm và chú trọng. Vậy chức năng nhiệm vụ của giám đốc điều hành trong khách sạn là gì, các bạn có thể tham khảo mô tả công việc giám đốc điều hành ngành dịch vụ khách sạn dưới đây:

  • Phối hợp với các bộ phận lập kế hoạch kinh doanh hàng năm, theo quý cho khách sạn.
  • Chịu trách nhiệm trực tiếp về các chiến lược kinh doanh, Marketing, quản lý ngân sách, doanh thu – lợi nhuận của khách sạn.
  • Quản lý, giám sát hoạt động các phòng ban, bộ phận trong khách sạn và đảm bảo đem tới cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất.
  • Thường xuyên có kế hoạch phân tích thị trường, khảo sát nhu cầu của khách hàng kết hợp theo dõi báo cáo tình hình kinh doanh định kỳ của khách sạn để chủ động đưa ra những chính sách, kế hoạch cạnh tranh kịp thời.
  • Tổ chức, thiết lập các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ đồng thời lên kế hoạch cho các công tác cải tiến chất lượng dịch vụ khách sạn để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng.
  • Đón tiếp khách VIP, xử lý và giải quyết các phàn nàn, khiếu nại cũng như các vấn đề phát sinh mà nhân viên cấp dưới không giải quyết được.
  • Tổ chức tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân sự cho các vị trí quản lý trong khách sạn.
  • Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, đảm bảo về cơ sở vật chất và quyền lợi cho mọi nhân viên khách sạn.
  • Có nhiệm vụ báo cáo công việc, báo cáo tài chính theo định kỳ cho chủ khách sạn.

General Manager được coi là “Thuyền trưởng” trong các khách sạn với trách nhiệm lớn, đòi hỏi nhiều kỹ năng, kinh nghiệm. Đây cũng chính là vai trò của giám đốc điều hành trong các khách sạn nói riêng và trong các doanh nghiệp nói chung.

Mô tả công việc của giám đốc điều hành

Khối lượng công việc của giám đốc điều hành là rất lớn và đầy thách thức, vì vậy họ phải là những người có tố chất lãnh đạo và giàu kiến thức, kinh nghiệm. 

III. Tố chất cần có của general manager

1. Khả năng lãnh đạo

Là một quản lý cấp cao, general manager phải có khả năng lãnh đạo để chèo lái và chỉ huy các nhân viên dưới quyền một cách khoa học và hiệu quả. Với khả năng lãnh đạo, general manager sẽ biết cách phân chia, giao quyền cho nhân viên hợp lý đồng thời đánh giá chính xác thành tích, thái độ  và khả năng làm việc của nhân viên. Hơn nữa việc tổ chức, bồi dưỡng và tạo động lực cho nhân viên sẽ giúp general manager đưa các nhân viên của mình cùng hướng tới mục tiêu chung của doanh nghiệp.

2. Biết dùng người và nhìn người

Khi nhìn nhận được điểm mạnh, điểm yếu của nhân viên, các general manager sẽ dễ dàng hơn trong việc tận dụng điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của nhân viên vào công việc một cách hiệu quả nhất. Đồng thời tạo cơ hội cho cấp dưới trau dồi, phát huy thế mạnh của bản thân từ đó nâng cao hiệu suất làm việc cho nhân viên nói riêng và cho cả công ty nói chung.

3. Có khả năng quyết định

Kỹ năng ra quyết định rất quan trọng đối với các cấp quản trị. Doanh nghiệp hoạt động có thành công và hiệu quả hay không tất cả là nhờ vào khả năng ra quyết định của cấp quản trị. Và general manager cũng vậy, nếu ra quyết định đúng đắn và kịp thời, doanh nghiệp sẽ có được các cơ hội cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường. Ngược lại, chỉ với một sơ suất nhỏ trong việc ra quyết định của general manager cũng sẽ khiến doanh nghiệp rơi vào thế “lung lay”, hoạt động không hiệu quả. 

4. Có khả năng thuyết phục

Khả năng thuyết phục sẽ giúp general manager trình bày và truyền tải tốt các ý kiến, kế hoạch của bản thân, từ đó thuyết phục đồng nghiệp, cấp trên, nhân viên cấp dưới chấp thuận và tán thành.

5. Sáng tạo

Sức sáng tạo đóng vai trò quan trọng và quyết định sự độc đáo, hiệu quả trong các dự án, kế hoạch mà general manager đưa ra. Các general manager cần thường xuyên quan tâm đến các ý tưởng, dự án khởi nghiệp để trau dồi, học hỏi và tổng hợp các phương án sáng tạo, độc đáo.

6. Có sức ảnh hưởng lớn

Là một general manager chuyên nghiệp, bạn phải là người có sức ảnh hưởng lớn đối với các vị trí khác trong công ty. Khi đó, bạn có thể ảnh hưởng tích cực đến cách tư duy, nỗ lực của các nhân viên cấp dưới bằng lời nói, hành động của bản thân. Chiếm được lòng tin và sự tôn trọng của mọi người sẽ khiến công việc của bạn trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. 

7. Tinh thần trách nhiệm cao

Một yếu tố không thể thiếu của một general manager đó là phải có tinh thần trách nhiệm cao. Bạn cần biết chịu trách nhiệm với mọi hành động, mọi quyết định của mình, không đủn đẩy, chỉ trích. Khi làm việc, luôn luôn phải có cách phương án dự phòng để giải quyết kịp thời các vấn đề không may phát sinh.

Giám đốc điều hành

Các general manager không chỉ cần có tài năng mà phải có trách nhiệm và đạo đức trong công việc

IV. Lộ trình trở thành general manager (CEO)

Việc làm giám đốc điều hành có cơ hội nghề nghiệp rất lớn với mức lương cao nhưng đây không phải là vị trí mà ai cũng có thể ngồi được. Ngoài những áp lực phải gánh vác ra thì lộ trình để trở thành general manager cũng không hề đơn giản.

1. Đi từng bước nhỏ để có thể tiến những bước lớn

Để trở thành một general manager bạn cần phải trải qua một lộ trình khá dài và gian nan. Hơn 60% general manager tương lai thường đóng vai trò rất nhỏ ở một công ty nào đó ở thời điểm họ bắt đầu xây dựng sự nghiệp. Thậm chí, để bắt đầu ở 1 lĩnh vực mới, họ cần hy sinh công việc ở công ty hiện tại vào một công ty nhỏ hơn để có thể đảm nhận nhiều trọng trách hơn và có thêm kinh nghiệm trước khi bước vào kinh doanh riêng. Có thể bạn đã biết đến câu chuyện của James. Ông được tuyển dụng vào vị trí phát triển tiếp thị và truyền thông để hỗ trợ thực hiện dự án chiến lược có trị giá hàng tỉ đô la vào năm 20 tuổi. Nhưng ngay khi bắt đầu sự nghiệp, ông lại bị đẩy sang làm dự án xây dựng doanh nghiệp mới.Khi đó, ông chỉ có 2 lựa chọn đó là phải làm hoặc từ chức. Để bắt đầu với doanh nghiệp gần như là mới thành lập, ông đã phải tự trau dồi kỹ năng quản lý, bổ sung các nghiệp vụ như: P&L (Báo cáo kết quả kinh doanh), quản lý ngân sách và tập thiết lập tầm nhìn chiến lược. Và cuối cùng ông đã đạt được kết quả vô cùng ngưỡng mộ: “Khi tôi bước vào công ty, doanh thu là con số 0 tròn chỉnh và giờ đây chúng tôi đã xây dựng nên công ty đáng giá 250 triệu đô la”.

2. Những bước nhảy vọt đáng kể

Theo nghiên cứu CEO Genome Project, hơn 1/3 CEO tương lai đều có bước tiến nhảy vọt đáng kể trong 10 năm đầu họ làm việc, điều này giúp họ vọt xa hơn trong sự nghiệp. Họ suy nghĩ thận trọng nhưng vẫn chấp nhận rủi ro. Luôn biết nắm bắt mọi cơ hội, cố gắng thử sức dù khả năng vượt ra tầm kiểm soát. Walter Scott đã nói: “Với những người nhút nhát và do dự, mọi thứ đều không thể bởi nó trông dường như không thể”. Muốn trở thành 1 CEO thành công, bạn cần tạo dựng cho mình thói quen nói “có” với mọi cơ hội dù bản thân đã sẵn sàng hay chưa. Một ví dụ của Jerry, vào năm 24 tuổi ông đã tham gia vào dự án kinh doanh trị giá 200 triệu đô la với vị trí là một kế toán cao cấp. Chỉ sau 8 tháng, anh đã được đề cử cho vị trí giám đốc tài chính. Mặc dù anh còn trẻ và thiếu nhiều kiến thức về chuyên môn lẫn kỹ năng nhưng với sự quyết tâm và nhiệt huyết tuổi trẻ anh đã chấp nhận mọi thử thách đến với mình và kết quả là anh đã có cái nhìn sâu sắc hơn, nhận thức rõ hơn từng nhiệm vụ trong dự án. Và anh mong muốn trong 9 năm tới, anh có thể trở thành CEO sau khi đạt vị trí là COO.

3. Kế thừa sai lầm

Nếu CEO tương lai dám đảm nhận và khắc phục được những “rắc rối hỗn độn” mà doanh nghiệp đang kinh doanh thua lỗ, bộ máy điều hành kém hiệu quả hay thậm chí trên bờ vực phá sản thì chắc chắn vị trí CEO này sẽ thuộc về họ. Hơn 30% các cựu CEO đều đến từ những công ty gần như sụp đổ, nhưng với cách “chèo lái” tài tình, không những giúp công ty ổn định mà còn phát triển vươn xa hơn. Những tình huống thử thách ấy khiến các nhà lãnh đạo tương lai có cơ hội thể hiện khả năngđánh giá tình huống một cách bình tĩnh, đưa ra cácquyết định sáng suốt và sử dụng nguồn nhân lực để giải quyết mọi vấn đề. Vì vậy đây là cơ hội đầy tuyệt vời cho vị trí CEO. Câu chuyện về Jackie - hiện đang là giám đốc điều hành của một công ty vận tải - sẽ mang đến cho bạn hình dung rõ hơn về vấn đề này: Jackie chia sẻ cô đã chủ động tìm đến với những khó khăn, thử thách: “Tôi chủ động nhận những “bài tập” khó giải nhất, nhanh chóng có thể giải chúng bằng nhiều cách để tìm ra đáp số”. Với lối suy nghĩ “khác người” như vậy, Jackie đã lên chức giám đốc điều hành sau hơn 20 năm làm việc và đấu tranh không ngừng nghỉ. Có thể thấy, Jackie đã dám bước vào con đường đầy chông chênh, rủi ro mà ai cũng lắc đầu và cuối cùng cô cũng được đền đáp xứng đáng bằng kết quả lợi nhuận khổng lồ mang về cho công ty.

V. Mức lương của giám đốc điều hành

Là vị trí quản trị cấp cao, có trọng trách lớn với các hoạt động của công ty vì thế mà mức lương của giám đốc điều hành là rất cao. Bạn có thể tham khảo mức lương mà 123job.vn tổng hợp được ở dưới đây:

Mức lương của general manager

Khảo sát dựa trên hơn 300 mẫu đăng tuyển tại 123job.vn

  • Mức lương thấp nhất: 15 triệu/ tháng.
  • Mức lương trung bình thấp: 39,4 triệu/ tháng.
  • Mức lương trung bình cao: 58,7 triệu/ tháng.
  • Mức lương cao nhất: 135 triệu/ tháng.

Trở thành general manager không chỉ có được mức lương mơ ước mà bạn còn có được rất nhiều mối quan hệ tốt với không chỉ nhân viên mà còn với các nhà quản trị, các đối tác làm ăn.

Như vậy, thông qua bài viết, 123job.vn hy vọng bạn đã có cái nhìn tổng quan về vị trí general manager là gì, hiểu được các nhiệm vụ của giám đốc điều hành cũng như trọng trách của vị trí này trong việc điều hành công ty.