Kỹ sư xây dựng là những người hiện thực hóa bản vẽ của kiến trúc sư thành những ngôi nhà, công trình hiện đại. Vậy công việc này có những thú vị nào? Tại sao nên chọn công việc kỹ sư xây dựng? Cùng 123job tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé
I. Kỹ sư xây dựng là gì?
Kỹ sư xây dựng được hiểu là những người làm công việc quản lý các sự án xây dựng, giám sát công nhân xây dựng, giám sát lịch trình xây dựng sao cho công trình hoàn thành theo đúng kế hoạch. Kỹ sư xây dựng cũng là người đảm bảo sao cho các cấu trúc tạm thời dùng trong xây dựng như giàn giáo được thiết kế, lắp ráp đúng theo quy định xây dựng, đạt tiêu chuẩn an toàn nhất. Công việc của kỹ sư xây dựng chính là sử dụng bàn tay tài hoa, khối óc tinh tế để biến những bản vẽ trên giấy tờ của kiến trúc sư trở thành những tòa nhà khang trang, những khu đô thị hiện đại, ...
Kỹ sư xây dựng bao gồm các chuyên ngành: kỹ sư tin học xây dựng, kỹ sư cầu đường, kỹ sư xây dựng công trình thủy lợi, kỹ sư xây dựng sân bay, kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp, kỹ sư xây dựng công trình quân sự, kỹ sư xây dựng công trình biển, kỹ sư xây dựng đô thị, kỹ sư cơ khí xây dựng, ...
II. Mô tả công việc kỹ sư xây dựng
Những công việc của một kỹ sư xây dựng bao gồm các công việc chủ yếu sau:
- Phân tích bản báo cáo điều tra, bản đồ địa hình, tình hình khu vực và những dữ liệu khác để có thể lên kế hoạch dự án xây dựng
- Xem xét và đánh giá giá trị xây dựng, tìm hiểu các quy định chính phủ, nhà nước và dự đoán các mối nguy hiểm tiềm ẩn trong môi trường cộng với những yếu tố khác trong quá trình lập kế hoạch và phân tích rủi ro khi xây dựng
- Tiến hành theo dõi và kiểm tra thử nghiệm đất, địa hình nhằm xác định sự phù hợp và độ vững chắc của nền móng công trình xây dựng
- Thực hiện kiểm tra các chất liệu xây dựng như bê tông, gạch ngói, nhựa đường, sắt thép được sử dụng trong những dự án xây dựng cụ thể.
- Kỹ sư xây dựng sẽ thực hiện việc giám sát, khảo sát hoạt động nhằm thiết lập các điểm tham chiếu, điểm số và độ cao để hướng dẫn xây dựng.
- Vận dụngkỹ năng thuyết trình để trình bày trước người dân, chủ đầu tư, khách hàng về các đề xuất đặt thầu, báo cáo tác động của môi trường, mô tả tài sản, số lượng nhân lực ước tính, ...
- Quản lý, điều hành những công việc tại công trường xây dựng bao gồm: sửa chữa, bảo trì và thay thế các cơ sở hạ tầng hỏng, xuống cấp.
Kỹ sư xây dựng là người hiện thực hóa các bản vẽ thiết kế thành công trình xây dựng
III. Kỹ sư xây dựng làm việc ở đâu
Nhóm công việc của nghề kỹ sư xây dựng có thể chia thành ba loại: ngoài công trường, trong công xưởng và trong văn phòng.
Những kỹ sư xây dựng làm việc tại công trường sẽ vất vả và khó khăn hơn vì những tác động của yếu tố thời tiết, những biến động, biến cố trên công trường và yêu cầu công việc thường phải di chuyển đi lại nhiều. Những kỹ sư xây dựng làm việc tại công trường là những kỹ sư thi công, chỉ huy trưởng công trường và kỹ sư giám sát thi công.
Những kỹ sư xây dựng làm việc trong công xưởng bao gồm kỹ sư giám sát nội bộ, chuyên viên phát triển sản phẩm, kỹ sư quản lý chất lượng,..
Kỹ sư xây dựng làm việc trong văn phòng bao gồm: chuyên viên kiểm toán xây dựng, chuyên viên trắc đạc, khảo sát địa chất, thẩm định chất lượng công trình; chuyên viên tư vấn xây dựng; chuyên viên thiết kế và quản lý kế hoạch, dự án, chất lượng ở các đơn vị thi công xây dựng; chuyên viên lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ đấu thầu,...
Tùy vào sở thích và điểm mạnh của mình mà kỹ sư xây dựng có thể lựa chọn làm việc cho các công ty xây dựng, các tập đoàn xây dựng và kiến trúc, các dự án xây dựng của chính phủ hoặc phi chính phủ, trong các hội kiến trúc và xây dựng hoặc tự làm ngoài.
IV. Mức lương kỹ sư xây dựng hiện nay
1. Mức lương kỹ sư xây dựng mới ra trường
Với những kỹ sư xây dựng mới ra trường, chưa phải chịu nhiều áp lực công việc và cường độ công việc cao thì mức lương dao động từ khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Với các kỹ sư xây dựng phải đi công trình thì mức lương dao động từ khoảng 6 - 8 triệu/tháng.
Riêng đối với kỹ sư xây dựng có trình độ ngoại ngữ tốt, làm việc trong các công ty nước ngoài thì mức lương có thể nhận được rơi vào khoảng 700 – 800 USD mỗi tháng.
2. Mức lương kỹ sư xây dựng đã có kinh nghiệm 3 - 5 năm
Mức lương đối với kỹ sư xây dựng đã có khoảng 3 - 5 năm kinh nghiệm và làm việc ở vị trí giám sát công trình thì mức lương sẽ dao động từ 8 - 12 triệu đồng/tháng.
Với kỹ sư xây dựng nếu làm tại những công trình lớn và ở vai trò quản lý thì bạn sẽ ít phải chịu áp lực công việc cao hơn, làm việc không kể thời gian với các công việc như quản lý nhà thầu phụ, lên kế hoạch thi công, họp thảo luận về thiết kế thì sẽ có mức lương khoảng trên 13 triệu đồng/tháng.
Với kỹ sư xây dựng chỉ phụ trách nhiệm vụ quản lý công trình, quản lý công nhân thì công việc sẽ dễ thở hơn một chút với mức lương khoảng từ 7 – 10 triệu đồng/tháng
Kỹ sư xây dựng hiện đang là ngành nghề có mức lương hấp dẫn, thu hút nhân lực lớn
3. Mức lương kỹ sư xây dựng có kinh nghiệm làm việc trên 5 năm, chức vụ quản lý, chỉ huy trưởng công trình
Kỹ sư xây dựng làm việc ở chức vụ quản lý, chỉ huy trưởng công trình thì áp lực công việc khá lớn, song mức lương nhận lại cũng vô cùng hấp dẫn với mức lương trên 20 triệu cộng với các khoản hoa hồng từ nhà thầu phụ, nhà cung ứng vật tư,...
V. Kỹ năng cần thiết cho mọi kỹ sư xây dựng
1. Kỹ năng làm việc nhóm với các kiến trúc sư
Kỹ sư xây dựng là người dựa trên bản vẽ của kiến trúc sư để tạo nên những công trình. Kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư cần phối hợp hoàn hảo, tìm được tiếng nói chung để hoàn thiện bản vẽ và hiện thực hóa tác phẩm kiến trúc, đạt được mục tiêu chung, mang đến sản phẩm đạt chất lượng cả về thẩm mỹ, tính an toàn lẫn giá trị sử dụng. Kỹ sư xây dựng sẽ dùng các kinh nghiệm của mình để đọc được các sai lệch về con số trên bản vẽ của kiến trúc sư. Còn kiến trúc sư sẽ là người chi tiết hóa bản vẽ giúp các kỹ sư xây dựng ước lượng được số lượng vật tư, tài chính, nhân công và thời gian thi công công trình.
2. Kỹ năng đọc bản vẽ thiết kế
Bản vẽ chính là ngôn ngữ giao tiếp của kỹ sư xây dựng với các kỹ sư thiết kế, kiến trúc sư. Do đó, đọc được bản vẽ chính là điểm mấu chốt, kỹ năng mà kỹ sư xây dựng cần thực hiện nhuần nhuyễn để có thể triển khai các ý tưởng, đồ án thiết kế trên giấy tờ thành các công trình xây dựng.
3.Kỹ năng bóc tách dự toán
Từ việc thành thạo kỹ năng đọc bản vẽ thiết kế giúp các kỹ sư xây dựng có khả năng bóc tách sự toán, xác định được bản vẽ này cần những gì, các thông tin, số liệu cần nắm bắt được là gì, tính toán được số lượng vật tư, nhân công cần cho việc xây dựng công trình. Ví dụ, trong quá trình chỉ đạo, giám sát thi công, kỹ sư xây dựng phải bóc tách dự toán, biết được trong ngày, trong tuần, trong tháng cần bao nhiêu vốn, bao nhiêu khối lượng vật tư, nguyên liệu và cần bao nhiêu công nhân,...
4. Sử dụng thành thạo máy tính và các phần mềm liên quan
Sử dụng thành thạo máy tính giúp kỹ sư xây dựng làm việc hiệu quả hơn. Hiện nay các phần mềm quan trọng hỗ trợ công việc của kỹ sư xây dựng là: AutoCAD, dự thầu GXD, 3Smax, quyết toán GXD, dự toán GXD, ...
5. Kỹ năng lập hồ sơ dự thầu, lập giá dự thầu, lập hồ sơ thanh quyết toán xây dựng
- Để có thể thành thạo kỹ năng này, kỹ sư xây dựng phải trả lời được các câu hỏi sau:
- Giá dự thầu được tính bằng cách nào; cách bóc tách kiểm tra khối lượng; kỹ năng tra mã hiệu công việc?
- Khi đọc hồ sơ mời thầu cần phải lưu ý những gì? Cách để phân công làm hồ sơ thầu ra sao?
- Thời điểm nào thích hợp để thực hiện làm các đơn dự thầu, bảo lãnh dự thầu?
6. Ngoại ngữ là kỹ năng thiết yếu
Sở hữu khả năng ngoại ngữ đem lại nhiều lợi ích kỹ sư xây dựng. Có ngoại ngữ không chỉ mở ra cơ hội làm việc tại các công ty vốn nước ngoài, tại nước ngoài với mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn mà còn giúp các kỹ sư xây dựng có thể tiếp cận, học tập các nguồn tài liệu đa dạng, phong phú nhằm nâng cao hơn nữa trình độ của bản thân.
VI. Vì sao nên chọn nghề kỹ sư xây dựng
1. Nghề kỹ sư xây dựng có thể thỏa sức sáng tạo
Đặc thù của nghề kỹ sư xây dựng khá khô khan, nhiều áp lực và nhiều vất vả cho nên phần đông người theo nghề này đều là nam giới. Tuy nhiên, có đam mê và nỗ lực thì không gì có thể ngăn cản bạn chinh phục thành công trong nghề này. Làm kỹ sư xây dựng ngoài việc bạn sẽ được đi nhiều, phiêu lưu nhiều, thỏa sức sáng tạo, thiết kế và hiện thực hóa những ý tưởng của bản thân.
2. Cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai
Hiện nay, kỹ sư xây dựng đang là ngành thu hút nhân lực nhất và xu hướng này vẫn đang trên đà tăng trưởng. Có xu hướng này bởi sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tác động của nền kinh tế thị trường kéo theo nhu cầu xây dựng tăng nhanh chóng. Do đó, trong khoảng 10 năm tới, nghề kỹ sư xây dựng vẫn mở đầy cơ hội chào đón các ứng viên.
Kỹ sư xây dựng hiện tại đang là một nghề thu hút nhân lực
3. Nghề kỹ sư xây dựng đang thiếu trầm trọng nhân lực cả về số lượng và chất lượng
Hiện nay, nhu cầu về xây dựng luôn tăng nhanh, đội ngũ công nhân dồi dào nhưng lại thiếu về đội ngũ kỹ sư có thể quản lý, giám sát và đảm bảo cho các công trình xây dựng hoàn thiện đúng thời gian, đúng tiêu chuẩn. Do đó, tại nhiều công trường xây dựng đang tồn tại cảnh thừa các lao động chưa qua đào tạo, thiếu kỹ thuật và những cử nhân kỹ sư xây dựng trở nên rất có giá và không bao giờ thiếu việc làm.
4. Công việc đa dạng, nhiều lựa chọn
Nghề kỹ sư xây dựng có thể chia thành ba nhóm ngành: Ngoài công trường, trong công xưởng và làm việc văn phòng.
Các vị trí làm việc ngoài công trường bao gồm: Kỹ sư thi công, kỹ sư giám sát thi công, chỉ huy trưởng công trường,…
Trong công xưởng: kỹ sư quản lý chất lượng, kỹ sư giám sát nội bộ, chuyên viên phát triển sản phẩm, ...
Trong văn phòng: Nhân viên quản lý, chuyên viên tại phòng kế hoạch, dự án, phòng quản lý chất lượng ở các đơn vị thi công xây dựng, tư vấn công trình xây dựng, ...
Với sự đa dạng nhóm ngành nghề và do nhu cầu thiếu nhân lực hiện nay cho nên ứng viên theo đuổi nghề kỹ sư xây dựng không khó để tìm kiếm cho mình một công việc ưng ý
5. Nhiều lựa chọn cơ sở đào tạo chất lượng
Hiện cả nước có khoảng 29 trường đại học, 21 trường cao đẳng và cao đẳng nghề, 19 trường trung cấp và 1 học viện đào tạo ngành nghề kỹ sư xây dựng. Ngoài ra, để nâng cao tay nghề, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm thì bạn có thể đi du học hoặc thực tập tại nước ngoài như Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,
VII. Kết luận
Các công trình xây dựng là một yếu tố để đánh giá sự phát triển của một quốc gia và các kỹ sư xây dựng chính là người hiện thực hóa các bản vẽ thành công trình, biến các bãi đất trống thành các tòa nhà, khu dân cư hiện đại. Kỹ sư xây dựng - ngành nghề nhiều vất vả nhưng rất đáng tự hào, nhiều cơ hội mở rộng và nhiều trải nghiệm đáng để bạn theo đuổi.
Xem thêm:
Kỹ sư xây dựng - Ngành nghề có mức thu nhập hấp dẫn nhưng nhiều thách thức
Biên bản nghiệm thu là gì? Top những mẫu biên bản nghiệm thu chuyên nghiệp nhất