Lập trình iOS nằm trong hệ thống lập trình mobile đang được coi là ngành công nghệ hot nhất ngày nay. Vậy lập trình iOS là gì, đâu là các bước để bắt đầu tự học lập trình iOS, tài liệu tham khảo… Tất cả sẽ được hé lộ trong bài viết sau.

I. Lập trình ứng dụng IOS là gì?

Apple với hệ điều hành iOS đã không còn là cái tên xa lạ với người dùng smartphone trong hơn một thập kỷ gần đây. Lập trình ứng dụng iOS chính là việc xây dựng và phát triển ứng dụng tương thích với hệ điều hành này thông qua ngôn ngữ lập trình Swift được sáng tạo độc quyền bởi Apple. 

Lập trình ứng dụng iOS là gì?Lập trình ứng dụng iOS là gì?

II. 6 bước trở thành lập trình viên iOS chuyên nghiệp từ con số 0

1. Đầu tư thiết bị

Để bắt đầu học lập trình iOS, trước hết bạn cần có cho mình hai thiết bị cơ bản:

  • 01 máy tính chạy hệ điều hành MAC (MAC OS) để tiến hành lập trình
  • 01 chiếc iPhone để test ứng dụng đã được lập trình xong

Thị trường máy tính luôn có sẵn những chiếc Macbook Air hay Macbook Pro đa dạng phiên bản cho bạn chọn lựa để bạn bắt đầu hành trình iOS coding. Để tiết kiệm chi phí thì một chiếc Macbook đã qua sử dụng (13 - 27 triệu đồng cho Macbook Pro, 10 - 14 triệu đồng cho Macbook Air) sẽ là một lựa chọn khôn ngoan. Nếu như bạn đang sử dụng sản phẩm không chạy hệ điều hành của Apple và điều kiện kinh tế không cho phép, bạn có thể cân nhắc hack sang MAC OS (Hackintosh) để có thể học lập trình iOS trên Windows. Tuy nhiên hình thức này không được khuyến cáo áp dụng do khó khăn trong việc update các phiên bản mới của MAC OS. Ngoài ra, một chiếc iPhone second hand cũng có thể được mua với mức giá chỉ từ 3 - 7 triệu đồng giúp lập trình viên chạy thử ứng dụng ngay sau đó.

2. Cài đặt môi trường lập trình

Mỗi nhà phát triển phần mềm cần một môi trường nơi triển khai các thuật toán của một ứng dụng. XCode là môi trường lập trình tích hợp (IDE - Integrated Development Environment) được Apple cung cấp miễn phí dành cho người muốn học lập trình iOS. Nó cho phép lập trình viên viết các đoạn mã điều khiển, thiết kế giao diện, biên dịch và chạy thử ứng dụng trên Simulator (một máy ảo chạy iOS) hoặc trên các thiết bị như iPhone, iPad, iPod, Apple Watch. Xcode cũng là công cụ đắc lực giúp thiết kế giao diện người bằng cách đơn giản thông qua việc kéo thả. Bên cạnh code và debug, nhà phát triển còn có thể thực hiện rất nhiều tác vụ với XCode như: Merge source code, testing, quản lý project, trích xuất ipa hay tải app lên Apple Store…giúp đơn giản hóa quá trình làm ứng dụng từ A đến Z.

Sử dụng XCode để bắt đầu với lập trình ứng dụng iOSSử dụng XCode để bắt đầu lập trình ứng dụng iOS

3. Chọn một ngôn ngữ lập trình iOS

Có hai ngôn ngữ lập trình iOS bạn có thể lựa chọn để bắt tay vào nghiên cứu: Swift và Objective-C. Hiện nay, Swift đang trở thành xu hướng thay thế Objective-C nhờ tính tinh giản mà vẫn chặt chẽ trong quy trình lập trình, đồng thời tiết kiệm thời gian. Biến, dữ liệu, class, vòng lặp là một trong những yếu tố cần ghi nhớ khi bắt đầu học một trong hai ngôn ngữ trên. 123job.vn xin được gửi đến bạn tài liệu hướng dẫn học ngôn ngữ lập trình Swift được cung cấp bởi Apple.

Swift là ngôn ngữ lập trình được yêu thích hơnSwift là ngôn ngữ lập trình được yêu thích hơn

4. Học lập trình iOS cơ bản

Bên cạnh các video tutorial tham khảo miễn phí trên youtube hay AppCoda phục vụ cho việc tự học lập trình iOS, chúng tôi khuyên bạn nên đầu tư cho một khóa học online để trang bị kiến thức nền tảng cũng như tư duy lập trình cho mình. Một vài khóa học trả phí tin cậy được Udemy cung cấp cho bạn có thể kể đến như: iOS 12 & Swift 4, iOS 12: Learn to Code & Build Real iOS Apps hoặc: From Beginner to Paid Professional: The 10 day iPhone app Bootcamp...Những khóa học này thu hút hàng ngàn người học bởi sự tiện lợi của e-learning, giúp những người đi lên từ con số 0 có thể nắm bắt được những phần kiến thức cô đọng của XCode, Swift và thiết kế UI để xây dựng và tải được ứng dụng của riêng mình lên App Store. Để trở thành một lập trình viên tài năng, bạn cần trang bị cho mình những hiểu biết tối thiểu sau về iOS:

  • Hiểu và sử dụng được các tác vụ kiểm soát cơ bản của hệ thống như: Button, tab bar, table view, collection view, navigation controller…để có hình dung ban đầu về màn hình hiển thị của ứng dụng
  • Hiểu các phương thức truyền thông trong ứng dụng: Delegate, Key Value Observing (KVO), notification…để thông báo về sự thay đổi giữa người dùng và tài khoản
  • Hiểu và sử dụng được cách dữ liệu được lưu trữ trong ứng dụng với NSUserDefault, file, CoreData…
  • Biết cách sử dụng StoryBoard, Interface Builder, Autolayout…để hiểu cách nội dung được hiển thị trên màn hình iPhone của người dùng
  • Sử dụng được một số framework hệ thống như: MediaPlayer (kiểm soát nội dung đa phương tiện), Location, MapKit (tích hợp hiển thị bản đồ)
  • Hiểu cơ chế hoạt động và xử lý được các tác vụ với APNS

5. Bắt đầu code và theo dõi bằng Git

Áp dụng những gì bạn học được về Swift và iOS từ các trang chia sẻ kiến thức bên trên và bắt đầu lập trình cho ứng dụng của mình. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng Git - hệ thống quản lý giúp xác định lỗi khi code, khôi phục dữ liệu bị mất...

6. Đăng tải ứng dụng lên App Store và GitHub

GitHub - nền tảng chia sẻ dữ liệu code phổ biến nhất thế giớiGitHub - nền tảng chia sẻ dữ liệu code phổ biến nhất thế giới

Khi bạn đã cơ bản hoàn thiện ứng dụng của mình, bạn cần một tài khoản Apple để tải ứng dụng lên App Store (99$/năm) để gửi ứng dụng đến App Store và nó sẽ được xem xét dựa trên nội dung, thiết kế và chi tiết kỹ thuật tuân theo Bản Hướng Dẫn Đánh Giá của Apple. Ngoài ra, GitHub là nền tảng xã hội cho phép bạn đăng tải phần coding cho ứng dụng lên công khai để nhận được đóng góp từ cộng đồng nhà phát triển iOS trên toàn thế giới, giúp bạn cải thiện sản phẩm của mình. GitHub còn là nơi lý tưởng để bạn quảng bá mình đến với những nhà tuyển dụng lập trình viên. 

III. Những kỹ năng chính giúp lập trình ứng dụng iOS không khó

Tự học lập trình iOS liệu có khó?Tự học lập trình iOS liệu có khó?

1. Tư duy lập trình iOS

Thông thạo XCode và Swift chắc chắn là kỹ năng tối quan trọng đối với một nhà lập trình giỏi. Những kiến thức như: Cú pháp, Classes, Control Flow, sửa lỗi...cần liên tục được học hỏi trước khi bắt tay vào xây dựng ứng dụng iOS.

2. Kỹ năng UI, UX và lý luận không gian

Một nhà phát triển ứng dụng iOS, bên cạnh kiến thức chuyên môn về coding, cũng cần trang bị cho mình sự nhạy bén về thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng. UX liên quan đến cách người dùng sử dụng ứng dụng, trong khi UI liên quan đến phần nhìn của ứng dụng đó. 

3. Kỹ năng Networking 

Mọi ứng dụng không bao giờ hoạt động đơn độc mà không có kết nối. Mỗi nhà lập trình cần có cho mình kỹ năng networking để hiểu cách dữ liệu được truyền và nhận thông qua thống web. Một nền tảng cho networking bắt buộc coder phải thành thạo đó là JavaScript JSON và bạn có thể học về nó từ các nguồn miễn phí trên Internet, đặc biệt là Youtube.

IV. Mức lương và cơ hội thăng tiến của một lập trình viên iOS

Với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp điện thoại thông minh và sự chiếm ưu thế của các sản phẩm Apple trên thị trường, số lượng việc làm tạo ra cho các nhà phát triển ứng dụng iOS đang tăng lên chóng mặt với số lượng việc làm trong 10 năm gần đây là 292,000; Mức lương trung bình là 600 - 1200 USD/tháng đối với người có kinh nghiệm 1 - 2 năm trở lên. Mức lương cho sinh viên mới ra trường sẽ thấp hơn, chẳng hạn sinh viên đại học FPT ra trường có mức lương khởi điểm khoảng 8 -9 triệu đồng/tháng, được đề xuất xét thưởng và tăng lương định kỳ. 
Một người lập trình ứng dụng iOS có thể đảm nhiệm các vị trí như: Kỹ sư phần mềm điện thoại, Nhà phát triển ứng dụng di động, Kỹ sư iOS… Với sự liên tục cập nhật của iOS cho các thiết bị mới của Apple cũng như sự ra đời của hàng ngàn Start-up công nghệ, đây hứa hẹn là nghề không bao giờ “lỗi mốt” của nền kinh tế, đặc biệt đối với một quốc gia trẻ và đầy tiềm năng như Việt Nam.

V.  Học lập trình iOS cơ bản nên bắt đầu từ đâu?

Để bắt đầu, lí tưởng nhất là bạn tìm được một khóa học lập trình iOS chất lượng và phù hợp với mình. Một vài yếu tổ ảnh hưởng đến kết quả học của bạn bao gồm: Giáo viên, khung chương trình học, điều kiện đầu ra…Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, APTech với kinh nghiệm 31 năm trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin, đặt trụ sở chính tại Mumbai (Ấn Độ) , có mặt trên hơn 40 quốc gia trên thế giới với số lượng học viên tại Việt Nam lên đến trên 100 000 sẽ là một điểm đến tin cậy dành cho người muốn bắt đầu con đường phát triển ứng dụng iOS.

Nếu điều kiện không cho phép học trực tiếp tại lớp, bạn có thể lựa chọn các khóa học lập trình iOS online được Edumall cung cấp. Nếu chưa chắc chắn có nên đầu tư vào lĩnh vực này hay không, bạn nên bắt đầu với nguồn tài liệu chính thống để học lập trình iOS căn bản được xuất bản online bởi Apple. Bộ tài liệu này đi vào 3 yếu tố cơ bản nhất của một ứng dụng (iOS, Swift, Thiết kế giao diện người dùng - UI): 

  • Start developing iOS Apps (Swift): Hướng dẫn đưa ra những khái niệm, công cụ cơ bản trong iOS, đồng thời bạn sẽ có cơ hội thực hành lập trình một ứng dụng theo dõi bữa ăn đơn giản có tên là Food Tracker. 
  • Intro to App Development with Swift: Đây là một cuốn sách trên Apple Books giải thích các khái niệm và kỹ thuật cơ bản cho ai muốn làm quen với ngôn ngữ lập trình Swift trước khi bắt đầu lập trình iOS cho ứng dụng.
  • Human Interface Guidelines: Giao diện người dùng (user interface - UI) là điều mọi ứng dụng đều phải có. Nó bao gồm các nút (button), hình ảnh (image), nhãn (label), định vị (navigation)... Tại hướng dẫn này, người học sẽ có cơ hội tìm hiểu về các nguyên lý thiết kế, themes, app icon, bars, views…, tất tần tật liên quan đến UI. Apple luôn muốn giúp các nhà phát triển tạo ra giao diện app thu hút người dùng mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc trong thiết kế giao diện.

Apple cung cấp cho nhà phát triển các bài giảng về Tối ưu giao diện người dùng

Apple cung cấp cho nhà phát triển bài giảng miễn phí về Tối ưu giao diện người dùng

VI. Hướng dẫn tự học lập trình iOS cho người mới bắt đầu

1. Lên ý tưởng và bắt đầu xây dựng ứng dụng của bạn

Ý tưởng ứng dụng iOS của bạn là gì?Ý tưởng ứng dụng iOS của bạn là gì?

Dựa trên sở thích của bạn, hãy chọn cho mình một ý tưởng cho ứng dụng. Nó có thể là một ý tưởng đã tồn tại, không sao hết, bạn có thể phân tích chúng để cho ra một sản phẩm hoàn thiện hơn những ứng dụng đã có. 
Ví dụ:

  • Nếu bạn muốn kiểm soát thời gian của mình hiệu quả, tại sao không thử một ứng dụng lên kế hoạch & thói quen với chức năng theo dõi báo cáo theo ngày?
  • Nếu bạn đam mê nấu nướng, bạn hoàn toàn có thể xây dựng một ứng dụng chia sẻ công thức nấu ăn cho phép người dùng đóng góp phiên bản của riêng mình.
  • Nếu thích chụp ảnh, thì một ứng dụng chụp hình với những filter độc đáo thiết kế cho người dùng như: Làm đẹp, làm thon gọn, cắt ghép hình ảnh… sẽ là một khởi đầu không tệ.
  • Còn nếu games là sở trường của bạn, ngại gì không thử lập trình một trò chơi đơn giản như Flappy Bird từng làm mưa làm gió khắp thế giới?

2. Thiết lập ban đầu Xcode

Đầu tiên khởi động Xcode và tạo một project mới cho người dùng cá nhân bằng việc nhấn chọn “Create a new Xcode project” >> “Single View Application”. Sau đó bạn cần thiết lập một vài thông số bao gồm:

  • Product Name: Tên ứng dụng
  • Organization Name: tên lập trình viên
  • Organization Identifier: tên định danh của lập trình viên
  • Language: ngôn ngữ lập trình mà bạn sử dụng khi lập trình

3. Xác định các chức năng chính của ứng dụng

Đừng cố gắng tạo ra một ứng dụng đa năng (all-in-one) mà hãy bắt đầu với những chức năng cơ bản mà bạn có thể liệt kê ra được. Chẳng hạn, với ứng dụng mang tên “Viets Cooking - Mạng xã hội chia sẻ công thức nấu ăn cho người Việt”, người dùng có thể:

  • Tạo tài khoản, thay đổi mật khẩu, thay đổi ảnh đại diện
  • Đọc & chia sẻ lên các mạng xã hội khác những công thức được hệ thống cung cấp
  • Đăng tải kèm hình ảnh công thức của riêng mình
  • Nhận được like/unlike cho mỗi bài đăng từ cộng đồng người dùng
  • Bình luận, chỉnh sửa bình luận, xóa bình luận cho mỗi bài viết

           ...

4. Tạo flow (dòng) giao diện người dùng

Một UX Designer giỏi là người khiến trải nghiệm khách hàng với ứng dụng iOS trở nên dễ dàng nhất có thể

Một UX Designer giỏi là người khiến trải nghiệm khách hàng với ứng dụng iOS trở nên dễ dàng nhất có thể

Ở bước này, bạn nên trả lời những câu hỏi như: Nút này nên được đặt ở đâu? Điều gì sẽ xảy ra khi người dùng ấn vào đó? Người dùng có thể ấn vào đâu để tạo tài khoản? Họ có thể làm gì nếu quên mật khẩu?...Bạn cần vẽ ra tất cả các viễn cảnh có thể có khi người dùng tương tác với một màn hình hiển thị bất kỳ. 

5. Thiết kế giao diện người dùng

Hầu hết các ứng dụng được lập trình iOS đều sử dụng các thành phần của UIKit - một khung ứng dụng cung cấp các thành phần giao diện phổ biến. Nó giúp tạo ra bề ngoài nhất quán cho các ứng dụng iOS mà bạn thấy trên App Store, đồng thời vẫn cho phép lập trình viên tùy biến (customization). 03 nhóm thành phần giao diện trong UI Kit là:

  • Bars (thanh): Bao gồm thanh định vị (giúp người dùng biết được họ đang xem gì), thanh tìm kiếm (cho phép gõ text để dò tìm dữ liệu và thường đặt ngay dưới thanh định vị), thanh trạng thái ( hiển thị những thông tin cơ bản của trạng thái thiết bị như: Giờ, ngày, tên mạng, phần trăm pin và được đặt ở hai góc trên thiết bị), thanh theo dõi tab (Xuất hiện ở dưới cùng của màn hình và cung cấp khả năng chuyển đổi nhanh giữa các phần khác nhau của ứng dụng), thanh công cụ (xuất hiện ở dưới cùng màn hình, chứa các button để thực hiện hành động liên quan đến giao diện hiện tại).
  • Views (hiển thị): Các loại hiển thị gồm có: Hiển thị Action Sheet, hiển thị trạng thái, hiển thị hình ảnh, hiển thị text, hiển thị web…
  • Controls (tác vụ kiểm soát), gồm: Nút (buttons), menu chỉnh sửa, nhãn (labels, thường cung cấp thông điệp ngắn), hiển thị tắt/bật…

Toàn bộ hướng dẫn thiết kế giao diện người dùng iOS đã được Apple cung cấp công khai cho người học trên trang chủ.

Thiết kế UI - điều kiện quyết định giúp thu hút người dùng từ cái nhìn đầu tiên
Thiết kế UI - điều kiện quyết định giúp thu hút người dùng từ cái nhìn đầu tiên

Sau khi đã thiết kế được giao diện người dùng, bạn cần kết nối chúng với code thông qua hướng dẫn Start Developing iOS Apps (Swift) - Connect the UI to Code của Apple.

6. Biên dịch, chạy thử và sửa lỗi

Tiếp theo, bạn tiến hành biên dịch (build) và chạy thử (run) để kiểm tra lỗi phát sinh trong quá trình làm UI và code nhằm kịp thời chỉnh sửa. Công cụ sửa lỗi của XCode (XCode debugger) sẽ giúp lập trình viên:

  • Xác định và định vị lỗi
  • Kiểm tra control flow và cấu trúc dữ liệu trong khi code để xác định nguyên nhân gây lỗi
  • Đưa ra giải pháp và sửa đoạn code bị lỗi
  • Xác nhận đã sửa và chạy lại ứng dụng

Quá trình chạy thử và sửa lỗi sẽ kết thúc khi XCode không rà soát được thêm lỗi nào trong phần code của chương trình.

VII. 14 phạm trù một lập trình viên iOS cần biết 

1. Kiểm soát mã nguồn (source code)

Mã nguồn Mã nguồn 

Source Code là tập hợp các dòng lệnh để tạo nên một thao tác nào đó. Ví dụ: Khi bấm vào nút Search thì dòng lệnh sẽ được khởi động, thực thi và trả về kết quả như đã lập trình trước đó, cụ thể là màn hình sẽ chuyển về trang kết quả tìm kiếm. Hai loại mã nguồn phổ biến nhất hiện nay là SVN và Git.

  • SVN: SVN quản lý phiên bản của app dựa trên một hệ thống tập trung. Đó là một kho lưu trữ nơi các bản sao làm việc
  • Git: Git quản lý phiên bản dựa trên một hệ thống phân tán. Bạn sẽ có một kho lưu trữ mà chỉ cần kết nối mạng để đồng bộ hóa. Cả kho lưu trữ và bản sao làm việc đều có lịch sử thay đổi đầy đủ.

2. Các mẫu kiến trúc ứng dụng

Một kiến trúc tốt giúp cho ứng dụng dễ hiểu và dễ test hơn. Bạn có thể tuân thủ mẫu kiến trúc truyền thống là MVC (Model, View, Controller) hoặc những mẫu hiện đại hơn là MVVM (Model, View, Viewmodel) 

3. Ngôn ngữ lập trình

Như đã nói, bạn có thể chọn dùng Objective-C hoặc Swift cho lập trình iOS, tuy nhiên ngày nay Swift được các lập trình viên ưa chuộng hơn do nhiều lợi ích mà nó đem lại, như: Bỏ các quy ước rườm rà do không còn có dấu chấm phẩy nữa, việc gọi phương thức không yêu cầu dấu ngoặc nữa và không cần ngoặc đơn bên ngoài các biểu thức có điều kiện.

4. Functional Reactive Programming (FRP)

Functional Reactive Programming(FRP) là mô hình lập trình hướng tới luồng dữ liệu và sự lan truyền thay đổi. Nếu trong FRP có một loại biến có giá trị thay đổi theo thời gian, ta có thể áp dụng các hàm cơ bản đặc trưng của functional programming như scan, map, reduce… Hai ứng cử viên vô địch cho FRP để các lập trình viên tham khảo là ReactiveX/RxSwift và ReactiveCocoa

5. Quản lý thư viện

CocoaPods và Carthage là các công cụ quản lý phổ biến nhất cho các dự án Swift và Objective-C Cocoa. 
Cocoapod được xây dựng bằng Ruby với đa dạng thư viện và được cài đặt bằng cách sử dụng lệnh sau: $ sudo gem install cocoapods
Ngược lại với CocoaPods, Carthage là một công cụ quản lý thư viện phi tập trung. Nhược điểm của nó là sẽ khó khăn hơn cho người dùng khi tìm các thư viện hiện có nhưng mặt khác, nó đòi hỏi ít bảo trì hơn.

6. Lưu trữ thông tin

  • NSUserDefault: Thường được dùng để lưu trữ dữ liệu người dùng mặc định, được đưa vào khi ứng dụng được tải lần đầu tiên. Hạn chế của nó là đối tượng (object) nó tiếp nhận, chỉ đáp ứng một số nhất định như: NSDate, NSdata, NSNumber, NSDictionary, NSString. 
  • Keychain: Lưu trữ mật khẩu và ghi chú riêng tư. Có 02 cấp độ mã hóa của keychain đó là: Cấp độ 1 sử dụng mật khẩu khóa màn hình, cấp độ 2 sử dung mật khẩu được khởi tạo lưu trữ trên thiết bị làm mã hóa. 
  • Core Data: Là một framework được tạo ra bởi Apple, giúp thiết bị giao tiếp, đối chiếu trực tiếp với database theo phương thức hướng đối tượng (object-oriented). Core Data làm đơn giản hóa quy trình, ít code hơn và loại bỏ sự cần thiết trong việc kiểm tra đoạn code đó.

7. CollectionView và TableView

Mọi ứng dụng đều có một hoặc nhiều CollectionView và/hoặc TableView. Nếu lập trình viên biết cách thức hoạt động của chúng thì sẽ có khả năng cao ngăn chặn những thay đổi phức tạp đối với ứng dụng của bạn trong tương lai.

  • TableView: Hiển thị một danh sách các mục, trong một cột đơn và chỉ có thể cuộn theo chiều dọc. Mỗi mục được đại diện bởi một UITableViewCell, có thể được hoàn toàn tùy biến. Chúng có thể được chia thành các phần và các hàng ngang.
  • CollectionView: Cũng hiển thị một danh sách các mục, tuy nhiên chúng có thể có nhiều cột và hàng. Nó có thể cuộn theo chiều ngang hoặc theo chiều dọc, mỗi mục được đại diện bởi một UICollectionViewCell. Giống như UITableViewCell, chúng có thể được chỉnh tùy ý muốn của lập trình viên, đồng thời cũng có thể được sắp xếp thành các phần và hàng ngang.

8. Storyboard và Xib

  • Storyboard: Được các designer yêu thích vì nó cung cấp view rộng hơn của project, do đó họ có thể thấy toàn bộ flow của ứng dụng với đầy đủ các màn hình hiển thị (screen). Nhược điểm là khi số lượng màn hình hiển thị tăng lên, thì thời gian tải chúng cũng tăng lên và các kết nối giữa các màn hình với nhau cũng trở nên rối hơn bao giờ hết. 
  • Xibs: Cung cấp chế độ xem trực quan về màn hình hoặc chỉ một phần của màn hình. Lợi thế của nó là dễ tái sử dụng, ít xung đột liên quan đến tính hợp nhất hơn so với Storyboard.

9. Protocol - Giao thức

Người ta quy các phương thức/thuộc tính/yêu cầu của các chức năng khác nhau trong ứng dụng thành protocol (giao thức).  Protocol có thể được sử dụng bởi class, structure và cả enumeration. Khi protocol được nhận ở đâu thì nơi đó (class/struct/enum) phải định nghĩa và viết chi tiết cho tất cả các phương thức/thuộc tính/yêu cầu mà protocol đó có.

10. Closures

Closure là một block code, có thể bóc tách ra để tái sử dụng. Cũng có thể hiểu nó là một hàm nhưng bị khuyết danh. Lập trình viên có thể gán closure vào biến và sử dụng như một kiểu value.
Closures có thể là 1 trong 3 kiểu sau:

  • Global functions: Là closures có tên và không capture các giá trị.
  • Nested functions: Là closures có tên và có thể capture các giá trị từ hàm chứa nó.
  • Closure expressions: Là closures không có tên được viết dưới dạng giản lược syntax và có thể capture các giá trị bằng phân tích bối cảnh xung quanh.

11. Schemes

Scheme URL cho phép các ứng dụng có thể tương tác được với nhau, chẳng hạn như khi xác thực đăng nhập thông qua code được gửi bằng tin nhắn văn bản. Một ứng dụng có thể đăng kí một hoặc nhiều URL Scheme. Một số url scheme cả một số ứng dụng mặc định có thể kể đên bao gồm: 

  • Mail - mailto:
  • Message - sms:
  • Phone - tel:

12. Test

Rất khó để có thể thể ngăn chặn mọi lỗi và đảm bảo ứng dụng của bạn sẽ không có bất kỳ vấn đề nào khi code. Một vài công cụ sau đây có thể sử dụng để test độ chuẩn xác của ứng dụng ví dụ như: Leak Checks, Profile Timer & Memory Allocation…

13. Location - Định vị

Nhiều ứng dụng hiện nay yêu cầu vị trí của người dùng. Vì vậy, bạn cần có kiến thức về cách hệ thống định vị hoạt động cho iOS. Một framework có tên CoreLocation cho phép bạn xác định vị trí liên kết với một thiết bị. Lập trình viên sử dụng các class và protocol trong framework này để phân bổ các vị trí và tiêu đề. Bạn cũng có thể sử dụng CoreLocation để xác định vùng địa lý và báo cáo khi người dùng vượt qua ranh giới của vùng đó. 

14. Localizable Strings

Localizable Strings cho phép ứng dụng thay đổi ngôn ngữ theo khu vực mà người dùng đang được định vị hoặc chỉ đơn giản là họ có như cầu đổi sang ngôn ngữ khác vì mục đích cá nhân, chẳng hạn như để học ngoại ngữ. Việc lập trình viên cần làm là thêm phiên bản đã dịch của tệp Localizable.strings cho ngôn ngữ mới. Ngoài ra, để tìm nạp một String với NSLocalizedString, bạn cần viết lệnh sau: NSLocalizedString(key:, comment:)

VIII. Những điều cần lưu ý trước khi lập trình ứng dụng iOS

1. Nghiên cứu kỹ về thị trường

Khi bạn có ý tưởng cho một ứng dụng iOS, điều đầu tiên cần làm là tìm hiểu kỹ về tổng quan thị trường để không bị trùng lặp ý tưởng với đối thủ cạnh tranh. Điều này đặc biệt quan trọng với một doanh nghiệp phát triển ứng dụng di động, bởi đối thủ của họ không phải chỉ ở ngay trong khu vực mà là trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc nghiên cứu kỹ thị trường qua phân tích SWOT cũng sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tổ chức so với đối thủ cạnh tranh trong ngành để học hỏi và sửa chữa từ sai lầm của họ.

2. Tìm hiểu nhu cầu khách hàng mục tiêu

Customer-oriented (định hướng khách hàng) đã trở thành yêu cầu quan trọng nhất với bất kỳ doanh nghiệp nào. Việc phác họa chân dung khách hàng mục tiêu có thể giúp doanh nghiệp xác định được xu hướng, sở thích và nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Một ứng dụng sẽ chỉ được ưa chuộng khi đánh đúng vào insight khách hàng, vì vậy hãy đảm bảo bạn thường xuyên kết nối với tập khách hàng mục tiêu và theo dõi hành vi của họ đối với các xu hướng công nghệ.

3. Lựa chọn team phù hợp

Hiện có hàng ngàn đội ngũ nhà phát triển ứng dụng di động cũng như các lập trình viên hoạt động freelance. Một team tốt sẽ là những người liên tục cập nhật input về các khía cạnh UI, tính năng… để cải thiện app ở mức tốt nhất. Nếu bạn là leader cho dự án của mình, trước tiên hãy tìm hiểu portfolio của ứng viên cũng như hỏi các khách hàng cũ của họ về kinh nghiệm và sản phẩm họ từng cung cấp. 

IX. Tổng hợp tài liệu lập trình IOS miễn phí hay nhất 2019

Trong phần này, chúng tôi muốn cung cấp những tài liệu miễn phí từ các trang đào tạo uy tín về học lập trình iOS cho người mới bắt đầu 

1. Tài liệu tiếng Việt

Lập trình iOS từ cơ bản đến nâng cao là bộ tài liệu miễn phí gồm 30 videos bài giảng của trung tâm tin học Khoa Phạm, giúp bạn có cái nhìn tổng quan về các công cụ cần thành thạo và các nội dung chuyên sâu về công cụ đó, rất hữu ích cho người mới bắt đầu. 

2. Tài liệu tiếng Anh

Các khóa học tự lập trình iOS miễn phí:

  • Cách build app từ A - Z: How to make an iOS app (Udacity)
  • Networking: iOS Networking with Swift (Udacity)
  • Core Data: iOS Persistence and Core Data (Udacity)
  • MVC/MVVM/VIPER: Good iOS Application Architecture (Realm)
  • XCode: XCode debugging (Udacity)

X. Kết luận

Hy vọng với những thông tin cơ bản và các nguồn tài liệu được đưa ra trong bài viết, bạn có thể bắt đầu tự học lập trình iOS, đồng thời hình dung được hướng đi cho con đường học lập trình iOS của mình. Đây chắc chắn đang và sẽ còn là công việc thu hút thế hệ trẻ, đặc biệt là trong thời kỳ bùng nổ công nghệ 4.0 như: AI, Big Data, IoT… hiện nay. 123job.vn chúc bạn giữ lửa với niềm đam mê lập trình, đặc biệt với lập trình ứng dụng iOS. Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo của chúng tôi.