Nhượng quyền kinh doanh đã ngày càng trở nên phổ biến với những ưu điểm vượt trội của nó đem lại. Vậy nhượng quyền kinh doanh là gì? Cần lưu ý gì khi chọn lựa hình thức này? Chúng ta cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!

​​​​​​​I. Nhượng quyền kinh doanh là gì?

Nhượng quyền kinh doanh (Franchise) là việc cho phép một cá nhân hay tổ chức (gọi là bên nhận nhượng quyền) được kinh doanh hàng hóa hay dịch vụ theo hình thức và phương pháp kinh doanh đã được thử thách trong thực tế của bên nhượng quyền ở một điểm, tại một khu vực cụ thể nào đó trong một thời hạn nhất định để nhận một khoản phí hay một tỷ lệ phần trăm nào đó từ doanh thu hay lợi nhuận. 

nhượng quyền kinh doanh là gì

Nhượng quyền kinh doanh là gì?

Bên nhượng quyền phải đảm bảo cung cấp đúng, đủ và hỗ trợ thành viên gia nhập hệ thống đó, còn bên nhận nhượng quyền phải đảm bảo thực hiện theo đúng các khuôn mẫu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt của hệ thống, từ cách trang trí đến nội dung hàng hóa và dịch vụ, giá cả được chuyển giao. Các tài sản hữu hình và vô hình khác như quảng cáo, tập huấn quốc tế, quốc nội cùng như các dịch vụ hỗ trợ khác được bên nhượng quyền thực hiện. 

Nói cách khác, kinh doanh nhượng quyền chính là việc bên nhượng quyền cho phép bên nhận nhượng quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ theo những điều kiện nhất định đã đề ra và bên nhận tuân theo và phải trả cho bên nhượng quyền một khoản phí. 

II. Ưu điểm của hình thức kinh doanh nhượng quyền

Ưu điểm của nhượng quyền kinh doanh là gì? Ưu điểm lớn nhất của nhượng quyền chính là giảm thiểu rủi ro khi đầu tư kinh doanh. Bởi vì các cơ sở nhượng quyền đã hoạt động tốt và thu được nhiều lợi nhuận, đã được kiểm định tại một địa điểm. Một nguyên nhân khác nữa là bên nhượng quyền có phương pháp quản lý tốt hơn, đồng thời thương hiệu đã nổi tiếng và được người tiêu dùng tín nhiệm. 

ưu điểm của nhượng quyền kinh doanh

Ưu điểm của hình thức kinh doanh nhượng quyền

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ thất bại là do quản lý yếu kém, trong bối cảnh đó, phương án nhượng quyền kinh doanh có lẽ là khả thi hơn cả. Nói một cách khác, thuê một cơ sở nhượng quyền về bản chất là thuê bí quyết quản trị của một doanh nghiệp đã thành công. 

Ngoài ra, khi tham gia nhượng quyền, bên được nhượng quyền sẽ được bên nhượng quyền hỗ trợ tốt khi đàm phán với các nhà cung cấp dịch vụ và giảm chi phí nguyên vật liệu vì nhà cung cấp sẽ cung cấp vật tư nguyên vật liệu cho toàn hệ thống nên bên nhận nhượng quyền sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí. 

III. Phân loại các hình thức nhượng quyền kinh doanh thương hiệu

Tùy theo tiêu chí phân loại mà chúng ta có thể phân chia hoạt động nhượng quyền kinh doanh theo hai hình thức sau:

1. Theo tiêu chí lãnh thổ

  • Nhượng quyền thương hiệu từ nước ngoài vào Việt Nam: Là hình thức chủ thương hiệu là các thương hiệu nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo hình thức nhượng quyền. 

Ví dụ: KFC, Jollibee, McDonald’s…..

  • Nhượng quyền thương hiệu từ Việt Nam ra nước ngoài: Là hình thức mà các thương hiệu Việt Nam đầu tư ra nước ngoài bằng cách nhượng quyền.

Ví dụ: 
Phở 24 đã nhượng quyền thành công tại Indonesia
Trung Nguyên - Thương hiệu cà phê hàng đầu ở Việt Nam đã nhượng quyền thành công tại các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Australia. 

  • Nhượng quyền thương hiệu trong nước: Các thương hiệu Việt Nam nhượng quyền trong nước đã bắt đầu phát triển. Có thể kể đến một số tên tuổi như Bánh kẹo Kinh Đô, Phở 24, Cà phê Trung Nguyên, Foci….

2. Theo tiêu chí hoạt động kinh doanh 

a. Nhượng quyền thương hiệu phân phối sản phẩm (Product distribution franchise)

Nhượng quyền thương hiệu phân phối sản phẩm là hình thức mà người nhượng quyền cho phép người nhận quyền phân phối sản phẩm do mình sản xuất, dịch vụ của mình trong phạm vi khu vực và thời gian nhất định. Hình thức nhượng quyền này yêu cầu vẫn phải sử dụng thương hiệu, biểu tượng, tên nhãn hiệu, logo và slogan của bên nhượng quyền phân phối. 

Ví dụ:
Nước uống Coca Cola, Xe hơi Ford

nhượng quyền thương hiệu theo phân phối sản phẩm

Nhượng quyền thương hiệu phân phối sản phẩm

Điểm khác biệt của hình thức này với những hình thức nhượng quyền kinh doanh khác là bên nhượng quyền sẽ không nhượng lại cách thức kinh doanh. Những ngành công nghiệp sử dụng hình thức này chủ yếu là ngành sản xuất thức uống nhẹ, ngành công nghiệp ô tô và xe tải, phụ tùng ô tô, xăng dầu….Trên thực tế, hình thức nhượng quyền kinh doanh này không phổ biến như hình thức nhượng quyền sử dụng công thức kinh doanh. 

b. Nhượng quyền thương hiệu sử dụng công thức kinh doanh (Business format franchise)

Nhượng quyền thương hiệu sử dụng công thức kinh doanh là hình thức chuyển nhượng phổ biến nhất, là hình thức nhượng quyền kinh doanh chặt chẽ hơn hình thức phân phối sản phẩm. Tại đây, bên nhượng quyền không chỉ cho phép bên nhận nhượng quyền được phân phối sản phẩm dưới thương hiệu của người nhượng quyền mà còn chuyển giao kỹ thuật kinh doanh, công thức điều hành quản lý và huấn luyện nhân viên cho bên nhận nhượng quyền. 

nhượng quyền thương hiệu theo công thức kinh doanh

Nhượng quyền thương hiệu sử dụng công thức kinh doanh 

IV. Thủ tục đăng ký nhượng quyền kinh doanh

Trước khi nhượng quyền kinh doanh, bên dự kiến nhượng quyền phải đăng ký với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

1. Phân cấp thực hiện việc đăng ký

  • Bộ Công thương thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền kinh doanh sau đây:

- Nhượng quyền kinh doanh từ nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả hoạt động nhượng quyền kinh doanh từ khu chế xuất, khu phi thuế quan hoặc khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam vào lãnh thổ Việt Nam.

- Nhượng quyền kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài bao gồm cả hoạt động nhượng quyền kinh doanh từ lãnh thổ Việt Nam vào khu chế xuất, khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

  • Sở Thương mại, Sở Thương mại Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thương nhân dự kiến nhượng quyền đăng ký kinh doanh thực hiện đăng ký đối với hoạt động nhượng quyền kinh doanh trong nước trừ hoạt động chuyển giao qua ranh giới khu chế xuất, khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

2. Hồ sơ đăng ký

Hồ sơ đăng ký nhượng quyền kinh doanh bao gồm:

  • Đơn đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền kinh doanh theo mẫu do Bộ Thương mại hướng dẫn.
  • Bản giới thiệu về nhượng quyền kinh doanh theo mẫu do Bộ Thương mại quy định.
  • Các văn bản khác xác nhận về:

- Tư cách pháp lý của bên dự kiến nhượng quyền kinh doanh.

- Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ.

Nếu các giấy tờ trên được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, được cơ quan công chứng ở trong nước hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận và thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

3. Quy trình đăng ký

  • Gửi hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền kinh doanh đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền kinh doanh vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền kinh doanh và thông báo bằng văn bản cho thương nhân về việc đăng ký đó. 
  • Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản thông báo để bên dự kiến nhượng quyền bổ sung và hoàn thiện hồ sơ.
  • Các thời hạn nêu tại quy trình này không kể thời gian bên dự kiến nhượng quyền sửa đổi, bổ sung hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động nhượng quyền kinh doanh
  • Sau khi hết thời hạn quy định mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối việc đăng ký thì phải thông báo bằng văn bản cho bên dự kiến nhượng quyền và phải nêu rõ lý do. 

V. Mẫu hợp đồng nhượng quyền kinh doanh chuẩn

Dưới đây, chúng tôi gửi đến các bạn một ví dụ về mẫu hợp đồng nhượng quyền kinh doanh chuẩn nhất. 

hợp đồng nhượng quyền kinh doanh

hợp đồng nhượng quyền kinh doanh

hợp đồng nhượng quyền kinh doanh

hợp đồng nhượng quyền kinh doanh

hợp đồng nhượng quyền kinh doanh

hợp đồng nhượng quyền kinh doanh

hợp đồng nhượng quyền kinh doanh

hợp đồng nhượng quyền kinh doanh

hợp đồng nhượng quyền kinh doanh

hợp đồng nhượng quyền kinh doanh

Mẫu hợp đồng nhượng quyền kinh doanh

VI. Một số thương hiệu nhượng quyền kinh doanh nổi tiếng tại Việt Nam

1. Nhượng quyền kinh doanh Cafe Cộng

Cafe Cộng xuất phát là một quán cafe nhỏ trên phố Triệu Việt Vương, Hà Nội từ năm 2007. Sau gần chục năm phát triển, Cộng cafe đã có hơn 50 cửa hàng trên toàn quốc. Ngày 31/7 vừa qua, Cộng cafe chính thức đánh dấu bước phát triển vượt bậc khi nhượng quyền kinh doanh thành công cơ sở đầu tiên tại Hàn Quốc. 

nhượng quyền kinh doanh cộng cafe

Thương hiệu nhượng quyền kinh doanh nổi tiếng Cộng Cafe

Đặc điểm đặc trưng của chuỗi cafe Cộng là sự tái hiện lại không gian cuộc sống thời bao cấp đầy hoài niệm. Giữa những hối hả của cuộc sống hiện tại, cafe Cộng như một điểm dừng chân của hiện tại để nhớ về những ký ức tại một không gian yên bình. 

Đối với chi phí nhượng quyền thì hiện nay, Cộng cafe không có thông báo chính thức về vấn đề này. Đây là chuỗi cửa hàng cafe được rất nhiều lứa tuổi tin tưởng và ghé qua. Những món đồ cổ được bố trí hài hòa cùng với đồ uống phải chăng dao động từ 35.000 - 70.000 đồng/người cũng là một điểm cộng thêm cho thương hiệu cafe này. 

2. Nhượng quyền kinh doanh Cafe Milano

Nói về việc nhượng quyền kinh doanh cafe thì Milano được xem là thương hiệu kinh doanh cafe nhượng quyền xuất hiện sớm nhất ở nước ta. Ra đời vào cuối năm 2011 tại Sài Gòn, thương hiệu này nhắm đến thị trường cafe bình dân với mức giá chỉ từ 15.000 đồng/cốc trở lên.

nhượng quyền kinh doanh cafe milano

Nhượng quyền kinh doanh cafe Milano

a. Tổng chi phí đầu tư ban đầu khi kinh doanh cafe nhượng quyền Milano rơi vào khoảng 90 - 100 triệu đồng, cụ thể:

  • 10 triệu tiền bản quyền
  • 55 triệu để setup quán
  • 25 đến 35 triệu để thuê mặt bằng, thuê nhân viên, chi phí nguyên vật liệu, chi phí phát sinh….

b. Đặc trưng của thương hiệu Milano:

Bên nhận nhượng quyền chỉ cần tìm kiếm mặt bằng, còn quá trình trang trí, cung cấp vật liệu nội thất, sửa chữa…. sẽ được bên Milano phụ trách. 

c. Số lượng cửa hàng hiện nay

  • Milano đã phát triển lên đến hơn 800 cửa hàng trên toàn quốc và chưa hề có dấu hiệu dừng lại
  • Có đến 50% cửa hàng có doanh thu trên 40 triệu/tháng và mỗi ngày bán ra trên 100 ly đồ uống. Đây là một cơ hội kinh doanh tiềm năng cho những bạn có nguồn vốn ít nhưng lại đam mê kinh doanh hình thức cafe nhượng quyền.

d. Điều kiện kinh doanh cafe nhượng quyền Milano:

  • Mặt bằng quán cafe: Mặt bằng được xem xét dựa trên tiêu chí khoảng cách giữa các cơ sở, mật độ dân cư xung quanh, vị trí đặt cửa hàng…
  • Tiêu chuẩn của cafe, đồ uống: Người được nhượng quyền phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc về cách pha chế công thức, định lượng, đúng loại mà Milano sử dụng.
  • Đồng nhất hệ thống: Người được nhượng quyền phải tuân theo các quy định về giá bán, cung ứng sản phẩm của Milano.

3. Nhượng quyền kinh doanh Highland Coffee

Highland Coffee là thương hiệu nhượng quyền kinh doanh cafe nổi tiếng hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp, ra đời từ những năm 2000 của ông chủ người Mỹ gốc Việt David Thái. Sau 8 năm phát triển đến nay, Highland Coffee đã trở thành chuỗi cafe lớn nhất của thị trường Việt Nam với hơn 180 cửa hàng trên toàn quốc. 

nhượng quyền kinh doanh cafe highland

Nhượng quyền kinh doanh Highland Coffee

a. Tổng chi phí ban đầu khi kinh doanh

Chi phí đầu tư ban đầu được ước tính khoảng 4,3 tỷ đồng, trong đó chi phí nhượng quyền hàng tháng được tính cụ thể như sau:

  • 7% trên doanh số (kéo dài trong vòng 5 năm)
  • Phí quản lý hàng tháng: 5% trên doanh số (kéo dài trong vòng 5 năm)

b. Đặc trưng của thương hiệu cafe Highland

Là thương hiệu nhượng quyền kinh doanh nhắm đến phân khúc khách hàng cao cấp, đặc biệt là khối văn phòng nên không gian của cửa hàng phải sang trọng, đồ uống chất lượng đẹp mắt và dịch vụ phải thật chuyên nghiệp.

Giá đồ uống ở đây cũng khá cao, giá thấp nhất khoảng 40.000 đồng/cốc và giá cao nhất có thể lên đến gần 100.000 đồng/cốc.

c. Điều kiện kinh doanh cafe nhượng quyền

  • Địa điểm: Vì đối tượng khách hàng mà hãng hướng tới là khách hàng cao cấp, dân văn phòng nên vị trí tốt nhất mở cửa hàng là nằm ở trong khu vực đông dân cư, nhiều các tòa nhà văn phòng, căn hộ và trung tâm mua sắm. Địa điểm ưu tiên ở gần ngã 3 ngã 4, có diện tích tối thiểu từ 150 - 250 m2 trở lên. 
  • Tổng vốn đầu tư: Ước tính từ 170.000 - 250.000 USD (tương đương với 3,5 - 5 tỷ VNĐ)

4. Nhượng quyền kinh doanh KFC

KFC là thương hiệu kinh doanh nổi tiếng trên toàn thế giới với món gà rán và hiện nay, KFC đã chiếm lĩnh hơn 50% thị trường. 

nhượng quyền kinh doanh kfc

Nhượng quyền kinh doanh KFC

a. Yêu cầu đầu tư, chi phí hoạt động

Chi phí để mở 1 chi nhánh KFC là khoảng 25.000 USD. KFC có một số quy định về việc đầu tư để mở 1 chi nhánh KFC đó là tất cả sẽ được thanh toán bằng tiền mặt. Chi nhánh KFC phải trả tiền bản quyền khoảng 4% hoặc 600 USD/tháng, phí quảng cáo khu vực khoảng 3% và quảng cáo toàn quốc khoảng 2% trong tổng thu nhập.

b. Giới hạn

Thương hiệu nhượng quyền kinh doanh KFC đồng ý bảo trợ độc quyền trong bán kính 1,5 dặm với số dân khoảng 30.000 người.

c. Điều kiện kinh doanh 

  • Địa điểm: KFC thường được đặt ở những nơi đông dân cư, trung tâm thương mại hay khu vực nhiều trường học có nhiều người qua lại. Diện tích cửa hàng KFC phải rộng rãi để phù hợp cho những bữa ăn tập thể, tổ chức sinh nhật cho các bé. Không gian trang trí theo yêu cầu của bên nhượng quyền, thoáng mát, sạch sẽ.
  • Tiêu chuẩn đồ ăn: Đáp ứng các tiêu chuẩn, công thức, khối lượng, thành phần… mà bên nhượng quyền yêu cầu. 

5. Nhượng quyền kinh doanh trà sữa Tocotoco

Nhượng quyền kinh doanh trà sữa đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam, có thể kể đến thương hiệu hàng đầu là Tocotoco. Được làm từ những nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, từ sữa, trà, thạch rau câu cho tới trân châu nên sức khỏe của thực khách luôn được đảm bảo cao nhất. 

nhượng quyền kinh doanh trà sữa tocotoco

Nhượng quyền kinh doanh trà sữa Tocotoco

Chi phí cơ bản cho nhượng quyền sẽ dao động từ 160 - 300 triệu đồng/3 năm tùy từng khu vực theo chiến lược hoạt động của hãng trà sữa, cụ thể như sau:

  • 200 triệu đồng/3 năm cho TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Hội An, Hải Phòng và Cần Thơ.
  • 300 triệu đồng/3 năm cho khu vực Hà Nội.
  • Đặc biệt lưu ý, Tocotoco cho biết hiện họ đang dừng chính sách mở chi nhánh tại nội thành Hà Nội và linh động cho một vài khu vực vùng ven.

Ngoài ra, các cửa hàng nhượng quyền kinh doanh trà sữa còn phải đảm bảo các chi phí sau:

  • Phí giám sát tư vấn: 30 triệu đồng/năm
  • Chi phí nguyên liệu (bắt buộc lấy của Tocotoco): Đơn hàng đầu tiên ở mức 195 triệu đồng (chưa bao gồm VAT). Các đơn hàng tiếp theo đại lý sẽ tự lên tùy tình hình kinh doanh. 
  • Chi phí máy móc, thiết bị (phải mua của công ty): 130 triệu đồng

6. Nhượng quyền kinh doanh trà sữa Gong Cha

Gong Cha đã có tới hơn 1100 cửa hàng trên 18 quốc gia và chắc chắn họ chưa có ý định dừng lại. Năm 2014, Gong Cha bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam để mở rộng chuỗi cửa hàng với mục đích là được phục vụ nhiều khách hàng khác nhau và TP.HCM là nơi duy nhất mà Gong Cha nhượng quyền kinh doanh trà sữa. Và hiện nay, thương hiệu này đang không ngừng tìm kiếm đối tác tại các tỉnh, thành phố khác để mở chuỗi cửa hàng. 

nhượng quyền kinh doanh trà sữa gong cha

Nhượng quyền kinh doanh trà sữa Gong Cha

Với việc nhượng quyền thì tổng chi phí bao gồm những khoản sau đây:

  • Phí nhượng quyền thương hiệu: 1 tỷ
  • Tiền bảo đảm: 30% giá trị nhượng quyền (300 triệu đồng)
  • Phí mua nguyên vật liệu: 900 triệu đồng (chưa bao gồm vận chuyển ra các khu vực khác)
  • Nguồn vốn dự phòng: 800 triệu
  • Tổng chi phí dự kiến: 3 - 5 tỷ đồng

7. Nhượng quyền kinh doanh trà sữa Dingtea

Dingtea là thương hiệu trà sữa lớn nhất Đài Loan, đã tạo nên cơn sốt và được chào đón nồng nhiệt tại hầu hết các nước Châu Á. Tại Trung Quốc, Dingtea có mặt từ Bắc vào Nam với hơn 350 chuỗi cửa hàng và nhượng quyền kinh doanh trà sữa thành công 650 cửa hàng tại khu vực Châu Á. Và nó cũng phải là ngoại lệ tại Việt Nam, Dingtea rất được ưa chuộng và tạo niềm tin chắc chắn với khách hàng. 

nhượng quyền kinh doanh trà sữa ding tea

Nhượng quyền kinh doanh trà sữa Ding tea

Nếu bạn muốn kinh doanh trà sữa nhượng quyền Dingtea thì chi phí cơ bản bao gồm:

  • Phí nhượng quyền: 20.000 USD (dùng vĩnh viễn cho 1 cửa hàng)
  • Phí quản lý thương hiệu: 100 USD/tháng
  • Chi phí nguyên liệu (bắt buộc lấy của Dingtea): khoảng 20.000 - 30.000 USD/3 tháng
  • Chi phí máy móc, thiết bị pha chế: 100 - 200 triệu đồng
  • Các khoản chi phí khác như mặt bằng, sửa chữa - thiết kế: 440 triệu - 1 tỷ đồng
  • Nhân công: 200 - 500 triệu đồng/năm tùy theo quy mô và khu vực

VII. Kết luận

Bài viết trên đã làm sáng tỏ những thông tin xung quanh việc nhượng quyền kinh doanh. Nếu bạn yêu thích kinh doanh và không muốn mất quá nhiều thời gian vào việc tạo dựng thương hiệu thì hình thức kinh doanh này rất phù hợp với bạn. Hãy nghiêm túc suy nghĩ về việc lựa chọn một thương hiệu nhượng quyền, thương thảo với bên nhượng quyền và bắt đầu công việc kinh doanh thôi nào.