Phán xét là hành vi tiêu cực, nó có thể xuất phát từ bất kì ai bao gồm chính chúng ta. Hành động này tác động xấu tới cả người buông lời phán xét và người hứng chịu những điều đó. Song phần lớn hiện nay đều không nhận thức hết tiêu cực từ vấn đề trên.
Chúng ta nhầm lẫn giữa phán xét và đánh giá? Dễ dàng đưa ra góc nhìn chủ quan mà chê trách người khác và không suy nghĩ về hậu quả. Vậy phán xét là gì, vấn đề đó tới từ đâu? Làm cách để từ bỏ thói quen tiêu cực này. Hãy cùng 123job.vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây.
1. Phán xét là gì?
Phán xét là gì? Hiểu đơn giản, phán xét là hành vi đánh giá, chỉ trích hay phê phán một người, sự việc, tình huống dựa trên suy nghĩ chủ quan, tiêu cực. Hành động này bộc phát khi một cá nhân không hài lòng về một đối tượng, sự việc nào đó. Khi đó, việc phán xét có thể được thể hiện trực tiếp qua lời nói, bài viết, cử chỉ hoặc thái độ.
Ví dụ: Khi thấy một bạn trẻ giữ vị trí cao trong tổ chức, lại thường xuyên diện những bộ trang phục đắt tiền khác nhau tới nơi làm việc, mọi người thường có suy nghĩ hay thảo luận về cô bạn đó là: “Con ông cháu cha” hay “Ngậm thìa vàng”... Đánh giá phiến diện lên cô gái trẻ nhanh chóng được đưa ra chỉ dựa trên một vài dữ kiện nhỏ bé. Đây là một trong những lời lẽ phán xét quen thuộc trong môi trường công sở.
2. Phân biệt đánh giá và phán xét.
Cũng trong tình huống trên, phần lớn mọi người đều chỉ nghĩ mình đang đánh giá. Không ai, hoặc rất ít cho rằng đó là những lời phán xét tiêu cực. Điều ấy cũng là hiện thực quen thuộc trong xã hội hiện nay: Sự nhầm lẫn tai hại giữa đánh giá (assessment) và phán xét (judgment). Vậy giữa 2 thuật ngữ trên có sự khác biệt như thế nào? Cụ thể:
| Đánh giá (assessment) | Phán xét (judgment) |
Cách hiểu | Đánh giá thể hiện suy nghĩ, quan điểm về đối tượng (sự vật, sự kiện, con người) trong một tâm thế trung dung và khách quan | Ý kiến cá nhân về một đối tượng (sự vật, sự việc, con người) trong tâm thế soi xét, chủ quan. |
Góc độ tiếp cận | Tiếp cận một cách khoa học khi xem xét trên nhiều góc độ khác nhau để đưa ra cái nhìn khách quan nhất có thể | Dựa trên cảm tính và tự thị |
Hàm ý | Mang tính tính cực, có ý đóng góp, xây dựng | Mang nghĩ tiêu cực |
Tâm thế của người đánh giá/phán xét | Tâm thế trung dung Thế ngang bằng giữa người đánh giá và đối tượng được đánh giá | Đặt mình ở vị trí cao hơn đối tượng chịu sự phán xét Một tâm thế dựa trên giả định có sẵn “ta đúng, người sai” |
3. Liệu bạn có phải người hay phán xét người khác?
Trong nhiều trường hợp, những lời phán xét được đưa ra một cách rất tự nhiên mà không phải ai cũng có thể nhận ra. Sở dĩ có thái độ và hành động như vậy bởi thói quen ‘phán xét’ đã vô tình ngấm sâu vào vô thức của mỗi người. Để nhận ra bản thân có đang vô tình phán xét người khác vô tội vạ hay không, bạn có thể tham chiếu qua những biểu hiện sau đây:
- Dễ dàng đưa ra những đánh giá tiêu cực dù không có đủ dữ kiện đầu vào.
- Nhìn thế giới với đầy định kiến cá nhân.
- Thiếu hụt sự đồng cảm với người khác. Không đặt mình vào tình huống của đối phương để suy xét.
- Trong tâm thế coi mình hơn người khác, vô tình hạ thấp năng lực, phẩm chất của người khác.
- Thường xuyên so sánh mình với người khác.
- Luôn hoài nghi, khó có thể tin tưởng được người khác.
- Cho rằng thế giới hay mọi đối tượng nên được phân biệt bởi 2 tính chất “trắng/tốt” hoặc “đen/xấu” tuyệt đối.
- Cảm thấy khó chịu khi người khác không hài lòng với mình.
- Khó/không nhìn thấy và không trân trọng những giá trị tốt đẹp, tích cực từ người khác.
4. Thói quen hay phán xét người khác tới từ đâu?
Thói quen hay phán xét người khác thường xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
- Nỗi bất an: Một trong những nguyên do lớn nhất khiến cho mọi người giữ thói quen phán xét. Đối diện với sự thiếu sót của bản thân là một quá trình khá khó khăn. Trong khi đó, hạ thấp người khác xuống lại dễ dàng khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn. Đó là lý do sự phán xét tồn tại trong hầu hết mọi người.
- Sự sợ hãi: Tương tự, nỗi sợ mình yếu kém khiến chúng ta tìm kiếm những thiếu sót ở người khác nhiều hơn. Nhấn mạnh vào điểm còn yếu, còn thiếu của người khác giúp chúng ta nhẹ nhõm hơn.
- Niềm kiêu hãnh của mỗi người: Phán xét người khác khiến chúng ta cảm thấy mình vượt trội hơn. Điều này xuất phát từ sự quan trọng hóa bản thân, tâm thế tự thị của mỗi người.
- Ghen tị: Sự thật cay đắng là con người thường ghen tị với những thành công, lợi thế của người khác… Nỗi ghen tị càng lớn, càng khiến con người rơi vào tiêu cực, sa đà vào phán xét nhiều hơn.
- “Think is difficult, that’s why most people judge” - Câu nói của nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung phản ảnh một nguyên nhân sâu xa khác cho thói quen phán xét của chúng ta. Đó là sự thành kiến trong quy kết. Con người thường quá dễ dàng đưa ra kết luận, chỉ tập trung vào hành vi mà bỏ qua bối cảnh dẫn đến hành vi đó. Chính sự thiếu sót đó dẫn tới kết luận phiến diện, chủ quan, không phản ánh đúng thực tế - những phán xét đầy thành kiến.
- Thêm nữa, theo Carl Jung, dù tâm trí mỗi người cho thấy chúng né tránh sai sót của chính mình, nhưng chúng vẫn muốn giải quyết vấn đề đó ở mức độ sâu hơn. Điều bất ổn ở đây là chúng ta giải quyết bằng cách phóng đại những sai sót tương tự ở người khác.
5. Những ảnh hưởng tiêu cực từ việc hay phán xét người khác?
Người phải hứng chịu phán xét người khác mặc nhiên phải hứng chịu những tiêu cực: Nhẹ là sự phiền hà vì tranh cãi, thảo luận tiêu cực; Nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng về tâm lý khiến họ trở nên tự ti, thậm chí là trầm cảm. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, chính những người thường xuyên buông lời lẽ khó nghe về người khác cũng đang phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực nhất. Chúng bao gồm:
- Duy trì thói quen phán xét thường xuyên khiến con người quen với việc chỉ tập trung vào mặt tiêu cực ở mọi việc. Vô tình đánh mất đi những góc nhìn, lối suy nghĩ tích cực cần thiết. Từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống.
- Gia tăng sự căng thẳng khi để sự tiêu cực, những mặt xấu trong xã hội chiếm đóng trong trí não.
- Khó phát triển các mối quan hệ xã hội hoặc làm rạn nứt những mối quan hệ sẵn có. Do khó mở lòng, khó thông cảm với cảm xúc của cá nhân khác.
- Sự phát triển của bản thân bị hạn chế.
6. Làm thế nào để từ bỏ thói quen phán xét
Để hạn chế và từ bỏ thói quen phán xét cá nhân, sự vật, sự việc khác, bạn cần:
- Nhận ra bản thân mình đang phán xét: Thoát khỏi suy nghĩ ‘mình chỉ đang đánh giá thôi’ để nhận ra là mình đang phán xét không phải việc dễ dàng. Trước hết hãy phân định rõ đâu là phán xét, đâu là đánh giá. Trên cơ sở đó, bạn cần thẳng thắn đối diện với suy nghĩ của mình và trung thực đưa ra kết luận.
- Trở lại với bối cảnh xảy ra sự việc, đặt bản thân vào vị trí của người khác: Một trong những nguyên nhân lớn dẫn tới hành vi phán xét là sự vội vàng trong kết luận. Chậm lại, đặt mình trong vị trí của người khác và đưa bản thân trở lại bối cảnh xảy ra câu chuyện sẽ giúp bạn có góc nhìn tổng quan hơn. Hãy cố gắng thu thập nhiều thông tin nhất có thể để đưa ra ý kiến khách quan nhất.
- Ngưng áp đặt quy chuẩn của bản thân lên người khác: Áp đặt tiêu chuẩn cá nhân một cách cứng nhắc lên đối tượng khác chính là biểu hiện của thành kiến. Bởi mỗi cá nhân đều được nuôi dưỡng với nền tảng văn hóa, quan điểm riêng, và vì vậy, họ có những giá trị, tiêu chuẩn và hành động riêng. Tôn trọng những giá trị riêng biệt đó để lắng nghe và thấu hiểu và ngừng áp đặt người khác là bước tiếp theo trong việc từ bỏ thói quen phán xét.
- Mở rộng kiến thức: Khi được tiếp cận với nhiều kiến thức hơn, con người càng thấy mình nhỏ bé. Những kiến thức, trải nghiệm mới sẽ giúp bạn mở rộng những hệ giá trị riêng và những góc nhìn mới. Khi tâm trí được giải phóng, bạn dễ dàng đón nhận những quan điểm, hành vi khác với những gì bạn quen thuộc.
- Kiên nhẫn, bao dung và biết ơn: Không hành trình thay đổi nào là dễ dàng và nhanh chóng. Vì vậy, hãy kiên nhẫn hơn, tập quen với những góc nhìn tích cực, bao dung hơn với bản thân. Chỉ khi bạn chấp nhận những thiếu sót trong mình, biết ơn mọi điều xung quanh, bạn mới có thể bao dung hơn với những thiếu sót của người khác và không phán xét.
7. Nên đối phó thế nào với những người hay phán xét
Ngay cả khi phán xét mọi người, chúng ta vẫn đang hứng chịu những lời phán xét từ người khác và bị ảnh hưởng bởi chúng. Vậy nên, bên cạnh thực hành từ bỏ thói quen phán xét, bạn cũng cần học cách đối diện với những lời phán xét của người khác:
- Đừng bận tâm với thái độ, lời nói hay hành vi của người khác: Hãy học cách phớt lờ để những lời phán xét ấy không ảnh hưởng tới cảm xúc, suy nghĩ.
- Dành thời gian cho công việc riêng, cho những người thực sự yêu thương bạn: Thay vì lãng phí thời gian vào tranh cãi, suy tư, sầu não vì những lời chê bai, chỉ trích của người khác, hãy tập trung vào công việc của mình, dành thời gian tâm sự với những người bạn yêu thương nhất.
- Cảm ơn lịch sự và bày tỏ rõ quan điểm một cách bình tĩnh nhất: Hãy nói lời cảm ơn hoặc bày tỏ quan điểm với nhận định của người khác, nếu bạn thấy cần thiết. Tuy nhiên, hãy giữ một tinh thần bình tĩnh nhất có thể và chuyển chủ đề ngay khi câu chuyện đi quá xa.
- Lặng lẽ rời đi: Như cách quá trình từ bỏ thói quen phán xét của mỗi người không thể diễn ra nhanh chóng. Bạn cũng khó có thể thay đổi góc nhìn của người khác trong ngay lập tức. Vì vậy, nếu cuộc trao đổi trở nên căng thẳng, hãy rời đi và để cho cả hai bên đều bình tĩnh trở lại và có khoảng không suy nghĩ riêng.
Kết luận
Trên đây là bài viết về chủ đề phán xét là gì, phân định được sự khác nhau giữa đánh giá và phán xét. Phán xét là hành vi dễ thấy ở con người, ảnh hưởng tiêu cực lên tâm trí, cuộc sống mỗi chúng ta. Hơn hết, phần khuyết thiếu này có thể cải thiện thông qua những cải thiện những suy nghĩ, hành vi nhỏ hàng ngày. Hy vọng bài viết của 123job.vn hữu ích cho quá trình cải thiện bản thân của bạn đọc.