Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, xu hướng kinh doanh qua các sàn giao dịch thương mại điện tử ngày càng tăng cao và đang được nhiều người lựa chọn.

Trước tiên chúng ta cùng nhau tìm hiểu khái niệm thương mại điện tử là gì? Nói một cách dễ hiểu thì thương mại điện tử là việc mua bán hàng hóa/dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử, đặc biệt là thông qua internet và các mạng viễn thông khác. Vậy sàn giao dịch thương mại điện tử là gì? Thủ tục đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm những gì? Các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay có những sàn nào? Tất cả mọi câu trả lời sẽ được giải đáp chi tiết ở bài viết dưới đây, vì vậy bạn hãy theo dõi hết bài viết nhé!

I. Những điều cần biết về sàn giao dịch thương mại điện tử

1. Khái niệm sàn giao dịch thương mại điện tử

Sàn giao dịch thương mại điện tử hay tên tiếng Anh còn được gọi là E-Commerce Exchange, là một website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, cá nhân, tổ chức không phải chủ sở hữu của website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ trên đó thông qua Internet.

Khái niệm sàn giao dịch thương mại điện tử

Khái niệm sàn giao dịch thương mại điện tử

2. Lợi ích của sàn giao dịch thương mại điện tử

a. Đối với doanh nghiệp

Sàn giao dịch thương mại điện tử mang lại cho doanh nghiệp một số lợi ích như:

  • Mở rộng thị trường;
  • Cải thiện hệ thống phân phối;
  • Vượt giới hạn về không gian cũng như thời gian;
  • Sản xuất hàng theo yêu cầu;
  • Tăng tốc độ tung các sản phẩm/dịch vụ ra thị trường;
  • Giảm chi phí sản xuất;
  • Giảm chi phí giao dịch;
  • Giảm đáng kể chi phí bán hàng và tiếp thị sản phẩm;
  • Củng cố mối quan hệ với khách hàng;
  • Linh hoạt trong kinh doanh.

b. Đối với người tiêu dùng

Thông qua các trang thương mại điện tử mà người tiêu dùng có thể:

  • Mua sắm hàng hóa/dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, từ đó tiết kiệm được thời gian, chi phí…
  • Có nhiều lựa chọn về sản phẩm/dịch vụ: Người tiêu dùng có thể tiếp cận cùng một lúc nhiều nhà cung cấp.
  • Mua được những sản phẩm/dịch vụ với mức giá thấp hơn.
  • Việc tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ dễ dàng.

c. Đối với xã hội

Sàn giao dịch thương mại điện tử mang lại cho xã hội một số lợi ích như:

  • Nâng cao mức sống của xã hội;
  • Hội nhập với các nền kinh tế khác trên thế giới;
  • Dịch vụ công được cung cấp một cách thuận tiện hơn;
  • Người tiêu dùng những nước kém và đang phát triển có thể dễ dàng tiếp cận được với hàng hóa, dịch vụ từ các nước phát triển thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử;
  • Hoạt động trực tuyến sẽ giúp hạn chế việc đi lại, ô nhiễm môi trường, tai nạn...

Xem thêm: E-commerce là gì? Khám phá xu hướng E-commerce mới nhất hiện nay

II. Những quy định bạn cần biết về sàn giao dịch thương mại điện tử

1. Những hành vi bị cấm

Căn cứ vào nghị định 52/2013/NĐ-CP thì các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử được quy định cụ thể như sau:

a. Vi phạm về các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử:

  • Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, các loại hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hay các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh;
  • Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động nguồn vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức và cá nhân khác;
  • Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong TMĐT khi chưa đăng ký hoặc chưa được cấp phép căn cứ theo các quy định của Nghị định 52/2013/NĐ-CP;
  • Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử không đúng so với với những thông tin trong hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép;
  • Có hành vi gian dối hoặc cung cấp những thông tin sai sự thật khi thực hiện các thủ tục đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử, đăng ký website cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử, đăng ký hoặc xin cấp phép các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong TMĐT.

Những quy định bạn cần biết về sàn giao dịch thương mại điện tử

Những quy định bạn cần biết về sàn giao dịch thương mại điện tử

b. Vi phạm về các thông tin trên website thương mại điện tử:

  • Giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ những quy định về hình thức, kết quả công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử;
  • Sử dụng biểu trưng của những chương trình đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử khi chưa được các chương trình này công nhận;
  • Sử dụng các đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác ở trên website thương mại điện tử để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với thương nhân, tổ chức và các cá nhân khác;
  • Sử dụng đường dẫn để cung cấp những thông tin trái ngược hoặc những thông tin sai lệch so với các thông tin được công bố tại khu vực website có gắn đường dẫn này.

c. Vi phạm về quy định giao dịch trên website thương mại điện tử:

  • Thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng ở trên các trang thương mại điện tử;
  • Giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức và cá nhân khác để tham gia vào hoạt động thương mại điện tử;
  • Can thiệp vào hệ điều hành và trình duyệt Internet tại các thiết bị điện tử nhằm buộc khách hàng lưu lại website trái với ý muốn của mình.

d. Các vi phạm khác

  • Đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng hoặc bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của các thương nhân, tổ chức và cá nhân.
  • Giả mạo hoặc sao chép giao diện của trang thương mại điện tử để kiếm lợi hoặc để gây nhầm lẫn, làm mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức và cá nhân đó.

2. Nguyên tắc hoạt động

Căn cứ vào Điều 26 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, khi hoạt động thương mại điện tử thì bạn cần tuân thủ các nguyên tắc như:

  • Nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong các giao dịch thương mại điện tử.
  • Nguyên tắc xác định rõ phạm vi hoạt động kinh doanh trong thương mại điện tử.
  • Nguyên tắc xác định nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
  • Nguyên tắc kinh doanh các loại hàng hóa/dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc những hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thông qua thương mại điện tử.

Xem thêm: 3 lý do khiến ngành thương mại điện tử ngày càng trở nên “hot”

III. Thủ tục đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử

1. Điều kiện đăng ký

  • Là thương nhân, tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định pháp luật.
  • Có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ những nội dung như sau:
    • Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm các hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ ở cả trong và ngoài môi trường trực tuyến;
    • Phân định quyền và trách nhiệm giữa các thương nhân, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với những bên sử dụng dịch vụ.
  • Đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và đã được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký.

Thủ tục đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử

Thủ tục đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử

2. Thủ tục thực hiện

Hồ sơ đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm các loại giấy tờ như:

  • Đơn đăng ký thành lập trang Web cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đối với đối tượng là thương nhân);
  • Đề án cung cấp dịch vụ;
  • Quy chế quản lý hoạt động của những trang Web cung cấp về dịch vụ thương mại điện tử.
  • Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa các bên với nhau.
  • Các điều kiện giao dịch chung được áp dụng cho hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ trên website (nếu có).

Xem thêm: Đăng ký kinh doanh ở đâu và thủ tục đăng ký kinh doanh như thế nào?

IV. Giải đáp một số thắc mắc về sàn giao dịch thương mại điện tử

1. Các dịch vụ của sàn giao dịch thương mại điện tử

Hiện nay các sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp phổ biến các dịch vụ như: Dịch vụ vận chuyển, quản lý đơn hàng, thanh toán, chăm sóc khách hàng...

2. Một số đặc điểm của sàn thương mại điện tử

  • Các sàn thương mại điện tử cho phép chúng ta có sự trao đổi hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm thông qua mạng internet hoặc thông qua các phương tiện điện tử khác có kết nối mạng.
  • Số lượng người mua và người bán tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử rất lớn.
  • Các sàn thương mại điện tử đóng vai trò chính là người môi giới.
  • Đối tượng tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử có thể là cá nhân, tổ chức, thương nhân.
  • Người bán và người mua hàng có thể thực hiện giao dịch trên trang thương mại điện tử ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào, chỉ cần thiết bị có kết nối Internet.
  • Tất cả quy trình, mua, bán, đàm phán, giao dịch, thương lượng, thanh toán… đều được thực hiện online thông qua Internet.
  • Các sản phẩm/dịch vụ trên trang thương mại điện tử vô cùng đa dạng, có thể đáp ứng được hầu hết nhu cầu của khách hàng.

3. Chức năng của sàn thương mại điện tử

Chức năng lớn nhất của các sàn thương mại điện tử là cầu nối gắn kết giữa người bán hàng và người mua hàng. Sàn giao dịch thương mại điện tử là nơi giúp cho những người bán hàng có thể dễ dàng bán được hàng hóa, dịch vụ mà không phải tốn quá nhiều nhân viên, chi phí đầu tư địa điểm bán, chi phí đi lại… Còn đối với người mua hàng thì sàn giao dịch thương mại điện tử giúp cho khách hàng có cơ hội được chiêm ngưỡng ngàn nghìn sản phẩm khác nhau, được mua những sản phẩm với giá rẻ, tiết kiệm thời gian, chi phí...

4. Các hình thức hoạt động của sàn thương mại điện tử

Sàn giao dịch thương mại điện tử có những hình thức hoạt động như sau:

  • Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ;
  • Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để có thể trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
  • Website có các chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia có thể đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;
  • Những loại website khác do Bộ Công Thương quy định.

V. Top các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam

1. Shopee

Shopee là một ứng dụng mua sắm trực tuyến và là sàn giao dịch thương mại điện tử có trụ sở chính đặt tại Singapore, thuộc sở hữu của tập đoàn SEA được thành lập vào năm 2009 bởi Forrest Li. Vào năm 2015, Shopee "chào sân" tại 7 thị trường lớn là: Singapore, Indonesia, Malaysia, Thailand, Taiwan, Philippines và tại Vietnam. Năm 2017 Shopee cho ra mắt dịch vụ Shopee Mall và cam kết đây sẽ là gian hàng trực tuyến với hàng loạt các sản phẩm chính hãng từ các thương hiệu hàng đầu và của các nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, Shopee đang có hơn 11.000 nhà bán hàng trên Shopee Mall tại khắp 7 thị trường. Năm 2018, tổng doanh thu của sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee chạm ngưỡng 10 tỷ đô la Mỹ với hơn 600 triệu giao dịch tại sàn. Hiện nay Shopee đang vị trí số 1 trên bảng xếp hạng “Những trang thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam”.

Top các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam

Top các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam

2. Lazada

Lazada là một trang thương mại điện tử quốc tế được thành lập  vào năm 2012 bởi Maximilian Bittner với sự hỗ trợ đắc lực của Rocket Internet. Lazada được đánh giá là một nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Đông Nam Á. Với sự hiện diện tại 6 quốc gia lớn như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada đã kết nối một khu vực rộng lớn và ngày càng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ.

Năm 2016, Lazada trở thành lá cờ đầu trong khu vực của Tập đoàn Alibaba và được công ty Alibaba hỗ trợ những cơ sở hạ tầng công nghệ tốt nhất. Vào tháng 9/2019, Lazada tuyên bố đây là nền tảng trang thương mại điện tử hàng đầu tại Đông Nam Á với hơn 50 triệu người mua hàng hàng năm.

3. Sendo

Tháng 3/2012 dự án phát triển trang thương mại điện tử Sendo được tập đoàn FPT phê duyệt và cho đến tháng 9/2012 Sendo chính thức được ra mắt thị trường. Vào năm 2014, sàn giao dịch thương mại điện tử Sendo đã thu hút được các nhà đầu tư Nhật Bản lớn như SBI, Digital Garage, Beenos, Beenext. Hiện tại, Sendo đã có hơn 10 triệu sản phẩm từ hơn 300.000 người bán. Trong đó, doanh thu ở lĩnh vực thời trang chiếm tỷ trọng cao nhất với mức giá vô cùng đa dạng từ 100.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/sản phẩm.

Xem thêm: Top các trang bán hàng online uy tín nhất

4. Tiki

Giao diện sàn giao dịch thương mại điện tử Tiki

Giao diện sàn giao dịch thương mại điện tử Tiki

Tiki được ra đời vào tháng 3/2010, khởi đầu bằng một trang web chuyên bán sách online. Chỉ sau hơn 1 năm, với sự cố gắng không ngừng nghỉ, Tiki được nhiều người biết đến là một sàn giao dịch thương mại điện tử lớn với chất lượng của dịch vụ chuyên nghiệp. Sàn giao dịch thương mại điện tử Tiki đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều người trên khắp cả nước, với số lượng khách hàng đông đảo ở nhiều phân khúc khác nhau. 

Đến tháng 4/2017, Tiki đã chuyển đổi mô hình sang hình thức Marketplace, cung cấp tới hơn 10 triệu sản phẩm từ hơn 16 ngành hàng lớn, phục vụ cho hàng triệu khách hàng trên khắp toàn quốc, đồng thời vào thời điểm đó, Tiki còn ra mắt dịch vụ TikiNow, giao hàng nhanh trong vòng 2h giúp đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng.

VI. Kết luận

Trên đây là toàn bộ thông tin về sàn giao dịch thương mại điện tử, Top các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam mà 123job muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hy vọng qua những chia sẻ ở bài viết giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về sàn thương mại điện tử và nắm được những quy định cần biết về sàn giao dịch thương mại điện tử. 123job cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết và hẹn sớm gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo nhé!