Đặc điểm của kiểm toán chi phí khấu hao là gì? Mục tiêu chính của kiểm toán chi phí khấu hao là gì? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để được 123job bật mí chi tiết về kiểm toán chi phí khấu hao nhé!

Khấu hao hay tên Tiếng anh còn được gọi là Depreciation, là một phương pháp kế toán phân bổ chi phí của một loại tài sản hữu hình trong vòng đời hữu ích của nó cho đến khi giá trị của tài sản này bằng 0 hoặc không đáng kể. Chi phí khấu hao được phân chia ra làm 2 dạng chính: Chi phí khấu hao TSCĐ hữu hình và Chi phí khấu hao TSCĐ vô hình:

  • Chi phí khấu hao TSCĐ hữu hình: Là giá trị khấu hao mà doanh nghiệp phải bỏ ra để trích khấu hao tương ứng với nguyên giá của tài sản cố định đó qua các kỳ tùy thuộc vào thời gian sử dụng hữu ích của nó. Theo định nghĩa của chuẩn mực kế toán số 03 thì TSCĐ hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất do doanh nghiệp nắm giữ để sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ hữu hình.
  • Chi phí khấu hao TSCĐ vô hình: Khác với tài sản cố định hữu hình thì tài sản cố định vô hình là loại tài sản không có hình thái vật chất nhưng lại xác định được giá trị và do doanh nghiệp sử dụng, nắm giữ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ hoặc cho các đối tượng khác thuê phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình.

Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu tiếp về kiểm toán chi phí khấu hao nhé!

I. Đặc điểm của kiểm toán chi phí khấu hao 

Đặc điểm của kiểm toán chi phí khấu hao 

Đặc điểm của kiểm toán chi phí khấu hao

Khác với những chi phí thông thường khác, kiểm toán chi phí khấu hao có hai đặc điểm riêng như sau:

  • Đầu tiên, chi phí khấu hao là một loại chi phí ước tính, không phải là chi phí thực tế phát sinh. Việc kiểm tra chi phí khấu hao mang tính chất của việc kiểm tra một phương pháp kế toán hơn là kiểm tra một chi phí phát sinh. 
  • Thứ hai, do chi phí khấu hao khác với những loại chi phí khác nên kiểm toán viên sẽ không nên xem xét chi phí khấu hao trong sự tương quan với kiểm soát nội bộ. Khi kiểm toán tài sản cố định, kiểm toán viên thường chú trọng đến việc xác định số dư vào cuối thời khóa, cũng như kiểm tra các tài sản tăng, giảm trong năm và dựa vào đó để xác định mức khấu hao. 

II. Mục tiêu của kiểm toán chi phí khấu hao 

Mục tiêu chính của kiểm toán chi phí khấu hao là xem xét sự đúng đắn trong việc tính mức khấu hao và phân bổ phù hợp cho các đối tượng có liên quan. Để đáp ứng được mục tiêu này, kiểm toán viên cần xem xét những phương pháp tính khấu hao phù hợp và mức khấu hao đã trích để xác định xem: 

  • Phương pháp và thời gian tính chi phí khấu hao có tuân thủ đúng theo quy định hiện hành hay không? 
  • Thời gian tính chi phí khấu hao đã đăng ký có được áp dụng một cách nhất quán hay không? Nếu thay đổi thì có được cho phép hay không ?
  • Việc tính toán chi phí  khấu hao có chính xác không?

III. Kiểm toán chi phí khấu hao

1. Thủ tục phân tích

  • Xem xét tính hợp lý, phù hợp và sự nhất quán với năm trước của về số liệu tài sản cố định. Nếu có biến động bất thường phải cần tìm hiểu, xem xét để đưa ra phương án thay đổi phù hợp.
  • Kiểm tra tổng hợp đối ứng các tài khoản tài sản cố định, xác định những đối ứng bất thường nếu có. 
  • So sánh chi phí khấu hao tài sản cố định kỳ này so với kỳ trước, với kế hoạch, chi phí giữa các tháng hoặc quý trong năm/kỳ. Nếu có biến động bất thường cần tìm hiểu và làm rõ.
  • Từ phân tích số liệu, kiểm toán viên hoàn toàn có thể có cơ sở cho việc kiểm tra chi tiết.

Kiểm toán chi phí khấu hao

Kiểm toán chi phí khấu hao

2. Thử nghiệm chi tiết

a. Thu thập hay tự soạn một bảng phân tích tổng quát về khấu hao

Kiểm toán viên cần phải:

  • So sánh số dư đầu kỳ với những số liệu kiểm toán năm trước.
  • So sánh tổng số khấu hao tăng hoặc giảm ở số liệu chi tiết với tổng số ghi trên sổ cái.
  • So sánh tổng số dư cuối kỳ trên những sổ chi tiết với số dư cuối kỳ trên sổ cái. 

b. Duyệt xét lại các chính sách về khấu hao của ban giám đốc

  • Xem xét các phương pháp áp dụng có phù hợp với quy định hay không? 
  • Xem xét mức độ sử dụng TSCĐ trong kỳ để xác định xem cường độ sử dụng tài sản có tăng cao hay giảm so với mức bình thường hay không? Nếu có thì mức khấu hao có được điều chỉnh lại với mức tương ứng không?
  • Thảo luận với các nhân viên có liên quan về sự cần thiết phải thay đổi thời gian tính khấu hao, về mức khấu hao do hao mòn vô hình. 

c. Xem lại những văn bản mới nhất có liên quan đến việc điều chỉnh chi phí khấu hao: Qua việc xem xét lại các văn bản có liên quan giúp kiểm toán viên có thể điều chỉnh tỷ lệ và mức khấu hao cho phù hợp.

d. Kiểm tra mức khấu hao

  • So sánh tỷ lệ khấu hao của năm hiện hành với năm trước và điều tra những chênh lệch (nếu có). 
  • Tính toán lại chi phí khấu hao cho một số tài sản và lần theo những số liệu của nó trên sổ cái. Chú ý phát hiện đối với các trường hợp tài sản đã khấu hao hết nhưng vẫn đang tiếp tục tính khấu hao.
  • So sánh chi phí khấu hao ghi trên các tài khoản chi phí với số phát sinh Có của tài khoản hao mòn TSCĐ.

e. Kiểm tra các khoản ghi giảm giá trị hao mòn do nhượng bán hay thanh lý tài sản 

  • Lần theo những khoản ghi giảm giá trị hao mòn này đến các bảng phân tích các tài sản giảm trong năm.
  • Kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của việc tính khấu hao cho đến ngày nhượng bán, thanh lý. 

IV. Kiểm toán tài sản cố định vô hình

Do các tài sản cố định vô hình không có hình thái vật chất nên mục tiêu kiểm toán quan trọng nhất là thu thập các bằng chứng để xác minh về tính có hiện hữu, tình hình tăng giảm của những tài sản này.

Kiểm toán tài sản cố định vô hình

Kiểm toán tài sản cố định vô hình

Chương trình kiểm toán tài sản cố định vô hình cũng tương tự như đối với tài sản cố định hữu hình. Việc kiểm toán có thể bắt đầu bằng việc phân tích một cách chi tiết các khoản tăng, giảm của từng loại. Sau đó, đối với trường hợp ghi tăng thì cần thu thập các bằng chứng có liên quan, ví dụ như các phiếu chi nhằm mục đích xác định rằng các chi phí có thực sự phát sinh không. Kế đến, cần xem các chi phí có thỏa mãn các điều kiện để trở thành tài sản cố định vô hình hay không?

Ngoài ra, cần thu thập, tổng hợp các bằng chứng có liên quan đến việc ghi giảm các tài sản vô hình. Cuối cùng, kiểm toán viên nên kiểm tra sự phù hợp của việc tính khấu hao tài sản vô hình. Bên cạnh đó, cần xem về những phương pháp tính khấu hao, như thời gian tính có phù hợp với quy định, có áp dụng nhất quán và được tính toán một cách chính xác hay không? 

V. Kết luận

Bài viết trên đây đã giúp cho bạn có thể tìm hiểu kiểm toán chi phí khấu hao là gì và công việc của một kiểm toán. Hi vọng qua bài viết này bạn đã có được những kiến thức cụ thể và biết mình nên đi theo hướng nào. 123job chúc các bạn thành công trên con đường mình đã lựa chọn và có một ngày vui vẻ!