Hợp đồng lao động là ràng buộc không thể thiếu giữa doanh nghiệp và người lao động nhưng không phải ai cũng hiểu rõ hợp đồng lao động là gì, các loại hợp đồng lao động, quy định về hợp đồng lao động, các tình huống chấm dứt hợp đồng lao động.
I. Hợp đồng lao động là gì?
Hợp đồng lao động là văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, trong đó quy định điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Hợp đồng lao động được ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, phù hợp với các quy định của pháp luật lao động. Trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động các bên ký kết có thể thỏa thuận sửa đổi nội dung của hợp đồng lao động. Trong trường hợp có sự thay đổi của một trong những nội dung chủ yếu về điều kiện lao động thì người lao động có quyền ký hợp đồng lao động mới.
Hợp đồng lao động là gì?
II. Các loại hợp đồng lao động
Đôi khi người lao động chỉ đọc và ký hợp đồng theo yêu cầu, không để ý tới sự khác biệt giữa các hợp đồng. Thực ra, để ý kỹ một chút sẽ nhận ra ngay điều này thôi. Theo quy định của Bộ luật Lao động thì hiện nay nhà làm luật đang phân loại hợp đồng lao động theo thời hạn hợp đồng lao động. Theo đó, thời hạn hợp đồng lao động là khoảng thời gian mà hợp đồng lao động phát sinh hiệu lực, ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với các bên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã được xác định trong nội dung của hợp đồng lao động. Việc xác định chính xác hợp đồng lao động sẽ có ý nghĩa lớn đối với hoạt động giải quyết tranh chấp lao động.
1. Hợp đồng lao động không xác định thời hạn
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng lao động này áp dụng cho những công việc không xác định thời điểm kết thúc hoặc những công việc có thời hạn trên 36 tháng và trường hợp tuyển dụng vào biên chế nhà nước trước đây nay chuyển sang ký kết hợp đồng lao động.
Ví dụ: A ký kết hợp đồng lao động với công ty X vào ngày 21/06/2023, trong hợp đồng chỉ thỏa thuận về thời hạn ký kết hợp đồng nhưng không có thỏa thuận về thời gian kết thúc hợp đồng, vì vậy khi có sự kiện làm chấm dứt quan hệ lao động thì A sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với công ty.
2. Hợp đồng lao động có xác định thời hạn
Hợp đồng lao động có xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Theo đó, khi hết hạn hợp đồng thì các bên sẽ chấm dứt hợp đồng lao động. Khi hợp đồng có thời hạn kết thúc mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong vòng 30 ngày, người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động mới. Tuy nhiên, người sử dụng lao động chỉ có thể ký thêm 1 lần nữa hợp đồng có thời hạn. Sau đó, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì người sử dụng phải ký hợp đồng không xác định thời hạn. Nếu sau khi hợp đồng có thời hạn kết thúc (và người lao động vẫn tiếp tục làm việc) mà người sử dụng lao động không ký hợp đồng mới thì hợp đồng đã ký ban đầu sẽ trở thành hợp đồng không xác định thời hạn.
Ví dụ: A ký kết hợp đồng lao động với Công ty X với thời hạn là 24 tháng, sau khi hết thời hạn trong hợp đồng, A không muốn tiếp tục ký kết hợp đồng lao động với công ty nữa thì các bên sẽ chấm dứt hợp đồng lao động khi hết thời hạn trong hợp đồng.
3. Hợp đồng lao động theo thời vụ
Hợp đồng lao động theo thời vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Như vậy, hợp đồng theo thời vụ được ký kết trong trường hợp giao kết công việc giữa người lao động và người sử dụng lao động về một công việc có tính chất tạm thời, không thường xuyên hoặc công việc có thời hạn dưới 12 tháng.
Ví dụ: A có ký hợp đồng lao động với nhà vườn X, với công việc là thu hoạch cam và bưởi. Sau khi hết mùa cam, mùa bưởi thì nhà vườn và A sẽ chấm dứt hợp đồng lao động. Hình thức của hợp đồng lao động theo thời vụ hoặc công việc dưới 12 tháng có thể được lập thành văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể.
III. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Trong quá trình thực hiện hợp đồng không tránh khỏi những rắc rối xảy ra từ cả phía người lao động lẫn doanh nghiệp. Có những trường hợp phải đi đến quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động từ một trong hai phía. Tuy nhiên, để tránh phát sinh tranh chấp về sau, người sử dụng lao động hoặc người lao động cần thực hiện việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sao cho phù hợp với các quy định về pháp luật lao động.
Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
1. Trường hợp người sử dụng lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Căn cứ theo Bộ luật lao động năm 2012 điều 38 quy định về Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau:
- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động (Lưu ý: Người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở)
- Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;
- Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc
- Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Người lao động không có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động (để thực hiện nghĩa vụ quân sự; bị tạm giữ, tạm giam; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; lao động nữ mang thai hoặc trường hợp khác theo thỏa thuận).
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước: Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2. Trường hợp người sử dụng lao động không được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
- Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục
- Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý
- Lao động nữ kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi
- Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
3. Trợ cấp thôi việc
Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Trong đó:
Thời gian làm việc = Tổng thời gian người lao động thực tế làm việc cho người sử dụng lao động – Thời gian người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp – Thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc (nếu đã có).
Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.
Lưu ý:
Tổng thời gian người lao động thực tế làm việc bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hằng tuần; nghỉ việc hưởng nguyên lương, thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.
Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.
Thời hạn thanh toán: trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Trong các trường hợp sau thì không quá 30 ngày:
- Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
- Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm;
- Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế.
IV. Các mẫu hợp đồng lao động mới nhất
123job.vn xin gửi đến quý độc giả mẫu hợp đồng lao động chi tiết nhất dùng cho mọi ngành nghề sau đây:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
………, ngày…… tháng …… năm ……
HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Số:………………
Căn cứ Bộ luật Lao động nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 18/6/2012;
Căn cứ nhu cầu và năng lực của hai bên,
Hôm nay, tại………………………………………………………………………..
Chúng tôi gồm:
BÊN A (NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG): …………………………..…………
Đại diện:……………………………… Chức vụ:…………………………………
Quốc tịch: ……………………………………………………………….………….
Địa chỉ: ……………………………………………………………………………..
Điện thoại: ………………………………………………………………………….
Mã số thuế: ………………………………………………………………...………
Số tài khoản: ……………………………………………………………………….
Tại Ngân hàng: …………………………………………………………………….
BÊN B (NGƯỜI LAO ĐỘNG): ……………….………………………………....
Ngày tháng năm sinh: ……………..………… Giới tính: ……………..…….....
Quê quán: …………………………..……………………………………………...
Địa chỉ thường trú:………………….……………………………………………..
Số CMTND:…………… Ngày cấp: …………………… Nơi cấp:………...……
Trình độ: ……………………………….. Chuyên ngành: ………………………
Sau khi thỏa thuận, hai bên thống nhất ký Hợp đồng lao động (HĐLĐ) với các điều khoản sau đây:
Điều 1: Điều khoản chung
1. Loại HĐLĐ (1): ………………………………………………………………...
2. Thời hạn HĐLĐ (2): ………………………………..…………………………..
3. Thời điểm bắt đầu: …………………………………………………………….
4. Thời điểm kết thúc (nếu có): ………………………….………………………
5. Địa điểm làm việc (3): …………………………………..…………………………
6. Bộ phận công tác: Phòng (4) ……………………………………………………..
7. Chức danh chuyên môn (vị trí công tác) (5): ……………………………………
8. Nhiệm vụ công việc như sau:
Chịu sự điều hành trực tiếp của ông/bà (6): ........................................................
Thực hiện công việc theo đúng chức danh chuyên môn của mình dưới sự quản lý, điều hành của người có thẩm quyền.
Phối hợp cùng với các bộ phận, phòng ban khác trong Công ty để phát huy tối đa hiệu quả công việc.
Hoàn thành những công việc khác tùy thuộc theo yêu cầu của Công ty và theo quyết định của Ban Giám đốc.
Điều 2: Chế độ làm việc
1. Thời gian làm việc (7): ………………………………………………….………
2. Do tính chất công việc, nhu cầu kinh doanh hay nhu cầu của tổ chức/bộ phận, Công ty có thể cho áp dụng thời gian làm việc linh hoạt. Những người được áp dụng thời gian làm việc linh hoạt có thể không tuân thủ lịch làm việc cố định bình thường mà làm theo ca, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ số giờ làm việc theo quy định.
3. Thiết bị và công cụ làm việc sẽ được Công ty cấp phát tùy theo nhu cầu của công việc.
4. Điều kiện an toàn và vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 3: Quyền và nghĩa vụ của người lao động
1. Quyền của người lao động:
a) Tiền lương và phụ cấp:
Mức lương chính: …...…. VNĐ/tháng.
Phụ cấp trách nhiệm (nếu có): ......... VNĐ/tháng
Phụ cấp hiệu suất công việc (nếu có): Theo đánh giá của quản lý.
Lương hiệu quả (nếu có): Theo quy định của phòng ban, công ty.
Công tác phí: Tùy từng vị trí, người lao động được hưởng theo quy định của công ty.
Hình thức trả lương (8): …………………………………………………………
b) Các quyền lợi khác:
Khen thưởng: Người lao động được khuyến khích bằng vật chất và tinh thần khi có thành tích trong công tác hoặc theo quy định của công ty.
Chế độ nâng lương: Theo quy định của Nhà nước và quy chế tiền lương của Công ty.
Chế độ nghỉ: Theo quy định chung của Nhà nước.
+ Nghỉ hàng tuần (9): ………………………………………………………………..
+ Nghỉ hàng năm: Những nhân viên được ký Hợp đồng chính thức và có thâm niên công tác 12 tháng thì sẽ được nghỉ phép năm có hưởng lương (mỗi năm 12 ngày phép). Nhân viên có thâm niên làm việc dưới 12 tháng thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc.
+ Nghỉ ngày Lễ: Các ngày nghỉ lễ theo quy định của pháp luật.
Chế độ Bảo hiểm theo quy định của nhà nước (10): ...................................................
Chế độ phúc lợi (11): ..................................................................................................
Các chế độ được hưởng: Người lao động được hưởng các chế độ ngừng việc, trợ cấp thôi việc hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành.
Được đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật và nội quy công ty.
2. Nghĩa vụ của người lao động
a) Thực hiện công việc với hiệu quả cao nhất theo sự phân công, điều hành của người có thẩm quyền.
b) Hoàn thành công việc được giao và sẵn sàng chấp nhận mọi sự điều động khi có yêu cầu.
c) Nắm rõ và chấp hành nghiêm túc kỷ luật lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy, văn hóa công ty, nội quy lao động và các chủ trương, chính sách của Công ty.
d) Bồi thường vi phạm và vật chất theo quy chế, nội quy của Công ty và pháp luật Nhà nước quy định.
e) Tham dự đầy đủ, nhiệt tình các buổi huấn luyện, đào tạo, hội thảo do Bộ phận hoặc Công ty tổ chức.
f) Thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng lao động và các thỏa thuận bằng văn bản khác với Công ty.
g) Tuyệt đối thực hiện cam kết bảo mật thông tin (12).
h) Đóng các loại bảo hiểm, thuế, phí đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Điều 4: Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động
1. Quyền của người sử dụng lao động
a) Điều hành người lao động hoàn thành công việc theo Hợp đồng (bố trí, điều chuyển công việc cho người lao động theo đúng chức năng chuyên môn).
b) Có quyền tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác, ngừng việc và áp dụng các biện pháp kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành và theo nội quy Công ty trong thời gian hợp đồng còn giá trị.
c) Tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng, kỷ luật người lao động theo đúng quy định của pháp luật và nội quy công ty.
d) Có quyền đòi bồi thường, khiếu nại với cơ quan liên đới để bảo vệ quyền lợi của mình nếu người lao động vi phạm pháp luật hay các điều khoản của hợp đồng này.
2. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động
Thực hiện đầy đủ những điều kiện cần thiết đã cam kết trong hợp đồng lao động để người lao động đạt hiệu quả công việc cao. Bảo đảm việc làm cho người lao động theo Hợp đồng đã ký.
Thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn các chế độ và quyền lợi cho người lao động.
Điều 5: Những thỏa thuận khác
Trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu một bên có nhu cầu thay đổi nội dung trong hợp đồng phải báo cho bên kia trước ít nhất 03 ngày và ký kết bản Phụ lục hợp đồng theo quy định của pháp luật. Trong thời gian tiến hành thỏa thuận hai bên vẫn tuân theo hợp đồng lao động đã ký kết.
Người lao động đọc kỹ, hiểu rõ và cam kết thực hiện các điều khoản và quy định ghi tại Hợp đồng lao động.
Điều 6: Điều khoản thi hành
Những vấn đề về lao động không ghi trong hợp đồng này thì áp dụng theo quy định của thỏa ước tập thể, nội quy lao động và pháp luật lao động.
Khi hai bên ký kết Phụ lục hợp đồng lao động thì nội dung của Phụ lục hợp đồng lao động cũng có giá trị như các nội dung của bản hợp đồng này.
Hợp đồng này được lập thành …… bản có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ ..….. bản./.
NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG NGƯỜI LAO ĐỘNG
(Ký và ghi rõ họ tên) (Ký và ghi rõ họ tên)
V. Kết luận
Trên đây là mẫu hợp đồng lao động chi tiết nhất cho mọi ngành nghề. Bài viết đã đưa ra khái niệm hợp đồng lao động, các loại hợp đồng lao động, mẫu hợp đồng lao động, các quy định về hợp đồng lao động, tình huống đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động… Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp sẽ hữu ích cho bạn đọc trong quá trình tìm kiếm tài liệu liên quan đến hợp đồng lao động.