Nhượng quyền thương hiệu hay còn được gọi là franchise là một thuật ngữ không còn xa lạ trong những năm gần đây. Đây là một chiến lược kinh doanh phổ biến trong những năm gần đây được nhiều công ty lựa chọn khi muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Trong những năm gần đây, nhượng quyền thương mại (franchise) cùng với đó là nhiều những hình thức kinh doanh khác đã tạo nên một bức tranh đầy sống động của nền kinh tế thế giới. Được hình thành từ thế kỷ thứ 19, hiện nay mô hình kinh doanh này không ngừng được mở rộng, phát huy tính hiệu quả trong kinh doanh. Hàng năm mô hình franchise tạo ra hàng triệu công ăn việc làm, đạt doanh số trên 1000 tỷ USD và phát triển không ngừng trên toàn thế giới. Vậy thực chất franchise là gì? Có những loại hình Franchise nào phổ biến hiện nay? Những lợi ích và thách thức khi tham gia franchise là gì? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm một số thông tin về franchise là gì nhé!
I. Định nghĩa về Franchise?
1. Franchise là gì?
Franchise được hiểu theo nghĩa tiếng Việt là nhượng quyền kinh doanh hay nhượng quyền thương hiệu là một hình thức cho phép một cá nhân, tổ chức kinh doanh một hình thức sản phẩm hoặc dịch vụ đã có thương hiệu từ trước đó ở trên thị trường. Theo đó thì phía bên nhượng quyền sẽ cung cấp cho bên mua những công thức, mô hình kinh doanh, cách thức vận hành kinh doanh...tùy vào các điều khoản hợp đồng đã được ký kết. Trong Franchise thì bên mua sẽ trả một khoản phí hoặc phần trăm theo doanh thu. Franchise bao gồm bên nhượng quyền (Franchisor) và bên nhận nhượng quyền (franchisee).
Về bản chất thì franchise là một hoạt động kinh doanh trong đó có thoả thuận của hai bên (bán, mua franchising) chuyển giao mô hình kinh doanh gắn liền với các đối tượng sở hữu trí tuệ… dựa trên cơ sở hợp đồng franchising.
Franchise là gì?
2. Mục tiêu của Franchise
Đối với bên nhượng quyền thì mục tiêu lớn nhất là giúp tiết kiệm chi phí như vận hành, chi phí quản lý... và dễ dàng gia tăng độ phủ của thương hiệu, đặc biệt là ở một thị trường mới. Còn đối với bên mua nhượng quyền thì mục tiêu của họ là giảm thiểu được nhiều rủi ro trong kinh doanh, dễ thành công hơn dựa vào danh tiếng mà thương hiệu đã tạo dựng. Chung lại mục tiêu lớn nhất của hoạt động nhượng quyền của bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền là giảm thiểu chi phí và rủi ro cho cả hai bên.
II. Lợi ích và thách thức khi tham gia Franchise
Ngày nay, hoạt động kinh doanh đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, tất cả các loại hình kinh doanh dưới dạng tự phát hoặc có quy mô nhỏ không còn được dễ dàng như trước kia nữa. Việc đứng ra tự đầu tư và quản lý là một bài toán gây ra nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư vừa và nhỏ, đặc biệt là các startup. Trong xu thế đó thì xu hướng franchise là một trong những hướng đi được ưa chuộng hiện nay mà ở đó người kinh doanh chỉ việc mua nhượng quyền thương mại của một đơn vị đã hoạt động trong cùng lĩnh vực để trở thành cơ sở của hệ thống kinh doanh đó. Bên cạnh những lợi ích thì việc tham gia franchise cũng đặt ra không ít thách thức cho cả bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền. Và dưới đây là một số lợi ích và thách thức khi tham gia franchise mà 123job muốn chia sẻ tới bạn đọc:
1. Lợi ích khi tham gia Franchise
a. Đối với Franchisor (bên nhượng quyền)
- Chủ thương hiệu sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể thông qua việc nhượng quyền như chi phí bán hàng, chi phí nghiên cứu thị trường, chi phí nhân công...
- Việc nhượng quyền sẽ giúp bên nhượng quyền nhanh chóng mở rộng được quy mô kinh doanh với ít chi phí hơn vì bên mua nhượng quyền sẽ là người chịu vốn trong kinh doanh.
- Nhượng quyền giúp doanh nghiệp có thêm một số nguồn thu bên cạnh khoản doanh thu cố định của mình. Mặc dù nguồn thu này có thể không lớn bằng doanh thu nhưng lại có tính ổn định và ít rủi ro hơn.
- Gia tăng sự thành công và nổi tiếng của thương hiệu, được nhiều khách hàng biết đến hơn.
b. Đối với franchisee (bên nhận nhượng quyền)
- Tận dụng được lợi thế về thương hiệu như khách hàng, quy trình sản xuất…
- Nhận được sự hỗ trợ và tư vấn từ bên nhượng quyền.
- Giảm rủi ro và dễ thành công hơn trong hoạt động kinh doanh, nhất là đối với startup, các nhà đầu tư có ít vốn.
2. Những thách thức khi tham gia Franchise
a. Đối với Franchisor (bên nhượng quyền)
- Nguy cơ mất khả năng kiểm soát các chi nhánh nhượng quyền nếu như quản lý yếu kém.
- Hình ảnh thương hiệu có thể bị ảnh hưởng nếu như bên nhận nhượng quyền gặp khó khăn hay kinh doanh kém hiệu quả.
b. Đối với franchisee (bên nhận nhượng quyền)
- Phải hoạt động tuân thủ theo các nguyên tắc và khuôn khổ của thương hiệu gốc. Điều này đã vô tình làm giới hạn khả năng cũng như những ý tưởng kinh doanh mới mẻ của doanh nghiệp.
- Nếu gặp khủng hoảng thì bên mua sẽ phải chia sẻ rủi ro với bên nhượng quyền.
- Cạnh tranh gay gắt trong cùng hệ thống của bên nhượng quyền. Các doanh nghiệp nhận nhượng quyền không chỉ phải cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh lớn của cả một thương hiệu, mà còn phải chạy đua doanh số với các chi nhánh nhượng quyền khác.
Lợi ích và thách thức khi tham gia Franchise
III. 4 loại hình Franchise phổ biến hiện nay
1. Management Franchise - Nhượng quyền có tham gia quản lý
Đối với loại hình nhượng quyền thương hiệu này thì ngoài việc chuyển nhượng sở hữu thương hiệu và mô hình, các công thức kinh doanh, bên nhượng quyền còn hỗ trợ bên nhận nhượng quyền trong việc cung cấp những người quản lý và điều hành doanh nghiệp có trình độ, chuyên môn cao.
2. Full Business Format Franchise - Nhượng quyền mô hình kinh doanh toàn diện
Đối với mô hình franchise này, bên nhượng quyền chia sẻ và chuyển nhượng ít nhất 4 loại sản phẩm cơ bản bao gồm:
- Hệ thống: Bao gồm chiến lược, mô hình, quy trình vận hành được chuẩn hóa, các chính sách quản lý, cẩm nang điều hành...
- Bí quyết về công nghệ sản xuất và kinh doanh.
- Hệ thống thương hiệu.
- Các sản phẩm, dịch vụ.
Theo đó thì bên nhận nhượng quyền phải thanh toán cho bên nhượng quyền hai khoản phí cơ bản bao gồm phí nhượng quyền ban đầu (up-front fee) và phí hoạt động (royalty fee), thường sẽ được tính theo doanh số bán định kỳ.
3. Equity Franchise - Nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn
Equity franchise là hình thức mà người nhượng quyền tham gia vốn đầu tư với một tỉ lệ nhỏ dưới dạng liên doanh để trực tiếp tham gia việc kiểm soát hệ thống. Theo đó thì bên nhượng quyền có thể tham gia vào Hội đồng quản trị của công ty mặc dù số vốn tham gia đóng góp chiếm tỉ lệ nhỏ.
4. Non-Business Format Franchise - Nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện
Non-business format franchise mang nguyên tắc quản lý lỏng lẻo hơn bao gồm những trường hợp phổ biến như sau:
- Product distribution franchise - Nhượng quyền phân phối các sản phẩm, dịch vụ;
- Marketing franchise - Nhượng quyền công thức sản xuất và tiếp thị;
- Brand franchise hay Trademark license - Nhượng quyền thương hiệu.
IV. Một số nhà hàng nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam
Franchise Việt Nam có lẽ được xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước khi mà có sự xuất hiện hiện hàng loạt các cửa hàng mang thương hiệu café Trung Nguyên. Mặc dù cách làm của Trung Nguyên thời đó chưa hẳn là franchise nhưng dù sao cũng có công khai phá mô hình kinh doanh này và ít nhiều làm giới kinh doanh Việt Nam “sáng mắt”. Và cho tới hiện nay mô hình Franchise Việt Nam đang ngày càng nở rộ và mang lại những thành công mới đáng kinh ngạc. Dưới đây là một số nhà hàng Franchise Việt Nam nổi tiếng mà 123job muốn chia sẻ tới bạn đọc:
1. Pizza Hut
Pizza Hut là một thương hiệu nhượng quyền nổi tiếng tại Việt Nam
Được thành lập vào năm 1958, hiện nay Pizza Hut là ông lớn với hơn 6000 cửa hàng ở Mỹ và có tới hơn 16000 cửa hàng trên hơn 100 quốc gia trên thế giới. Ngoài các loại bánh Pizza phong phú đã góp phần giúp cho thương hiệu này được nhiều người biết đến hơn thì Pizza Hut còn cung cấp món ăn nhanh như mì ống, xúc xích, bánh mì bơ tỏi, salad… Không ngừng sáng tạo đưa ra các sản phẩm mới với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng là bí quyết thành công của Pizza Hut.
- Tổng số chi nhánh nhượng quyền của Pizza Hut: 12.980 cửa hàng.
- Chi phí nhượng quyền Pizza Hut: Khoảng 300.000 USD – 2,2 triệu USD.
2. KFC
KFC là thương hiệu thức ăn nhanh quá quen thuộc với người tiêu dùng trên thế giới nói chung và đối với người tiêu dùng Việt Nam nói riêng. Với sản phẩm là gà rán có công thức riêng, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, KFC đã nhanh chóng chiếm được trái tim khách hàng và được nhiều người biết đến hơn. Hiện nay KFC chiếm 50% thị trường thức ăn nhanh trên toàn thế giới, với số lượng cửa hàng khoảng 13.846 và mỗi cửa hàng được KFC bảo hộ độc quyền trong vòng 1,5 dặm trở lại để bảo đảm quyền lợi kinh doanh cho các cửa hàng được nhượng quyền.
- Tổng số chi nhánh nhượng quyền của KFC: 14.146 cửa hàng.
- Chi phí nhượng quyền KFC: Khoảng 1,3 triệu USD – 2,5 triệu USD.
3. Lotteria
Nhắc đến Lotteria thì ai cũng biết đến đó là một thương hiệu nổi tiếng trên thị trường Việt Nam hiện nay. Thương hiệu Lotteria đã có mặt trên thị trường Việt Nam từ năm 1998 cho đến nay và là một thương hiệu luôn luôn dẫn đầu trong ngành công nghiệp ăn uống quốc nội với khoảng hơn 210 cửa hàng tại hơn 30 tỉnh/thành phố trên cả nước. Nhận thấy thị trường Việt nam là một thị trường tiềm năng trong việc phát triển đồ ăn nhanh Fast Food vì vậy nên bắt đầu từ tháng 10/2014 thì Lotteria đã bắt đầu nhượng quyền thương hiệu với mức chi phí nhượng quyền khoảng 250.000 USD.
4. Kichi Kichi
Kichi Kichi là chuỗi nhà hàng chuyên về buffet lẩu tại Việt Nam được ra đời vào năm 2009, bao gồm nhiều món ăn ngon, đa dạng được phục vụ với hình thức băng chuyền độc đáo và hiện đại. Chỉ với một mức giá cố định, khách hàng sẽ được thưởng thức không hạn chế gần 100 sản phẩm. Nhờ vào mô hình độc đáo mà lẩu băng chuyền Kichi Kichi đã chiếm được tình cảm của khách hàng bởi sự chuyên nghiệp, chất lượng cũng như tính mới lạ của mình. Kichi Kichi hiện đang có 29 nhà hàng kinh doanh trên toàn quốc và mức giá nhượng quyền kichi kichi tối thiểu là 300.000 USD.
5. Jollibee
Jollibee là tập đoàn kinh doanh thức ăn nhanh lớn nhất tại Châu Á, sở hữu với 12 thương hiệu và khoảng gần 3000 cửa hàng khắp toàn cầu. Riêng cửa hàng Jollibee thì đã có hơn 900 cửa hàng. Jollibee được mở lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2005 và cho đến nay đã có hơn 100 cửa hàng trải rộng trên toàn quốc. Khi trở thành đối tác nhượng quyền, Jollibee sẽ cung cấp những phần mềm, máy móc thiết bị, dụng cụ để hỗ trợ. Bên cạnh đó thì Jollibee còn cung cấp các khóa training giúp cho đội ngũ nhân viên trở nên chuyên nghiệp hơn. Chi phí nhượng quyền khoảng từ 250.000 - 300.000 USD.
Jollibee được mở lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2005
6. Burger King
Burger King gia nhập vào thị trường Việt Nam vào năm 2011 và tính tới hiện nay có gần 20 cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tập đoàn Burger King hiện đang có mặt tại 79 quốc gia khác nhau trên toàn thế giới. Chi phí nhượng quyền thương mại khoảng từ 50.000 – 300.000 USD và bên cạnh đó sẽ được Burger King cung cấp hơn 70 ngày khóa đào tạo.
7. Domino’s Pizza
Sau Pizza Hut, Domino's Pizza là chuỗi nhà hàng lớn thứ hai tại Mỹ, nhưng lớn nhất thế giới với khoảng 12.000 nhà hàng nhượng quyền tại hơn 80 quốc gia khác nhau. Domino's Pizza là thương hiệu danh tiếng đứng đầu trong công nghiệp giao nhận pizza. Và một trong những thế mạnh lớn nhất của Domino's Pizza là mảng giao hàng tận nơi - phân khúc thị trường. Chi phí nhượng quyền tối thiểu của thương hiệu Domino’s Pizza là 250.000 USD. Với gần 60 năm kinh nghiệm, Domino's Pizza đã tạo được cho mình một chỗ đứng vững vàng trên thị trường với công nghệ tiên tiến và trở thành một thương hiệu có uy tín ở khắp các quốc gia khác trên toàn thế giới.
V. Kết luận
Trên đây là một số thông tin về franchise là gì, 4 mô hình franchise phổ biến hiện nay, những lợi ích và thách thức khi tham gia vào mô hình franchise cùng với đó là một số nhà hàng franchise Việt Nam phổ biến mà 123job muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hy vọng qua những chia sẻ ở bài viết mang tới cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích về franchise là gì. 123job cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết và chúc bạn thành công!