Thiết lập mục tiêu marketing dựa trên nguyên tắc SMART là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay. Vậy phương pháp SMART là gì. Ứng dụng phương pháp SMART trong xây dựng mục tiêu marketing thế nào cho đúng?
SMART là mô hình được ứng dụng hàng đầu trong việc thiết lập mục tiêu. SMART là mô hình được sử dụng rộng rãi trong marketing và mang tới giá trị lớn trong mỗi chiến dịch. Vậy phương pháp SMART là gì. Mô hình này được ứng dụng trong marketing như thế nào. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau.
1. Phương pháp SMART là gì?
1.1. Phương pháp SMART là gì?
Mô hình SMART hiểu đơn giản là nguyên tắc thiết lập mục tiêu hiệu quả. Trong đó SMART là viết ngắn gọn từ 5 tiêu chí xác lập mục tiêu: Specific; Measurable; Attainable; Relevant; Time-bound.
1.2. Những thành tố nòng cốt trong phương pháp SMART
Mỗi chữ cái trong SMART đại diện cho những tiêu chí quan trọng cần bám sát khi xác định mục tiêu:
- Specific (Cụ thể): Mục tiêu smart cần cụ thể là điều kiện đầu tiên, giúp chúng ta biết chính xác mình đang theo đuổi điều gì và cần làm thế nào để đạt được nó.
- Measurable (Đo lường): Mục tiêu smart cần được hữu hình hóa, có thể nắm bắt, đo lường được thông qua những chỉ số. Những chỉ số đó là cơ sở để đánh giá, là động lực phấn đấu vì mục tiêu đã đề ra.
- Achievable (Khả thi): Mục tiêu smart đặt ra cần phù hợp với năng lực hiện tại của đội ngũ. Khả thi khi không quá xa vời với khả năng hiện tại, cũng không quá dễ dàng để đạt tới. Một mục tiêu khả thi sẽ đảm bảo năng lượng tốt cho toàn bộ chiến dịch, đảm bảo không bỏ cuộc hay hời hợt giữa chừng.
- Relevant (Liên quan): Mục tiêu smart đặt ra cần thể hiện sự liên quan với bối cảnh, mục đích, mục tiêu tổng thể và có sự gắn kết giữa từng mục tiêu nhỏ lẻ. Ví dụ: Mục tiêu marketing cần gắn liền với mục tiêu kinh doanh, chiến lược thị trường của công ty.
- Time-bound (Ràng buộc về thời gian): Giới hạn thời gian là yếu tố cần thiết cho mục tiêu smart. Áp lực về thời hạn là cách đảm bảo hiệu suất làm việc, đảm bảo mục tiêu cuối cùng đạt được đúng thời điểm mong đợi.
2. Tại sao cần đặt mục tiêu marketing dựa trên nguyên tắc SMART
Thiết lập mục tiêu marketing dựa trên phương pháp SMART đòi hỏi người làm marketing nghiên cứu, đánh giá vấn đề trên nhiều khía cạnh khác nhau. Đây là nhiệm vụ tương đối phức tạp, vậy tại sao ta vẫn cần đặt mục tiêu dựa trên nguyên tắc SMART. Dưới đây là những giá trị khi áp dụng phương pháp SMART:
- Tăng tính rõ ràng: Mục tiêu SMART giúp bạn xác định hướng đi cho chiến dịch như kết quả cần hướng tới là gì, thực hiện trong bao lâu,... Những định hình này giúp marketers dễ hình dung hơn những điều mình cần làm để đảm bảo chiến dịch được thành công.
- Tối ưu tốt hơn: Mục tiêu smart là mục tiêu phù hợp, khả thi sẽ giúp doanh nghiệp vận dụng tối ưu nguồn lực của chiến dịch tài chính, nhân lực, trang - thiết bị, nền tảng khách hàng,.... Đảm bảo mọi nguồn lực đều được khai thác hiệu quả.
- Tăng cường động lực cần thiết: Sở hữu mục tiêu smart rõ ràng, đủ khó để theo đuổi, cũng không quá dễ để đạt được sẽ tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, tinh thần tập trung, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc đạt được mục tiêu đề ra.
- Dễ dàng theo dõi tiến độ và dễ dàng đo lường kết quả: Mục tiêu được đặt ra là xương sống cho mỗi chiến dịch, mọi bước tiến sau đó cần được bám sát mục tiêu. Đo lường và đánh giá sau đó cũng cần dựa trên cơ sở những tiêu chí, mục tiêu ban đầu và từ đó đi tới kết luận chiến dịch đạt được mục tiêu hay chưa, thành công hay không.
3. Làm thế nào để đặt mục tiêu SMART hiệu quả cho mỗi chiến dịch marketing
Một trong những cái khó nhất trong thiết lập mục tiêu cho mỗi chiến dịch marketing là làm làm thế nào để đảm bảo mục tiêu đó thực tế, thời hạn đặt ra phù hợp. Dưới đây là những cơ sở cần thiết để người làm marketing đặt mục tiêu SMART hiệu quả cho mỗi chiến dịch của mình:
- Dựa trên cơ sở dữ liệu: Nghiên cứu hiệu suất, kết quả đạt được từ những kỳ kinh doanh trước đó, từ các báo cáo marketing để xác định lại bối cảnh marketing, nguồn lực hiện tại, qua đó có căn cứ xây dựng mục tiêu smart phù hợp.
- Thảo luận giữa các thành viên trong phòng ban, lấy ý kiến từ lãnh đạo: Ý kiến từ lãnh đạo sẽ góp phần đưa mục tiêu marketing phù hợp với mục tiêu kinh doanh chung, tinh thần chung trong tầm nhìn của công ty. Việc thảo luận giữa các thành viên sẽ đưa ra những góp ý đa diện, từ nhiều mảng, chuyên môn marketing. Đó là những thông tin từ thực tiễn, giúp phát triển mục tiêu chiến dịch cho phù hợp với năng lực của phòng ban và tình thế thị trường.
- Thử cân nhắc tới mục tiêu vượt ngưỡng: Thật khó để đảm bảo mục tiêu thực tế mà không rơi vào tham vọng quá đà. Mục tiêu cao là cách để thúc đẩy năng suất nhóm, nhưng nếu đẩy lên quá mức, chúng sẽ khiến cả đội nản lòng. Vì vậy, cân nhắc tới sử dụng đồng thời 2 phiên bản xây dựng từ mục tiêu SMART: một mục tiêu thông thường và mục tiêu vượt ngưỡng. Phiên bản thứ hai với cấp độ cao hơn có thể là nguồn động lực giúp mọi thành viên nhóm nỗ lực hết mình để nhanh chóng vượt mục tiêu ban đầu.
Đặt mục tiêu là quá trình khám phá và học hỏi. Khi bạn đặt ra nhiều mục tiêu marketing hơn, bạn sẽ khám phá được nhiều hơn về năng lực, sự vượt trội từ đội marketing của mình.
4. Phương pháp đo lường và theo dõi mục tiêu SMART
Đặt mục tiêu là bước khởi đầu cho chiến dịch. Khi đã có mục tiêu smart, bạn cùng đồng đội cần bám sát, nỗ lực không ngừng để đạt mục tiêu đã đề ra. Trong quá trình đó, cả nhóm cần thường xuyên theo dõi tiến độ công việc, đảm bảo thực tiễn triển khai đúng kế hoạch:
- Thiết lập các cuộc kiểm tra định kì: Thường xuyên báo cáo, trao đổi tiến độ chiến dịch trong team sẽ giúp bạn bám sát mục tiêu smart đề ra. Tần suất của cuộc kiểm tra này sẽ tùy thuộc vào thời gian thực hiện mục tiêu, mỗi giai đoạn của chiến dịch. Hãy đan xen những buổi kiểm tra vào quãng thời gian trên. Tránh trường hợp đợi kết thúc chiến dịch mới thực hiện đo lường, đánh giá.
- Chia nhỏ mục tiêu, nhiệm vụ: Dù đã có mục tiêu marketing tổng quát cho toàn chiến dịch, từng giai đoạn, từng công cụ, người làm marketing vẫn nên chia nhỏ mục tiêu theo những mốc thời gian nhỏ hơn. Điều này giúp bạn dễ quản lý, theo dõi, đảm bảo công việc triển khai đúng tiến độ.
- Đo lường bằng công cụ, phương pháp phù hợp: Dựa trên mục tiêu đề ra, cần xác định phương án đo lường, đánh giá và công cụ cần thiết là gì. Những chỉ số nào cần được xem xét đo lường, và làm thế nào có được những chỉ số đó. Đó là những cân nhắc quan trọng khi tiến hành đặt mục tiêu và đo lường, đánh giá.
5. Ví dụ thực tế về mục tiêu marketing theo nguyên tắc SMART
Tăng nhận diện thương hiệu công nghệ tài chính mới
Mục tiêu SMART được đặt ra như sau: Trong 3 tháng, tăng lượng người theo dõi, phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác trên mạng xã hội (blog, facebook, youtube, ) lên 50% thông qua tăng cường chia sẻ các bài đăng trên blog và nội dung phỏng vấn giáo dục về công nghệ tài chính.
- Cụ thể: Mục tiêu smart nêu rõ những điểm, cần đạt được như sau: Tăng bao nhiêu: 50%; Về cái gì: về phạm vi tiếp cận, người theo dõi và mức độ tương tác trên nền tảng; Ở đâu: Trên nền tảng mạng xã hội: Blog, Facebook, Youtube của doanh nghiệp; Trong thời gian bao lâu: 6 tháng; Bằng cách nào: Tăng cười nội dung blog và video phỏng vấn giáo dục về công nghệ.
- Có thể đo lường được: Thể hiện rõ con số cần đạt được, nền tảng mục tiêu, phương tiện khác như: số lượng bài viết, chỉ số cần đo: lượt tương tác, lượt theo dõi, phạm vi tiếp cận. Đây đều là những chỉ số có thể dễ dàng đo lường thông qua dịch vụ quản lý trang mạng xã hội như Meta Business,...
- Tính khả thi: Mục tiêu smart xây dựng trên đánh giá nguồn lực (tài chính, nhân lực, công nghệ) và có đánh giá về tệp khách hàng (khách hàng đang ở đâu trong tiến trình mua). Trong trường hợp này, nguồn lực hay nền tảng mạng xã hội công ty công nghệ tài chính vẫn đang trong giai đoạn phát triển mới, khách hàng đang thiếu kiến thức về công nghệ giáo dục. Mục tiêu do đó nêu rõ cần tăng nhận thức thương hiệu khách hàng lên 50% thông qua tăng nội dung giáo dục công nghệ tài chính.
- Thực tế/Liên quan: Mục tiêu smart đặt ra phù hợp với bối cảnh marketing (công ty mới cần tăng độ nhận diện thương hiệu, khách hàng thiếu kiến thức về công nghệ tài chính) và năng lực đội nhóm: sở hữu nhân sự tốt về mảng lên nội dung tài chính, video editor, thiết kế chất lượng…
- Thời hạn: Mục tiêu smart đặt ra cho 3 tháng, là một con số rõ ràng, phù hợp với nội dung công việc của chiến dịch.
6. Những mô hình tương đồng với phương pháp SMART có thể ứng dụng trong thiết lập mục tiêu marketing
6.1. Mô hình OKR
OKR là mô hình thiết lập mục tiêu phổ biến giúp các nhà lãnh đạo, tổ chức xác định và theo đuổi mục tiêu hiệu quả. Trong đó OKR là viết tắt của “Objective” và “Key Results”, là “Mục tiêu” và “Kết quả chính”, cụ thể như sau:
- Objective (Mục tiêu) được đưa ra là những mục tiêu rõ ràng, thể hiện được tham vọng, xác định những điều mong muốn đạt được: như nâng cao nhận thức thương hiệu, tăng chỉ số lòng trung thành của khách hàng…
- Key Results (Kết quả chính): Những kết quả cụ thể, có thể đo lường được và biểu đạt tiến độ đạt được mục tiêu: Như phạm vi tiếp cận tăng 100%, Tỷ lệ khách hàng quay trở lại tăng 50%...
OKR được thiết kế nhằm giúp tổ chức tập trung nguồn lực vào những gì quan trọng nhất. Qua đó sắp xếp, phát triển các nhánh, mục tiêu phụ xung quanh cho phù hợp. Thông qua đặt mục tiêu phù hợp, các tổ chức có thể theo dõi tiến trình vận hành, chịu trách nhiệm và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu đánh giá thu về.
6.2. Mô hình CLEAR
Mô hình CLEAR là phương pháp quen thuộc trong thiết lập mục tiêu quản lý được đề xuất bởi Peter Drucker - một trong những nhà quản trị hàng đầu thế giới. Mô hình này tương tự mục tiêu SMART trong yêu cầu đặt ra mục tiêu cụ thể, hiệu quả nhằm đạt tới thành quả tốt nhất.
- Clear (Rõ ràng): Mục tiêu cần cụ thể, rõ ràng, không mơ hồ. Đảm bảo bạn, và các thành viên trong ban marketing đều hiểu rõ mình cần làm gì, hướng tới đâu.
- Limited (Hạn chế về số lượng): Mục tiêu cần tập trung vào những nội dung quan trọng để đảm bảo tối ưu nguồn lực, và tăng hiệu suất, hiệu quả.
- Emotional Engaging (Mang tính cảm xúc): Mục tiêu cần khơi gợi lên cảm xúc và động lực cho người thực hiện thay vì đánh gục ý chí từ họ. Mục tiêu phù hợp sẽ kích thích nhân viên, thúc đẩy đam mê và tăng cường kết nối của nhân viên với công việc.
- Achievable (Đánh giá được): Tương tự đo lường được, mục tiêu đề đặt ra phải là mục tiêu rõ ràng, đo lường được. Từ đó có được những đánh giá đúng và phù hợp nhất.
- Refinable (Có thể điều chỉnh được): Mục tiêu không nhất thiết phải đóng đinh, không thay đổi. Mô hình CLEAR cho thấy cần có sự linh hoạt, điều chỉnh mục tiêu khi cần thiết để chiến dịch có được sự linh hoạt. Đảm bảo mục tiêu, chiến dịch phản hồi nhanh chóng với những tình huống bất ngờ.
6.2. Mô hình GROW
GROW là một trong những mô hình có nhiều điểm tương đồng với SMART và được sử dụng nhiều trong hoạt động tư vấn. Bởi mô hình này cho phép bạn đạt mục tiêu của mình thông qua tập trung nguồn lực, phát triển nhận thức, tìm kiếm giải pháp và hành động phù hợp. Trong đó, cụ thể GROW là viết tắt của:
- Goal (Mục tiêu): Xác định kết quả, mục tiêu mong muốn đạt được cụ thể, rõ ràng, có thể đo lường và có tính định hướng.
- Reality (thực tế): Nhận thức đánh giá đúng tình hình thực tế (những điểm mạnh, yếu, cơ hôi, thách thức) liên quan tới mục tiêu đề ra. Điều này là tiền đề cho hiểu biết xây dựng các bước tiến tiếp theo.
- Options (Lựa chọn): Đưa ra các đề xuất, phương án hành động để đạt được mục tiêu đã đề ra dựa trên nhận thức thực tại. Quá trình này đòi hỏi nhiều tư duy mở, khả năng suy luận và tinh thần phản biện liên tục.
- Will (Ý chí): Xác định ý chí và cam kết hành động, từ đó tạo nên một bản kế hoạch cụ thể, xác định những bước phát triển và thời gian hoàn thiện cũng phương pháp đánh giá, đo lường kết quả.
Kết luận
Với mội một chiến dịch, mục tiêu marketing là thử thách đầu tiên mà bạn cần chinh phục. Xác định mục tiêu phù hợp, một nửa gánh nặng đã vơi đi. Mô hình SMART là mô hình tuyệt vời giúp người làm marketing đặt ra những mục tiêu marketing phù hợp với từng chiến dịch. Hãy nghiên cứu chi tiết, và ứng dụng phương pháp SMART để công việc hoàn thiện đơn giản và hiệu quả hơn.