Trong mọi công ty hay doanh nghiệp chiến lược kinh doanh được xem là yếu tố cốt lõi giúp công ty phát triển. Vậy những nguyên tắc nào để thành công trong xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả hãy cùng 123job tìm hiểu sau đây.

I. Chiến lược kinh doanh là gì?

Chiến lược kinh doanh là phương pháp tổ chức hoạt động của một công ty, tập đoàn trong lĩnh vực kinh doanh nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tối đa. Nội dung của chiến lược kinh doanh là bao quát tổng thể của một kế hoạch theo trình tự bao gồm chuỗi các biện pháp, cách thức hoạt động trong quá trình kinh doanh để hướng tới mục tiêu là mang về lợi nhuận cao nhất cùng sự phát triển của hệ thống kinh doanh.

chiến lược kinh doanh

Chiến lược kinh doanh

II. Các yếu tố của chiến lược kinh doanh

1. Mục tiêu chiến lược

Một chiến lược kinh doanhđược bắt đầu bằng mục tiêu chiến lược, việc xác định mục tiêu và đặt kỳ vọng vào nó giúp chiến lược kinh doanh có hướng đi đúng đắn. Các mục tiêu chiến lược sẽ đóng vai trò định hướng cho sự phát triển của công ty, doanh nghiệp trong một số năm nhất định mà chính công ty, doanh nghiệp đó đề ra.

Trên thực tế có rất nhiều công ty, doanh nghiệp nhầm lẫn giữa mục tiêu của chiến lược kinh doanh và sứ mệnh tầm nhìn. Sứ mệnh của doanh nghiệp là chỉ ra mục đích hay lý do tồn tại của doanh nghiệp vì vậy thường mang tính tổng quát. Ngược lại, mục tiêu chiến lược cần đảm bảo tính cụ thể và có thời gian thực hiện rõ ràng.

xác định mục tiêu giúp định hướng cho công ty

xác định mục tiêu giúp định hướng cho công ty

Một câu hỏi đặt ra ở đây là việc lựa chọn mục tiêu gì có ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp? Câu trả lời là nó ảnh hưởng rất lớn bởi nếu một doanh nghiệp lựa chọn mục tiêu chiến lược là đem về lợi nhuận cao sẽ tập trung phục vụ phân khúc thị trường có nhu cầu sử dụng hàng hóa cao cấp bằng các sản phẩm có giá trị cao hoặc chi phí sản xuất phí lớn. Ngược lại, việc lựa chọn mục tiêu là tăng trưởng, mở rộng thị trường thì doanh nghiệp phải thực hiện đa dạng hóa dòng sản phẩm của mình để thu hút các khách hàng ở nhiều phân khúc thị trường khác nhau bằng cách sản xuất các hàng hóa phổ biến hay hàng hóa thứ cấp.

Nhưng trên hết mục tiêu quan trọng nhất mà chiến lược kinh doanh hướng tới là lợi nhuận cao và bền vững. Mục tiêu chiến lược thường được đo bằng tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) nhưng cũng có thể đo bằng các tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) hoặc tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA). Ngoài ra ở một số doanh nghiệp có thể đưa các mục tiêu khác vào chiến lược kinh doanh của nơi mình như thị phần, chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, giá trị khách hàng, tăng trưởng xanh,… việc lựa chọn mục tiêu phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh và giai đoạn phát triển của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên khi doanh nghiệp lựa chọn chiến lược kinh doanh là mục tiêu tăng trưởng, giá trị cổ phiếu hay lợi nhuận kế toán hàng năm sẽ phải rất thận trọng trong cân nhắc  vì nó có thể khiến doanh nghiệp đi theo hướng phát triển không bền vững.

2. Phạm vi chiến lược

Hầu hết các chiến lược kinh doanh từ chiến lược 5s hay kaizen, muốn hoàn hảo là biết phạm vi chiến lược của mình nằm ở đâu để không bị phân tán nguồn lực và công sức bỏ ra. Doanh nghiệp cần phải đặt ra giới hạn về sản phẩm, nhóm đối tượng khách hàng, thị trường cung ứng hoặc chuỗi giá trị để có sự tập trung lực lượng để đáp ứng thỏa mãn nhu cầu khách hàng.

Việc lựa chọn phạm vi chiến lược phải dựa trên nguyên tắc thị trường có nhu cầu hay không? Doanh nghiệp đã thực sự am hiểu thị trường, am hiểu khách hàng hay chưa? Và doanh nghiệp mình có thể đáp ứng được các nhu cầu hay không? Doanh nghiệp cũng cần tránh đối đầu với các đối thủ cạnh tranh mạnh hoặc đang đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng khi doanh nghiệp mình chưa đủ tiềm lực để tránh gây tổn thất lớn hay gặp phải nhiều bất lợi

3. Giá trị khách hàng (Customer values) và Lợi thế cạnh tranh (Competitive Advantage)

Giá trị khách hàng và lợi thế cạnh tranh chính là yếu tố cốt lõi của chiến lược kinh doanh. Lợi thế cạnh tranh là năng lực của doanh nghiệp có thể duy trì, củng cố lợi thế để bảo vệ khả năng sinh lời dài hạn và đảm bảo thị phần của công ty, doanh nghiệp mình trước các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Đồng thường luôn xác định đúng đắn lợi thế của mình ở  lĩnh vực nào để tập trung chủ yếu phát triển khiến nó nổi bật với khách hàng sẽ góp phần giúp bạn có một chiến lược kinh doanh thành công.

Ngoài ra thì doanh nghiệp phải xác định được khách hàng mục tiêu của mình đánh giá cao cái gì để phát triển giản đồ giá trị khách hàng. Trong giản đồ đó cần làm rõ các yếu tố mà khách hàng mục tiêu của mình sẵn sàng bỏ tiền ra để mua sản phẩm dịch vụ ví dụ như giá cả, chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, mẫu mã thiết kế, mức độ an toàn, tin cậy, tốc độ,….

4. Năng lực cốt lõi và Hệ thống các hoạt động chiến lược

Năng lực cốt lõi chính là khả năng triển khai các hoạt động vượt trội hơn so với đối thủ cạnh tranh về chất lượng hay hiệu suất, nhưng thường là khả năng kết hợp và điều phối nhóm các hoạt động. Năng lực này cho phép doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả và đa dạng hóa các dòng sản phẩm. Trong hệ thống hoạt động, doanh nghiệp luôn phải xác định được đâu là năng lực cốt lõi trực tiếp đóng góp vào việc tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững đã xác định để phát triển đi kèm với các năng lực khác.

Tùy theo đặc điểm, tính chất của mỗi lĩnh vực kinh doanh, chuỗi giá trị của doanh nghiệp sẽ có sự khác nhau về năng lực cốt lõi và hệ thống các hoạt động chiến lược nhưng vẫn sẽ bao gồm nhóm các hoạt động chính như vận hành, cung ứng, marketing,… và nhóm các hoạt động hỗ trợ như quản lý nhân sự, nghiên cứu thị trường, cơ cấu quản lý, kỹ thuật sản xuất,.... Để chiến lược kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất cần kết hợp năng lực cốt lõi và hệ thống các hoạt động chiến lược với nhau một cách chặt chẽ và thống nhất

III. Những nguyên tắc để xây dựng chiến lược kinh doanh hoàn hảo

Để xây dựng chiến lược kinh doanh hoàn hảo cần  phải dựa vào kinh nghiệm làm việc thực tế và tiếp xúc khách hàng. Chúng tôi đưa ra 7 nguyên tắc những người lãnh đạo đều nên biết để giúp doanh nghiệp mình phát triển và không chệch hướng mục tiêu ban đầu.

1. Cạnh tranh để khác biệt

Các công ty luôn muốn mình hoàn thiện nhất và luôn hướng tới sự phát triển để công ty mình dẫn đầu. Nhưng ví dụ bạn là công ty mới, trong thời gian ngắn hạn mà muốn soán ngôi công ty cùng ngành đang dẫn đầu thì điều đó là khó có thể thành công nếu bạn không ưu tú hơn, không khác biệt hơn, không sáng tạo hơn. Vì vậy hãy xây dựng một kế hoạch chiến lược kinh doanh khác biệt để công ty phát triển vượt trội. 

2. Cạnh tranh vì lợi nhuận

Làm kinh doanh không chỉ ở việc có được thị phần lớn trong thị trường, hay doanh nghiệp đang phát triển với tốc độ chóng mặt, hay công ty bạn là một đôi thủ đáng gờm trên thị trường, việc chiến lược kinh doanh thành công còn được đánh giá ở khoản lợi nhuận tạo ra. Xét cho cùng nếu tất cả những chiến lược kinh doanh đã đề ra không mang mục đích rõ ràng về lợi nhuận, số tiền có thể thu về được thì tốt nhất là chưa nên mất thời gian và công sức để thực hiện chúng mà hãy đánh giá các yếu tố nguồn lực và chuẩn bị sẵn sàng khi bắt tay vào kinh doanh và kiếm ra tiền.

Một trong những chiến lược kinh doanh là để mang về lợi nhuận

Một trong những chiến lược kinh doanh là để mang về lợi nhuận

3. Nghiên cứu thị trường trước khi xây dựng chiến lược kinh doanh.

Thấu hiểu về rõ về thị trường mình hướng tới là một phần không thể thiếu khi xây dựng chiến lược kinh doanh hoàn hảo. Mỗi doanh nghiệp đều là một phần của hệ sinh thái kinh tế – thị trường. Mỗi thị trường sẽ mang những đặc điểm và tính cách riêng. Và những đặc điểm này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận mà bạn có thể đạt được trong tương lai. Trước khi bắt tay vào thực hiện điều gì đó thì phải hiểu về nó rồi mới thực hiện. Việc kinh doanh cũng vậy, bạn cung cấp sản phẩm dịch cho ai? Cho khách hàng trên thị trường đúng không nào. Vậy ta phải nghiên cứu thị trường để có hiểu biết sâu sắc nhất về nó thì mới có thể làm chủ được nó.

4. Xác định đối tượng khách hàng

Sản phẩm của bạn không thể bán được cho tất cả mọi người, mọi độ tuổi mà phải có phân khúc khách hàng mình hướng tới và đặc biệt chăm sóc khách hàng đó sẽ giúp mang lại nhiều giá trị to lớn. Việc xác định đối tượng khách hàng phụ thuộc vào mặt hàng mà công ty, doanh nghiệp bạn cung cấp. Chắc chắn rằng các mặt hàng bạn cung cấp ra phải giải quyết được nhu cầu của khách hàng thì mới kinh doanh được.

5. Đồng ý có chọn lọc

Khi bạn đã thấu hiểu thị trường, thấu hiểu khách hàng của mình và xây dựng được các giá trị cam kết của doanh nghiệp đối với thị trường bạn sẽ dần nhận ra rằng có rất nhiều thứ mà chúng ta phải nói lời từ chối để tránh làm mất thời gian hay phân tán lực lượng mà không đem về lợi nhuận gì. Vì vậy làm việc gì cũng phải có chọn lọc để hướng tới mục tiêu thành công một cách nhanh nhất.

6. Không ngừng đổi mới

Khi đối thủ ngày một phát triển cùng với công nghệ cải tiến, nhu cầu và hành vi của khách hàng thay đổi,... Do đó công ty, doanh nghiệp của bạn luôn luôn phải đổi mới để thích ứng với điều kiện và môi trường xung quanh, cần có sự nhạy bén trong việc phát hiện các xu hướng mới để có thể áp dụng vào mô hình kinh doanh của mình một cách linh hoạt để đem về lợi thế cạnh tranh. Cứ dậm chân tại chỗ và bằng lòng với những gì mình đạt được thì sẽ nhanh chóng bị đối thủ vượt mặt và đánh bại.

7. Tư duy logic

Một chiến lược kinh doanh cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là việc hình thành tư duy hệ thống, xây dựng data và dữ liệu lớn chính xác để có thể đề ra các giả định cho sự phát triển của doanh nghiệp. Từ đó có hướng làm tốt nhất trong mỗi bước phát triển của công ty, doanh nghiệp để đem về lợi nhuận. Và cuối cùng là cần sự liên kết trong tất cả các quá trình của một chiến lược kinh doanh, cùng hướng đến một mục tiêu chung là hoàn thành thắng lợi mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Những phán đoán về tương lai không thể luôn luôn đúng 100%, nhưng đó cũng là một ý tưởng để có thể đề ra trước các biện pháp khắc phục nếu không may rơi vào tình huống xấu, khi bạn đã có sự chuẩn bị thì mọi khó khăn ập đến sẽ không làm khó được bạn. Do đó, bạn cần những số liệu thực tế để phán đoán có căn cứ thuyết phục hơn như thông tin về khách hàng, về xu hướng thị trường, đối thủ cạnh tranh,...

tư duy logic

Tư duy logic

IV. Học tập chiến lược kinh doanh của các tập đoàn lớn 

Tập đoàn Viettel

Với xuất phát điểm ở vị trí thứ 4 trên thị trường viễn thông sau VinaPhone, MobiFone và Sfone nhưng hiện tại  tập đoàn Viettel đã vươn lên thứ nhất và chiếm tới 45% thị phần. Vào khoảng những năm 2005-2006 quyết định từ bỏ thành phố để về vùng nông thôn đầu tư, xây dựng thị trường của mình. Thời điểm đó chi phí để lắp đặt các trạm tại nông thôn rất tốn kém, việc đầu tư vào khó khăn mà chưa biết có thuê bao nào sử dụng không. Tuy nhiên không vì thế mà làm nhụt chí các nhà lãnh đạo của tập đoàn Viettel, họ đã chấp nhận mạo hiểm hành động cuối cùng đã chứng minh được sự đúng đắn của mình. Thứ nhất, nhờ đó mà điện thoại di động từng coi là mặt hàng xa xỉ đã trở thứ bình dân ở Việt Nam mà thị phần này chiếm tới 70% và chủ yếu ở nông thôn. Thứ hai, về nông thôn không có các nhà mạng khác cạnh tranh, nghiễm nhiên Viettel là thị trường độc quyền và thành công bắt đầu từ đó.

Sau khi thấy Viettel thành công ở nông thôn các nhà viễn thông khác cũng tới nông thôn để đầu tư vào thị trường này thì đã bị Viettel bỏ lại xa phía sau. Lúc đó Viettel thay đổi chiến thuật, quay trở lại thị trường thành phố để kinh doanh, nhờ đó tương quan lực lượng giữa các nhà mạng hoàn toàn thay đổi đến thời điểm hiện tại, Viettel vẫn là ông trùm đứng đầu thị trường viễn thông tại Việt Nam và đã tiến bước xa hơn ra các thị trường ở Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ La Tinh. Và Viettel vẫn còn tiếp tục phát triển và luôn sáng tạo đổi mới để thích ứng với thị trường.
Kể đến thành công trên, có tầm nhìn rộng bao quát, nắm bắt được nhu cầu, địa bàn kinh doanh đúng đắn ban đầu, còn phải kể đến các nguồn lực hiện hữu và cách thức kinh doanh riêng biệt của mình như chiến lược marketing, xây dựng thương hiệu, quảng cáo,...

Một bài học khác của TH True Milk 

Xuất hiện trên thị trường khá muộn tháng 10/2012 khi đó kẻ thống trị đang là Vinamilk. Với tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển thương hiệu dẫn đầu, TH True Milk đưa ra chiến lược marketing mình là thương hiệu sữa “ sạch”, yếu tố đó đã đánh thẳng vào tâm lý người dùng khi thời điểm đó vệ sinh an toàn thực phẩm đang được quan tâm rất lớn. Do slogan mà TH True Milk đã xây nên đã giải quyết đúng nhu cầu của người dùng. Mặc dù thương hiệu nào cũng đảm bảo sản xuất sạch và lợi thế cạnh tranh là như nhau, nhưng TH True Milk biết làm nổi bật nên vấn đề và họ đã chiến thắng.

V. Kết luận

Kinh nghiệm đầu tiên rút ra cho các doanh nghiệp Việt trong việc đổi mới chiến lược kinh doanh là không chỉ đơn thuần chỉ dựa vào các quy tắc về chiến lược kinh doanh mà phải có sự sáng tạo, linh hoạt và phải nắm bắt được xu thế. Một chiến lược kinh doanh có tốt đến đâu mà thiếu đi các nguồn lực tài chính, con người, không phù hợp về văn hóa thì cũng sẽ rất khó triển khai. Chúc các bạn thành công trong những chiến dịch kinh doanh sắp tới của mình!