Sau khi thành lập doanh nghiệp có rất nhiều những công việc khác nhau bắt buộc các cá nhân, tổ chức phải thực hiện. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để được 123job bật mí những việc phải làm ngay sau khi thành lập doanh nghiệp nhé!

Thông thường khi mới thành lập doanh nghiệp thì có rất nhiều người nghĩ rằng chỉ cần làm xong thủ tục xin giấy phép kinh doanh là xong. Hoặc cũng có nhiều trường hợp doanh nghiệp sau khi thành lập chỉ chú trọng đến việc đầu tư cho nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, các chiến lược kinh doanh… mà quên mất việc phải hoàn tất các thủ tục pháp lý ban đầu khi mới thành lập công ty theo quy định của pháp luật. Vậy những việc phải làm ngay sau khi thành lập doanh nghiệp để không bị xử phạt là gì? Cùng theo dõi tiếp bài viết dưới đây để được 123job bật mí sau khi thành lập công ty cần phải làm những gì nhé!

I. Khi mới thành lập công ty cần làm những gì?

Việc đầu tiên phải làm khi mới thành lập doanh nghiệp là đăng ký giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ngay sau khi công ty nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì hệ thống dữ liệu của Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia đã ghi nhận được tình trạng doanh nghiệp đang hoạt động. Và đồng thời cơ quan thuế và các cơ quan liên quan khác cũng sẽ cập nhật được tình trạng của doanh nghiệp.

Khi mới thành lập, doanh nghiệp cần đăng ký giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Khi mới thành lập, doanh nghiệp cần đăng ký giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

II. Đăng công bố nội dung về thành lập doanh nghiệp

Căn cứ vào điều 32, Luật doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo công khai về việc thành lập doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia và phải nộp một khoản phí theo quy định của pháp luật. Nội dung công bố bao gồm nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và gồm một số thông tin sau đây:

  • Ngành, nghề kinh doanh;
  • Danh sách cổ đông sáng lập; đối với công ty cổ phần thì nêu rõ danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có).

Trong trường hợp doanh nghiệp muốn thay đổi nội dung thành lập doanh nghiệp thì những thay đổi tương ứng phải được thông báo công khai ở trên Cổng thông tin quốc gia về thành lập doanh nghiệp.

III. Treo bảng hiệu doanh nghiệp

Sau khi thành lập doanh nghiệp thì việc treo bảng hiệu là điều phải làm đối với doanh nghiệp. Biển hiệu của doanh nghiệp phải có đủ các thông tin sau:

  • Tên của cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
  • Tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp;
  • Loại hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp;
  • Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính (đối với các cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ);
  • Mã số thuế, địa chỉ giao dịch và số điện thoại;
  • Trên bảng hiệu của doanh nghiệp phải thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Lưu ý là diện tích của logo không được quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin và hình ảnh quảng cáo cho bất kỳ loại hàng hóa, dịch vụ nào.

Việc treo biển hiệu là nghĩa vụ bắt buộc phải làm sau khi thành lập doanh nghiệp. Căn cứ tại Khoản 2, Điều 32 Nghị định 155/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng hoặc bị buộc tháo dỡ bảng hiệu.

IV. Mua chữ ký số và làm những thủ tục khai thuế ban đầu

Chữ ký số được sử dụng với mục đích để kê khai nộp thuế trực tuyến, kê khai hải quan điện tử, thực hiện các giao dịch tại ngân hàng điện tử, giao dịch chứng khoán điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội điện tử, ký hợp đồng với đối tác làm ăn trực tuyến... Khi mới thành lập doanh nghiệp thì bạn có thể mua chữ ký số từ các đại lý của VIETTEL, FPT, BKAV, CK, VINA, NEWTEL, NACENCOMM, SAFE-CA… Bởi đây đều là những nhà cung cấp chữ ký số cho doanh nghiệp uy tín và được pháp luật quy định.

Mua chữ ký số và làm những thủ tục khai thuế ban đầu

Sau khi thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần phải mua chữ ký số

V. Khai và nộp thuế môn bài

Thuế môn bài là khoản tiền mà doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải nộp định kỳ hàng năm hoặc khi mới ra sản xuất, kinh doanh, khi mới thành lập công ty. Mức nộp thuế môn bài hàng năm tuy không lớn nhưng nó lại là nghĩa vụ bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện, trừ trường hợp được miễn.

1. Quy định về thời hạn khai và nộp thuế môn bài

Căn cứ vào khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là vào ngày 30/01 hàng năm. Trong trường hợp người nộp lệ phí mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thì thời hạn nộp lệ phí thuế môn bài chậm nhất là vào ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ kê khai lệ phí.

2. Mức thuế môn bài phải nộp

Căn cứ vào khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC thì mức thu thuế môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

STTCăn cứ thuMức thu
1Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng03 triệu đồng/năm
2Tổ chức có số vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống02 triệu đồng/năm
3Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác01 triệu đồng/năm

Mức thu lệ phí thuế môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình như sau:

STTDoanh thuMức nộp
1Trên 500 triệu đồng/năm01 triệu đồng/năm
2Trên 300 đến 500 triệu đồng/năm500.000 đồng/năm
3Trên 100 đến 300 triệu đồng/năm300.000 đồng/năm

VI. Khai thuế giá trị gia tăng

1. Kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

  • Thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng chậm nhất là vào ngày 20 của tháng sau.
  • Thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý chậm nhất là vào ngày 30 của quý sau.
  • Sau khi thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp gửi tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 01/GTGT, 02/GTGT đến cơ quan thuế.

2. Kê khai thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp

  • Thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng chậm nhất là vào ngày 20 của tháng sau.
  • Thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý chậm nhất là vào ngày 30 của tháng đầu tiên quý sau.
  • Sau khi thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp gửi tờ khai thuế GTGT mẫu số 03/GTGT, 04/GTGT đến cơ quan thuế.

3. Thời hạn kê khai và nộp thuế GTGT

Căn cứ vào khoản 2 Thông tư 156/2013/TT-BTC thì thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng quy định như sau: Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng chậm nhất là vào ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế đối với trường hợp người nộp thuế tính thuế hoặc thời hạn nộp thuế được ghi trên thông báo, quyết định, văn bản của cơ quan thuế hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. Cụ thể thì:

  • Đối với hồ sơ khai thuế theo tháng thì thời hạn nộp tiền thuế chậm nhất là vào ngày 20 của tháng tiếp theo.
  • Đối với hồ sơ khai thuế theo quý, tạm tính theo quý thì thời hạn nộp tiền thuế chậm nhất là vào ngày 30 của quý tiếp theo phát sinh nghĩa vụ nộp thuế.
  • Đối với hồ sơ khai thuế theo năm thì thời hạn nộp tiền thuế giá trị gia tăng chậm nhất là vào ngày 30 của tháng đầu tiên năm dương lịch.

VII. Lựa chọn hóa đơn sử dụng

  • Khi mới thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ được in hóa đơn GTGT nếu đã đăng ký việc tính thuế theo phương pháp khấu trừ.
  • Sau khi thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được đặt in hóa đơn hoặc tự in hóa đơn nếu thỏa mãn các điều kiện đặt in hoặc tự in hóa đơn theo quy định của pháp luật.

Không có quy định nào bắt buộc khi thành lập doanh nghiệp phải in hóa đơn mà việc in hóa đơn là dựa trên nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Miễn là khi có nhu cầu sử dụng hóa đơn thì doanh nghiệp phải phát hành thông báo sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

VIII. Kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

  • Căn cứ vào kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh thì hàng quý doanh nghiệp sẽ thực hiện việc tạm nộp số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của quý (doanh nghiệp không phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính quý).
  • Thời hạn nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính quý chậm nhất là vào ngày thứ 30 của quý tiếp theo.

Kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp

Kê khai thuế TNDN cũng là một việc bắt buộc phải làm sau khi thành lập công ty

IX. Kê khai thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

Các đơn vị chi trả thu nhập (Doanh nghiệp, chi nhánh, tổ chức hành chính, sự nghiệp, các tổ chức khác) có hoặc không phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đều phải nộp tờ khai thuế TNCN, kê khai thuế theo tháng (Đối với trường hợp người nộp thuế đáp ứng được các tiêu chí khai thuế giá trị gia tăng theo quý được quy định tại Điều 9 của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thì sẽ được lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý). Thời gian áp dụng việc kê khai thuế thu nhập cá nhân bắt đầu từ kỳ tính thuế tháng 01/2021.

Căn cứ vào điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và điểm b khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý thuế 2019 thì có 02 trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân bao gồm:

  • Cá nhân có mức thu nhập được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
  • Cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ 50.000 VNĐ trở xuống.

X. Tài khoản ngân hàng của công ty

Khi mới thành lập doanh nghiệp thì không bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên thực tế cho thấy để doanh nghiệp tiến hành các giao dịch với khách hàng thì việc mở tài khoản ngân hàng khi mới thành lập doanh nghiệp là một việc nên làm và bắt buộc phải làm. Theo quy định tại Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài Chính thì hóa đơn mua vào từ 20 triệu VNĐ trở lên nếu muốn được khấu trừ thuế GTGT và chi phí tính thuế TNDN thì phải thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.

XI. Lao động và bảo hiểm xã hội

Doanh nghiệp mới thành lập (công ty tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần) có sử dụng lao động và ký hợp đồng lao động với người lao động có thời hạn hợp đồng từ 1 tháng trở lên thì bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội.

Sau khi thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần liên hệ với cơ quan BHXH để làm hồ sơ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và làm thang bảng lương theo mẫu hệ thống thang bảng lương để nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định. Thời hạn doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là trong vòng 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động có hiệu lực.

Lao động và bảo hiểm xã hội

Lao động và bảo hiểm xã hội

XII. Lựa chọn chế độ kế toán và phương pháp khấu hao tài sản cố định

1. 3 chế độ kế toán

Có 3 chế độ kế toán mà sau khi thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp nên lưu ý là:

  • Chế độ kế toán theo thông tư 200 áp dụng cho tất cả doanh nghiệp;
  • Chế độ kế toán theo thông tư 133 áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ;
  • Chế độ kế toán theo thông tư 132 áp dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Khi mới thành lập doanh nghiệp để có thể xác định được chế độ kế toán phù hợp giúp cho việc hạch toán được chính xác thì đòi hỏi bạn phải xác định được quy mô của doanh nghiệp.

2. Đăng ký phương pháp trích khấu hao TSCĐ phù hợp

Doanh nghiệp tự quyết định phương pháp, thời gian trích khấu hao tài sản cố định theo quy định tại thông tư số 45/2013/TT-BTC và trước khi bắt đầu thực hiện thì phải thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Có 3 phương pháp trích khấu hao tài sản cố định là:

  • Khấu hao tài sản cố định theo đường thẳng;
  • Khấu hao tài sản cố định theo số dư giảm dần có sự điều chỉnh;
  • Khấu hao tài sản cố định theo số lượng và khối lượng sản phẩm.

XIII. Kết luận

Trên đây là toàn bộ chia sẻ về những việc phải làm ngay sau khi thành lập doanh nghiệp mà 123job muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hy vọng qua những chia sẻ ở bài viết mang tới cho bạn nhiều thông tin bổ ích. 123job chúc doanh nghiệp của bạn ngày càng thành công và phát triển!