Tuy chưa nổi tiếng và phổ biến như lập trình viên song Tester cũng đã, đang và sẽ là một trong những nghề được đánh giá là “hot”, không thể thiếu được trong ngành Công nghiệp phần mềm. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu thêm Tester là gì nhé!
Trong những năm gần đây, ngành công nghệ thông tin đã chứng kiến những bước phát triển nhanh chóng, nhanh như vũ bão. Chính vì vậy mà thị trường nhân lực của ngành này cũng sôi động và nhộn nhịp hơn cả. Nhắc tới công nghệ thông tin, người ta thường nhắc tới một số việc làm phổ biến như: Lập trình viên (Developer), thiết kế phần mềm, quản lý hệ thống mạng, kỹ sư cầu nối…
Tuy nhiên có một vị trí tiềm năng mà ít người để ý đó là nghề tester. Để hiểu rõ hơn về công việc này, trong bài viết ngày 123job sẽ giải đáp bạn đọc một số thắc mắc như: Tester là gì?, Tester cần những kỹ năng gì? Và những điều thú vị của nghề này nhé!
I. Tester là gì?
1. Khái niệm Tester
Tester là người kiểm tra phần mềm, cho phần mềm chạy thử trước để tìm kiếm các lỗi, sai sót, hay bất cứ vấn đề nào có ảnh hưởng đến chất lượng phần mềm. Hay nói một cách dễ hiểu hơn thì một tester sẽ kiểm tra chất lượng phần mềm thông qua thực hiện công việc so sánh điều kiện thực tế của phần mềm so với điều kiện yêu cầu như bugs, errors, defects…
Khái niệm Tester
Nghề Tester có nhiều mảng khác nhau như QA, QC, đặc biệt phải kể đến là Manual Tester và Automation Tester… Manual Tester là người kiểm thử phần mềm một cách thủ công. Mặc dù không yêu cầu cao về kiến thức lập trình nhưng để có thể trở thành một Manual Tester đòi hỏi bạn phải rành về test manual, có đam mê và tư duy tìm lỗi.
Trong khi đó, Automation Tester( Kiểm thử tự động) lại là người kiểm thử phần mềm dựa trên các công cụ hỗ trợ tự động. Kết quả kiểm thử của một Automation Tester đa phần sẽ đáng tin cậy hơn, tuy nhiên để đảm nhận tốt vị trí này đòi hỏi bạn phải nắm vững các kiến thức cơ bản về lập trình.
2. Công việc của một Tester là gì
Công việc của tester là tìm kiếm các lỗi của hệ thống phần mềm hoặc là trực tiếp thẩm định, xác minh xem hệ thống này có đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu nghiệp vụ hay không. Tester sẽ giúp cho sản phẩm được hoàn thiện hơn, tránh những sai sót nhằm đáp ứng những yêu cầu đặt ra của đông đảo khách hàng.
Một sản phẩm hoàn thiện, chất lượng cao sẽ tạo dựng được niềm tin và uy tín của công ty với đối tác, khách hàng. Nếu như không có khâu kiểm thử này, tình trạng khách hàng trả sản phẩm về sẽ thường xuyên xảy ra. Như vậy có thể thấy được nghề tester vô cùng quan trọng, được xem là khâu sống còn của việc phát triển phần mềm.
3. Mức lương của một Tester là bao nhiêu?
Theo khảo sát của 123job, hiện nay Tester là một trong những nghề có mức lương cao trong ngành IT. Con số này dao động trung bình từ 7-19 triệu VNĐ/tháng. Mức lương trung bình của Tester tại Hà Nội là 11 Triệu VNĐ/tháng. Mức lương trung bình của Tester tại Hồ Chí Minh là 13 Triệu VNĐ/tháng.
II. Xu hướng nghề Tester 2020
Nghề Tester đóng một vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của các phương pháp phát triển phần mềm như Agile và DevOps. Ngoài ra, với sự phát triển của ngành công nghiệp 4.0, thì xu hướng của nghề Tester cũng có sự thay đổi theo. Dưới đây là 9 xu hướng kiểm thử phần mềm hàng đầu cần chú ý trong năm 2020 mà 123job muốn gửi đến bạn đọc:
Xu hướng nghề Tester 2020
- Kiểm thử tự động để nâng cao chất lượng cho Agile & DevOps
- Tester tiếp tục nhấn mạnh vào trải nghiệm của khách hàng
- Kiểm thử Big Data để trao quyền cho các doanh nghiệp
- Kiểm thử IoT để thúc đẩy thị trường thiết bị thông minh được kết nối tốt
- AI & ML trong kiểm thử đi theo dòng chính
- Tăng cường kiểm thử Blockchain
- Nhu cầu kiểm thử an ninh mạng ngày càng tăng
- Kiểm thử RPA thậm chí còn lớn hơn kiểm thử tự động
- Kiểm thử hiệu suất để chuyển sang kỹ thuật hiệu suất
III. Kỹ năng cần thiết cho nghề Tester
1. Kỹ năng phân tích
Muốn trở thành một Tester giỏi, bạn cần có 1 kỹ năng phân tích nhanh nhạy và chính xác, có khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, nhiều hướng khác nhau. Để có được khả năng đó đòi hỏi bạn cần phải phân tích từng yêu cầu khách hàng đưa, phân tích trong từng function nhỏ mà bạn đang test, tìm ra được những điểm mấu chốt, dự đoán được những vùng có thể xảy ra bug nhiều...
Kiểm thử phần mềm mang đến cho bạn cơ hội sử dụng khả năng sáng tạo, phân tích để tìm ra những thứ mà người khác không thể thấy được. Bạn sẽ cảm thấy thú vị với những thách thức đó. Bạn phải có suy nghĩ khác với người xung quanh, có kỹ năng phân tích đa chiều vì nếu các bug dễ nhìn thấy thì nó đã không tồn tại.
2. Luôn luôn học hỏi, học hỏi nhanh
Công nghệ ngày càng phát triển, nó phát triển từng ngày, từng giờ và luôn mang đến nhiều điều mới mẻ. Nếu chúng ta không nhanh chóng cập nhật thông tin thì sẽ dần trở nên tụt hậu. Do vậy, Tester phải không ngừng học hỏi, nỗ lực tìm kiếm, trau dồi kiến thức, cập nhật mọi sự thay đổi để phục vụ cho công việc, lĩnh vực mà chúng ta đang ngày đêm gắn bó cùng nó.
Đừng bao giờ đặt cho bản thân suy nghĩ mình học đủ rồi hoặc mình giỏi rồi. Bởi lẽ, nếu bạn hiểu biết càng nhiều thì cũng đồng nghĩa với việc năng lực của bạn ngày càng được đánh giá cao. Từ đó mà nhu cầu nhà tuyển dụng cần bạn cũng nhiều và lẽ đương nhiên là thu nhập của bạn cũng từ đó mà tăng lên.
3. Chi tiết, tỉ mỉ, cẩn thận, kiên trì
Để test hiệu quả, nâng cao chất lượng của sản phẩm đến mức tối ưu thì một người Tester phải rèn luyện cho mình khả năng cẩn thận và tỉ mỉ. Từng cái dấu chấm hay dấu phẩy, icon bị méo xệch hay hàng ngàn, hàng tỉ thứ nhỏ nhặt khác đều phải được chú ý đến. Dù chỉ là những chi tiết nhỏ nhưng nó đều vô cùng quan trọng, đáp ứng nhu cầu khách hàng và cũng có thể chiếm được tình cảm đặc biệt của người dùng.
Sản phẩm hoàn thiện, chất lượng cao sẽ tạo thêm niềm tin và uy tín của công ty với đối tác, khách hàng. Chính vì vậy, Tester là vị trí không thể thiếu và đóng một vị trí quan trọng, quyết định khá nhiều vào sự thành công chung của dự án. Do đó, Tester bắt buộc phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì, nhạy bén. Nếu đã qua khâu kiểm tra mà sản phẩm vẫn bị lỗi, tester phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
4. Luôn đổi mới
Công việc của tester trong một ngày sẽ như thế nào? Đó là Thiết kế test case, thực hiện kiểm thử, kiểm tra những lỗi hay những ảnh hưởng không hợp lý trong quá trình kiểm thử tìm được… Những công việc lặp lại hằng ngày như vậy có thực sự mang đến cho bạn niềm vui?
Vì vậy bạn hãy luôn đổi mới, tạo ra một điều gì đó khác lạ trong quá trình làm việc, điều này không chỉ mang đến cho bạn một cảm giác thoải mái mà còn giúp bạn tạo ra một hình ảnh đẹp trong mắt các đồng nghiệp và các nhà quản lý. Sự đổi mới không nhất thiết phải là các giải pháp, vấn đề phức tạp, đó có thể chỉ là những giải pháp nhỏ có thể thực hiện được như: Kết nối tất cả các thành viên qua một “mạng xã hội công ty” mà chỉ có thể được truy cập duy nhất trong công ty của bạn.
Luôn đổi mới - Kỹ năng vô cùng quan trọng đối với nghề Tester
Có một thực trạng rất phổ biến không phải chỉ mình nghề Tester mà đối với nhiều nghề khác là chúng ta chỉ học thuộc lý thuyết, những bài học có trong sách vở và khi đi làm thì không biết nó áp dụng như thế nào. Mỗi dự án sẽ có những đặc thù riêng, đặc thù về yêu cầu, thời gian, nhân sự… Chính vì vậy bạn phải linh động để điều chỉnh kế hoạch của mình sao cho phù hợp. Hãy tìm cho mình một con đường ngắn nhất, dễ đi nhất, nếu không tìm thấy thì hãy tạo ra nó.
5. Có nền tảng kỹ thuật
Công việc của một tester là vô cùng quan trọng, do đó người làm kiểm thử phần mềm cũng đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn, có nền tảng kỹ thuật mà không phải ai cũng có thể sở hữu hoặc trang bị trong một sớm một chiều. Các tester bắt buộc cần phải hiểu và thông thạo ít nhất một ngôn ngữ lập trình. Vì thế kiến thức chuyên môn về lập trình là điều đầu tiên bắt buộc phải có của một tester.
Họ còn phải có được những kỹ năng thiết kế, phân tích, lập trình và hiểu biết về các ứng dụng khác nhau của các phần mềm vì Tester cũng giống như bác sĩ chẩn bệnh, phải nắm vững được kiến thức mới có thể chẩn đoán chính xác.
6. Kỹ năng giao tiếp
Là một tester bạn cần giao tiếp với nhiều người trong một công ty như trưởng nhóm, BA, lập trình viên… Tìm ra sự thiếu sót là không đủ, bạn cần phải diễn giải một cách tốt nhất đến người khác để có thể giải quyết vấn đề.
Giao tiếp – cả nói và viết là một kỹ năng quan trọng giúp bạn trao đổi chặt chẽ với các developers, những người phân tích chức năng hay những bên liên quan khác trong dự án. Bạn phải đảm bảo được là hiểu rõ yêu cầu của dự án, mô tả được những tiêu chí để kiểm tra và giải thích các bước mô tả vấn đề.
7. Xem mình như khách hàng, mình là người sở hữu sản phẩm
“Tester” là người không bị ảnh hưởng bởi các ứng dụng được phát triển và họ test dựa trên những kinh nghiệm thực tế, dựa vào nhu cầu của khách hàng. Một Tester giỏi sẽ biết rằng người dùng có thể tạo ra trăm ngàn lỗi khi học tập và sử dụng một sản phẩm, dịch vụ nào đó. Người dùng sẽ thường học cách sử dụng sản phẩm bằng cách trực tiếp thử hơn là chỉ ngồi đọc hướng dẫn sử dụng.
Hãy đặt mình là người dùng cuối, là khách hàng để có cái nhìn tổng quan nhất. Từ đó trên góc độ của khách hàng sẽ phát hiện ra được những lỗ hổng, những bug phát sinh trong quá trình test.
8. Luôn đặt câu hỏi, luôn có suy nghĩ không bao giờ hết bug trong sản phẩm, tìm mọi cách tìm ra bug
Là một tester, bạn khám phá mọi thứ bằng cách đặt ra các câu hỏi cho chính mình và cho những người khác. Không bao giờ được có suy nghĩ là hết lỗi. Không có sản phẩm nào là hoàn hảo. Nó chỉ có thể hoàn thiện và sẽ ngày càng hoàn thiện nếu bạn phát hiện ra những sai sót.
Trong trường hợp bạn không hiểu logic hoặc bất cứ thứ gì đó về yêu cầu mà khách hàng đưa ra, hãy luôn mạnh dạn đặt câu hỏi với mình, với đồng nghiệp, với sếp của mình, bất cứ ai có thể giải thích được những vấn đề thắc mắc của mình. Hãy luôn đặt những câu hỏi trong đầu để suy nghĩ ra những trường hợp có thể xảy ra bug.
Luôn đặt câu hỏi cũng là kỹ năng quan trọng và cần thiết đối với một Tester
9. Thừa nhận lỗi của bản thân
Mắc lỗi là điều không thể tránh khỏi đối với con người, nhưng vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải biết thừa nhận chúng. Đôi lúc, bạn có thể bỏ sót một vài lỗi quan trọng, hoặc kiểm tra sai lỗi, thay vì cãi nhau thì hãy thừa nhận các lỗi và cố gắng không lặp lại.
10. Tiếng Anh, ngoại ngữ tốt là một ưu thế và thực sự cần thiết
Đối với dân IT nói chung và Tester nói riêng thì ngoại ngữ là điều quan trọng, không thể thiếu. Nó giúp bạn đọc hiểu tài liệu nước ngoài, update công nghệ, giao tiếp với khách hàng tốt hơn… điều đó cũng có nghĩa bạn có nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Đặc biệt trong kiểm thử phần mềm, trong các dự án outsource thì việc giao tiếp bằng tiếng Anh gần như là không thể tránh khỏi.
Nếu các dự án của bạn là dự án nội bộ thì việc trau dồi tiếng Anh cũng sẽ giúp bạn tiếp cận và cập nhật kiến thức về kiểm thử phần mềm tốt hơn. Nếu bạn có ý tưởng, chiến lược tốt mà không thể trao đổi với khách hàng vì lý do tiếng Anh thì thật lãng phí.
11. Bạn nên có tính “support”
Tester không cần là ngôi sao sáng nhất của cả Team nhưng hãy luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng đội của mình để chất lượng của phần mềm tốt nhất. Không ngại ngần, không sợ khổ, luôn cố gắng để có thể rèn luyện, trau dồi cho bản thân mình có thêm thật nhiều kiến thức. Hoặc nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp khi họ đang gặp khó khăn, deadline cận kề. Đây là một trong những kỹ năng mang lại nhiều lợi thế cho nghề Tester, vừa nâng cao tầm hiểu biết cho bản thân, vừa nâng cao tình đoàn kết trong team và nội bộ.
12. Tham gia các mạng xã hội
Mạng xã hội hiện nay đang chiếm khá nhiều thời gian của con người, tuy nhiên nếu biết cách sử dụng thì đó cũng là những lợi thế. Tham gia vào các diễn đàn, các cuộc thảo luận, trở thành một thành viên của một nhóm kiểm thử phần mềm, theo dõi, học hỏi những cá nhân xuất sắc làm việc trong ngành... Tất cả những việc làm này sẽ giúp bạn cập nhật các công nghệ, xu hướng mới nhất.
Tham gia mạng xã hội cũng giúp Tester cập nhật những xu hướng, công nghệ mới nhất
IV. Những điều thú vị của nghề Tester
1. Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
- Nhu cầu tuyển dụng cao: Theo thống kê mới nhất của 123job, tại Đà Nẵng mỗi năm có hơn 400 lượt tuyển dụng Tester.
- Học Tester giúp bạn có nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến rõ ràng: Tester càng nhiều kinh nghiệm thì lại càng được quan tâm và chú trọng. Nếu làm cho các công ty phần mềm lớn, bạn sẽ có cơ hội để đi làm tại các nước phát triển như, Mỹ, Canada, Nhật…
2. Nghề Tester không có tuổi
Đối với nghề lập trình thì sự nhạy bén của tuổi trẻ có lẽ được xem là quan trọng nhất, nhưng đối với Tester thì kinh nghiệm tích lũy nhiều năm mới là chìa khóa vàng. Nếu đối với nghề lập trình viên, trung bình 40 tuổi bạn đã bị coi là “già” khi chỉ ngồi để code, còn về nghề kiểm thử phần mềm thì dù bạn có 60 tuổi thì vẫn có thể làm bất kỳ mọi việc, bởi đây là công việc không đòi hỏi nhiều sự sáng tạo, nó cần bạn tỉ mỉ và cẩn thận.
3. Phần lớn các trường không có chuyên ngành Tester
Đa số các trường Đại học hiện nay giảng dạy chuyên ngành Công nghệ thông tin có đào tạo môn kiểm thử phần mềm, tuy nhiên sinh viên chỉ được học với một thời gian ngắn, khoảng 4 tín chỉ. Thời lượng học như vậy thật sự là quá ít ỏi để tạo nên 1 chuyên gia Tester chuyên nghiệp. Do vậy mà nguồn nhân lực trong nghề Tester vẫn luôn ở trong tình trạng khan hiếm.
4. Công việc thú vị, luôn gặp những điều mới mẻ
Kiểm thử phần mềm là một lĩnh vực liên tục thay đổi và phát triển, chính vì vậy bạn cũng sẽ cần phải phát triển cùng với nó để có thể tồn tại. Những phương pháp mới trong ngành kiểm thử liên tục ra đời để bắt kịp các xu hướng phát triển, những cách tân của sản phẩm và những công nghệ nền tảng mới .
Để trở thành một Tester giỏi đòi hỏi bạn cần biết thêm về nghiệp vụ của khách hàng, khả năng phân tích nghiệp vụ… Và mỗi dự án có thể là một lĩnh vực khác nhau từ tài chính đến công nghiệp dầu khí, game, điện thoại…sẽ mang đến cho bạn kiến thức tổng hợp trên nhiều lĩnh vực.
Nghề Tester vô cùng thú vị, luôn gặp những điều mới mẻ
Khi theo đuổi nghề tester bạn sẽ thường xuyên được cập nhật những công nghệ mới và được tiếp xúc với nhiều dự án khác nhau, được học được nhiều điều mới lạ vì thế sẽ không nhàm chán.
5. Thời gian học nghề kiểm thử phần mềm không dài
Thời gian để đào tạo thành thạo một nhân viên kiểm thử phần mềm ngắn hơn rất nhiều so với thời gian để đào tạo một lập trình viên. Bạn chỉ cần tham gia một khóa học về kiểm thử phần mềm với sự hướng dẫn tận tình của giảng viên và sự kiên trì, chịu khó học hỏi của bản thân, bạn sẽ nhanh chóng trở thành một chuyên viên tester.
Mặc dù công việc kiểm thử phần mềm không cầu kỳ, bắt bạn phải tìm tòi như công việc lập trình, nhưng sự cố gắng, cầu tiến không bao giờ là thừa cả. Nhất là thực tế ở Việt Nam hiện nay, nhân sự giỏi về công nghệ thông tin rất nhiều nhưng chuyên gia về kiểm thử phần mềm vẫn chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn. Đây sẽ là cơ hội tốt để bạn phấn đấu trở thành người dẫn đầu.
V. Kết luận
Xét cho cùng thì sứ mệnh của một Tester là hỗ trợ cả nhóm trong việc phát triển phần mềm một cách hoàn thiện nhất, đem đến trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng, người sử dụng. Trong hoàn cảnh ai ai cũng chạy đua để giành được vị trí và tạo thương hiệu riêng cho mình thì bạn cũng không thể dậm chân tại chỗ được. Bạn cần phải hiểu mình đang làm gì, mục tiêu là gì và không ngừng hoàn thiện, nâng cao trình độ, kỹ năng để có thể tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp. Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ có ích đối với tất cả các bạn. 123job chúc bạn thành công!