Thương mại điện tử là gì? Những hình thức thương mại điện tử nào phổ biến nhất hiện nay? Xu hướng chung của TMĐT tại Việt Nam trong tương lai như thế nào? Mời bạn đọc cùng khám phá với chúng tôi trong bài viết này!

I. Thương mại điện tử là gì?

tmdt

Thương mại điện tử là gì?

Hàng ngày, mỗi người chúng ta khi sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop… để mua sắm online, tham khảo các cửa hàng kinh doanh trực tuyến thì chắc hẳn đều đã tham gia vào thương mại điện tử. Thương mại điện tử là cụm từ không còn quá xa lạ với đời sống con người hiện nay và ngày càng đóng vai trò không thể thay thế được trong thời đại công nghệ 4.0. Tuy nhiên khi nói về khái niệm thương mại điện tử là gì thì không phải ai cũng nắm được.

Thương mại điện tử, tên tiếng anh là Electronic Commerce (EC), là một thuật ngữ liên quan tới việc mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ thông qua mạng Internet và thanh toán bằng nhiều hình thức khác nhau như Internet Banking, giao dịch trực tiếp với người vận chuyển… Các giao dịch này thường được tiến hành giữa các nhóm đối tượng khác nhau, có thể là doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng, người tiêu dùng với người tiêu dùng hoặc người tiêu dùng với doanh nghiệp.

Mặc dù trong những năm gần đây thuật ngữ này mới trở nên phổ biến và thống trị nền kinh tế toàn cầu nhưng thực ra khái niệm thương mại điện tử đã xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1960 khi các doanh nghiệp thời đó manh nha sử dụng việc trao đổi dữ liệu điện tử để chia sẻ tài liệu kinh doanh với các doanh nghiệp khác. Dần dần, số lượng người dùng cá nhân chia sẻ tài liệu điện tử với nhau thông qua mạng điện tử đã tăng lên chóng mặt trong những năm 1980 và được tiếp nối bằng sự gia tăng đột biến các kênh cung cấp các sản phẩm và dịch vụ như eBay và Amazon trong những năm 1990 đã trở thành một cuộc cách mạng hóa ngành công nghiệpthương mại điện tử và phát triển như ngày nay.

II. Các hình thức thương mại điện tử

tmdt

Các hình thức thương mại điện tử

Để tìm hiểu rõ hơn về câu trả lời cho câu hỏi “Thương mại điện tử là gì?”, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu về các hình thức thương mại điện tử phổ biến nhất hiện nay, bao gồm B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp), B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng), C2B (người tiêu dùng tới doanh nghiệp) và C2C (người tiêu dùng với người tiêu dùng). Ngoài ra ở một số khu vực còn áp dụng các hình thức thương mại điện tử khác như G2C (chính phủ tới người tiêu dùng), C2G (người tiêu dùng tới chính phủ), B2E (doanh nghiệp tới nhà tuyển dụng)...

1. B2B - Doanh nghiệp tới doanh nghiệp

B2B là từ viết tắt của Business to Business, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là hình thức Doanh nghiệp tới doanh nghiệp. Theo thống kê được công bố của Tổ chức Liên hợp quốc về Hợp tác và Phát triển kinh tế (UNCTAD) thì sàn thương mại điện tử B2B chiếm tỉ trọng lên tới 90% trong tổng số sàn giao dịch thương mại điện tử trên toàn cầu. Các giao dịch B2B được tiến hành trên hệ thống các website thương mại điện tử bao gồm mạng giá trị gia tăng (VAN); dây chuyền cung ứng hàng hoá và dịch vụ (SCM); các sàn thương mại điện tử… cho phép các doanh nghiệp chào hàng, tìm kiếm đối tác, đặt hàng và ký kết hợp đồng cũng như tiến hành các giao dịch thanh toán thông qua mạng Internet. Ở mức độ cao hơn khi các giao dịch được tiến hành hoàn toàn tự động, việc kinh doanh thương mại điện tử mang tới rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, không chỉ cắt giảm chi phí về việc thu thập thông tin trên thị trường, chi phí quảng cáo và tiếp thị sản phẩm, chi phí đàm phán mà còn cắt giảm chi phí giao dịch trên thị trường.

2. B2C - Doanh nghiệp tới người tiêu dùng

Hình thức B2C sử dụng cầu nối là các phương tiện điện tử để kết nối nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Doanh nghiệp sử dụng các trang thương mại điện tử để tối ưu quá trình quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và dịch vụ của mình tới nhiều khách hàng nhất có thể. Trong khi đó, các khách hàng lại sử dụng các trang này nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm một cách thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại mà vẫn có thể tiến hành các giao dịch mọi lúc, mọi nơi. Mặc dù chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn trong tổng số các hình thức thương mại điện tử hiện nay (10%), nhưng sức ảnh hưởng và độ phủ sóng của hình thức B2C lại không hề nhỏ.

Để tham gia hình thức kinh doanh này thì thông thường các doanh nghiệp sẽ thiết lập những website thương mại điện tử được hình thành dựa trên cơ sở dữ liệu về hàng hoá và dịch vụ; từ đó tiến hành các quy trình marketing cơ bản như tiếp thị, quảng cáo và phân phối hàng hóa trực tiếp tới người tiêu dùng. Mô hình TMĐT B2C đem lại rất nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Nếu như các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được nhiều chi phí bán hàng hơn do không cần tới hệ thống cửa hàng hay nhân viên bán hàng, nhờ đó chi phí quản lý cũng giảm đi đáng kể thì người tiêu dùng sẽ cảm thấy rất thuận tiện vì không phải mất quá nhiều thời gian để đi lại, so sánh giữa các cửa hàng, mặc cả giá bán và đánh giá chất lượng sản phẩm.

3. C2B - Người tiêu dùng tới doanh nghiệp

C2B là mô hình thương mại điện tử mà trong đó, người tiêu dùng với tư cách là các cá nhân sẽ tạo ra những giá trị nhất định trong một lĩnh vực nào đó và các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là người tiêu thụ giá trị. Đó là lý do tại sao hình thức thương mại điện tử này còn được coi như là một phiên đấu giá ngược hoặc một mô hình thu thập nhu cầu cho phép người mua có quyền đặt tên hoặc yêu cầu giá của riêng họ, thường đi kèm với các ràng buộc cụ thể cho một loại hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể. Các trang web thu thập giá thầu nhu cầu sau đó sẽ tiến hành cung cấp giá thầu cho tất cả những người bán tham gia.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, mô hình C2B hoạt động phổ biến nhất là trên các website thương mại điện tử, blog hoặc diễn đàn trên Internet, nơi cho phép các tác giả tham gia có thể đưa ra một liên kết tới một doanh nghiệp trực tuyến, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho việc mua một sản phẩm qua mạng (ví dụ như mua một cuốn sách trên trang web Amazon.com).

4. C2C - Người tiêu dùng tới người tiêu dùng

C2C là mô hình thương mại điện tử có phạm vi nhỏ nhất trong số các giao dịch được tiến hành trên các sàn giao dịch điện tử hiện nay, chủ yếu là giữa các cá nhân với vai trò là người tiêu dùng. Mô hình này cũng có rất nhiều điểm tương đồng với hình thức B2C kể trên, nhưng lúc này người tiêu dùng sẽ đóng vai trò là doanh nghiệp. Sự phát triển của các phương tiện điện tử như hiện nay đã cho phép nhiều cá nhân có thể tham gia hoạt động thương mại với tư cách là người bán hay người cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Một cá nhân hoàn toàn có thể tự thiết lập website thương mại điện tử của chính mình để kinh doanh những mặt hàng do mình làm ra hoặc sử dụng một website sẵn có để đấu giá một số món hàng mà mình sở hữu. Dựa trên những lợi ích này, hình thức thương mại điện tử C2C đã góp phần tạo nên sự đa dạng của thị trường và tăng cường lợi ích của người tiêu dùng.

III. Lợi ích mà thương mại điện tử mang lại

tmdt

Lợi ích mà thương mại điện tử mang lại

Một khía cạnh khác xung quanh vấn đề “Thương mại điện tử là gì?” chính là những lợi ích mà ngành này mang lại. Như đã phân tích ở trên, ngành thương mại điện tử đã đóng góp giá trị không nhỏ trong hoạt động kinh doanh thương mại trên toàn cầu. Nó không chỉ mang tới những lợi ích tuyệt vời cho chính phủ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng mà còn cắt giảm tối đa những chi phí khi tiến hành giao dịch. Không chỉ có vậy, ở tầm vĩ mô, các hoạt động thương mại điện tử còn mang tới những lợi ích nhiều hơn thế.

1. Thị trường toàn cầu

Đây là lợi thế lớn nhất mà ngành thương mại điện tử cung cấp cho nền kinh tế toàn cầu. Nó xóa bỏ rào cản về khoảng cách địa lý và ngôn ngữ trong việc giao dịch giữa các quốc gia mà không phải mất thêm bất cứ chi phí nào. Có thể nói, ngành thương mại điện tử đóng một vai trò rất lớn trong việc đẩy mạnh nền thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu của các quốc gia và góp phần mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

2. Tính khả dụng

Các sàn thương mại điện tử được coi là một thị trường số, nơi các doanh nghiệp có thể dễ dàng điều hành và quản lý hoạt động kinh doanh của mình một cách dễ dàng nhờ các công cụ và phần mềm trên hệ thống. Đối với một nhà kinh doanh, việc điều hành trực tuyến 24/24 giúp họ tăng thêm cơ hội bán hàng, nhờ đó doanh thu cũng gia tăng. Với một người tiêu dùng, tính khả dụng của các website thương mại điện tử giúp họ có thể thoải mái mua sắm trong bất cứ thời điểm nào, tại bất cứ đâu mà vẫn luôn lựa chọn được những sản phẩm ưng ý nhất.

3. Tiết kiệm ngân sách

So với các hình thức kinh doanh và thương mại truyền thống, hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử giúp giảm thiểu đáng kể những chi phí kinh doanh như quản lý cửa hàng, trả lương cho nhân viên, quản lý kho… Nhờ việc tiết kiệm chi phí kinh doanh này mà các cửa hàng trên hệ thống có thể tăng thêm những chương trình khuyến mãi và các dịch vụ ưu đãi cho khách hàng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí đi lại để mua được một món đồ mà mình thích. Nhờ vậy, không chỉ đẩy mạnh hoạt động của nền kinh tế mà thương mại điện tử còn giúp tiết kiệm ngân sách cho các quốc gia.

4. Quản lý hàng tồn kho

Bài toán về quản lý hàng tồn kho luôn là câu hỏi hóc búa đối với các nhà quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên khi tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử thì doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ những ứng dụng có thể tự động hóa trong việc quản lý hàng tồn kho, từ đó đẩy nhanh quy trình đặt hàng, giao hàng và thanh toán đơn giản nhưng vẫn đảm bảo được tính chính xác cao.

5. Tiếp thị mục tiêu chính xác nhất

Nhờ những công cụ điện tử trên các website thương mại điện tử hiện nay mà các doanh nghiệp hoàn toàn có quyền truy cập và nghiên cứu cơ sở dữ liệu khách hàng, theo dõi thói quen mua hàng và sở thích của người tiêu dùng, nhờ đó có thể dễ dàng nắm bắt và kịp thời cập nhật xu hướng tiêu dùng mới. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử có thể dễ dàng xác định được mục tiêu và chiến lược tiếp thị sản phẩm sao cho phù hợp với thị hiếu của khách hàng, nhờ đó đẩy mạnh được doanh thu và có được một lượng khách hàng tiềm năng rất lớn.

6. Làm việc từ bất cứ đâu

Để điều hành một doanh nghiệp hoạt động trên các website thương mại điện tử thì bạn không cần phải ngồi cố định tại một văn phòng hay phòng làm việc nào đó mà chỉ cần có các thiết bị thông minh có kết nối Internet là đủ. Mọi vấn đề sẽ luôn được cập nhật một cách chính xác và kịp thời tại bất cứ lúc nào và nhờ đó, những nhà quản lý có thể đưa ra các phương án xử lý ngay cả khi họ đang ở nước ngoài hay đi du lịch ở đâu đó.

IV. Thách thức của thương mại điện tử

tmdt

Thách thức của thương mại điện tử

Bên cạnh những lợi ích to lớn mà thương mại điện tử mang lại cho nền kinh tế toàn cầu thì đây cũng là ngành chứa đầy những khó khăn và thách thức.

1. Thiếu sự tin tưởng

Do thói quen mua sắm của con người từ trước đến nay, đặc biệt là ở Việt Nam thì việc quyết định mua một sản phẩm online trên các website thương mại điện tử còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nổi bật nhất vẫn là sự tin tưởng giữa 2 bên. Mặc dù không phải là tất cả nhưng những vụ “treo đầu dê, bán thịt chó” khiến cho người mua khi nhận hàng rơi vào tình huống dở khóc dở cười cũng đã có những tác động không nhỏ tới tâm lý mua hàng của người tiêu dùng và cản trở việc mua sắm trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, về phía người mua hàng thì cũng có không ít người đặt hàng thiếu nghiêm túc, không chịu nhận hàng… gây thiệt hại tới doanh thu của cửa hàng, bộ phận giao hàng… Những thách thức này đòi hỏi hệ thống thương mại điện tử tại các website cần phải cải tiến hơn nữa để đảm bảo chất lượng các giao dịch và tăng thêm sự tin tưởng giữa người bán với người mua.

2. Không thể kiểm tra sản phẩm tận tay

Chính vì các giao dịch thương mại điện tử đều diễn ra thông qua mạng Internet nên khách hàng không thể kiểm tra sản phẩm tận tay mà chỉ dựa vào những hình ảnh được các cửa hàng đăng tải. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự thiếu tin tưởng giữa người mua với người bán được đề cập ở trên. Để tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng thì một số trang thương mại điện tử đã xây dựng tính năng review cho các khách hàng đã từng giao dịch trước đó và những phần nhận xét này sẽ được công khai ngay phía dưới trang chủ của các gian hàng. Ngoài ra còn có tính năng bình chọn số sao cho cửa hàng dựa trên những gì mà khách hàng được cung cấp. Do đó, uy tín của cửa hàng sẽ được thể hiện ngay trên website thương mại điện tử và đây là căn cứ rất tốt cho quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

3. Yêu cầu truy cập Internet

Mặc dù độ phủ sóng và phạm vi ảnh hưởng của các sàn giao dịch thương mại điện tử đã được mở rộng hơn rất nhiều so với hình thức thương mại truyền thống, tuy nhiên vẫn tồn tại những hạn chế nhất định bởi yêu cầu truy cập Internet. Một số khu vực không có kết nối Internet sẽ không thể tham gia vào hệ thống thương mại điện tử, đồng thời những khu vực đó lại ít được đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng nên các hoạt động thương mại truyền thống cũng gặp rất nhiều khó khăn.

4. Đối thủ cạnh tranh

Thị trường rộng lớn hơn và rào cản về khoảng cách địa lý cũng như ngôn ngữ giữa các quốc gia được xóa bỏ thì việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khi tham gia thương mại điện tử cũng trở nên khó khăn và gay gắt hơn. Nếu không có những chiến lược thu hút khách hàng và các chương trình kinh doanh hấp dẫn thì một website thương mại điện tử sẽ rất khó có thể tồn tại.

V. Top 5 trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam năm 2019

tmdt

Top 5 trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam 2019

Tiếp nối vấn đề “Thương mại điện tử là gì?”, ngay sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn đọc top 5 trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam được người tiêu dùng bình chọn tính đến đầu năm 2019.

1. Shopee

Tính đến hết quý 4 năm 2018 thì website thương mại điện tử Shopee vẫn nắm giữ vị trí dẫn đầu. Với lượng truy cập lên tới hơn 80 triệu lượt mỗi tháng, Shopee sau vài năm hình thành và phát triển đã khẳng định được vị thế của mình, xóa bỏ hình ảnh một website bán đồ rẻ tiền bằng việc cung cấp các sản phẩm chất lượng, tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng Việt và có những chính sách chăm sóc khách hàng đạt hiệu quả. Không những thế, việc tung ra những chương trình giảm giá flash sale cực sốc cùng sự đầu tư không nhỏ trong việc nâng cao hình ảnh thương hiệu với sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng đã giúp cho Shopee đạt được sự phát triển bùng nổ trong năm 2018.

2. Tiki

Xuất phát từ một trang thương mại điện tử chuyên cung cấp các đầu sách cho độc giả, cho đến nay Tiki là cái tên được biết đến ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trong giới trẻ với số lượng hàng hóa đa dạng hơn đi kèm với chất lượng cao cấp hơn. Nhờ chính sách quản lý chất lượng sản phẩm chặt chẽ, Tiki trở thành một siêu thị điện tử khổng lồ với đầy đủ các mặt hàng từ đồ gia dụng, sách báo cho đến sản phẩm công nghệ đắt tiền đi kèm với những chiến dịch Marketing mạnh mẽ cho hiệu quả cao. Ngoài ra nhờ có sự đầu tư nghiêm túc vào thiết kế website ngay từ đầu với một giao diện đẹp mắt cùng những tính năng dễ sử dụng mà trang web này đã tạo được thiện cảm rất lớn từ phía người dùng.

3. Lazada

Xuất phát ban đầu là trang thương mại điện tử uy tín với rất nhiều mặt hàng chất lượng và có được sự tín nhiệm từ người tiêu dùng cả nước, Lazada là website thương mại điện tử thường xuyên đứng đầu trong bảng xếp hạng các sàn giao dịch điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây thì Lazada đã bắt đầu có dấu hiệu bị chững lại, trong khi các đối thủ khác như Shopee và Tiki tung ra những chiến lược cạnh tranh cực kì hấp dẫn. Mặc dù vẫn xếp ở thứ hạng cao với hơn 50 triệu lượt truy cập mỗi tháng nhưng dường như những nhà quản lý của website này nên nhanh chóng đưa ra phương án kinh doanh tốt hơn để cải thiện tình trạng hiện tại nếu không muốn tụt dốc thêm nữa trong thời gian tới.

4. Thế giới di động

Năm 2018 là năm tráo đổi vị trí Quán quân và Á quân giữa hai website thương mại điện tử kỳ phùng địch thủ là Lazada và Thế Giới Di Động. Nếu như trong năm 2017 Thế giới di động từng đứng đầu về lượng truy cập mặc dù số lượng mặt hàng kinh doanh hạn chế hơn thì năm 2018 đã phải chấp nhận lùi xuống vị trí thứ 2 sau Lazada với gần 40 triệu truy cập mỗi tháng, tuy nhiên đó vẫn là một con số đáng mơ ước trong ngành TMĐT đầy cạnh tranh, đặc biệt là kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ điện tử.

Đến năm 2019, trang web này đã tụt xuống vị trí thứ 4 do sự lên ngôi và phát triển bùng nổ của Shopee và Tiki. Mặc dù vậy thì đây vẫn là điểm đến hàng đầu đối với người tiêu dùng khi nhắc tới các sản phẩm công nghệ cao như smartphone, máy tính bảng, laptop, máy ảnh… Ngoài ra, việc kinh doanh truyền thống với chuỗi các chi nhánh trải dài trên khắp cả nước cũng đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho hãng này.

5. Sendo

Sendo là website thương mại điện tử đã được biết đến từ rất lâu và thuộc sở hữu của tập đoàn FPT. Đây là thương hiệu thuần Việt kinh doanh nhiều loại mặt hàng từ thời trang, đồ gia dụng cho tới các sản phẩm điện tử. Tuy không đẩy mạnh quảng cáo rầm rộ như các đối thủ khác trên thị trường nhưng Sendo vẫn giữ ưu thế và khẳng định được vị trí của mình với người tiêu dùng với 24 triệu lượt truy cập mỗi tháng nhờ giá bán hấp dẫn, các mặt hàng đa dạng, phong phú được trình bày trong giao diện website đẹp mắt và thân thiện với người dùng.

VI. Thực trạng thương mại điện tử tại Việt Nam

tmdt

Thực trạng thương mại điện tử tại Việt Nam

Theo thông tin từ Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thì ngành thương mại điện tử Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao, rơi vào khoảng 25% và số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều. Bên cạnh đó các quỹ đầu tư và tập đoàn thương mại điện tử nước ngoài cũng rất tích cực trong việc thu mua cổ phần và bỏ tiền đầu tư vào các sàn giao dịch cũng như các website thương mại điện tử trong nước. Ngoài những thương hiệu lớn và có uy tín hiện nay như Shopee, Tiki, Lazada, Thế giới di động hay Sendo thì còn có sự góp mặt có rất nhiều tân binh khác như Adayroi, Sldeal, FPT Shop… khiến cho cuộc cạnh tranh về thị phần ngày càng trở nên khốc liệt và hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Việc mở rộng thị trường và khai thác các ngành thương mại mới đã giúp cho lượng doanh thu của các sàn giao dịch thương mại điện tử tăng vọt, từ đó có rất nhiều chương trình khuyến mãi và kích cầu cực kỳ hấp dẫn cho người tiêu dùng lựa chọn. Theo thống kê, quy mô của các chiến dịch khuyến mãi này càng lớn thì doanh thu thu về cho các website thương mại điện tử này lại càng tăng, thậm chí cao hơn từ 10 - 20 lần. Đó cũng là lý do giải thích cho bước nhảy vọt đáng kinh ngạc của Shopee từ vị trí thứ 3 lên vị trí thứ 1 chỉ sau 1 năm thông qua các chương trình flash sale hoành tráng.

Trong thời gian tới, việc phát triển và mở rộng lĩnh vực kinh doanh là xu thế tất yếu để các sàn giao dịch thương mại điện tử có thể tiếp tục tồn tại và mở rộng quy mô. Nhiều doanh nghiệp lớn đã dựa trên nền tảng của thương mại điện tử có sẵn để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tuyến với mục đích sở hữu một hệ sinh thái đa dạng với nhiều trang web thương mại điện tử uy tín, đáp ứng đầy đủ nhiều loại nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng như mua hàng theo nhóm, rao vặt và đặt thức ăn trực tuyến… đưa chất lượng dịch vụ online ngày càng hoàn thiện hơn và làm hài lòng khách hàng.

Trên đây là toàn bộ những thông tin mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn liên quan tới câu hỏi “Thương mại điện tử là gì?”. Mong rằng bài viết này đã mang tới những thông tin có ích cho bạn và hẹn gặp lại bạn ở những tin tức hấp dẫn tiếp theo của chúng tôi!