Nhân viên bán hàng chắc đều không xa lạ với chúng ta nhưng nhân viên tư vấn bán hàng ít phổ biến hơn. Vậy nhân viên tư vấn bán hàng là gì? Công việc của nhân viên tư vấn bán hàng là làm gì? Tất cả sẽ được bật mí trong bài viết dưới đây.
Nhân viên tư vấn bán hàng là gì? Công việc của nhân viến bán hàng bao gồm những gì? Bạn muốn theo đuổi vị trí nhân viên tư vấn bán hàng? Tại bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cập nhật đầy đủ thông tin về nhân viên tư vấn bán hàng và top những công việc tư vấn bán hàng được trả lương cao nhất.
I. Nhân viên tư vấn bán hàng là gì?
Nhân viên tư vấn bán hàng (sales advisor) có thể được hiểu là bộ mặt của công ty với trách nhiệm mang sản phẩm đến gần hơn với khách hàng. Nhân viên tư vấn bán hàng là người sẽ tư vấn và lựa chọn cho khách hàng những sản phẩm phù hợp và ưng ý nhất. Thậm chí, với những khách hàng khó tính, nhân viên tư vấn bán hàng còn phải giao tiếp khéo léo và thuyết phục làm sao để họ cũng phải đồng ý trả tiền mua sản phẩm.
II. Công việc của nhân viên tư vấn bán hàng
1. Nhận hàng và chịu mọi trách nhiệm kiểm đếm, chất lượng sản phẩm
Nhân viên tư vấn bán hàng có trách nhiệm nhận hàng, kiểm tra xem số lượng đơn hàng đã đầy đủ hay chưa, kiểm tra hạn sử dụng, bao bì, mẫu mã có hợp lý không. Nếu có bất kỳ vấn đề phát sinh nhân viên bán hàng cần báo ngay cho cấp trên của mình để có hướng giải quyết phù hợp. Mọi kiểm đếm hàng hóa đều thực hiện thông qua biên bản giao nhận hàng hóa nên biên bản này cần phải có đầy đủ chữ ký của các bên liên quan và quan trọng nhất là phải thật chính xác.
2. Bảo quản, giữ gìn trông coi sản phẩm
Sau khâu nhận hàng thì nhân viên tư vấn bán hàng có công việc là bảo quản, giữ gìn trông coi sản phẩm. Hàng hóa được sắp xếp vào kho hợp lý theo quy tắc nhập trước - xuất trước, xếp vào đúng vị trí, thứ tự đã quy định trước đó đảm bảo tính khoa học và thẩm mỹ. Bên cạnh đó, nhân viên tư vấn bán hàng cũng có trách nhiệm trông coi, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho các mặt hàng, sắp xếp tem nhãn đúng vị trí và giá của từng mặt hàng. Báo cáo ngay cho cấp trên khi phát hiện lỗi hàng hóa hỏng, mất mát hay bất kỳ lý do nào khác gây ảnh hưởng đến hàng hóa.
3. Trưng bày sản phẩm thu hút khách hàng
Thông thường các mặt hàng được sắp xếp tùy thuộc vào chủ cửa hàng và quản lý quyết định. Song nó luôn luôn đảm bảo được yếu tố về tính thẩm mỹ, khoa học, độ bao phủ - nghĩa là dễ quan sát với người dùng và dễ kiểm soát với cửa hàng. Nhiệm vụ của nhân viên bán hàng là duy trì sơ đồ đó, tránh trường hợp một mặt hàng nào đó hết tồn kho thì cũng mất luôn vị trí trên quầy hàng.
4. Kiểm kê sản phẩm
Nhân viên tư vấn bán hàng cần kiểm kê sản phẩm hàng ngày. Công việc bao gồm kiểm tra lượng hàng tồn, hàng bán, cập nhật lượng hàng còn lại hàng ngày, cân đối số liệu - nộp tiền. Một số cửa hàng thì nhân viên tư vấn bán hàng còn phải so sánh các số liệu và giải thích lý do chênh lệch, thường xuyên nghe ngóng tìm hiểu về mức độ hài lòng của khách hàng về sản phẩm và giải quyết các khiếu nại đó.
5. Tư vấn bán hàng
Nhân viên tư vấn bán hàng tất nhiên công việc chính sẽ là tư vấn bán hàng. Nhân viên tư vấn bán hàng cần có kiến thức vững vàng về các sản phẩm mà cửa hàng bán để tư vấn cho khách trước khi ra quyết định mua hàng. Nhiệm vụ chính trong công việc này là đưa ra được những công dụng, tính năng vượt trội mà sản phẩm đó đem lại, nó có ưu điểm gì so với các sản phẩm cùng loại. Nhân viên tư vấn bán hàng sẽ giúp khách hàng đưa ra quyết định nhanh hơn, giúp cửa hàng thu hút khách hàng vượt lên đối thủ cạnh tranh.
6. Giải quyết khiếu nại của khách hàng nếu có
Bất kỳ công việc nào có liên quan đến khách hàng đều không tránh khỏi những khiếu nại. Với những trường hợp này xảy ra thì nhân viên tư vấn bán hàng sẽ là người đứng ra giải quyết. Nhân viên tư vấn bán hàng cần nắm được các quy định đổi, trả, sửa chữa… của cửa hàng để trả lời khách hàng khi được yêu cầu. Một điểm chú ý cho nhân viên tư vấn bán hàng là cần xem xét xem lỗi đó là do cửa hàng hay do khách hàng làm không đúng hướng dẫn sử dụng để đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
Công việc của nhân viên tư vấn bán hàng
III. Kỹ năng cần có của nhân viên tư vấn bán hàng
1. Biết cách tiếp cận khách hàng
Tiếp cận khách hàng cũng là một kỹ thuật mà không phải ai cũng làm được. Mục tiêu của công đoạn này là bạn phải làm cho khách mở lòng, sẵn sàng trao đổi với mình về sản phẩm. Sở hữu nhiều kỹ thuật trong việc tiếp cận khách hàng sẽ giúp bạn linh hoạt hơn trong việc chọn phương án tiếp cận và tăng khả năng thành công. Tuy nhiên bạn cũng cần nhận ra thế mạnh của mình là ở kỹ thuật nào và kỹ thuật nào mang lại hiệu quả cao nhất.
2. Biết cách đặt câu hỏi
Kỹ năng này hiện nay còn rất nhiều cửa hàng chưa làm nó thực sự tự nhiên ví dụ như áp dụng một loạt câu hỏi giống nhau với tất cả các khách hàng. Với những khách hàng lần đầu có thể họ không có ý kiến nhưng nếu là khách hàng thân thiết thì việc lặp lại những câu hỏi này làm họ khó chịu và cảm giác như cửa hàng không quan tâm tới những sản phẩm họ mua trước đó. Lưu ý cần tránh những câu hỏi mang tính có - không, thay vào đó hãy dùng nhiều hơn các câu hỏi mở. Biết cách đặt câu hỏi phù hợp vừa làm cuộc nói chuyện tự nhiên vừa tạo điểm khác biệt cho cửa hàng.
3. Biết cách giới thiệu sản phẩm với khách hàng phù hợp
Khách hàng mua hàng không chỉ dựa trên yếu tố giá cả, công dụng mà còn dựa vào những lời tư vấn. Nhân viên tư vấn bán hàng sai chắc chắn khách hàng không mua hàng nhưng tư vấn sai người sai sản phẩm chẳng khác nào bạn đang đuổi khách đi. Hãy chú ý lắng nghe khách hàng cần gì, trình bày cho họ theo từng luận điểm hay đôi khi phải lấy dẫn chứng cho dễ hình dung. Đồng thời cũng nên quan sát thái độ của khách hàng xem họ có lắng nghe hay không để chuyển qua vấn đề khác nếu họ không quan tâm. Nguyên tắc vàng khi bán 1 sản phẩm - dịch vụ là bán lợi ích mà khách hàng nhận được chứ không phải bán tính năng. Vì vậy, hãy đưa ra thật rõ những lợi ích khách hàng sẽ có được sau khi sở hữu sản phẩm - dịch vụ của bạn.
4. Biết cách đối phó và nhận phản hồi của khách về sản phẩm
Mục tiêu của công đoạn này là biết được ý kiến, đánh giá, cảm nhận của họ về sản phẩm - dịch vụ cũng như giải pháp mà bạn đã trình bày từ đó tư vấn cho khách hàng thêm thông tin hoặc gợi ý mua hàng cho họ. Nhân viên cũng cần linh động trong việc đối phó với các tình huống bất ngờ khách hàng tạo ra. Có khi những tình huống ấy không hẳn là sự cố mà chỉ là khách hàng cố tình tạo ra nhằm thử sức nhân viên. Lúc này cần vận dụng linh hoạt những gì bạn đã được đào tạo để giải quyết chúng, vừa chứng minh được năng lực bản thân vừa tạo cái nhìn khác cho khách hàng cũng như cửa hàng.
5. Tạo ấn tượng tốt với khách hàng từ cái nhìn đầu tiên
Ấn tượng ban đầu rất quan trọng đối với người bán hàng. Khách hàng có thể chỉ vì ấn tượng không tốt mà không mua hàng của bạn đơn giản vì họ không thấy thoải mái. Để tạo ấn tượng tốt nhân viên nên cười nhiều hơn khi giao tiếp, xưng hô đúng mực, cử chỉ trang trọng, tôn trọng khách hàng. Người ta có câu “Yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên” thì cũng có “Mua hàng từ cái nhìn đầu tiên”, cứ phải có thiện cảm thì mới nói được những chuyện sau này.
6. Xây dựng niềm tin cho khách hàng
Trong kinh doanh, người bán hàng cần thu lợi nhuận, người mua hàng cần thu lợi ích. Thỏa mãn nhu cầu từ hai phía như vậy thì giao dịch sẽ diễn ra. Để chứng tỏ lợi ích của sản phẩm, người bán hàng phải xây dựng niềm tin cho khách hàng thông qua các dẫn chứng cụ thể. Ví dụ như kinh doanh mỹ phẩm, để khách hàng tin dùng và mua nó, người bán hàng phải đưa ra các minh chứng là trong sản phẩm này có chất gì, tác dụng là gì, nó có hiệu quả với khách hàng hay không, hay có thể đưa những người đã sử dụng trước đó ra làm ví dụ.
IV. Tuyệt chiêu cần nhớ để tư vấn bán hàng đạt hiệu quả cao
1. Thuyết phục được bản thân trước mới mong bán được hàng
Thật vậy, thuyết phục bản thân là do tính chủ động của bản thân dễ hơn nhiều so với thuyết phục người khác. Nếu không bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bán sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng bởi bạn không biết họ cần gì, điểm nào đánh vào họ làm họ dễ xiêu lòng. Bản thân mình chỉ có mình hiểu nó nhất mà không thuyết phục được thì khó có thể làm nghề bán hàng với đầy rẫy khó khăn tạo ra.
2. Biết cách khéo léo tạo sức ép cho khách hàng
Đôi khi, việc tạo ra sức ép cho khách hàng cũng là một điều tốt, bởi vì điều đó sẽ giúp khách hàng thực sự nghiêm túc cân nhắc lựa chọn của họ. Nhân viên tư vấn bán hàng có thể nói với các khách hàng tiềm năng rằng đối thủ của họ cũng đang thương lượng mua hàng của bạn. Tuy nhiên chỉ nên đề cập đến điều này một lần như một sự vô tình chứ không nên nhấn mạnh và nhắc lại nhiều lần sẽ dễ làm khách hàng cảm thấy khó chịu và chắc chắn là khi họ cảm thấy không thoải mái, họ sẽ không bao giờ mua hàng của bạn.
3. Hiểu khách hàng
Hãy dành thời gian để ý những sản phẩm khách hàng thường xuyên sử dụng đặc biệt là với những khách hàng quen thuộc. Chỉ cần nhìn thấy vị khách này là bạn biết họ có nhu cầu cho loại mặt hàng nào, lập tức tiếp cận và đưa ra gợi ý làm họ cảm thấy được quan tâm và tỷ lệ quay lại mua hàng là cực kỳ lớn.
4. Luôn chuẩn bị kỹ trước khi tư vấn bán hàng
Chuẩn bị kỹ ở đây có thể nhắc tới việc chuẩn bị cho các bài diễn thuyết thu hút khách hàng. Luyện tập càng nhiều càng nâng cao trình độ của bạn nên nó không bao giờ là thừa. Hãy lên danh sách những điều mà bạn cần nói với khách hàng, hãy chuẩn bị sao cho những điều bạn nói phải thật thuyết phục, sau đó hãy luyện tập và ghi nhớ. Luyện tập nhiều lần 1 mình và với các đồng nghiệp khác để họ góp ý chỉnh sửa, rút kinh nghiệm.
5. Trả lời thắc mắc của khách hàng một cách trực tiếp và rõ ràng
Khi nhận được thắc mắc của khách hàng hãy tự tin trả lời lưu loát, cụ thể, rõ ràng nhất chứng minh rằng bạn là người am hiểu về lĩnh vực đó và có khả năng giải quyết tốt mọi vấn đề. Một lý do nữa cho vấn đề này đó là trả lời thẳng thắn chứng tỏ bạn không đang giấu giếm bất cứ điều gì. Ngược lại, nếu nhân viên tư vấn bán hàng không trả lời thì uy tín của bạn sẽ giảm và điều đó chắc chắn ảnh hưởng đến cơ hội bán hàng của bạn.
6. Luôn học hỏi để hoàn thiện bản thân
Bán hàng là một nghệ thuật, không phải là một môn khoa học. Điều này nghĩa là nó không bao giờ hoàn hảo và luôn luôn có thể cải thiện được. Vì vậy nếu không tốt học hỏi sẽ tốt lên, chỉ có ì ạch, không chịu tiếp thu mới đứng mãi một chỗ. Chăm chỉ và cố gắng sửa đổi từ những sai lầm sẽ nâng cao khả năng của bạn, mức độ tiến bộ sẽ đẩy lên hằng ngày đó.
Kỹ năng cần có của nhân viên tư vấn bán hàng
V. Mức lương của nhân viên tư vấn bán hàng
Mức lương của nhân viên bán hàng bao gồm lương cứng và tiền lương trả theo doanh số (tiền hoa hồng). Tùy vào tính chất công việc bán hàng gì sẽ có mức lương khác nhau. Tuy nhiên trung bình lương cứng sẽ dao động trong khoảng từ 5-6 triệu đồng/tháng. Cũng tùy theo thỏa thuận hoa hồng mà lương thực lĩnh khác nhau và có thể đạt mốc cao nhất là 15 triệu đồng.
VI. Cơ hội thăng tiến của nhân viên tư vấn bán hàng
Người bán hàng có thể vừa rất thành công trong chính bản thân nó vừa là một nấc thang dẫn đến chức vụ quản trị. Cuộc điều tra khoảng 1.700 quản trị viên cao cấp trong các công ty được xếp loại trong Fortune 500 cho thấy rằng 31,2% trong số họ đã trải qua phần lớn thời gian làm việc trong nghề bán hàng. Khả năng lựa chọn thứ nhất là xây dựng sự nghiệp như là một nhân viên chào hàng. Khả năng lựa chọn thứ hai là thăng tiến vào hàng ngũ quản trị bán hàng. Thời gian cần thiết để đạt được sự thăng tiến đầu tiên có thể rất khác biệt tùy từng công ty và từng ngành. Tuy chức danh có thể là giám đốc mặt hàng, giám đốc khu vực, giám đốc một quận hoặc một trong hàng tá chức danh khác nhưng đều có nghĩa là người đó sẽ trực tiếp kiểm soát các nhân viên chào hàng trong khu vực.
VII. Top công việc tư vấn bán hàng được trả lương cao nhất
1. Kỹ sư bán hàng
Kỹ sư bán hàng là nhân viên sale bán các sản phẩm về công nghệ. Công việc của bạn là khiến cho khách hàng - thường là các tổ chức khác - mua một sản phẩm công nghệ và lĩnh vực hoạt động chủ yếu của bạn là trong các ngành khoa học hoặc y tế. Các chức danh và vị trí có thể bao gồm những việc liên quan đến viễn thông và thiết kế hệ thống máy tính. Kỹ sư bán hàng không nhất thiết phải tốt nghiệp một đại học kỹ thuật, nhưng nếu không có background kỹ thuật thì sẽ là một hạn chế lớn đối với họ. Công việc linh hoạt trong cách thức và nơi làm việc, đem lại nhiều lợi ích cho người có công bỏ sức ra làm việc. Tuy nhiên lại phải đi lại khá nhiều với giờ làm việc thất thường. Mức lương cho vị trí này theo nguồn của Sokanu.com là $ 97,000.
2. Môi giới bất động sản
Môi giới bất động sản là những hoạt động tư vấn, quảng cáo, tiếp thị bất động sản tới các khách hàng có nhu cầu mua bán bất động sản. Môi giới bất động sản khác nhân viên bán hàng ở chỗ, nhân viên bán hàng chỉ đơn thuần là tìm kiếm người mua còn môi giới bất động sản là tìm kiếm và kết nối người bán và người muốn mua. Với những người độc lập thích làm việc chăm chỉ, muốn làm việc với nhiều thử thách thì đây là cơ hội hiếm có. Một số mặt hạn chế của công việc này là thị trường cạnh tranh khốc liệt, thỉnh thoảng công việc sẽ mang lại cho bạn cảm giác cô đơn và giờ làm việc thất thường. Theo dữ liệu của Sokanu.com thì mức lương bạn nhận được cho vị trí này là $ 43,000.
3. Môi giới dịch vụ tài chính
Môi giới dịch vụ tài chính là việc bạn phải bán một sản phẩm tài chính cụ thể nào đó giúp đem về lợi nhuận bằng tiền cho khách hàng. Công việc này bao gồm những việc trong ngành ngân hàng, chứng khoán hoặc bảo hiểm. Nó cũng có thể bao gồm các việc liên quan đến quản lý tài khoản của khách hàng, cho vay và thậm chí là lập kế hoạch nghỉ hưu. Yêu cầu đầu tiên của công việc này là bằng cử nhân đặc biệt nếu có trong tay tấm bằng MBAsẽ là cơ hội lớn để bạn thăng tiến. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, mức lương mà các môi giới dịch vụ tài chính nhận được là $ 67,000.
4. Môi giới quảng cáo, marketing
Môi giới quảng cáo, marketing là một người môi giới quảng cáo/ marketing, bạn sẽ không sản xuất mà sẽ là người bán quảng cáo hoặc bán không gian quảng cáo cho khách hàng. Đây là công việc sáng tạo với nhiều cơ hội chuyên môn cao. Một số doanh nghiệp có thể sẽ yêu cầu bằng cử nhân khi gia nhập ngành đặc biệt bằng cấp trong marketing, truyền thông và kinh doanh là một lợi thế. Với những bằng cấp này, bạn có thể tiến bộ nhanh hơn và có cơ hội đàm phán tiền lương tốt hơn. Dữ liệu bởi Sokanu.com tổng hợp mức lương của công việc này là $ 48,000.
5. Môi giới bảo hiểm
Môi giới bảo hiểm là một tổ chức trung gian giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng, đồng thời đại diện quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm hoặc các pháp nhân kinh doanh muốn tham gia bảo hiểm cho doanh nghiệp. Bạn có thể được nhận vào làm môi giới bảo hiểm nếu có bằng tốt nghiệp trung học hoặc bằng cấp có liên quan. Không nhất thiết phải có bằng cử nhân nhưng nó sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội công việc hơn. Dữ liệu bởi Sokanu.com cho biết mức lương cho vị trí này là $ 48,000.
6. Đại diện bán hàng y tế, dược phẩm
Lâu nay ngành y tế nói chung được xem là nơi có mức lương khá tốt. Bạn có thể kiếm sống bằng nghề trình dược viên, đại diện bán hàng y tế, dược phẩm. Đây là một ngành nghề đang phát triển mạnh với rất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Một văn bằng dược học hoặc y khoa sẽ giúp bạn rất nhiều và thậm chí phải có trong một số trường hợp. Bạn sẽ cần bằng cấp chuyên môn hơn nữa tùy thuộc vào lĩnh vực và vị trí, mức độ yêu cầu. Mức lương hậu hĩnh bạn sẽ nhận được là $76,000.
7. Bán hàng tiêu dùng nhanh
Fast Moving Consumer Goods (FMCG) hay ngành hàng tiêu dùng nhanh chuyên cung cấp các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống của con người. Các mặt hàng FMCG bao gồm các sản phẩm gia dụng, thực phẩm chức năng, hàng chăm sóc cá nhân, các sản phẩm dùng trong vệ sinh và giặt ủi… Ngành nghề đang hot này cũng đang trả một mức lương chót vót là $76,000.
8. Chuyên viên bán hàng xa xỉ
Chuyên viên bán hàng xa xỉ là một công việc bán hàng cho phép bạn bán các mặt hàng, dịch vụ xa xỉ khác nhau cho người giàu có. Bạn có thể bán các kỳ nghỉ sang trọng, quần áo đắt tiền hoặc hàng hoá có mức giá cao mà hầu hết mọi người không thể mua được. Công việc phù hợp những ai yêu thích sự sáng tạo, độc lập, có cơ hội để thưởng thức các sản phẩm và dịch vụ sang trọng và khả năng gặp gỡ mọi người và mạng lưới trong các ngành khác nhau. Công việc không yêu cầu bằng cấp này đang được trả mức lương $55,000.
VIII. Kết bài
Bài viết đã đưa ra khái niệm nhân viên tư vấn bán hàng là gì? Công việc của nhân viên tư vấn bán hàng cần làm, các kỹ năng nhân viên tư vấn bán hàng cần có, mức lương nhân viên tư vấn bán hàng nhận được đồng thời là các gợi ý liên quan đến vị trí này được trả mức lương cao nhất. Hy vọng bài viết đã giúp ích cho bạn đọc trong việc tìm kiếm thông tin liên quan đến ngành nghề này!