Chủ nghĩa hư vô thường được hiểu là hệ thống quan điểm triết học phủ nhận đi ý nghĩa, mục đích của cuộc sống. Đến nay, đây vẫn là phạm trù triết học có nhiều tranh cãi xoay quanh bản chất, ý nghĩa của nó. Vậy chủ nghĩa hư vô thực chất là gì?
Hành trình tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề “Tôi là ai?”, “Ý nghĩa của cuộc sống là gì” là chặng đường đầy gian nan và nhiều nghi vấn. Trên hành trình ấy, bạn có thể gặp vô số lý thuyết, quan điểm khác nhau. Chủ nghĩa hư vô là một trong những triết lý thường xuyên được đề cập nhất. Vậy thực sự chủ nghĩa hư vô là gì? Tác động của nó lên cuộc sống mỗi người là như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây của 123job.vn.
1. Triết lý của chủ nghĩa hư vô (Nihilism)
Chủ nghĩa hư vô là quan điểm triết học phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ ý nghĩa, giá trị hoặc mục đích khách quan nào trong cuộc sống. Những người theo chủ nghĩa hư vô thực sự sẽ không tin vào bất kì điều gì. Suy nghĩ của họ có thể vừa phủ nhận niềm tin cuộc sống có ý nghĩa, vừa không tin cuộc sống không có ý nghĩa.
Tuy nhiên, chủ nghĩa hư vô thường được hiểu và được gắn với chủ nghĩa bi quan hay chủ nghĩa hoài nghi lên án ý nghĩa của sự tồn tại. Người ta thường hiểu chủ nghĩa hư vô theo ý niệm phản đối giá trị của sự sống, bác bỏ đi ý nghĩa mục đích sống.
Như David Matheson đã định nghĩa chủ nghĩa hư vô là “không có cuộc sống nào, xét cho cùng, là đáng sống”. Hay Raif Donelson mô tả thêm về chủ nghĩa hư vô: “cuộc sống bằng cách nào đó vô nghĩa, trống rỗng”. Đứng từ góc độ trên, chủ nghĩa hư vô quả không phải là một thế giới lạc quan cho lắm.
2. Nguồn gốc của chủ nghĩa hư vô
Thuật ngữ ‘Nihilism’ - Chủ nghĩa hư vô xuất phát từ tiếng Latinh ‘Nihil’ hay không có gì, mang nghĩa không có gì, thứ không tồn tại. Nó xuất hiện và là một phần trong động từ ‘annihilate’ có nghĩa làm cho hư không, phá hủy hoàn toàn.
Bắt đầu từ TK XIX, nhiều triết gia đã từ chối những luận điểm trong tôn giáo, chính trị và xã hội truyền thống để ủng hộ hoàn toàn chủ nghĩa duy lý. Friedrich Jacobi lo sợ rằng chủ nghĩa duy lý sẽ làm giảm giá trị ý thức về bản thân con người thông qua tôn giáo và dẫn đến chủ nghĩa hư vô (Nihilism). Thuật ngữ nihilism chính thức được gọi tên, đại diện cho những quan điểm nhất định.
Tuy nhiên, thuật ngữ Nihilism chỉ thực sự phổ biến sau khi xuất hiện trong tiểu thuyết ‘Fathers and Sons’ (1863) của Ivan Turgenev. Trong đó, ông sử dụng Nihilism để mô tả chủ nghĩa được nhân vật Bazarov hay một bộ phận theo đuổi. Khi mà họ luôn hoài nghi các giá trị truyền thống, những ý tưởng triết học và quyền lực được thiết lập sẵn. Từ đây, nihilism bắt đầu được sử dụng nhiều trong phòng trào chính trị Nga và gắn liền với hoạt động cách mạng tại đất nước này.
Cho đến hiện tại, Friedrich Nietzsche là triết gia được bàn tới nhiều nhất khi nói về chủ nghĩa hư vô. Ông là triết gia người Đức, nổi tiếng với câu nói “God is dead”. Đối với Nietzsche, không có trật tự hay cấu trúc khách quan nào trên thế giới ngoại trừ những gì chúng ta trao, tạo nên cho nó và chủ nghĩa hư vô đòi hỏi phải từ chối triệt để mọi giá trị và ý nghĩa bị áp đặt.
Triết gia Friedrich Nietzsche
3. Dạng thức của chủ nghĩa hư vô
3.1. Chủ nghĩa hư vô hiện sinh (existential nihilism)
Chủ nghĩa hư vô hiện sinh có một số quan điểm tương đồng với trường phái chủ nghĩa hiện sinh thế kỉ XIX và XX. Nhưng cả hai vẫn có những giá trị khác biệt rõ rệt. Điểm chung của hai quan điểm triết học này là đều bác bỏ tôn giáo và các thế lực độc đoán khác từng thống trị, áp đặt cách sống lên cuộc đời con người.
Tuy nhiên, chủ nghĩa hư vô hiện sinh cho rằng không có ý nghĩa nội tại nào đối với cuộc sống. Người theo đuổi chủ nghĩa hư vô hiện sinh là tầm thường và vì vậy, mỗi cá nhân cần tự tạo nên ý nghĩa trong cuộc sống qua tự do, quyền tự quyết của chính mình.
3.2. Chủ nghĩa hư vô vũ trụ (cosmic nihilism là gì)
Chủ nghĩa hư vô vũ trụ là một trong những học thuyết hàm chứa nhiều quan điểm cực đoan nhất trong chủ nghĩa hư vô. Người đứng đầu chủ nghĩa hư vô vũ trụ lập luận rằng vũ trụ quá đội rộng lớn và khó hiểu đến mức nó chính là minh chứng cho sự tầm thường, nhỏ bé của con người.
Người theo chủ nghĩa hư vô vũ trụ cho rằng vòng xoáy vũ trụ hoàn toàn thờ ơ với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Qua đó, nó củng cố cố luận điểm không có bất cứ điều gì chúng ta làm là có ý nghĩa, không có ý nghĩa gì trong tìm kiếm sự thật về vũ trụ và tại sao phải bận tâm vào bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai khi mọi sự đều có thể là hư cấu.
3.3. Chủ nghĩa hư vô đạo đức (ethical nihilism là gì)
Ngược lại với hai trường phái, lý thuyết về chủ nghĩa hư vô được thảo luận ở trên. Nhóm theo đuổi chủ nghĩa hư vô đạo đức tập trung xoáy sâu vào chủ đề đạo đức. Quan điểm của họ là không có thứ gì gọi là đúng hay sai. Chủ nghĩa hư vô đạo đức thường được chia nhỏ thành 3 quan điểm trụ cột:
- Chủ nghĩa vô đạo đức: Bác bỏ hoàn toàn các nguyên tắc đạo đức, nền tảng đạo đức của xã hội hiện tại.
- Chủ nghĩa vị kỉ: Cho rằng các cá nhân chỉ nên quan tâm đến bản thân và những lợi ích riêng của họ.
- Chủ nghĩa chủ quan đạo đức: Cho rằng các phán đoán về đạo đức tùy thuộc vào lựa chọn mỗi cá nhân. Đó là quyết định của chính họ, thay vì bị một thế lực bên ngoài (tôn giáo, chính phủ) áp đặt.
3.4. Chủ nghĩa hư vô nhận thức luận (epistemological nihilism)
Nhận thức luận hiểu đơn giản là triết lý về tri thức. Người theo đuổi chủ nghĩa hư vô nhận thức luận quan tâm đến bản chất của tri thức. Họ cho rằng tri thức là hệ thống được xây dựng dựa trên quan điểm của con người, chứ không phải sự thật hiển nhiên.
Có thể tóm gọn lý lẽ từ trường phái này là “chúng ta không thể biết” vì tri thức hay chân lí không tồn tại. Con người cần đặt nghi vấn với những thứ được xem là chân lý cuộc sống hiện tại, đặt dấu hỏi với mọi thứ xung quanh ta và tự hỏi chúng có bất kì ý nghĩa nào hay không.
3.5. Chủ nghĩa hư vô chính trị (political nihilism)
Chủ nghĩa hư vô chính trị lại quan tâm tới bản chất của chính trị và vai trò, nhiệm vụ của chính phủ. Nhánh này bác bỏ mọi thể chế tồn tại từ trước tới nay đã ‘áp đặt’ lên cuộc sống con người bao gồm tôn giáo, thể chế chính trị, hay các câu lạc bộ, tổ chức xã hội. Những nhà tư tưởng theo chủ nghĩa hư vô chính trị cho rằng chúng ta cần đặt câu hỏi, hoài nghi về động của cơ bất kì thẩm quyền cao hơn luôn cố gắng áp đặt lên cách sống của con người.
4. Tại sao chủ nghĩa hư vô tồn tại trong xã hội hiện nay
Chủ nghĩa hư vô là một chủ đề thường xuyên được bàn luận trong xã hội hiện đại, đặc biệt là sau chiến tranh thế giới, sự trỗi dậy của các chế độ toàn trị, mối đe dọa hủy diệt từ hạt nhân hay khủng hoảng môi trường, xã hội. Sự quan tâm của xã hội dành cho hệ thống quan điểm triết học này có thể tới từ những lý do sau:
- Chủ nghĩa hư vô như một lời phê phán về xã hội: Khi những quan điểm từ chủ nghĩa này vạch trần những mâu thuẫn, hạn chế trong nhiều hệ giá trị đã tồn tại như tôn giáo, chính trị, vấn đề dân chủ, nhân quyền.
- Chủ nghĩa hư vô như một cách con người phản ứng với cuộc khủng hoảng hiện sinh: Một xã hội tồn tại nhiều vấn đề nổi cộm, về bản sắc, cộng đồng,... tạo nên tâm lý lo lắng, bất an trong tâm trí nhiều người. Chủ nghĩa hư vô khi đó như một điểm tựa chống đỡ mọi thách thức từ cuộc sống.
- Chủ nghĩa hư vô và tinh thần kháng cự: Chủ nghĩa hư vô bác bỏ các hệ giá trị, tư tưởng thống trị xã hội hiện đại. Người theo chủ nghĩa hư vô được chống lại áp lực, áp bức, từ chối tuân theo những kỳ vọng mà xã hội áp đặt lên họ. Theo đuổi chủ nghĩa hư vô do đó là một cách để con người thể hiện sự phản kháng của mình một cách mạnh mẽ.
5. Tác động của chủ nghĩa hư vô ngày nay
Chủ nghĩa hư vô mang tới cả tác động tích cực và tiêu cực đến cuộc sống con người và xã hội. Ở một mặt nào đó, tác động của chủ nghĩa hư vô cũng có thể dẫn lối con người tới sự giải thoát:
- Con người tự tìm ý nghĩa của cuộc sống, tự quyết định ý nghĩa của cuộc đời mình mà không chịu sự trói buộc từ niềm tin tôn giáo, hệ thống lý luận xã hội;
- Giải phóng cá nhân khỏi các chuẩn mực, kỳ vọng của xã hội, tiến tới sáng tạo, phát minh ra những khả năng mới;
- Sự trao quyền, khẳng định ý chí của một người là tối quan trọng, rằng cuộc sống của cá nhân là do cá nhân đó định đoạt thay vì chịu áp chế từ bất kì thẩm quyền nào khác;
- Hoặc niềm vui sướng, trân trọng cuộc sống như nó vốn có mà không phụ thuộc vào bất kì ý niệm hư cấu nào khác.
Một mặt khác, chủ nghĩa hư vô có thể dẫn tới những trạng thái tiêu cực khi cá nhân tiếp nhận lý luận từ chủ nghĩa hư vô theo hướng tuyệt vọng nhất. Chúng có thể bắt đầu bằng:
- Trạng thái tuyệt vọng, thờ ơ, ảo tưởng hư vô khi ý nghĩ không có gì tồn tại, không giá trị, không ý nghĩa, không mục đích chiếm đóng tâm trí con người;
- Tiếp đến là hành vi bạo lực (khi cách hiểu tai hại về bác bỏ nền tảng đạo đức gỡ rào, cởi trói và tạo nên động lực phá hủy, tấn công mọi thứ xung quanh;
- Hoặc tự tự (hành động phủ nhận cuối cùng và tiêu cực nhất về ý nghĩa của cuộc sống) ở mỗi cá nhân
Sâu xa hơn nữa, khi sự bi quan, chán nản của mỗi cá nhân lan rộng, chúng làm rệu rã niềm tin, tinh thần, tác động tiêu cực lên xã hội. Sự vô định có thể triệt tiêu ý chí rèn luyện, động lực phấn đấu của mỗi người và sự tiến lên của xã hội. Ngoài ra, khi tư tưởng hoài nghi từ chủ nghĩa hư vô được lồng ghép vào động cơ chính trị không chính đáng sẽ tạo nên sự nhiễu loạn thông tin, đảo lộn các giá trị, lung lay nền tảng xã hội ổn định.
Lời kết
Những tranh cãi xoay quanh chủ nghĩa hư vô vẫn đang tiếp diễn. Thật khó để kết luận tính đúng sai của hệ thống quan điểm triết học này. Tuy nhiên có một điều là chắc chắn, một cách hiểu sai về chủ nghĩa hư vô có thể dẫn chúng ta và xã hội tới những tiêu cực. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc có thêm nhiều góc nhìn và hiểu hơn về chủ nghĩa hư vô.