Thị trường tài chính là một trong số những bộ phận quan trọng nhất của nền kinh tế. Tại đây, dòng tiền liên tục chuyển dời, gây ra biến động giữa các công cụ tài chính và thanh toán. Vậy thị trường này có những đặc điểm gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé…

Sự tồn tại của thị trường tài chính là yếu tố tất yếu của thị trường. Về bản chất, khi trao đổi hàng hóa xuất hiện, dòng tiền xuất hiện song hành nhờ sự tồn tại mâu thuẫn và bổ trợ lẫn nhau giữa nhu cầu về vốn và khả năng về vốn. Cuối cùng, khi nền kinh tế thị trường hình thành - tất yếu sinh ra thị trường tài chính.

I. Thị trường tài chính là gì?

thi-truong-tai-chinh-la-giThị trường tài chính là gì?

Có thể hiểu đơn giản thị trường tài chính là một loại thị trường cơ bản, nhưng thay vì trao đổi hàng hóa như rau củ, đồ dùng thiết yếu, máy móc… thì thị trường này lại tập trung trao đổi một loại hàng hóa đặc biệt - tiền và các giấy tờ có giá, sản phẩm tài chính, công cụ giao dịch…

Mỗi biến động dù là rất nhỏ tại thị trường này, cũng có thể biến thành con sóng lớn tác động tới tất cả các thị trường khác. Do đó, đối với thị trường tài chính Việt Nam nói riêng và thị trường tài chính thế giới nói chung, ổn định để phát triển bền vững luôn là kế hoạch dài hạn mà mỗi quốc gia đều hướng tới. 

II. Chức năng của thị trường tài chính

Thị trường tài chính có những chức năng cơ bản như sau:

  • Chức năng quan trọng nhất của thị trường tài chính là dẫn vốn từ nơi “thừa” vốn sang nơi “cần” vốn. Nói cách khác, thị trường tài chính thể hiện chức năng điều tiết, “bàn tay quyền lực” này đảm nhận nhiệm vụ cung ứng nguồn tài chính tới những nơi đang cần tài chính.
  • Tại đây, giá của các tài sản tài chính hình thành - đây cũng là một trong những chức năng quan trọng nhất của thị trường tài chính. Nhờ có các tài sản tài chính - nguồn tiền được lưu thông dễ dàng hơn.
  • Tại thị trường tài chính, do có các dòng tiền liên tục chuyển dời, nên tính thanh khoản cũng được sinh ra từ đây. Cần hiểu rõ rằng tính thanh khoản là chức năng chuyển đổi thành tiền của các tài sản tài chính. Các thị trường tài chính khác nhau có tính thanh khoản khác nhau. 
  • Thị trường tài chính cũng có chức năng giảm thiểu chi phí phát sinh cho các nhà đầu tư khi muốn tìm thấy và hợp tác với nhau - còn được gọi tắt là chi phí tìm kiếm. Bên cạnh đó, chi phí tìm hiểu về sản phẩm tài chính, hay các chi phí cần bỏ ra bên lề khác để các nhà đầu tư tin tưởng vào món làm ăn - cũng được giảm thiểu nhờ chức năng tuyệt vời này của thị trường tài chính.
  • Ngoài những chức năng của thị trường tài chính được nêu trên, thì nơi đây cũng là môi trường để ổn định và điều hoà lưu thông tiền tệ, đảm bảo sự phát triển bình ổn, lành mạnh của nền kinh tế. Thông qua các biện pháp như mua bán các trái phiếu, tín phiếu chính phủ của ngân hàng trung ương trên thị trường tài chính, chính phủ có thể tạo ra nguồn thu bù vào khoản thâm hụt ngân sách và điều tiết lạm phát. Đồng thời, bằng việc mua bán ngoại tệ trên thị trường ngoại hối để điều chỉnh lượng cung và cầu ngoại tệ, ngân hàng trung ương hay cụ thể hơn là chính phủ có thể nhờ đó để ổn định tỷ giá hối đoái.

Trên đây là một số chức năng lớn và quan trọng nhất của thị trường tài chính, vậy vai trò của thị trường đặc biệt này ra sao? Vì sao chỉ cần một “làn sóng nhỏ” của nó cũng có khả năng làm cho các thị trường khác “điêu đứng”? Nội dung ở phần sau sẽ giải đáp ngay thắc mắc này cho chúng ta…

III. Vai trò của thị trường tài chính trong toàn bộ nền kinh tế

Vai trò của thị trường tài chính mạnh mẽ tới nỗi nó trở thành “bàn tay quyền lực” có khả năng thao túng cả nền kinh tế. Về bản chất, thị trường tài chính được coi là một trong số nhân tố khởi đầu nền kinh tế thị trường. Cụ thể, vai trò chính của nó như sau:

  • Tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho các chủ thể dung hòa các lợi ích tài chính.
  • Tạo lập và điều hòa các nguồn vốn kết hợp thu hút và huy động các nguồn tài chính.
  • Quyết định các yếu tố trong cơ cấu kinh tế từ khâu lãi suất, giá, tỷ giá, cơ cấu đầu tư vốn.
  • Thức đẩy mạnh mẽ quá trình tự do hóa tài chính và hội nhập quốc tế - xu hướng tất yếu của thế giới.
  • Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, thị trường tài chính góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sử dụng các tài chính.
  • Chính phủ Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung thường sử dụng thị trường tài chính như một công cụ đặc biệt để thực hiện mua bán trái phiếu, các giấy tờ có giá, thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào kinh doanh nội địa… nhằm mục đích tạo điều kiện cho các chính sách hội nhập và mở cửa.

IV. TOP 5 thị trường tài chính tốt nhất hiện nay

1. Thị trường chứng khoán

thi-truong-tai-chinh-thi-truong-chung-khoan
Thị trường chứng khoán - một phần của thị trường tài chính

Đây là môi trường gặp gỡ của những người mua và bán cổ phiếu (đại diện cho lượng cổ phần sở hữu trong một doanh nghiệp). Hầu hết những khoản đầu tư trên thị trường này được thực hiện dựa trên môi giới chứng khoán và nền tảng giao dịch điện tử.

2. Thị trường phi tập trung

Thị trường tài chính này còn một tên gọi khác là thị trường OTC, là thị trường được tổ chức không dựa vào cơ sở là một mặt bằng giao dịch cố định, ví dụ điển hình như thị trường sàn giao dịch (còn biết đến như một loại hình thị trường giao dịch tập trung). Thay vào đó, nó dựa vào một hệ thống vận hành theo cơ chế chào giá cạnh tranh và thương lượng thông qua sự trợ giúp của các phương tiện thông tin.

3. Thị trường trái phiếu

Thị trường tài chính này còn có tên gọi khác là “bond market”, là nơi những người mua bán trái phiếu gặp nhau, ở bất cứ địa điểm nào phát sinh giao dịch, có thể là thị trường chứng khoán.

4. Thị trường vốn/Thị trường tiền tệ

Căn cứ vào thời gian sử dụng nguồn tài chính huy động được, thị trường tài chính được phân làm 2 loại:

  • Thị trường tiền tệ: Là một thị trường tài chính chỉ giao dịch các công cụ tài chính ngắn hạn (được giới hạn kỳ hạn thanh toán dưới 1 năm). Nơi đây liên tục diễn ra các hoạt động của cung và cầu về vốn ngắn hạn. Vốn ngắn hạn ở đây được xác định bao gồm các giấy tờ có giá ngắn hạn, có kỳ hạn, có thể coi như mua bán những món nợ ngắn hạn có rủi ro thấp, tính thanh khoản cao.
  • Thị trường vốn: Đây là nơi diễn ra việc mua bán các công cụ nợ dài hạn như cổ phiếu, trái phiếu. Thị trường vốn theo định nghĩa kinh tế học, được phân thành ba bộ phận chính là thị trường cổ phiếu, trái phiếu và các khoản cho vay thế chấp.

5. Thị trường phái sinh

Các đồng kỳ hạn, quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng hoán đổi, chứng quyền, quyền mua cổ phần… được gọi là các công cụ phái sinh. Thị trường phái sinh là nơi diễn ra hoạt động giao dịch các công cụ này. Chính vì thế, đây còn được gọi là thị trường tài chính cao cấp.

6. Thị trường ngoại hối Forex

thi-truong-tai-chinh-thi-truong-forexThị trường Forex - một phần của thị trường tài chính

Nơi đây là một thị trường tài chính khổng lồ với sự cho phép giao dịch ngoại tệ và nhiều loại tài sản khác nhau như vàng, dầu thô, Bitcoin, bạc, bạch kim… Đặc biệt, với lượng giao dịch khổng lồ mỗi ngày, Forex được coi là thị trường tài chính lớn nhất thế giới.

V. Kết luận

Hiểu biết về thị trường tài chính sẽ đem tới cho bạn những cơ hội khổng lồ để đầu tư tài chính và tìm kiếm lợi nhuận. Trên đây là những thông tin cơ bản nhất để bạn bước đầu có cái nhìn sơ lược về mảng thị trường vô cùng đặc biệt này. Hãy cùng tìm hiểu về tài chính và các công cụ tài chính ở các bài viết sau của 123job nhé!

Xem thêm:

Tài chính doanh nghiệp là gì? Công việc của tài chính doanh nghiệp?